Thế Giới

Ý và Pháp tiếp tục tranh cãi về vấn đề di dân

Wednesday, 13/06/2018 - 08:31:26

Ý nhận được những lời khen chê lẫn lộn, sau khi nước này từ chối không nhận tàu cứu nạn Aquarius, sau khi tàu này băng qua Địa Trung Hải chở theo 629 di dân châu Phi.

ROME – Vào ngày thứ Tư, viên chức Ý đã tiếp tục tranh cãi với Pháp, bằng cách thách thức nước láng giềng nhận thêm di dân, và yêu cầu Paris phải xin lỗi sau khi Tổng Thống Pháp cáo buộc chính quyền mới ở Rome là vô trách nhiệm, khi không chịu tiếp nhận một thuyền cứu nạn đang chở hàng trăm di dân. Ngoài ra, Ý cũng triệu tập đại sứ Pháp để bày tỏ sự phản đối, hủy một cuộc họp đã được lên lịch trình giữa các bộ trưởng tài chính, và khuyến cáo rằng quan hệ ngoại giao giữa 2 nước có thể bị hủy hoại.
Bộ Trưởng Nội Vụ Ý, ông Matteo Salvivi, đã chỉ trích ông Macron rằng, Pháp cho tới nay chỉ nhận một phần nhỏ trong con số 9,816 di dân mà nước này hứa sẽ thu nhận theo kế hoạch tái định cư năm 2015 của EU. Kế hoạch của Liên Âu được thiết kế nhằm giảm áp lực di dân đối với Ý và Hy Lạp. Tuy nhiên, kế hoạch này đã thất bại nặng nề, khi chỉ có vài nước chịu nhận số di dân theo đúng lời hứa của họ của EU.
Ý nhận được những lời khen chê lẫn lộn, sau khi nước này từ chối không nhận tàu cứu nạn Aquarius, sau khi tàu này băng qua Địa Trung Hải chở theo 629 di dân châu Phi. Chính phủ Rome nói rằng, những hành khách trên tàu Aquarius không hề gặp nguy hiểm, và cho rằng các nước châu Âu khác nên chia sẻ việc thu nhận người tị nạn. Hai tàu Hải quân Ý đã hộ tống tàu Aquarius tới Tây Ban Nha, sau khi chính phủ xã hội chủ nghĩa của tân Thủ Tướng Pedro Sanchez tuyên bố sẽ nhận những người di dân này. Tàu Aquarius dự kiến sẽ đến cảng Valencia vào thứ Bảy.

Thẩm phán Phi kêu gọi kiện Trung Quốc
MANILA - Một thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện Phi Luật Tân đã kêu gọi chính phủ kiện Trung Quốc ra tòa, vì vi phạm Luật hàng hải của Liên Hiệp Quốc khi phá hủy các rặng san hô trong khu vực tranh chấp trên biển Đông. Trong thông cáo ngày thứ Ba, quyền Chánh Án Tối Cao Pháp Viện Antonio Carpio, người có lập trường phản đối các chính sách thân Trung Quốc của Tổng Thống Rodrigo Duterte, cho rằng chính phủ Manila phải yêu cầu Bắc Kinh bồi thường về những hư hại tại các rặng san hô, gây ra bởi việc khai thác ốc vòi voi của các tàu cá Trung Quốc.
Trước đó, vào thứ Hai, truyền thông Philippines đưa tin rằng, các tàu cá Trung Quốc đã đánh bắt ốc vòi voi và gây hư hại các rặng san hô tại bãi đá Scarborough, nơi cách Philippines khoảng 200 cây số, được tuyên bố chủ quyền bởi cả Bắc Kinh và Manila. Trung Quốc chiếm bãi đá Scarborough, nơi có nhiều tài nguyên biển, vào năm 2012, và sau đó ngăn không cho ngư dân Philippines đến gần khu vực này. Phát ngôn viên của Tổng Thống Duterte, ông Harry Roque, nói rằng chính phủ sẽ thảo luận về vấn đề các rặng san hô với Trung Quốc, thay vì kiện lên tòa án quốc tế, vì điều này sẽ đảo ngược các tiến triển ngoại giao mà 2 bên đã đạt được. Vào năm 2016, Tòa trọng tài quốc tế The Hague đã bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, và phán quyết rằng bãi đá Scarborough là ngư trường truyền thống của người Philippines, Việt Nam, và Trung Quốc.

Nam Hàn: Ngưng tập trận cần để đàm phán hạt nhân
SEOUL - Phủ tổng thống Nam Hàn hôm thứ Tư cho biết, việc đình chỉ tập trận với Hoa Kỳ có thể là điều cần thiết để thúc đẩy các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân với Bắc Hàn. Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp lịch sử với Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un vào thứ Ba, Tổng Thống Donald Trump nói ông sẽ đình chỉ các cuộc tập trận thường niên giữa Hoa Kỳ với Nam Hàn, mà ông cho là “mang tính khiêu khích” và “quá tốn kém.” Khi được hỏi về các tuyên bố của Tổng Thống Trump, phát ngôn viên của tổng thống Nam Hàn, ông Kim Eui Kyeom, nói rằng cần phải có những biện pháp để thúc đẩy đối thoại về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên, Seoul “vẫn cần phải tìm hiểu chính xác ý nghĩa của các tuyên bố của Tổng Thống Trump.”
Hai cuộc tập trận thường niên quan trọng nhất của Hoa Kỳ và Nam Hàn, là Foal Eagle và Max Thunder, đã kết thúc vào tháng trước. Một số cuộc tập trận lớn khác sẽ diễn ra vào tháng 8 theo lịch trình. Hoa Kỳ đang có khoảng 28,500 quân nhân tại Nam Hàn, và 2 miền trên bán đảo Triều Tiên trên thực tế vẫn còn trong tình trạng chiến tranh, do cuộc chiến 1950-1953 chỉ kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn thay vì một hiệp ước hòa bình. Tuyên bố đình chỉ tập trận của ông Trump đã gây ngạc nhiên cho chính phủ của Tổng Thống Moon Jae In, người trong nhiều tháng qua đã nỗ lực làm việc để tổ chức cuộc họp Trump – Kim. Ông Moon sẽ chủ trì một hội nghị an ninh quốc gia vào thứ Năm, để thảo luận kết quả cuộc họp ngày thứ Ba. Chính phủ Trump đã khẳng định sẽ không giảm nhẹ hay xóa bỏ các lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn, trước khi nước này có hành động thực tế trong việc hủy bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân.

Hoa Kỳ trừng phạt tướng Cambodia vì nhân quyền
PHNOM PENH – Chính phủ Hoa Kỳ vừa ban hành một số lệnh trừng phạt đối với chỉ huy lực lượng vệ sĩ của Thủ Tướng Cambodia Hun Sen, do các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Đây cũng là nhân vật đầu tiên trong nội các của ông Hun Sen bị Washington đưa vào danh sách đen. Tướng Hing Bun Hieng, chỉ huy lực lượng vệ sĩ PMBU, bị trừng phạt vì là “lãnh đạo của một tổ chức liên quan đến các hành động vi phạm nhân quyền,” theo Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Tư.
Lệnh trừng phạt đối với phụ tá trung thành của ông Hun Sen được ban hành giữa lúc quan hệ giữa Washington và Phnom Penh đang ngày càng căng thẳng. Vào tháng 3 năm nay, Thủ Tướng Hun Sen đã gọi Hoa Kỳ là dối trá, sau khi Washington đình chỉ nhiều khoản viện trợ với cáo buộc chính phủ Cambodia gây bất ổn chính trị trong nước.
Theo Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ, lực lượng PMBU có liên quan tới nhiều vụ vi phạm nhân quyền xảy ra từ năm 1997 tới nay, bao gồm cả một vụ tấn công các chính trị gia đối lập trong năm 2015. Ba thành viên của PMBU đã bị kết án tù sau vụ này, nhưng họ lại được thăng chức sau khi được phóng thích. Ông Sigal Mandelker, phụ tá Bộ Trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ, cho biết Tướng Hing Bun Hieng có liên quan trực tiếp đến các vụ tấn công nhắm vào nhiều người, bao gồm cả 1 công dân Hoa Kỳ. Lệnh trừng phạt của Bộ Ngân Khố sẽ phong tỏa mọi tài sản của Tướng Hing Bun Hieng trong phạm vi kiểm soát của Hoa Kỳ, và cấm mọi công dân Hoa Kỳ giao dịch thương mại với vị tướng này.

Lật thuyền ở Indonesia, hàng chục người thiệt mạng
SULAWESI – Nhà chức trách Indonesia cho biết, vào hôm thứ Tư, ít nhất 13 người đã thiệt mạng khi một thuyền chở khách trong dịp lễ Eid Al-Fitr bị lật ở ngoài khơi đảo Sulawesi. Theo viên chức địa phương, 24 hành khách đã phải nhập viện và có thể vẫn còn nhiều người mất tích. Chiếc thuyền gỗ chở đầy khách khởi hành từ thủ phủ Makassar của tỉnh Nam Sulawesi ,để đến hòn đảo du lịch Barrang Lompo, cách thành phố 15 cây số về phía tây bắc.
Trong quá trình di chuyển, thuyền đã gặp phải sóng lớn do thời tiết xấu và bị lật. Cảnh sát thành phố Makassar cũng xác nhận con thuyền đã chở quá tải. Theo thống kê, gần 32 triệu người dân Indonesia đã di chuyển trong dịp lễ Eid Al-Fitr. Đây là tai nạn đường thủy mới nhất tại Indonesia, nơi người dân phải phụ thuộc phần lớn vào thuyền, phà để di chuyển qua lại giữa 17,000 hòn đảo. Trước đó, trong ngày đầu năm mới, 9 người đã thiệt mạng sau khi một thuyền chở khách bị lật lúc đang trên đường từ thành phố Tarakan đến Tanjung Selor trên đảo Borneo.

Nhật Bản hạ độ tuổi người trưởng thành
TOKYO – Vào hôm thứ Tư, Quốc Hội Nhật đã sửa đổi Luật Dân Sự, hạ độ tuổi người trưởng thành từ 20 tuổi xuống 18 tuổi. Đạo luật đã sửa đổi sẽ có hiệu lực từ tháng 4, 2022, khi đó, những người từ 18 tuổi trở lên sẽ được phép kết hôn mà không cần sự đồng ý của cha mẹ. Luật hiện hành của Nhật quy định người dưới 20 tuổi chỉ được kết hôn khi cha mẹ đồng ý, với độ tuổi tối thiểu là 18 đối với nam và 16 đối với nữ.
Bên cạnh việc hạ độ tuổi người trưởng thành, các nhà lập pháp Nhật cũng sửa đổi 22 quy định khác, liên quan đến quốc tịch và hộ chiếu. Tuy nhiên, những người dưới 20 tuổi vẫn sẽ bị cấm uống bia rượu, hút thuốc lá và chơi cờ bạc. Sự sửa đổi này nhằm khuyến khích giới trẻ Nhật Bản sớm lập gia đình, tham gia nhiều hơn vào đời sống xã hội, để giải quyết tình trạng già hóa dân số.
Theo số liệu thống kê mới nhất, số lượng suy giảm dân số tự nhiên của nước này trong năm 2017 đạt mức cao kỷ lục 394,373 người, với số trẻ sơ sinh giảm 30,918 em so với năm trước đó, trong khi số người chết vì tuổi già lại lên đến mức cao kỷ lục sau thời chiến là hơn 1.3 triệu người. Mức giảm dân số tự nhiên của một quốc gia được tính bằng số người chết do tuổi già trừ đi số trẻ em mới sinh.

Liên quân Saudi tấn công thành phố cảng Yemen
HODEIDA – Liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu, ủng hộ chính phủ lưu vong của Yemen, vào hôm thứ Tư đã mở cuộc tấn công dữ dội vào thành phố cảng Hodeida. Đây cũng là chiến dịch lớn nhất trong cuộc chiến kéo dài nhiều năm tại Yemen, nhằm giành lấy hải cảng – lối vào chính để vận chuyển lương thực và nhu yếu phẩm cho thành phố đang đến bờ vực của nạn đói.
Cuộc chiến tại thành phố cảng ở Hồng Hải có mục tiêu đánh đuổi phiến quân Houthis, một tổ chức Hồi giáo Shiite được Iran ủng hộ, đã chiếm cứ Hodeida từ năm 2015. Tuy nhiên, chiến dịch này có thể dẫn đến một cuộc chiến dai dẳng trên từng con đường của thành phố, và có thể gây thương vong trầm trọng.
Ngoài ra, cuộc chiến có thể sẽ khiến cảng Hodeida không thể hoạt động, trong lúc hàng triệu người Yemen không còn đủ lương thực để sinh sống. Khoảng 70% thực phẩm tại Yemen đều được nhập cảng thông qua Hodeida, cùng một lượng lớn hàng viện trợ và nhiên liệu. Theo ước tính, 2 phần 3 của dân số 27 triệu người của Yemen đang sống nhờ hàng viện trợ, và khoảng 8.4 triệu người đang có nguy cơ bị đói.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT