Đời Sống Việt

Chủ tiệm nail và những câu chuyện vui buồn trong nghề (phần 3)

Băng Huyền/Viễn Đông Monday, 25/02/2013 - 09:45:21

Ngoài ra còn phải biết có bao nhiêu loại máu, hồng huyết cầu, bạch huyết cầu..., học về các thứ bệnh da, với các từ chuyên môn phải nhớ để đi thi lý thuyết.

Nghề nail của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ 26)

Băng Huyền/Viễn Đông

Vệ sinh và an toàn cho khách
Quan trọng nhất trong việc làm nghề nail và mở tiệm nail tại Hoa Kỳ là phải bảo đảm vệ sinh và an toàn cho khách. Người thợ nail trong thời gian đi học tại các trường dạy nghề thẩm mỹ để đi thi State Board lấy bằng hành nghề hợp pháp tại Hoa Kỳ đã được học những kỹ thuật an toàn cơ bản khi hành nghề nails, tóc, cách giữ an toàn cho khách hàng khi đi làm đẹp. Những bài học lý thuyết của nghề nail luôn được các giảng viên hướng dẫn cụ thể như phải biết cấu trúc của ngón tay, móng tay như thế nào, xương tay, xương chân ra sao v.v... Ngoài ra còn phải biết có bao nhiêu loại máu, hồng huyết cầu, bạch huyết cầu..., học về các thứ bệnh da, với các từ chuyên môn phải nhớ để đi thi lý thuyết.
Khi làm móng cho khách, người thợ phải đeo găng hoặc khử trùng tay trước khi làm nail cho kháchBộ dụng cụ làm nail hơn mười cái và toàn bộ chậu ngâm chân, máy mài... đều phải được khử trùng sau mỗi lượt sử dụng. Trong quy định của State Board, ngoài những điều khoản về giấy phép hành nghề, yêu cầu vệ sinh, nhiều nơi còn nghiêm cấm không được cắt vào da của khách (về cả lấy khóe hay cắt da thừa hai bên móng), không được cạo gót chai nơi gót chân của khách, việc này dành cho bác sĩ chuyên về chân. Dù rằng, không phải lúc nào cũng có một nhân viên State Board kiểm tra kè kè bên cạnh, nhưng khi có bất cứ phàn nàn, kiện cáo nào của khách hàng, nếu lỗi thuộc về chủ hay thợ nail thì có khi thợ nail sẽ bị treo bằng hành nghề một thời gian, hoặc vĩnh viễn (tùy theo mức độ tác hại gây ra cho khách hàng, hoặc đã vi phạm và bị phạt nhiều lần), còn chủ nhân tiệm nail đó bị nộp phạt, phải đóng cửa tiệm một thời gian, hoặc có khi phải đi tới sạt nghiệp vì tiền phạt quá cao...
Nghề nail là một nghề dịch vụ, bị chi phối bởi luật lệ về vệ sinh và nghề nghiệp của ngành thẩm mỹ cũng như luật về khế ước thông thường. Do đó, người cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng, nếu việc làm móng tay không đúng tiêu chuẩn hay gây thương tích hoặc thiệt hại cho người tiêu thụ.
Những trường hợp “nhẹ” như thợ làm móng cho khách không đúng tiêu chuẩn, chủ tiệm thường phải trả lại tiền hoặc trả một sồ tiền bồi thường nào đó. Nhưng có những trường hợp nặng hơn, khách hàng bị thương do các dụng cụ thiếu vệ sinh hoặc không được tẩy trùng đầy đủ khiến da của khách hàng bị nhiễm trùng. Kết quả một số chủ tiệm đã phải bồi thường cho khách hàng cả triệu mỹ kim.


Chủ tiệm nail và việc đối phó với những kiện tụng
Kiện tụng là điều không thể tránh khỏi khi làm thương mại nhất là trong lãnh vực cung ứng dịch vụ phục vụ khách hàng như ngành nails. Đây cũng là một trong những nỗi muộn phiền, lo lắng của các chủ tiệm nail khi mở tiệm, nhất là với những tiệm lớn, có từ 10 đến 20 thợ, kèm theo dịch vụ nail còn có những dịch vụ như spa, tóc... rất dễ bị các thanh tra của State Board đến kiểm tra vệ sinh, hoặc một số khách hàng khó tính, kiện tụng...
Trong một bài viết của luật sư Phạm Văn Phổ được phổ biến trên mạng lưới toàn cầu, đã trình bày một số gợi ý cho các chủ nhân tiệm nail và thợ nail về những thông tin hữu ích liên quan đến việc kiện tụng và các biện pháp đề phòng. Theo luật sư Phạm Văn Phổ, trong những trường hợp xảy ra những vụ khiếu nại của khách hàng, cách tốt nhất là chủ tiệm cũng như người thợ nails tìm cách thương lượng ngay với khách hàng để tránh những rắc rối sau này. Nếu có bảo hiểm, nên báo ngay cho hãng bảo hiểm để họ giải quyết cho khách hàng.
Luật sư Phạm Văn Phổ cũng nhắc đến về việc nhiễm trùng da do nước bẩn gây ra, vi trùng dễ dàng xâm nhập các vết cắt hay vết trầy trong khi ngâm chân ở các tiệm làm móng. Vì vậy, luật sư Phổ khuyên những người thợ nail và chủ tiệm nail cần lưu tâm và kiểm soát lại việc điều hành các tiệm của mình để tránh tới mức tối đa những vụ nhiễm trùng cho khách hàng và từ đó tránh tới những vụ kiện tụng của khách. Theo luật sư Phạm Văn Phổ, hiện tượng nhiễm trùng da khi khách đi làm móng đã được phát hiện từ năm 2000 tại miền Bắc cũng như Nam California. Căn bệnh này có tên khoa học là Mycobacterium fortuitum là chứng bệnh ngoài da gây ra bởi một loại vi trùng thường thấy ở trong nước và đất bẩn. Chứng bệnh làm lở da này được tìm thấy nơi các dụng cụ ngâm chân ở tiệm nails. Theo phúc trình của Bộ Y Tế California, bệnh nhân thường phải chữa trị bằng trụ sinh trong 2 tuần lễ mới khỏi. Có bệnh nhân nặng hơn phải mất cả 170 ngày mới hết. Trong một bản phúc trình của Bộ Y Tế California do BS Kevin Winthrop thực hiện vào năm 2000 cho biết: các cuộc thử nghiệm và điều tra cho thấy một phần nguyên nhân của chứng bệnh này là do nhiễm độc từ nước của thành phố và có thể cũng do những ống nước nữa. Quan trọng hơn, nhiều thân chủ của các tiệm nails vẫn mắc chứng bệnh này cho dù các tiệm đã tẩy trùng các dụng cụ ngâm chân!
Ngoài những chứng bệnh về da, luật sư Phạm Văn Phổ còn nhắc đến những khuyến cáo của FDA (Food and Drug Administration) tức là Sở Kiểm Soát Thực Phẩm và Thuốc Men của Chính Phủ Liên Bang về những nguy hiểm có thể gây ra do việc thiếu các điều kiện vệ sinh trong các dụng cụ (không khử trùng đúng mức) và việc sử dụng các loại mỹ phẩm và các sản phẩm làm móng tay. Những nguy hiểm này gồm phần lớn là những bệnh ngoài da, và kể cả các bệnh lan vào máu như HIV (AIDS), viêm gan v.và
Mặc dầu các mỹ phẩm thường không cần phải có sự chấp thuận của Cơ quan này trước khi bán, nhưng theo luật, các sản phẩm bán trên thị trường Hoa Kỳ phải không mang độc chất và những chất có thể gây thương tích cho người tiêu thụ. Trên thực tế, nhiều sản phẩm dùng trong ngành nails có chứa độc chất, thí dụ chất acetonitride dùng để tẩy keo, tuy nhiên vẫn được cho bán trên thị trường vì nó không nguy hại nếu dùng đúng theo sự chỉ dẫn.

FDA khuyến cáo những người làm nails:
Cần phải khử trùng các dụng cụ làm móng tay. Cách tốt nhất là phương pháp khử trùng bằng cách hâm nóng hoặc bằng hóa chất (heat or chemical sterilization.).
Buộc người làm móng tay phải rửa tay trước khi làm cho khách.
Báo cáo ngay cho FDA những mỹ phẩm nào gây phản ứng cho khách hàng.
Những thợ làm móng tay cần phải có đầy đủ bằng chuyên môn và hội đủ các giờ học cũng như kinh nghiệm làm việc.
Vì vậy, để tránh tất cả những rủi ro nghề nghiệp, nhất là để tránh những vụ kiện tụng có thể xảy ra, cách tốt nhất là cần phải giữ đúng các quy luật về nghề nghiệp và vệ sinh tối thiểu do Tiểu Bang và Liên Bang qui định. Việc trao đổi kinh nghiệm và học hỏi từ những người chuyên môn trong nghề cũng là điều rất cần thiết. “Phòng bệnh” hơn là “chữa bệnh” vẫn là châm ngôn quý giá nhất trong cuộc sống và cả trong nghề nail.

Chủ tiệm nail và thợ nail cần phải có tiếng nói
Quả là nghề làm Nails của người Việt tại Hoa Kỳ nói chung, tại riêng California trong thời gian gần đây đã không còn dễ dàng như trước nữa. Thêm một khó khăn quan trọng mà người Việt làm Nails tại California đang phải đối diện hàng ngày là vấn đề luật lệ của tiểu bang ngày càng trở nên phức tạp với các khoản tiền phạt vạ rất nặng. Được biết, do áp lực của một số giới chức lập pháp và hành pháp tiểu bang, State Board đã liên tục sửa đổi các điều lệ nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh cho khách hàng của các tiệm Nails, đồng thời các khoản tiền phạt vạ đối với sự vi phạm liên quan đến những điều lệ mới ban hành cũng được tăng lên rất cao. Một trong những thay đổi quan trọng mới đây liên quan trực tiếp đến nghề Nails là bộ luật AB409, được chính thức có hiệu lực từ ngày 15-2- 2008. Dựa vào luật mới này, nếu bồn rửa chân có vết dơ hay có bụi đất đọng lại dưới đáy; không ghi chép lại các lần chùi rửa bồn; hoặc không đủ dụng cụ lau chùi; tiệm Nails sẽ bị tạm thời treo bằng hành nghề và bị đặt vào tình trạng quản chế tức thì (immediate probation) mà không cần phải qua một phiên điều trần (hearing).
Ngoài ra, cũng theo luật AB 409 vừa ban hành, dù bồn rửa chân được giữ gìn sạch sẽ, tiệm Nails cũng có thể bị phạt rất nặng nếu không biết cách ghi chép lại các lần chùi rửa theo đúng quy định của State Board.

Bà Hiểu Võ, chủ nhân của công ty sản xuất nước sơn Miss, và là một trong những thành viên của Hiệp Hội Ngành Móng Tay Việt Mỹ VANA (Vietnamese American Nail Association), thành lập vào tháng 3 năm 2012 vừa qua, nói với phóng viên nhật báo Viễn Đông: “theo luật California, State Board” là một hội đồng gồm 9 thành viên, trong đó có 4 người trong nghề thẩm mỹ (là người có bằng làm Nails, làm tóc hay săn sóc da mặt). Các thành viên của State Board do Thống đốc và quốc hội California chỉ định và bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm. Các thành viên của State Board sẽ bổ nhiệm một viên chức chấp hành, và viên chức này sẽ tuyển dụng các giám khảo, thanh tra, v.và, để thi hành các luật lệ liên quan đến ngành thẩm mỹ.”

Theo bà Hiểu Võ, với nhiệm vụ quản lý ngành thẩm mỹ, State Board có quyền đề nghị thay đổi các luật lệ, ấn định các khoản tiền phạt vạ áp dụng cho người làm nghề thẩm mỹ nếu vi phạm luật lệ trong lúc hành nghề. Tuy nhiên, theo luật hiện hành, mỗi khi muốn sửa đổi các luật lệ có ảnh hưởng đến ngành thẩm mỹ, State Board phải thông báo trước và tổ chức những buổi điều trần công khai để nghe ý kiến của những người trong nghề liên quan đến các luật lệ sắp ban hành. Nhưng tiếc rằng, mặc dầu tại California có hơn 80 phần trăm thợ nail là người Việt, nhưng lại không có tiếng nói mạnh mẽ với State Board, không gây được ảnh hưởng gì đáng kể đối với State Board trong việc sửa đổi, ấn định hoặc thi hành các luật lệ liên quan trực tiếp đến ngành thẩm mỹ, đặc biệt là nghề làm Nail.
Chị Duyên Trần, thành viên của Liên Hiệp Ngành Móng Tay Lành Mạnh California nhận xét rằng, từ trước đến nay mỗi khi có đề nghị sửa đổi hay đặt thêm những luật lệ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thẩm mỹ, đặc biệt là nghề Nails, State Board dường như đã không hề có dịp được nghe quan điểm, ý kiến, đề nghị hay nguyện vọng gì của người Việt trong giới làm Nails liên quan đến các luật lệ sắp ban hành.
Giải thích nguyên nhân của việc này, chị Duyên Trần cho rằng cũng vì người Việt làm Nails tại California, ngoài thành phần gặp trở ngại về ngôn ngữ, số còn lại rất thờ ơ, không bận tâm về các thay đổi về luật lệ liên quan đến ngành nghề của mình. Ngoài ra, hầu hết người Việt làm Nails tại California cũng không biết gì nhiều về cơ cấu tổ chức, nhân sự và quyền hạn của State Board, và thường có quan niệm sai lầm rằng tiếng nói của mình không có giá trị gì đối với các quyết định của State Board. Và hậu quả là giới làm Nails người Việt lâu nay đã phải âm thầm gánh chịu rất nhiều thiệt thòi trong lúc đi làm để sinh sống, từ vấn đề thay đổi luật lệ, đến tình trạng bị đối xử khác biệt bởi một số thanh tra và sự phạt vạ quá đáng vẫn thường xảy ra từ bấy lâu nay.(B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT