Thế Giới

Âu Châu giúp các công ty trả lương cho người lao động

Wednesday, 25/03/2020 - 05:07:49

Hoa Kỳ và Âu Châu đang vất vả tìm cách bảo vệ công ăn việc làm trước sự bùng phát của đại dịch. Nhưng trong khi Hoa Kỳ ...

BERLIN – Hoa Kỳ và Âu Châu đang vất vả tìm cách bảo vệ công ăn việc làm trước sự bùng phát của đại dịch. Nhưng trong khi Hoa Kỳ định giảm khó khăn cho hàng triệu người bị sa thải bằng khoản trợ cấp thất nghiệp thì Âu Châu có giải pháp khác, là ngăn tình trạng sa thải ngay từ đầu.

Những ngày qua, các chính phủ Âu Châu đã ban hành nhiều chương trình mới, để trợ cấp tiền lương cho những người lao động nhàn rỗi, giúp giới chủ hãng xưởng không phải sa thải nhân viên ngay cả khi họ không làm gì.

Trong tháng này, Đức đã cho phép các công ty tiếp cận dễ dàng hơn với chương trình trợ cấp lương lao động. Chính phủ Đức cho biết, họ đã nhận được 77,000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp một phần vào tuần trước, so với mức trung bình hàng tuần là 600 vào năm ngoái.

Trong khi đó, Pháp cho biết sẽ trả 84% lương cho bất kỳ nhân viên nào bị cho nghỉ việc tạm thời, lên tới 5,330 euro mỗi tháng thay vì 1,219 euro theo kế hoạch trước đó. Ở Hòa Lan, bất kỳ công ty nào dự kiến giảm doanh thu ít nhất 20% đều có thể xin trợ cấp, để có thể trả tới 90% tiền lương cho nhân viên trong 3 tháng. Chính phủ sẽ tạm ứng tới 80% số tiền được yêu cầu.

Ở Tây Ban Nha, người lao động có thể nhận 70% lương dưới dạng trợ cấp thất nghiệp, giới hạn ở mức 1,400 euro mỗi tháng. Khi thời gian nghỉ việc tạm thời kết thúc, các công ty phải thuê lại tất cả các công nhân trong ít nhất 6 tháng. Các chính sách tương tự cũng được thực hiện ở các nước vùng Scandinavia.

Theo các chuyên gia, giải pháp này không chỉ hỗ trợ nhanh chóng cho các công ty và người lao động, mà còn giúp các công ty một khi hoạt động bình thường trở lại sẽ không phải mất thời gian tuyển dụng và huấn luyện nhân viên mới.

Tuy nhiên, nhược điểm của giải pháp của Âu Châu là các chương trình này gây tốn kém ngân sách đáng kể và không phải quốc gia nào cũng có thể chi trả, đặc biệt nếu suy thoái kéo dài. Trong một tình huống chưa từng có như Covid-19, không ai có thể ước tính mức độ kinh tế lao dốc sẽ ra sao và kéo dài bao lâu.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT