Đời Sống Việt

Ăn Tết: Việt Nam hay hải ngoại?

Thanh Võ/Viễn Đông Wednesday, 06/02/2013 - 07:48:11

Bác nghĩ gì về tình trạng nói thách, ép giá, cùng tình trạng chen chúc và móc túi, cướp giật vốn đã có mà lại càng gia tăng trong những ngày này?

Thanh Võ/Viễn Đông

Tuần rồi tình cờ gặp bác Hảo trên đường Bolsa, bácbảo tôi làbác sang Cali thăm người bà con, rồi sau đó sẽ bay về Việt Nam ăn Tết. Tôi ngạc nhiên: "Lại nữa?" vì đây không biết là lần thứ mấybác về bên đó đón xuân.Bác kéo tôi vào một quán ăn tâm sựcho vui trước khi về nhà chuẩn bị hành lý lên đường. Thấybác quá vui nên tôi nhận lời. Khi ngồi vào bàn cùng bác trò chuyện, bỗng dưng tôi có ý làm vài cuộc phỏng vấn bỏ túi xoay quanh vấn đề"Ăn Tết ở Việt Nam hay ởhải ngoại?".

Đón Tết một mình tủi thân lắm...
- Chào bác, lý do gì khiến bác về Việt Nam đón Tết hầu như hằng năm như vậy?
- Tui tên Quách Tú Hảo, 69 tuổi, trước kia tui là chủ tiệm vàng tại Chợ Lớn, đã về hưu gần 4 năm rồi. Tui rời Việt nam năm 1980 sang định cư tại Úc. Tui còn hai người em, một trai, một gái, đã có vợ có chồng. Cháu thì tui có rất đông. Sở dĩ tui thích về bên đó đón Tết hơn là vì bên đây buồn quá. Ở Melbourne cũng có chợ hoa, chợ Tết, tuy không xôm tụ như khu Bolsa này. Nhưng nói gì thì nói không nơiđâu có thể sánh bằng khu Chợ Lớn. Tui về ở nhà cô em, vui lắm, cứ đứng nhìn thiên hạ chộn rộnlà tui thấyvui lây rồi. Chợ Tết thì khỏi nói, hàng hóa ngập tràn, còn chợ hoa thì bông hoa bày la liệt. Tui về lần này là lần thứ tư, và tui sẽtiếp tụcvề nữa, nếu còn sức khỏe.
- Bác nghĩ gì về tình trạng nói thách, ép giá, cùng tình trạng chen chúc và móc túi, cướp giật vốn đã có mà lại càng gia tăng trong những ngày này?
- Có gì đâu mà lo dữ vậy. Ra đường mình đừng ăn mặc sang trọngquá, cũng đừng mang nhiều tiền hay đeo vàng vòng chi cho tụi nói để ý. Tính tui giản dị, ăn mặc xuềng xoàng, nên chưa bao giờ bị móc túi hay cướp bóc gì hết cả. Còn về hay không về Việt Nam đón Tết thì ai muốn làm gì tui không có ý kiến. Người Hoa tụi tui lo làm ăn buôn bán, không thích nói tới chính trị.
- Thế gia đình bác có mong mỏi bác phải cho tiền thì họ mới vui hay không? Về đó, bác có phải chi tiêu mọi thứ cho người nhà thì anh chịem mới đón tiếp bác đàng hoàng niềm nở?
- Hổng có vụ đó à nha. Dòng họ tui người Việt gốc Hoa, không coi trọng tiền bạc lắm đâu. Tui về tụi nó còn mua sắm cho tui nữa đó chứ lị. Anh em một nhà mà, tính toán quá hổng tốt, ba má tui dạy vậy. Mà tụi nó khá giả lắm, đâu cần tui giúp. Tui về là để vui với anh em con cháu, chứ Tết bên này thui thủi một mình, tủi thân lắm...

Dễ dàng thì dễ sống...
- Chào chị, năm nay chị có về Việt Nam ăn Tết không?
-Chị tên Đoàn Kim Liên, 56 tuổi, trước kia là giáo viên sinh ngữ tại Trung Tâm Bồi Dưỡng Bách Khoa tại Sài Gòn. Chị rời quê hương năm 2003. Năm nay tiếc quá đi, chị mua vé trễ nên vừa mắc vừa không còn ngày giờ mình muốn, thôi đợi năm sau vậy.
- Chị về ăn Tết tại Việt Nam năm nào? Mong chị cho biết suy nghĩ và lý do vì sao chị về bên ấy?
- Khi qua Mỹ, chị lo đi làm dành dụm tiền. Vé về Việt Namvào dịp Tết mắc lắm, lại phải mua trước mấy tháng trời nữa chứ, nên mãi đến năm 2011 chị mới về Việt Namđónxuânvới em trai và các cháu. Là người Việt Nam tha hương, không ai là không mang theo mình hồi ức của bao nhiêu đêm giao thừa đầy kỷ niệm. Chị nhớkhông khírộn rịp những ngày giáp Tết, nhớ gió trời lành lạnh từ mùa Giáng Sinh mang lại. Chị nhớ mùi pháo Tết, nhớ tiếng trống tiếng lân những ngày trong Tết. Tuy bên này cũng có bánh chưng bánh tét, có diễu hành ngày xuân, nhưng sao chị vẫn không vẫn cảm nhận được cái cảm giác của ngày xưa. Chị về quê hương những ngày đầu năm vì muốn tìm lại cho mình cái cảm giác không diễn tả được đó.
- Thế chị nghĩ gì khi có một vài ý kiến cho rằng chỉ nên về khi quê hương không còn chế độ cộng sản?
- Ở tuổi chị mà cònnghĩ tới cộng sản hay trừ sản nữa mà làm gì. Chị sống cuộc đời chị, chị thương em, thương cháu thì về thăm. Chị không quan tâm đến suy nghĩ hay quan niệm của người khác.
- Về bên đó những dịpđông đúc này chị có gặp trở ngại gì không?
- Không. Chị chưa hề bị móc túi hay cướp giật gì cả. Chỉ có nạn kẹt xe cũng hơi ngán, nhưng đã gọi là về chơi thì thời gian đâu còn là vấn đề nữa vì có đi đâu mà vội mà vàng. À, năm 2011 chị về ăn Tết thì có bị tiêu chảy vài ngày, có lẽ do ăn uống bên ngoài không được vệ sinh lắm, nhưng uống thuốc là khỏi ngay. Chị luôncó phương châm "dễ dàng thì dễ sống" (take it easy), nên mọi việc dù to với chị cũngthành bé.


Cho con biết thế nào làTết quê hương...

- Chào hai bạn. Năm nay hai bạn có định đưa hai bé về Việt Nam ăn Tết không?
- Mình tên Đỗ Hùng, bà xã tênNguyễn Như Ý. Bọn mình 40 và 38 tuổi. Trước kia hai đứa học chung trường Bách Khoa ở Sài Gòn, qua Florida năm 1989 và nay thì làm chung ngành kỹ sư điện toán. Bọn mình có dẫn hai bé Andrew, 12 tuổi, và Kathy, 14 tuổi, về Việt Nam vào dịp Tết 2010. Nói chung thì chuyến đi tốt đẹp.
- Hai bạn có thể nói rõ hơn lý do hai bạn dẫn con về Việt Nam và các kỷ niệm gì trong chuyến đi đó?
- Mình còn ba mẹ ở Nha Trang, còn Như Ý thì không còn ai bên đó cả. Khi quyết định dẫn hai con về Việt Nam, bọn mình cũng hơi lo, nhất là vấn đề ăn uống và vệ sinh. Nhưng bọn mình muốn hai bé biết thế nào là Tết ở quê hương, hơn nữa vào tháng Giêng, tháng Hai thì Việt nam trời lành lạnh rất dễ chịu cho hai bé.
- Như Ý: Lần đó về hên quá không ai bị gì hết. Cả nhà đi khu vui chơi Bình Quới vào mùng 3 Tết, người đông kinh khủng, nhưng vui lắm, hai đứanhóc khoái chí vô cùng.
- Andrew và Kathy, về Việt Nam hai con thích nhất cái gì?
- Andrew: Con thíchnhất làăncứt chuột (thèo lèo cứt chuột).
- Kathy: Còn con thích ginger candy cọng dài dài, bên đây hông có (mứt gừng sợi cay cay)
- Hùng và Ý không ngại vấn đề vệ sinh ăn uống hay sao?
- Lúc đầu tụi này cũng lo, nhưng thấy hai đứa nhỏ ăn không bị gì cả nên riết rồi cho ăn luôn. Lâu lâu mới ăn chắc cũng không sao.
- Thế hai bạn có bao giờ suy nghĩ về vấn đề có nên hay không nên về Việt Nam và hơn nữa về trong dịp Tết hay không?
- Bọn mình vừa đi làm full-time, vừa lo cho hai con, nên bận bịu túi bụi, chẳng còn đâu thời giờ mà suy nghĩ về vấn đềnày Anh Hùng còn ba mẹ ở Việt Nam nên mình về thăm, sẵn dịp cho hai bé biết quê hương ra sao, vậy thôi.
-Andrew và Kathy, thế hai con có thích về Việt Nam lần nữa không?
-Andrew nhoẻn miệng cười: Có thể, nhưng không phải bây giờ (May be, but not now).

Sao con người cứ vội vã quên mau...
- Chào anh, khi nào anh định về Việt Nam ăn Tết?
- Không bao giờ. Khi nào đất nước tự do thì tôi về.
- Xin anh tự giới thiệu sơ về mình.
- Tôi làNguyễn Tùng, 59 tuổi,trước kia là sĩ quan, từng bị học tập cải tạo, vượt biên và định cư tại Mỹ năm 1993. Vợ con tôi chết trên đường vượt biển.
- Có lẽ anh có nhiều bạn bè, người quen về Việt Nam ăn Tết, hay về chơi chẳng hạn, anh nghĩ sao?
- Đó là chuyện của họ. Với tôi, cái chết của vợ con không bao giờ tôi có thể quên. Hàngtrăm ngàn người cũng từng thề thốt đủ điều khi liều chết đánh đổi sinh mạng mình để tìm lấy tự do, thì giờ đây mang cái mác Việt kiều yêu nước, nào là về quê hương chôn nhau cắt rún, nào là ăn Tết, mừng xuân, rồi lại còn làm từ thiện. Tôi tự hỏi tại sao cuộc sống này có nhiều điều đáng nhớ mà con người ta cứ vội vã quên mau.
- Chắc anh cũng biết rằng Việt Nam bây giờ đã có nhiều thay đổi?
- Đúng. Phải nói rằng thay đổi rất nhiều. Ngày nay tại Việt Nam có những đại gia sẵn sàng bỏ ra hằng ngàn đô la để đấu giá mua cho được một cây kiểng hiếm quý trong chợ hoa ngày Tết, và cũng có biết bao công nhân xin được làm thêm ca để mong có thêm chút tiền về quê mua quà cho gia đìnhmấy ngày cuối năm. Có những buổi tiệc nhậu liên hoan tất niênvới rượu thịt ê chề thừa mứa, thì cũng có những cụ già run rẩy trong gió lạnh đi năn nỉ mời mua từng tờ vé số chỉ mong có được vài ngàn mua chút bánh mứt cúng giao thừa. Có những công tử Bạc Liêu thời đại mạnh dạn vung tiền bao gái, nhưng cũng có hàng ngàn cô gái nghèo bán thân lấy chồng xứ lạ để đánh đổi chút tiền ít ỏi giúp mẹ cha. Với tôi, thay đổi ở Việt Nam chỉ là sự cách biệt giàu nghèo ngày càng rõ và cái hố giữa xa hoa và bần cùng đã không còn cách nào lấp bằng được.

Cái nhìn khác hơn về cuộc sống...
- Chào cô Dương Nữ (80 tuổi, từng là giáo sư trường nữ trung học Gia Long),có bao giờ cô về Việt Nam ăn Tết chưa ?
- Chưa. Năm 2011 con gái dẫn tôi về Việt Nam sau 24 năm xa quê hương. Đi một lần tôi mãn nguyện lắm rồi, sức khỏe không cho phép tôi đi các chuyến bay dài như vậy.
- Thế cô có còn nhớ kỷ niệm các đêm giao thừa ngày xưa? Không được một lần về quê hương mừng năm mới, cô có tiếc không?
- Nhớ thì dĩ nhiên là có chứ, nhưng tiếc thì không. Tôi dạy văn chương Việt Nam gần 40năm, nên những truyền thống quê hương thông qua các tập tục, ca dao, nhất là về những ngày tiếp ranh giữa năm cũ và mới thì trong thơ văn mình nhiều lắm, và tôi vẫn mãi nhớ. Nhưng bây giờ ở tuổi này, tôi có cái nhìn khác hơn về cuộc sống.Tôi cố gắng sống với hiện tại, lo cho sức khỏe, có tiếc thương thì ký ức cũng đã qua rồi.
- Cô nghĩ sao về các ý kiến trái ngược về vấn đề nên hay không nên về quê hương dịp Tết?
- Tôi năm nay đã 80 tuổi đời, tôi từng dạy Việt văn 30 năm trước năm 75 và sau đó thêm 10 năm nữa trước khi tôi rời quê hương sang định cư tại Canada. Với ngần ấy kinh nghiệm sống và trong ngành sư phạm, tôi nghiệm ra một điều rằng mọi người chúng ta khisinh ra ai ai cũngđều mang một bản chất tốt (Nhân chi sơ tính bổn thiện). Rồi khi lớn lên chính các môi trường sống, văn hóa, chính trị, kinh tế đã có ảnh hưởng, tác động và làm thay đổi cái bản chất vô tư đó. Bởi thế tôi không còn có ý nhận xét, phân biệt hay phê phán ai cả. Mỗi chúng ta luôn nhận lãnh cái nhân từ cái quả mình đã gieo, thế thì hãy để mọi việc tự nhiêntheo duyên mà đến.
- Trước thềm năm mới, cô có điều gì muốn nhắn gửi mọi người hay không?
- Cho phép tôi đọc bài thơ ngắn do tôi sáng tác để tặng các thầy cô, các bạnđồng nghiệpvà cáchọc sinh Gia Long:

Năm cũ qua rồi đừng ngoái lại
Xuân mới chưa về chớ băn khoăn
An vui trong phút giây hiện tại
Tâm thức bình yên chẳng nhọc nhằn...

Nhâm Thìnsắp qua, Quý Tỵ đang ngấp nghé, tôi cũng xin mượn 4 câu thơ mà tôi đọc trong cuốn sách "Mỗi độ Xuân về"làm quà đầu năm lì xì mọi người:

Xuân về với cả vô biên
Ưu tư sẽ hết não phiền sẽ tan
Đâu đây một nhánh mai vàng
Đem về sưởi ấm hồn hoang sơ này...

Chúng tôi xin cám ơn tất cả những ai đã tham dự cuộc phỏng vấn này. Thân chúc mọi người có một cái Tết hạnh phúc, bình an, theo cách lựa chọn của mình.
Trên đây là ý kiến ghi lại trung thực từ các nhân vật được phỏng vấn, không phải là quan điểm của nhật báo Viễn Đông. - (TV)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT