Hôm Nay Ăn Gì

Biến tấu đậu tây xào

Thursday, 18/02/2021 - 06:58:55

Ngày Tết, chỉ có ngày Tết, không hiểu sao, chỉ có trong ba ngày Tết, bảy ngày Xuân người ta mới có thể cảm nhận được hết hồn cốt của món này.


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM

Ngày Tết, chỉ có ngày Tết, không hiểu sao, chỉ có trong ba ngày Tết, bảy ngày Xuân người ta mới có thể cảm nhận được hết hồn cốt của món này. Do đi chơi nhiều, đói bụng? Do lười nấu ăn? Do khí sắc đất trời? Do lòng người thanh tân? Hay do một điều gì đó không nói được? Dường như là mọi cái do đều đúng và đều sai. Đúng bởi vì nói gì, nó cũng đúng y vậy, sai bởi vì, không riêng gì một cái nào đúng mà hình như đúng chung cho nhiều thứ!

Bởi nói cho cùng thì Tết về, chẳng mấy ai quan tâm đến chuyện ăn uống, việc gặp gỡ bạn bè, mua sắm, nhang khói, cúng kính ông bà hay du Xuân đây đó khiến bạn chẳng bao giờ nhớ rằng mình chưa ăn uống gì. Cho đến ngày Mồng Một, tức sau một trận cuồng phong mua sắm và lo Tết, bạn bắt đầu vã ra, thấy mọi thứ trả về zero và mình lại đón thêm một tuổi mới, cái tuổi mới háo hức với trẻ con, đầy dự tính đối với thanh niên nhưng cũng có chút gì đó bùi ngùi, khó nói của tuổi trung niên, cái tuổi mà bạn đã có cái để ngoái lại, để nhìn về quá khứ, để hoài niệm về cái được cái mất trong cuộc đời… Những lúc như vậy, vợ con mời ăn cơm, tự dưng có một bát cơm nóng, một dĩa đậu tây xào bún hay miến với vài lát cà rốt đỏ, vài củ su xắt lát, vài tai nấm… Món ăn đơn giản nhưng lại ý vị, cho cảm giác ngon miệng, ấm áp, nhất là có thêm dĩa sau sống, vài lát đậu hủ chiên giòn chấm nước tương có ớt đỏ xắt lát. Cuộc sống đôi khi trở nên bay bổng vì những gì rất đỗi bình thường.

Do người nấu ăn? Cũng đúng, bởi người nhấu ăn phải có tâm trạng tốt, phải trải tấm lòng, thả cái hồn mình vào việc nấu nướng, thậm chí người nấu nghĩ đến cảm giác ngon miệng của người ăn, thì năng lượng bữa ăn mới thanh khiết, mới ngon được. Bù cho rất nhiều món cao lương mỹ vị nấu ra trong tâm trạng không được tốt của người nội trợ khiến cho món ăn chẳng bao giờ hồn vía và hấp dẫn được. Điều này giải thích tại sao các ông vua ngày xưa ăn toàn món cao lương mỹ vị nhưng không thấy ngon, bởi đầu bếp luôn nấu nướng trong tâm trạng sợ chết, nghi ngại người chung quanh bỏ độc thì lấy đâu ra món ngon!

Và với một gia đình nhỏ, bạn chia sẻ với vợ con mọi công việc, để người vợ có thời gian nghỉ ngơi, ngẫm ngợi, nàng sẽ nấu món ăn giống như đang sáng tạo những con chữ thành một bài thơ, trái đậu sẽ được tước bỏ phần xơ một cách nhuần nhụy, nhát chẻ cũng mềm mại, thẩm mỹ và đương nhiên, việc nêm nếm cũng có khác, cũng chất chứa tâm hồn nàng thơ. Món ăn chắc chắn phải ngon hơn, mang âm sắc mùa Xuân.

Do khí sắc đất trời? Làm sao mà sai được, trong bốn mùa, chỉ có mùa Xuân là khí dương đang ở trạng thái Thiếu Dương, tức đang trưởng thành, mọi cây trái, hoa lá đều mang khí Thiếu Dương, không quá đậm, đủ để làm cho vạn vật đâm chồi nảy lộc, đủ để vạn vật cưu mang, dung dưỡng bản thể vũ trụ và vũ trụ phản chiếu trong vạn vật với hơi ấm vừa phải, ánh sáng vừa phải, cái lạnh se se, hàm lượng nước cũng không bị ngập ngụa… Chính vì vậy, cây trái mùa xuân bao giờ cũng mẩy và căng mọng, ngon nhất trong các mùa. Trái đậu tây mùa xuân chắc chắn phải mẩy, giòn, thơm và ngọt hơn trái đậu tây của những mùa còn lại. Và trong lúc nấu ăn, sự cộng hưởng của đất trời, lòng người, cây trái, hoa lá sẽ giúp món ăn trở nên màu nhiệm, hấp dẫn.

Bởi lòng người thanh tân? Đương nhiên rồi, vì sau biết bao khó khăn, mệt mỏi từ thiên tai, dịch họa, nhân họa, sau mọi cuống cuồng, cũng có lúc con người thả lỏng mình để hít thở với trời đất, để hòa mình vào vũ trụ bao la. Và lòng người trở nên thanh tân cho dù no đói ngày mai chưa rõ, chí ít người ta cũng phải tận hưởng một năm mới, tận hưởng cái mới trong đời mình, cái mới được gọi là tuổi cùng với bốn mùa mưa nắng phía trước. Chắc chắn người ta sẽ thấy mọi thứ trở nên nhẹ nhàng và đáng yêu hơn!

Nhưng, hình như món ăn càng đơn giản càng khó để ngon, mà đã ngon rồi thì khó để quên, mà đã nhớ rồi thì khó để nấu lại cho ngon như lúc mới ăn. Chính vì vậy, có nhiều người suốt đời chỉ tin rằng tô mì của mẹ nấu là ngon nhất hoặc tin rằng gói mì tôm thời cơ hàn ngon gấp bội gói mì tôm thời bây giờ, tin rằng lát thịt heo thời bao cấp thơm ngon, bổ dưỡng hơn hoặc tin rằng bắp cải của cha trồng lúc nào cũng căng tràn sức sống và ăn vào thơm ngon bổ dưỡng gấp bội lần mua ở chợ về… Tất cả đều đúng. Bởi lẽ, món ăn không chỉ đơn thuần do một vài thứ giúp nó ngon, gây nhớ mà thực ra, đó là cả một vũ trụ tình người thu nhỏ.

Không cần phải đợi bà xã nấu món này, quí ông, quí bạn đàn ông, trai tráng nào đó hãy tạo bất ngờ về tay nghề nấu ăn của mình bằng cách rủ vợ con đi chơi đâu đó, khi về, lúc mọi người đang mệt, đói bụng, mình xắn tay vào bếp (nhớ cương quyết giành lấy phần này!) và lặt một ít đậu tây, thái một ít thịt heo ba chỉ, múc vài muỗng nước mắm vào chén, một chút muối bột, ngâm vài tai nấm mèo bằng nước ấm cho mềm rồi rửa sạch, xắt nhỏ, đậu tây có thể chẻ nhỏ theo chiều dọc hoặc cắt khúc rồi khứa từng vệt để xào mau chín và thấm, xắt một ít cà rốt và củ su ngọt, ngâm một ít miến hoặc bún khô. Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, chỉ việc bắc chảo dầu, cho ít dầu thôi, phi hành tỏi thơm rồi cho thịt ba chỉ vào, xào chín trước, cho đậu tây, cà rốt, nấm mèo vào xào, cho nửa chén nước, đậy nắp chừng ba phút thì mở nắp, cho muối, nước mắm vào và đậy nắp chừng nửa phút thì mở nắp, cho bún hoặc miến vào, đảo đều chừng phút nữa thì tắt bếp, cho ra dĩa, xắt thêm vài cọng rau ngò thơm lên trên.

Quí ông và quí bạn cứ thử làm như vậy, tôi tin là các bà, các cháu sẽ thấy ngon một cách lạ lùng mà không rõ vì sao nó ngon đến vậy!

Kính chúc quí vị ngon miệng và có một ngày thật thú vị, đáng yêu!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT