Pháp Luật

Adoption: Nhận con nuôi

Thursday, 13/05/2010 - 02:14:12

Điều này có nghĩa là cha mẹ sẽ có bổn phận lo lắng cho trẻ em này, từ việc nuôi nấng đến dạy dỗ các em, cũng như sẽ phải chịu trách ...

Luật Sư Trần Khánh Hưng


Adoption là thủ tục nhận trẻ vị thành niên làm con nuôi. Khi hoàn tất thủ tục này, cha mẹ đỡ đầu sẽ trở thành cha mẹ của trẻ em trên phương diện pháp lý.



Điều này có nghĩa là cha mẹ sẽ có bổn phận lo lắng cho trẻ em này, từ việc nuôi nấng đến dạy dỗ các em, cũng như sẽ phải chịu trách nhiệm cho những việc các em làm như những cha mẹ khác. Nếu cha mẹ ruột các em còn sống, thì phải có sự đồng ý của cha mẹ ruột, trừ trường hợp quyền cha mẹ của họ đã bị tước bỏ bởi tòa. Muốn nhận con nuôi, cha mẹ nuôi thuờng phải qua những cuộc điều tra để bảo đảm cha mẹ nuôi thích hợp với vai trò của họ.


Sự khác biệt giữa người giám hộ  và cha mẹ nuôi là gì?

Sự khác biệt giữa người giám hộ (guardian) và cha mẹ nuôi (adoptive parents), là cha mẹ nuôi sẽ hoàn toàn có những quyền hạn và những trách nhiệm với các em trên phương diện pháp lý, như chính cha mẹ ruột của các em, trong khi người giám hộ có thể được tòa chỉ định để trông nom, săn sóc các em cho đến khi các em đến 18 tuổi. Tuy người giám hộ cũng được quyền quyết định phần lớn những quyết định cho các em, nhưng tòa vẫn giữ thẩm quyền để quyết định cho các em, bất kể có sự đồng ý của người giám hộ.


Tôi không có gia đình, vậy tôi có thể nhận con nuôi không?

Việc nhận con nuôi không đòi hỏi bạn phải có vợ hay chồng, miễn là bạn có đủ điều kiện tài chánh và sức khoẻ để có thể nuôi dưỡng và dạy dỗ các em, cũng như cho các em một đời sống an bình như những trẻ em khác.

Có nhiều cách để tiến hành thủ tục nhận con nuôi. Chúng tôi xin tóm lược những phương cách này:

1. Nhận con nuôi qua các cơ quan (Agency Adoptions):

Khi các em trong tuổi vị thành niên bị bỏ rơi, bị hành hạ, hay bị cha mẹ từ, các em sẽ được đưa đến những cơ quan của chính phủ hay của những văn phòng có giấy phép của tiểu bang, để đuợc người khác nhận làm con nuôi.  Quyền cha mẹ của người cha mẹ ruột các em đã bị chấm dứt bởi tòa án hay bằng đơn từ con do cha mẹ nộp. Trong thời gian đó, các cơ quan này sẽ có trách nhiệm về việc nuôi dưỡng và kiểm soát các em. Các cơ quan này cũng sẽ điều tra lý lịch của những người nộp đơn xin nhận con nuôi trước khi chấp thuận đơn. Và sau khi các em đã về ở với gia đình mới, các cơ quan này vẫn theo dõi tình hình của các em ít nhất là 6 tháng, trước khi toà chấp thuận các em chính thức trở thành con của gia đình này.

2. Nhận con nuôi trực tiếp (Independent Adoptions):

Theo phương pháp này, các em được chuyển thẳng sang người cha mẹ nuôi mà không qua những cơ quan của chính phủ hay của tư nhân kể trên.  Nhiều trường hợp cha mẹ ruột của em có thể  liên lạc trực tiếp với người muốn làm cha mẹ nuôi, hoặc có thể qua những trung gian như luật sư, bác sĩ, hay các cha, các sơ v.v…Cha mẹ nuôi phải hiểu rõ và chấp nhận những trách nhiệm của họ với con nuôi của mình. Ngược lại, cha mẹ ruột sẽ phải ký những giấy tờ xác nhận là họ đã hiểu rõ hậu quả của việc cho con.  Sau khi ký giấy này, cha mẹ ruột vẫn có thể đổi ý trong vòng 30 ngày, kể từ ngày ký, và không còn được thay đổi sau thời hạn này.

3. Nhận con riêng thành con nuôi  (Stepparent Adoption):

Phương cách này dành cho những người có đã con và ở trong tình trạng độc thân, sau đó lập gia đình lại, và người chồng hay vợ mới muốn chính thức nhận con riêng thành con mình. Cách này tương đối đơn giản hơn những cách trước, nhất là khi có sự đồng ý của người chồng cũ hay vợ cũ (cha hay mẹ ruột của đứa trẻ). Trường hợp không tìm được hoặc không có sự đồng ý của người đó, thì việc nhận con nuôi sẽ khó khăn và phức tạp hơn.

4. Nhận con nuôi từ những nước khác (International Adoptions):

Bạn có thể nhận con nuôi từ những nước khác, ngoài nước Mỹ. Ngoài những thủ tục nhận con nuôi của Hoa Kỳ và nước có người con bạn muốn nhận, bạn còn phải xin một giấy chiếu khán (visa) từ Sở Di Trú Hoa Kỳ, cho phép người con nuôi được vào nước Mỹ. Ngoài những thủ tục này, Sở Di Trú của Hoa Kỳ (Bureau of Citizenship and Immigration Services) đòi hỏi cha mẹ nuôi phải hội đủ những điều kiện sau đây:

Trẻ em phải là vị thành niên.

Một trong hai cha mẹ nuôi phải là công dân Hoa Kỳ, nguời phối ngẫu có thể không phải là công dân Hoa Kỳ, nhưng phải được nhập cảnh hợp pháp.

Cha mẹ nuôi phải có gia đình, hoặc là 25 tuổi trở lên.

Cha mẹ nuôi phải hoàn tất thủ tục nhận con nuôi.

Nếu người con nuôi đang sống tại Hoa Kỳ, phải là người nhập cảnh hợp pháp.

Nếu giấy tờ nhận con nuôi đã hoàn tất, người con nuôi sẽ được trở thành công dân Hoa Kỳ ngay khi được nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, một số nước không chấp nhận việc những cặp vợ chồng đồng giới (gays or lesbians) được nhận con nuôi từ nước của họ. Vì vậy, những người muốn nhận con nuôi từ những nước này phải ký giấy xác nhận là họ là cặp vợ chồng bình thường (heterosexual).

5. Nhận con riêng làm con nuôi (Domestic Partner Adoption):

Trong khi đó, tiểu bang California đã thông qua luật cho phép những cặp vợ chồng có đồng giới tính được quyền nhận con riêng của người phối ngẫu trở trành con của mình, với thủ tục tương đối dễ dàng như những trường hợp của các cặp vợ chồng bình thường. Tuy nhiên, những cặp này phải qua thủ tục trở thành vợ chồng của tiểu bang California.

6. Nhận thân nhân làm con nuôi (Relative Adoption):

Khi cha mẹ của những trẻ vị thành niên qua đời hay ruồng bỏ các em, hoặc không thể nuôi dưỡng các con vì họ bị tù tội v.v...,  ông bà, chú bác hay thân nhân của các em có thể nhận các em làm con nuôi. Thủ tục nhận con nuôi cho những trường hợp này tương đối dễ hơn những trường hợp cha mẹ nuôi không có liên hệ huyết thống với các em.


Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về những vấn đề liên quan đến việc nhận con nuôi tại California, không phải là cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại  davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA  92683.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT