Đời Sống Việt

Chủ tiệm nail và những câu chuyện vui buồn trong nghề (phần 1)

Băng Huyền/Viễn Đông Monday, 11/02/2013 - 08:13:51

Với bà, làm chủ tiệm nail, không phải chỉ cần biết nghề làm móng và có tiền là có thể mở tiệm được, mà cần có đạo đức trong nghề. Để tiệm thành công, cần có chiến thuật tốt hơn là cạnh tranh thiếu lành mạnh “hạ giá”.

Nghề nail của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ 24)


Băng Huyền/Viễn Đông

Vào năm 2008 khi nền kinh tế Mỹ bị suy thoái trầm trọng, thì nghề nails vẫn tiếp tục gia tăng. Đến năm 2009 ngành nails có bị giảm sút một chút khoảng 3%, nhưng chỉ một năm sau nó đã lấy lại chỗ đứng của nó. Ngành nails vẫn còn đầy tiềm năng. Vì theo thống kê của Red Book 2010 đã được một trang mạng phổ biến trên mạng lưới toàn cầu cho biết, số khách đi làm nail tuổi từ 36 trở lên chiếm hơn 50%, từ việc này có thể suy ra các tiệm nail sẽ còn rất đông khách từ hiện tại và tương lai. Bởi với phụ nữ ở tuổi trên 36, họ vừa có công việc làm ổn định, vừa cần phải giữ nhan sắc toàn diện. Trong đó có cả việc làm đẹp cho móng, nên họ sẽ tiếp tục tiêu tiền để đến các tiệm nail. Nghề nails còn đó, khách nails vẫn còn, và sẽ còn tiếp tục phát triển theo thời gian. Tuy nhiên vấn đề nan giải trong thời buổi kinh tế vẫn còn khó khăn, là làm cách nào có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng theo từng thời điểm để giữ khách quay lại tiệm “tiêu tiền”, thì đó là vấn đề nan giải, đòi hỏi một người làm chủ phải suy nghĩ và vạch ra phương hướng hoạt động cho tiệm của mình. Yêu cầu cần có của một chủ tiệm nail Bà Mai Trần, chủ nhân của công ty Nails 2000 Int ra đời từ năm 1984, chuyên sản xuất các loại móng tay giả, và hiện nay sản xuất thêm bột màu vẽ 3 D trên móng bột, từng làm thợ nail kể từ cuối năm 1975, sau đó vài năm bà mở ra hệ thống tiệm nail Instant Nails I, II, III, IV ở Reno và Sacramento. Nhận xét về thị trường nail của người Việt tại Hoa Kỳ, bà Mai Trần cho rằng “Ngành nails của người Việt đang bị mất dần chỗ đứng, dù tổng số thu nhập trong ngành nails không giảm, nhưng các tiệm nails của người Việt thì cứ tiếp tục xuống giá và mất khách. Rõ rệt nhất là số tiệm nails do người Mỹ, và Người Đại Hàn làm chủ đã gia tăng, và số tiệm nails do người Việt làm chủ giảm xuống, mà những chi phí khác để mở tiệm nail đều tăng, vậy mà giá làm nail lại giảm, là một nghịch lý của cộng đồng nail Việt”. Theo bà Mai Trần, các chủ tiệm nail không nên cạnh tranh nhau, bằng cách hạ giá như thế. Vào thời bà còn làm thợ cho chị mình là bà Ba Liên (chủ hãng móng tay True nail, và là một trong những người đầu tiên bước chân vào ngành nail tại Hoa Kỳ), rồi tự mở tiệm do bà làm chủ, giá làm nail còn cao, chứ không “phá giá” như thời gian gần đây, đưa thợ nail trở thành những người lao động giá rẻ. Cũng theo bà Mai Trần, điều đau lòng của những người làm chủ tiệm nail từ trước đến nay, thường là một số thợ làm trong tiệm của chủ một thời gian để có kinh nghiệm, đôi khi còn được chủ truyền thêm tay nghề cho thợ, để thợ có thể giúp chủ giữ khách quay lại tiệm, đem tiền về cho chủ. Nhưng sau đó, người thợ không nghĩ gì đến tình nghĩa với chủ, đã ra mở tiệm ngay gần địa điểm của chủ cũ, và lôi kéo khách vào tiệm mình, thậm chí hạ giá thấp hơn, để lấy khách của chủ cũ. Với bà, làm chủ tiệm nail, không phải chỉ cần biết nghề làm móng và có tiền là có thể mở tiệm được, mà cần có đạo đức trong nghề. Để tiệm thành công, cần có chiến thuật tốt hơn là cạnh tranh thiếu lành mạnh “hạ giá”.



Bởi nhằm giảm giá, các thợ nail đã làm thật nhanh, nhanh đến độ họ có thể bỏ qua những bước cần thiết, như làm pedicure chỉ có 15 phút là xong – ảnh: Thomas Trương.


Người chủ phải luôn lắng nghe nhu cầu của khách
Tâm sự với phóng viên nhật báo Viễn Đông về một trong những lý do mà các tiệm do người Việt làm chủ thường bị mất khách, theo bà Mai Trần: vì tiệm phục vụ kém. Bởi nhằm giảm giá, các thợ nail đã làm thật nhanh, nhanh đến độ họ có thể bỏ qua những bước cần thiết, như làm pedicure chỉ có 15 phút là xong, để kịp làm thêm khách tiếp theo. Chỉ được số lượng, mà không có chất lượng.
Do các tiệm dùng sản phẩm chất lượng kém, vì để cạnh tranh giá cả, chủ tiệm phải mua những loại supply rẻ tiền. Có nhiều người thợ đã phải nghỉ làm vì supply của chủ mua về không thể làm được, thường bị khách than phiền.
Có một số tiệm đã đưa vào tiệm những sản phẩm mới, nhưng do không có sản phẩm mới, sáng kiến mới, phần lớn các tiệm nails Việt vẫn giữ hoàn toàn các sản phẩm cũ mà không thay đổi kịp theo trào lưu.
Nói về những điều mà một người làm chủ tiệm nail cần có, bằng chính kinh nghiệm qua nhiều lần thất bại, bởi bà đã không có “chiến lược” ngay từ đầu khi còn làm chủ tiệm nail, bà cho rằng trước khi quyết định mở tiệm, người chủ phải có kiến thức, tài liệu cần thiết về việc mở tiệm. Nhưng thực tế, chưa có nhiều người chủ cất công tìm hiểu. Người chủ cần có sự hiểu biết, tìm hiểu kỹ càng cách thức giúp tiệm thành công, chứ không phải chỉ cần hên xui khi mở tiệm. Rất cần có kiến thức đầy đủ, nắm rõ luật lệ vệ sinh của state board để tránh vi phạm, bảo vệ tốt sức khỏe khách hàng và chính mình... Khi đã mở tiệm, thì phải nghĩ thành công, chứ không nên nghĩ đến việc “bỏ chạy là thượng sách”. Thà khắc phục trước những khó khăn sẽ xảy ra, hơn là việc đã rồi, mới tính đến khắc phục, hoặc học kinh nghiệm từ sai lầm, có khi sẽ trở thành trắng tay, nhất là trong tình hình kinh tế thiếu ổn định như hiện nay. Cần tính toán đúng, chứ không nên để sai rồi sửa.

Gợi ý vài cách để làm chủ thành công
Khi mở tiệm, chủ tiệm cần phải có bảng quy định nội quy và đề nghị thợ ký vào. Nhưng theo bà Mai Trần, hầu như không có tiệm nail nào do người Việt làm chủ làm việc này cả.
Vấn đề vệ sinh cũng cần phải có luật lệ rõ ràng cho các nhân viên và tất cả phải mặc đồng phục, để khách vào có thiện cảm hơn.
“Tôi nghĩ mình phải có kỷ cương từ cái nhỏ, kỷ luật tốt, thì sẽ dẫn đến việc xây dựng hệ thống lớn được.”
Người chủ cần tạo ra môi trường tiệm trong sạch, bảo vệ sức khỏe nhân viên, khách hàng qua việc mua những sản phẩm ngành nail đảm bảo chất lượng, không nên ham hàng rẻ, mua sản phẩm kém chất lượng về làm. Vì khi mua sản phẩm đắt tiền, nó có lợi ích tốt về môi sinh, về phương diện nghề nghiệp nhanh hơn, tiết kiệm thời gian cho thợ phục vụ trên móng của khách.
Tóm lại theo bà Mai Trần, người chủ phải có bổn phận hiểu biết, chăm sóc từng điểm một cho tiệm của mình, đặc biệt đã làm chủ thì không nên vẫn miệt mài làm việc của một người thợ, mà phải tập trung vào quản lý tiệm của mình sao cho tốt, nên tránh tuyệt đối hạ giá quá thấp như hiện nay.
Còn bà Hiểu Võ, chủ nhân của công ty nước sơn Miss ra đời từ năm 1986, từng làm chủ nhân thành công với hệ thống tiệm nail trong khu Mỹ, thì nói rằng, sở dĩ những người quyết định mở tiệm nail và làm chủ, phần lớn là vì người đó có khả năng chuyên môn cao, rất giỏi trong lãnh vực nghề nghiệp của mình. Người chủ đó từng có thể giũa, đắp bột, cắt, gội, nhuộm một cách thành thạo đến độ không có một người khách nào có thể làm khó được họ. Và hẳn người thợ đó cũng từng tự hào rằng không có họ, thì tiệm này không biết ra sao, đôi khi còn có thể tự hào rằng việc họ làm còn tốt hơn cả chính chủ tiệm. Thế rồi họ quyết tâm ra mở một tiệm riêng cho bản thân, nhưng họ không biết rằng ngoài kỹ thuật chuyên môn bạn rành rẽ, làm chủ còn phải biết bao nhiêu việc khác mà họ chưa từng biết, chưa từng làm và cũng có thể cũngchẳng thích làm nhưng giờ đây họ phải làm.
Bà Hiểu Võ nhận xét rằng khi làm chủ, người chủ đó nên dành nhiều thời giờ, tâm trí, và sức lực để xây dựng tiệm, vạch ra kế hoạch, đường hướng, sáng tạo để cung ứng những dịch vụ thỏa mãn khách hàng. Người chủ nên tập trung vào việc phát triển, khai thác thị trường để cạnh tranh với các tiệm khác bằng tài quản lý, chứ không nên ngồi làm cho khách nữa.
Mặt khác, theo bà Hiểu Võ, để trở thành người chủ tiệm thành công, cần nắm vững nghệ thuật mướn thợ nail, cần phải biết những ưu điểm khi thuê mướn thợ nail. Vì người chủ giỏi sẽ luôn là người có tay nghề, kinh nghiệm lâu năm, nên có thể chỉ trao đổi ít nhiều là có thể nhận biết người thợ xin việc có phù hợp với tiệm mình không. Mướn thợ cần căn cứ cách làm móng của tiệm, như thị hiếu, nhu cầu của thị trường nơi tiệm tọa lạc. Nếu tiệm chủ yếu khách hàng là Mỹ trắng, thích làm móng bột mỏng, thanh và nhanh thì nếu chọn thợ từng làm ở khu người Mễ Tây Cơ, Mỹ đen, họ thường có lối làm móng bột dầy cui, không hợp với cách làm của tiệm. Nếu hồi trước khách thường yêu cầu các dịch vụ vẽ tay bằng tay (không phải xịt airbrush) thì khi tuyển thợ, nên chú ý nhiều đều khả năng vẽ nail, hiện cũng là một khuynh hướng đáng chú ý của thị trường nail nhất là vào mùa hè khi công việc vẽ trang trí móng trở thành một nhu cầu lớn.
Bên cạnh đó, theo bà, người chủ tiệm nail cần theo dõi những tờ báo chuyên nghiệp về ngành nails và thẩm mỹ của Mỹ, của cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, để biết được thông tin mới về sản phẩm. Họ phải luôn là người đi tiên phong hiểu biết những sản phẩm mới, cũng như thị hiếu mới của khách hàng. Đồng thời chủ tiệm nên đi dự những buổi giới thiệu và huấn nghệ sản phẩm (trade show) của ngành nails và thẩm mỹ được tổ chức luân phiên trên toàn Hoa Kỳ. Trong các “trade show” này các nhà sản xuất sẽ giới thiệu những sản phẩm mới của họ, hướng dẫn sử dụng.
Các chủ tiệm nail nên hợp tác chặt chẽ với nails supply, không nên tìm đến chỗ nào rẻ thì mua chỗ đó, hoặc tiện đâu thì mua đó. Mà nên hợp tác với các tiệm nails supply để họ có thể cung cấp cho mình những sản phẩm mới dạng “new sample”, những kỹ thuật mới mà họ thu nhận được từ các nhà sản xuất, để thử qua cho khách hàng. Tìm hiểu rõ ràng hàng nào trong tiệm được nhiều người sử dụng, để đưa đến quyết định thay đổi cần thiết về sản phẩm hay cách quảng bá từng sản phẩm.
Người chủ cũng cần tìm hiểu lý do khách đến tiệm, và khách bỏ tiệm. Chắc chắn nó không phải ngẫu nhiên. Cần phải biết tại sao khách thích đến tiệm mình, hoặc tại sao khách bỏ đi không trở lại. Chủ nên làm việc chặt chẽ với thợ để yêu cầu thợ làm theo phong cách chủ nhân của tiệm đề ra cũng như hỗ trợ và hướng dẫn thợ một cách tận tình. Đối xử với thợ một cách công bằng là điều không thể thiếu để người chủ thành công
Ngoài ra, bà Hiểu Võ hy vọng mỗi người chủ nên có sổ hẹn khách hằng ngày, nếu vẫn còn nhiều chỗ trống, cần phải nghĩ cách để mời khách quen đến tiệm cho kín những ngày đó. Nên vào Facebook, Twitter, hay Forum... để tên tiệm được nhiều người biết đến hơn. Nên quan tâm hiệu quả của những quảng cáo, cần phải thay đổi những gì để quảng cáo được hiệu quả hơn. Nên có trang nhà trên mạng lưới toàn cầu, là một quảng cáo cần thiết, và cần thay đổi trang nhà thường xuyên nhằm cung cấp thông tin cần thiết cho khách hàng.
Nghề nails là nghề thẩm mỹ, do đó cần nhiều sáng tạo mới để thu hút khách hàng. Vì theo thời gian, mặt hàng nào rồi dần dà cũng trở nên nhàm chán, quý vị chủ tiệm nên thường xuyên thay đổi sản phẩm, cũng như cách phục vụ để tiếp tục thu hút khách. Chủ tiệm cũng có thể tặng kèm món quà gì đó cho khách hàng. Đây sẽ là một nghệ thuật “nịnh” khách hàng, và quảng bá sản phẩm mới của tiệm, nâng cao giá trị của tiệm, vì khi cho đi sẽ nhận lại được nhiều hơn.
Theo bà Hiểu Võ, chủ tiệm cần sáng tạo khi nghĩ những cách thức khiến tiệm của mình nổi bật, tách biệt khỏi những đối thủ cạnh tranh. Vì cứ thị trường nào có cạnh tranh, thì thị trường đó sẽ bị phá giá. Để đảm bảo tiệm mình không bị cạnh tranh, chủ nhân phải tìm đặc điểm riêng cho mình mà các tiệm khác không có.
Bà Hiểu Võ nói “Nếu chủ tiệm nào của cộng đồng nail Việt đều quan tâm những điều trên, và tìm thêm những cách thức hữu ích khác, mà không còn hạ giá rẻ, thì ngành nails của cộng đồng Việt sẽ khởi sắc và thành công hơn trong mắt người bản xứ”. (B.H)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT