Đời Sống Việt

Bà ngoại ham học

Cao Thu Cúc Wednesday, 24/04/2013 - 07:05:01

Từ đó Hồng chuyển qua dạy tiếng Anh. Năm 2003 Hồng qua Mỹ định cư. Lúc đó Hồng 56 tuổi.

Cao Thu Cúc

Cô bạn của tôi có cái tên rất hay: Nhật Hồng. Cô đẹp rạng rỡ và tươi vui như tên của cô. Cô nhí nhảnh vô tư như con chim sơn ca, sự có mặt của cô xua tan buồn phiền của người bên cạnh. Tuổi gần 70 nhưng giọng nói sôi nổi của cô vẫn gây cho tôi lòng phấn khích yêu đời.
Nhật Hồng là tấm gương ham học. Tôi rất phục. Lúc còn ở Việt Nam, chúng tôi cùng tốt nghiệp đại học Văn Khoa và cùng là giáo sư dạy môn Việt Văn. Sau 1975, tiếng Việt trở thành một môn học ế ẩm và môn học tiếng Anh bùng nổ. Những trường những lớp những nhóm học tiếng Anh mọc lên như nấm. Nhật Hồng, ban ngày đi dạy tiếng Việt ở trường trung học, ban đêm đi học thêm Anh Văn. Vất vả trong 4 năm, Hồng lấy được bằng cử nhân Anh Văn. Từ đó Hồng chuyển qua dạy tiếng Anh. Năm 2003 Hồng qua Mỹ định cư. Lúc đó Hồng 56 tuổi.

Vui trong khó khăn
Nhờ có tiếng Anh, qua Mỹ Hồng tìm được việc làm ngay. Sau đó Hồng đi học. Tôi hỏi:
-Hồng vừa đi làm, vừa lo việc nhà, bận rộn như vậy, tại sao Hồng còn muốn đi học?
Hồng nói như reo trong điện thoại:
-Đi học mới vui, Hồng thích đi học. Hồng có tiếng Anh rồi, Hồng thích học thêm tiếng Pháp để giao tiếp rộng hơn, Hồng thích biết nhiều ngoại ngữ, ra ngoài làm việc mình tự tin hơn.
Rồi Hồng sôi nổi nói:
-Thu Cúc đi học đi, đi học vui lắm. Ở đây giáo sư rất giỏi, họ có phương pháp dạy rất hay, họ hướng dẫn cho sinh viên làm việc. Thu Cúc biết trong khi đi học Hồng có ước mơ kỳ lạ gì không? Hồng muốn đem những phương pháp này về dạy lại cho học trò của Hồng trước kia ở Việt Nam.
Tôi cười ngất nói:
-Ôi Hồng ơi, ước mơ của Hồng phải nhờ Einstein mới thực hiện được.
Cứ mỗi lần tạm ngưng câu chuyện là Hồng lại giục tôi:
-Thu Cúc phải đi học đi, không đi học uổng lắm. Ở nước Mỹ mà không vô trường đại học coi như bỏ phí cả cuộc đời.
Hồng biết tôi mê học mà không đi học được, đó là nỗi đau của tôi, nên có dịp là Hồng không quên “đâm gai” vào vết thương của tôi.
Rồi Hồng lại nói tiếp:
-Thu Cúc không biết đâu, Hồng cực lắm, vừa đi làm vừa đi học mà. Hồng lại không biết lái xe, Hồng đi xe bus suốt. Lớp học dành cho người già lại vào buổi tối. Chín mười giờ đêm Hồng mới về tới nhà. Về nhà Hồng còn lo việc nhà nữa... Hồng làm việc như điên. Thu Cúc không biết sao? Sức mạnh của người mẹ khi cần, thật là kỳ diệu, giúp mình làm hết mọi việc... Hồng phải lo cho đứa con bị bịnh, Quỳnh Chi, năm nay đã 37 tuổi rồi, cháu bị “mentally retarded”. Con gái lớn của Hồng tuy bên Việt Nam đã có bằng thạc sĩ, nhưng qua đây cháu thích học dược. Hồng khuyến khích nó đi học. Tương lai con cái là quan trọng nhất.
Niềm đam mê được học đã giúp người mẹ ở độ tuổi 60 thêm nghị lực. Chương trình học 4 năm Hồng phải học 6 năm. Ngày ra trường tên của Hồng được ghi trong danh sách Top Ten. Trên văn bằng có ghi: Magna Cum Laude. Major của Hồng là French and Francophone. Hồng rất hãnh diện về điều này. Hồng vui như chim sáo:
-Mình như đứa con nít được đi lãnh phần thưởng. Được mặc lễ phục đi lãnh bằng. Hồng nhìn trong gương. Ô, có phải Hồng không đây? Trời ơi, vui kinh khủng Thu Cúc à. Cả gia đình Hồng đều đến dự lễ.
Tôi hình dung nét vui tươi nhí nhảnh của tuổi trẻ đã trở lại với Hồng trong ngày lễ tốt nghiệp. Hồng kiêu hãnh là phải, vì Hồng là một trong số những người bạn ít ỏi của tôi qua Mỹ mà còn có ý hướng ham học, mà lại học rất giỏi nữa, mặc dù nhiều người trong số họ qua Mỹ khi họ còn trẻ hơn và có điều kiện hơn Hồng.

Được học là niềm vui vô tận
Không đợi Hồng hưởng hết niềm vui, tôi hỏi tiếp:
-Sau khi học xong Hồng nhìn đời có gì khác trước không?
-Giáo dục là một con đường nâng cao giá trị cho con người, đến gần với cái tốt cái đẹp hơn. Khi hiểu biết nhiều hơn thì Hồng thấy đi làm tự tin hơn, cách cư xử của mình cũng thanh lịch hơn, vì vậy mọi người tôn trọng mình hơn, có thiện cảm với mình nhiều hơn. Trong gia đình cũng vậy, con cái dâu rể tôn trọng mình hơn, vì mình cũng có bằng cấp ngang với chúng. Điều quan trọng là mình nhìn thấy cuộc đời tươi đẹp hơn. Hồng thấy cuộc đời đầy ánh sáng, Hồng muốn nói là thứ ánh sáng tỏa ra từ hoàn cảnh, từ mọi sự việc, nơi mà Hồng có thể hiểu chúng một cách rõ ràng.
-Hồng đã học xong có việc làm, con gái cũng học xong có việc làm rồi, gia đình Hồng tha hồ hưởng hạnh phúc.
-Nhiệm vụ cao quý của người mẹ Việt Nam vẫn còn tiếp tục. Hiện nay Hồng phải còn lo thêm cho cháu ngoại mới 16 tháng, ban ngày mẹ của cháu đi làm, cháu theo Hồng suốt. Buổi chiều Hồng đi làm từ 3 giờ cho đến 8 giờ tối mới về nhà.
Giống như tất cả những bà nội bà ngoại khác trên đời, cứ nhắc đến cháu của họ là họ vui như sắp được lên Thiên Đường. Hồng say sưa nói:
-Cháu của Hồng dễ thương lắm, để Hồng gởi hình cho Thu Cúc xem. Ờ mà quên, Hồng mới gởi hôm qua rồi, Cúc thấy cháu Hồng giống thiên thần chưa?
Tôi cũng hình dung cô bạn của tôi đang mọc cánh muốn bay nên tôi hỏi tiếp:
-Hồng còn ước mơ gì cho Hồng nữa không?
-Hồng có nhiều ước mơ lắm Thu Cúc ơi. Lúc còn đi học ở college, môn tự chọn của Hồng là đàn piano. Nhưng mình già rồi, Cúc biết đó, tay cứng rồi đàn đâu có hay. Cúc biết đàn Hawaiian guitar không? Lúc nhỏ Hồng rất mê tiếng đàn ngân nga này, ba của Hồng chiều thứ bảy nào cũng chở Hồng đến nhà thầy Ngô Ganh học đàn. Lúc đó thầy Ngô Ganh thường đi dạy nhạc cho các trường học. Thầy đàn rất hay. A, nhưng bây giờ Hồng thay đổi rồi. Hồng thích khoa học, nếu bây giờ không phải làm nhiệm vụ của người mẹ Việt Nam nữa thì Hồng thích đi học ngành nha hoặc ngành dược. Hồng nói là Hồng làm được. Nhưng Hồng không đi được Thu Cúc ơi...
Tôi biết hiện nay Hồng vẫn còn lo cho cháu Quỳnh Chi. Mặc dầu nước Mỹ nhân đạo cho Quỳnh Chi đi Mỹ cùng với mẹ, nhưng luật lệ của Mỹ phiền phức lắm. Phải đợi năm năm sau khi Hồng vô quốc tich rồi, Hồng làm giấy tờ bảo lãnh thì Quỳnh Chi mới có thẻ xanh. Và phải đợi năm năm sau nữa Quỳnh Chi mới được thi vô quốc tịch, lúc đó mới hy vọng được hưởng quyền lợi của những người mất khả năng tự lo cho bản thân. Vì vậy câu nói của Hồng làm tôi hơi giật mình. Cô bạn của tôi yểu điệu dịu dàng, không ngờ ý chí lại mạnh đến thế. Tôi biết nếu có điều kiện, Hồng sẽ trở thành một nha sĩ hay một dược sĩ trong tương lai không xa.
Chuyện học không phải là một thanh kẹo chocolate nhưng cũng có sức thu hút mạnh mẽ làm cho người ta say mê. Con trai tôi nói: “Mỗi ngày con thích học một điều mới mẻ”. Biết thêm một điều là có thêm một chiếc chìa khoá để mở ra một cánh cửa đầy bí ẩn của cuộc sống. Người có nhiều chiếc chìa khóa là người có tâm hồn phong phú, sống cuộc đời đáng sống. Trước khi Hồng chìm vào giấc ngủ với nhiều ước mơ trong giấc mơ, tôi cố nói một câu:
-Nếu đến lúc tám chín mươi tuổi mà bọn mình còn sống, bọn mình sẽ rủ nhau đi học tiếp nghe Hồng.
Tôi nghe tiếng cười của Hồng nhỏ dần. Hồng đang đi vào ước mơ.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT