Hôn Nhân, Cuộc Sống

ĂN CỖ ĐI …TRƯỚC

Sunday, 01/10/2006 - 03:13:19

Trong nhiều trường hợp, nộp đơn “sớm” dễ vào trường đại học mình muốn gấp 3,4 lần nộp đơn "bình thường." Những học sinh nộp đơn vào các chương trình "sớm" này ...

Hoàng Châu


Một số đại học ngày nay cho phép các học sinh nộp đơn “sớm” (early) và nhận được kết quả “sớm” hơn – 3 tới 4 tháng – so với “bình thường” (regular.) Họ làm như vậy nhằm mục đích thu hút nhiều học sinh nộp đơn, lấy trước đi (phỗng tay trên!) những tài năng xuất chúng trước khi tới tay những trường khác hoặc tăng điểm xếp hạng (ranking) trường mình.



Trong nhiều trường hợp, nộp đơn “sớm” dễ vào trường đại học mình muốn gấp 3,4 lần nộp đơn "bình thường." Những học sinh nộp đơn vào các chương trình "sớm" này có tin của đại học mình yêu thích (nhận, từ chối hay xem xét lại) khi các bạn cùng lớp còn đang loay hoay, lưỡng lự chưa biết quyết định nộp đơn trường nào.

Năm học mới sắp bắt đầu, các học sinh sẽ nghe bạn mình nói nhiều về các chương trình “sớm.” Hiện nay 270 trường đại học có các chương trình “sớm” này. Mỗi trường đều có một chương trình "sớm" khác nhau khiến học sinh dễ bị lẫn lộn nên bị gọi một cách mỉa mai là "early confusion" -- nghĩa là "lẫn lộn sớm." Do vậy trước khi nộp đơn cần phải đọc rõ những quy định tuyển sinh mà mỗi năm mỗi trường đều thay đổi.

1. Phân loại: Có 4 loại nộp đơn “sớm”:

+ Early Decision:

Tạm dịch là “quyết định sớm.” Đây là chương trình khởi thủy bắt nguồn cho mọi chương trình sớm khác. Hạn chót học sinh nộp đơn vào ngày 1 hay 15 tháng 11 (tùy trường) và nhận được kết quả vào ngày 15/12. Thời hạn chót học sinh trả lời, nghĩa là làm “quyết định sớm” (có đi trường đó hay không) là ngày 01/01. Quyết định này trở thành một hợp đồng và học sinh bị ràng buộc với quyết định của mình – phải rút hết đơn đã nộp cho các đại học khác.

Đồng thời với thư thông báo nhận học sinh vào đại học, trường sẽ gửi financial aid package (trợ giúp tài chánh) tạm thời và sẽ trở thành chính thức khi đầy đủ giấy tờ chứng minh (FAFSA, Income tax, W-2…) Những trường đại học như  Brown, Cornell, Duke, Columbia, Penn, Princeton, Rice… vẫn còn áp dụng phương pháp nghiêm nhặt này.

Năm 2006, tại Princeton cứ 100 học sinh nộp đơn “quyết định sớm” thì 27 được nhận, trong khi đó cứ 100 học sinh nộp “bình thưởng” thì chỉ 8 được nhận. Tỷ lệ cao hơn 3-4 lần!

+Early Action:

Tạm dich là “xem xét sớm.” Hình thức này thoáng nhất, nó không hề ràng buộc học sinh với bất cứ hợp đồng hay hứa hẹn gì, mở rộng cánh cửa cho học sinh lựa chọn. Học sinh có quyền nộp đơn tất cả các trường, bất kể “sớm” hay không và hoàn toàn không bị hạn chế. Ban tuyển sinh sẽ “xem xét sớm” và cho học sinh biết tin vào ngày 15/12. Tuy nhiên học sinh được quyền trả lời (theo học hay không) mãi tới ngày 01 tháng 5. Và dĩ nhiên trong thời gian đó học sinh có quyền nộp đơn thêm nhiều trường khác để có thể so sánh financial aid package (trợ giúp tài chánh) mỗi trường hơn kém ra sao. Các trường áp dụng phương thức này là CalTech, MIT, Boston College, Georgetown, Notre Dame…

Học sinh thường dùng những cơ hội này để dò dẫm, đánh giá và điều chỉnh chiến lược nộp đơn thêm những nơi khác. Năm 2006, MIT có tỷ lệ nhận vào " xem xét sớm" là 12.2%, "bình thường" là10%. Như vậy đối với Early Action "sớm" hay "bình thường" cũng gần như nhau mà thôi.

+Single-Choice Early Action:

Tạm dịch là " Xem xét sớm Một chọn lựa." Chương trình này chỉ cho phép học sinh nộp đơn “sớm” duy nhất MỘT TRƯỜNG (single-choice) của họ mà thôi. Họ cấm học sinh nộp đơn “sớm” tại bất cứ một trường nào khác– cho dù là early action hay early decision.

Ba trường đang áp dụng thể thức này là 3 "đại gia" Harvard, Yale và Stanford. Lưu ý là học sinh vẫn có quyển nộp “bình thường” tại bất kỳ một trường nào khác.

Năm 2006, Stanford nhận “sớm” 853 tân sinh viên trong tổng số 4,503 đơn xin, tỷ lệ 18.9% và nhận “bình thường” 1547 tân sinh viên trong tổng số 21,370 đơn xin, tỷ lệ 7.2%. Thật là một khác biệt lớn giữa 18.9% và 7.2%!

Cũng năm 2006, Harvard nhận “sớm” 892 tân sinh viên trong tổng số 4,214 đơn xin, tỷ lệ 21.2% và nhận “bình thường” 1210 tân sinh viên trong tổng số 22,769 đơn xin, tỷ lệ 5.2%. Như vậy tỷ lệ phần trăm của "single-choice early action" cao gấp 3-4 lần "bình thường."

Có người cho rằng, những con số trên không nên được suy diễn rằng nộp đơn “sớm” sẽ dễ vào hơn –  vì những học sinh được nhận vào “sớm” thường có một thành tích rất cao (trong học vấn cũng như trong những hoạt động ngoại khoá ) và các học sinh nộp “bình thường” có một thành tích khiêm tốn hơn một chút nên tỷ lệ nhận vào cũng tương đối nhỏ hơn.

Lưu ý: Stanford đang nhận đơn single-choice early action cho mùa thu2007. Học sinh nào muốn đi trường này hãy chuẩn bị hồ sơ. Các bài  luận văn (essays) giống như năm trước.

+Rolling Early Decision:

Tạm dịch là “quyết định sớm theo giai đoạn.” Nhà trường chia việc tuyển sinh ra nhiều giai đoạn và học sinh nhận được quyết định theo nhiều thời điểm khác nhau. Nếu được nhận vào, học sinh làm quyết định chung cuộc ngày 1 tháng 5 như mọi trường khác. Các trường Baylor, Michigan, Nebraska, Penn State… và một số trường công lớn áp dụng quy chế trên.

2. Nên hay không nên nộp đơn các chương trình sớm.

Nói chung, có 3 loại học sinh nên nộp đơn “sớm”. Một là học sinh mạnh về SAT/GPA, có hồ sơ tốt, biết rõ trường đại học mình muốn. Hai là những học sinh được thừa hưởng “di sản” (legacy) do cha mẹ là cựu sinh viên, con cái được ưu tiên nhận vào. Ba là những học sinh không cần cân nhắc về các khoản trợ cấp tài chánh.

Có những bằng chứng cho thấy một học sinh xuất thân từ gia đình trung lưu nếu nộp đơn “sớm” sẽ nhận được khoản trợ cấp tài chánh ít hơn so với nộp đơn “bình thường.”

Không nên nộp đơn “sớm” nếu học sinh cần thêm thời gian để “đánh bóng” hồ sơ, nâng cao SAT/GPA thêm và muốn có dịp so sánh các financial aid package (trợ cấp tài chánh) của các trường để xem coi các trường cho tiền ít nhiều ra sao.

3. Phê bình các chương trình sớm:

Theo James Fallows, một cựu chủ biên của U.S. News & World Report, một số trường dùng các chương trình “sớm” để cho trường được xếp hạng cao hơn – vì trường càng khó vào càng được xếp hạng cao. Đại học University of North Carolina ở Chapel Hill đã đóng lại chương trình “sớm” vì nhận ra mặt tiêu cực của chúng.

Cuối cùng dù nộp đơn “sớm” hay “bình thường,” học sinh hãy nghiên cứu và suy nghĩ về lựa chọn của mình, ý thức được những ưu khuyết điểm của cả hai. Nếu nộp đơn sớm và vào được, học sinh sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, bớt được gánh nặng tâm lý khi làm hồ sơ tuyển sinh. Hơn nữa còn tiết kiệm tiền bạc do nộp đơn nhiều trường, tiết kiệm thời gian để lo cho các lớp AP hay lo cho vấn đề đời sống trên đại học. Còn nếu bị từ chối “sớm”, điều đó cũng giúp học sinh nhìn lại, rút kinh nghiệm và điều chỉnh hồ sơ sao cho đạt được mức hoàn hảo khi nộp đơn “bình thường.”

Copyright © 2006 by VienDongDailyNews

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT