Đời Sống Việt

Chủ tiệm nail và những câu chuyện vui buồn trong nghề (phần 2)

Băng Huyền/Viễn Đông Monday, 18/02/2013 - 07:46:18

Khi biết thông tin, sở thích của khách hàng thì bảo vệ được thu nhập trong tiệm, dù tiệm khác có mở ra gần khu vực của tiệm, các chủ tiệm đã nắm được thông tin, để dễ dàng liên lạc khách hàng.

Nghề nail của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ 25)

Băng Huyền/Viễn Đông

Nỗi buồn của các chủ tiệm nail, do cung nhiều hơn cầu
Những năm gần đây, nguồn tài chánh của ngành nails, cũng như bao nhiêu ngành nghề khác, thu vào bị suy giảm vì: kinh tế suy thoái, sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt và không cân bằng giữa cung và cầu.Do kinh tế suy thoái, khách hàng đang gặp khó khăn về tài chánh sẽ cắt bớt chi tiêu. Thay vì họ đi làm móng trung bình 1 tháng 3 lần thì có thể họ chỉ đi mỗi tháng 1 lần. Nếu trung bình 1 tiệm nail có khoảng 300 khách quen, mỗi tháng đi làm móng 3 lần thì sẽ có mức thu nhập thoải mái. Chưa kể khách vãng lai sẽ phụ thêm vào mức thu nhập đáng kể cho tiệm.
Nhưng kinh tế suy thoái đã dẫn đến sự cạnh tranh càng thêm gay gắt, giá cả rớt xuống để tranh giành khách cũng dẫn đến mức thu nhập bị sụt giảm vì tất cả tiệm nail đều quan niệm là thời buổi khó khăn, càng giảm giá thì càng “thu hút” được kháchQua kinh nghiệm và thực tế, tiệm nail càng hạ giá thì cách phục vụ càng tồi tệ, các sản phẩm và hóa chất dùng sẽ toàn là sản phẩm rẻ tiền, không có độ bền, đẹp trên tay của khách, nên càng mất khách, vì khách biết là “tiền nào của nấy”, không thể trả giá rẻ mà đòi hỏi một sự phục vụ tốt được.Bên cạnh đó sự bất cân xứng giữa cung và cầu làm thu nhập suy giảm. Nhu cầu khách hàng càng cao thì việc cung cấp phải tương xứng. Tiệm nail cũng nằm trong trường hợp tương tự vì mỗi góc đường và góc phố đều có một tiệm hiện diện trong khi dân số ở thành phố đó chỉ có giới hạn. Vì quá nhiều tiệm nail trong cùng một thành phố mà số khách hàng chỉ có giới hạn nên phải có sự cạnh tranh gay gắt để giành khách. Mà cách cạnh tranh đơn giản nhất là giảm giá. Sự giảm giá dẫn đến dùng sản phẩm rẻ tiền và cung cách phục vụ cẩu thả, từ đó khách hàng sẽ giảm dần, nó trở thành một vòng lẩn quẩn.


Muốn làm móng bột trắng hồng, phải là thợ nail giỏi, khéo léo, mới làm được



Anh Tommy Nguyễn, làm thợ nail gần 20 năm, chuyên về móng bột và vẽ trang trí đẹp mắt, khéo léo, hiện đang làm tại một tiệm nail sang có chủ người Việt, trong khu vực khách Mỹ trắng, ở Chino Hills, than phiền rằng ngày nay, các tiệm nail của người Việt cạnh tranh nhau khốc liệt bằng cách hạ giá rẻ, nên không xem trọng phẩm chất cao của người thợ giỏi nghề. Theo anh Tommy Nguyễn, ngày xưa khách hàng đi làm móng giả, đắp bột, phần lớn là người có tiền mới làm. Chính vì vậy, khi nghề nail có người Việt tham gia, hạ giá xuống, để ai cũng làm móng giả, đắp bột được, những người Mỹ trắng giàu có rất khó chịu. Để phân biệt, họ chuyển sang đắp móng bột trắng, hồng. Đây là hình thức có phẩm chất cao hơn móng bột thông dụng (đang lan tràn). Vì muốn làm móng bột trắng hồng, phải là thợ nail giỏi, khéo léo, mới làm được. Đắp bột 2 màu, phải cắt và làm 2 lần. Người thợ giỏi nghề sau khi đắp bột lên móng cho khách, chỉ cần sau 2- 3 tuần, khách vào đắp thêm bột cho phần móng thiệt dài ra, sẽ nhìn thấy 10 ngón tay của khách đều tăm tắp như một, chứ không phải móng ngón này dài, móng ngón kia ra ngắn hơn. Đặc biệt sau vài tuần khách quay lại, móng không bị hở, không bị gãy. Còn những tiệm nail lấy giá rẻ, thợ không cần làm đẹp xuất sắc, vì tiền nào của đó. Anh Tommy Nguyễn nói rằng khi móng bột trắng, hồng bị tiệm nail giá rẻ phá giá, thì những người Mỹ trắng giàu có, chuyển sang làm móng trắng, hồng bằng gel polish, hình thức này công phu hơn, và giá tiền dịch vụ này vẫn còn cao, đồng thời người thợ làm dịch vụ này, cũng phải giỏi nghề mới tạo cho đôi tay khách vẻ đẹp hoàn mỹ qua sản phẩm mới này.

Thêm những gợi ý để trở thành người chủ thành công
Trong bất cứ loại hình kinh doanh nào, để trở thành một người chủ thành công đã là khó, làm chủ tiệm nails thành công càng không phải chuyện dễ. Ngoài vấn nạn cạnh tranh giá cả đã được nhắc đến, người chủ còn phải trải qua những khó khăn, những căng thẳng bị state board đến thanh tra và bị phạt vạ. Phải đối diện những rắc rối trong vấn đề thuế vụ và luật lệ lao động trong nghề nail. Những vụ kiện của khách hàng nhằm vào tiệm nail, hoặc có khi phải đối diện với những chê bai, khiếu nại của khách hàng; những căng thẳng nội bộ giữa thợ với thợ, giữa thợ và chủ, những áp lực về tài chánh khi tiệm vắng khách, những lời “nói xấu”, bàn ra từ những người bi quan xung quanh. Nhưng nếu người chủ vẫn kiên định, quyết tâm tiến tới thì phần thưởng tài chánh có thể sẽ như mong muốn.
Trên một trang mạng toàn cầu, tác giả Craig Trần viết về giải pháp cho tiệm nail trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt, đã liệt kê 10 yếu tố cần thiết giúp chủ nhân tiệm nail thành công.
-Theo tác giả Craig Trần, chủ tiệm cần có kế hoạch giỏi và có tầm nhìn bao quát trong việc điều hành một tiệm nails, phải liên kết mọi khía cạnh đó lại theo một trình tự để phối hợp nhịp nhàng với nhau. Từ tiếp thị đến điều hành thợ, từ kế hoạch tài chánh tiệm đến vệ sinh, an toàn của tiệm. Nên có một dự án thương mại để thực hiện.
-Phải biết nắm bắt cơ hội, nghĩa là phải có khả năng nhận ra được thời gian thuận lợi để khai thác thị trường, hoặc mở ra một thị trường mới trong nghề nails.
-Phải nhạy bén và học hỏi nhanh, vì thương trường luôn luôn thay đổi, từ sản phẩm mới đến luật lệ mới. Chủ tiệm nail sẽ bị dồn dập những tin tức nóng bỏng này. Nếu nhạy bén, học hỏi nhanh sẽ giúp chủ nhân quyết định công việc mau lẹ, chính xác sẽ đưa tiệm thành công lâu bền.
-Cần ngăn nắp, trật tự, qua việc quản lý hồ sơ giấy tờ, lịch trình làm việc, công tác hằng ngày, vì nếu không biết sắp xếp trật tự, người chủ tiệm nail sẽ dễ dàng bỏ sót những việc nên làm và phải làm.
Theo tác giả Craig Trần chưa thấy một người chủ lười biếng nào mà có thể thành công. Vì làm chủ một cửa tiệm như có một đứa con mọn vậy, phải thức khuya, dậy sớm, săn sóc, lo lắng đủ điều, luôn phải chăm chỉ, chịu khó.
-Người chủ phải có tài chỉ huy giỏi. Khi muốn điều hành một tiệm từ xa, hoặc khi chủ vắng mặt, thợ phải nể nang và tôn trọng. Ngoài việc làm gương cho thợ, chủ còn phải phối hợp với việc chỉ thị và quyết định công việc một cách sáng suốt, minh bạch.
-Người chủ cần trầm tĩnh trong mọi hoàn cảnh, vào những lúc công việc căng thẳng, đó chính là lúc định đoạt giữa thành công và thất bại. Người trầm tĩnh trong mọi hoàn cảnh, nhất là những lúc nguy khốn sẽ giúp họ định đoạt công việc một cách sáng suốt chứ không quyết định theo cảm tính.
-Người chủ sẽ là người giải quyết vấn đề, đưa ra những giải pháp mới trong các tình huống khó khăn, luôn tìm được cho mình con đường thành công. Đồng thời người chủ có khả năng truyền đạt tư tưởng của mình một cách mạch lạc qua lời nói cũng như trên giấy trắng mực đen. Khả năng này sẽ giúp thuyết phục người đầu tư, ngân hàng, người bán hàng, chủ phố, và quan trọng hơn cả, phải động viên, hướng dẫn nhân viên làm việc vì quyền lợi của tiệm. Dù làm chủ, nhưng cũng phải biết lắng nghe và luôn luôn tìm cơ hội cải thiện bản thân, vì đây là tố chất quan trọng của một người chỉ huy giỏi, của người lãnh đạo tài ba.
Để có được những yếu tố trên, đòi hỏi người đó phải học, tự rèn luyện hoặc kiếm người giúp mình.
Trên một trang mạng khác, tác giả Lucky Ngo, cũng trình bày về những bí quyết để trở thành một người chủ tiệm nail thành công.
-Theo Lucky Ngo, trước hết, chủ tiệm nail cần giữ vệ sinh thật sạch trong tiệm để tạo lòng tin đối với khách hàng; lau chùi sạch những bình đựng lotion, softener, alcohol, nước sơn, bàn manicure, ghế pedicure, kiếng, những tủ kệ đựng dụng cụ, vacumm những nơi có thảm, chỗ ngồi của khách và thợ. Thay đổi nước sát trùng dụng cụ mỗi ngày, lau chùi bồn pedicure thật sạch cuối ngày, bằng những nước khử trùng đúng tiêu chuẩn do State Board đề ra. Không chỉ giữ sạch sẽ trước tiệm mà phòng ăn, phòng wax, phòng massage, nhà vệ sinh đều phải giữ sạch sẽ. Đừng để mùi hâm đồ ăn bằng microwave bốc lên phía trước tiệm, lâu lâu phải mở cửa sau cho thoáng. Những buffer, file đã dùng, cuối ngày nên bỏ đi. Những flip flop khách hàng đã mang, lau chùi thật sạch, phơi khô cuối ngày nếu các tiệm muốn dùng lại. Tự mỗi người thợ, chủ nên tự giữ chỗ ngồi làm việc của mình sạch sẽ và kiểm tra cuối ngày. Chủ tiệm nên lên kế hoạch lau chùi mỗi ngày, nếu người thợ nào giữ sạch, sẽ được thưởng và những thợ nào không giữ sạch, sẽ bị phạt. Đây là một cách để tiệm tự thanh tra trước khi thanh tra State Board đến, tránh bị phạt vạ, tốn tiền, có khi còn bị treo bằng hành nghề, đóng cửa tiệm....
-Cần điều chỉnh cách phục vụ, tiếp đãi khách hàng của tiệm một cách chuyên nghiệp. Nên tỏ ra lịch sự, ân cần , nhã nhặn, chuyên nghiệp. Người thợ không nên đối thoại bằng tiếng Việt với những thợ khác khi làm chân tay nước cho khách (pedicure/manicure) nếu không cần thiết, hoặc thận trọng không nên nói lớn tiếng trong tiệm, vì chủ yếu khách hàng muốn thư giãn khi làm pedicure hoặc manicure. Cảm giác thoải mái của khách hàng là sự thành công của tiệm.
-Nên tạo cảm giác thoải mái giữa chủ và thợ, vì người thợ là người bạn đồng hành của chủ, mỗi ngày gặp nhau 8 -9 tiếng trong tiệm, nên tạo cho nhau cảm giác thoải mái. Nên họp cuối ngày, 1 lần 1 tuần, 5-7 phút trao đổi, về những thay đổi trong tiệm, không nên làm khó dễ người thợ nếu họ làm sai, cần cảm thông với thợ, hoặc thợ chia sẻ với chủ để làm tốt hơn.
-Nên trò chuyện với khách như một người bạn, phục vụ tốt, nhắc thợ không làm ẩu tả cho có lệ, thợ nên nói về những dịch vụ mà trong tiệm có để khách hàng chọn, hỏi ý kiến khách hàng về sự phục vụ của tiệm... Gởi thiệp chúc mừng sinh nhật, ngày lễ, làm cho khách hàng cảm thấy chủ tiệm, nhân viên quan tâm đến họ, kèm theo sự giảm giá đặc biệt đúng mực nếu họ làm nhiều dịch vụ, hoặc dẫn theo bạn bè, người thân.Các chủ tiệm nail có thể làm ra “sign in sheet” trên giấy dùng clip board kẹp lại, hoặc có thể dùng điện toán lưu giữ lại, bao gồm những yếu tố như tên khách hàng, địa chỉ, email, birthday, phone, dịch vụ khách thường làm (pedicure, pink&white).v.v. . Khi biết thông tin, sở thích của khách hàng thì bảo vệ được thu nhập trong tiệm, dù tiệm khác có mở ra gần khu vực của tiệm, các chủ tiệm đã nắm được thông tin, để dễ dàng liên lạc khách hàng.
-Chủ tiệm nên đề ra thật khéo léo những dịch vụ miễn phí, không nên để bị nghẽn khách vào mùa hè. Khách hàng Mỹ trắng còn được coi là khách sang vì họ cho tiền tip cao và lịch sự. Nhưng cũng dễ vô ý mình làm mất lòng họ mà mình không biết. Chủ lại muốn giữ khách nên đưa ra phương cách dịch vụ miễn phí, làm khách cảm thấy họ được nuông chiều nhiều hơn, và càng ngày khách có nhiều nhu cầu làm khó người thợ. Như là thêm 5-10 phút mát xa chân, vẽ design không tốn tiền.v.v.v. Khi đã tặng dịch vụ miễn phí thì chủ và thợ đã mất đi 1 phần thu nhập.
-Tiệm nên áp dụng phương cách massage lưng chuyên nghiệp, bằng cách thuê một người thợ có bằng cho dịch vụ này. Vì đa số người thợ nail chỉ có bằng nail, chứ không có bằng massage. Nếu người thợ nail làm massage lưng cho khách thì mất đi tính chuyên nghiệp, mất thời gian và mất tiền bạc. Tất cả khách hàng nào vào tiệm, đều được hưởng miễn phí 1-3 phút hoặc 5 phút massage lưng từ thợ chuyên nghiệp. Khi khách hàng muốn thêm massage, tiệm tính tiền 1 mỹ kim cho 1 phút. Và thợ massage quý vị trả $8/hr -10/hr , nếu thợ kiếm được từ 3-4 người khách cho 1 ngày, thì các anh chị không cần trả tiền cho người thợ massage. Tùy theo lượng khách và người thợ massage có trách nhiệm đề nghị cho tất cả khách hàng đã vào tiệm. Tìm khách hàng mới, và giữ được khách cũ, giúp chủ giữ chân khách, phục vụ khách trong khi chờ đợi làm móng. Thợ massage nên mang uniform và có name tag, tỏ cho khách hàng thấy tính chuyên nghiệp. Nên thuê thợ massage người bản xứ, dễ giao tiếp rộng rãi với khách hàng hơn, vì tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của họ. Bí quyết này áp dụng vào mùa hè, tùy vào mùa đông. Nếu tiệm có 1 chiếc ghế massage, nên đặt ở ngoài thuận tiện hơn trong vấn đề massage. Hoặc khi khách hàng đang hơ tay hay đang làm manicure/pedicure, cũng dễ được hưởng dịch vụ này, tránh tình trạng vào phòng riêng, vì phức tạp, không thuận tiện.
Qua một vài gợi ý của các tác giả trên, dẫu chưa thể gọi là đủ, nhưng phần nào cũng là những phương thức hữu ích để người chủ tiệm nail học hỏi, áp dụng cho tiệm của mình, tăng thêm thu nhập mà không cần phải giảm giá. Cho dù tiệm của người đó mới khai trương hay có nhiều tiệm Nails trong vùng cạnh tranh, nhưng khi tiệm có những dịch vụ hấp dẫn khách hàng, vẫn có thể tăng thu nhập cao một cách minh bạch, không bị mang tiếng với các bạn đồng nghiệp là “phá giá”, gây tác hại cho việc kinh doanh chung của cộng đồng nail tại Hoa Kỳ. (B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT