Đời Sống Việt

Chuyện lưỡi câu và mồi câu cá

Bài ảnh: Thomas Truong Saturday, 02/02/2013 - 10:48:07

Nhiều loại được làm với hình dạng cá con, tôm nhỏ, trùn biển, cua biển, chuột con, ếch, nhái, thằn lằn...

Câu cá ở Florida (kỳ 7)


Thomas Trương/Viễn Đông


Câu cá ngoài kỹ thuật, kinh nghiệm lâu năm thì cần có yếu tố may mắn nữa. Tuy nhiên theo bác Bình, chỉ riêng chuyện mồi cá và lưỡi câu cũng có vô số những chi tiết kể hoài không hết. Các kỹ xảo khác nhau, cách sử dụng mồi câu cũng không ai giống ai. Cần câu, lưỡi câu, mồi câu, dây cước, chì, phao..., tất cả đều có bán đầy ở các cửa hiệu chuyên phục vụ trong lĩnh vực câu cá. Giá cả không phải rẻ, chỉ tính riêng lưỡi câu thôi đã một cái có giá từ 4 đến 20 Mỹ kim. Chì, phao giá cũng tương đương như lưỡi. Các loại kềm, kéo, dao chuyên dùng rẻ nhất cũng hơn 10 cho đến cả 100 Mỹ kim. Còn cần câu, rẻ nhất cũng vài trăm Mỹ kim, mắc nhất cả mấy ngàn Mỹ kim. Chuyện câu bị vướng đá, vướng cây cỏ đứt mất lưỡi, mất chì là chuyện thường xuyên. Nhưng chuyện tiền bạc không phải là vấn đề. Với môn thể thao này, câu được cá mới là chính.
Chú Huỳnh tìm mua đồ nghề để câu tại khu vực câu cá Sebastian - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông.

Lấy một cuốn tạp chí Barlaw's ( www.barlowstacjle.com) nằm trên kệ sách của chú Huỳnh Nguyễn, tôi lật ra xem thử thấy có cả ngàn loại lưỡi câu khác nhau. Loại 1 lưỡi, loại 2 lưỡi, loại chùm 3 lưỡi, loại 4, 5 lưỡi..., đủ mọi kích cỡ kiểu dáng khác nhau. Có loại chống vướng, có loại cá mắc câu không bao giờ thoát ra được vì có ngạnh ngược vướng lại, chỉ có thể gỡ câu ra khỏi miệng cá bằng kềm. Nói tới kềm cũng rất đa dạng, giống như hộp kềm của các tay thợ mộc. Chì cũng vậy, loại tròn, loại vuông, loại tam giác, loại nặng nhẹ khác nhau. Còn mồi giả thì vô số loại và kiểu dáng khác nhau. Nhiều loại được làm với hình dạng cá con, tôm nhỏ, trùn biển, cua biển, chuột con, ếch, nhái, thằn lằn... Có loại được làm bằng cước tua tủa bên trong là một lưỡi câu sắt bén. Có loại bằng lông chim hay những miếng thép dát mỏng như những mảnh vỏ nghêu... Hầu như loại nào cũng có nhiều màu sắc lấp lánh, óng ánh và phản chiếu ánh sáng nhằm thu hút sự chú ý của các loài cá. Theo chú Huỳnh, chỉ cần lấy sách ra xem và ghi mã số rồi mua trên mạng. Họ gởi về tận nhà không tính tiền cước phí. Trong nhóm câu của anh em Việt Nam ở Florida còn có nhiều người mua các máy móc về tự sáng chế ra kiểu lưỡi câu cho riêng mình, theo kinh nghiệm thực tế nhiều măm mà nghĩ ra loại lưỡi câu phù hợp để đi câu từng loại cá khác nhau.
Chúng tôi đến ngôi biệt thự của anh Long Nguyễn. Khu nhà của anh nằm cách bãi câu nổi tiếng Sebastian bên bờ biển Đại Tây Dương khoảng 30 phút lái xe. Anh có cả một căn phòng chuyên tạo ra những lưỡi câu xinh xắn lạ lùng và "sát cá". Anh Long làm không chỉ cho riêng mình mà còn để biếu các đồng môn khác. Chúng tôi có dịp đi câu tại Sebastian. Trong lúc đẩy xe đồ nghề ra cầu tàu để câu, chú Huỳnh bảo chúng tôi chờ để chú đi vào cửa hàng chuyên bán đủ mọi thứ cần dùng cho giới câu cá. Tôi nhanh chân đi theo chú vào bên trong một cửa hàng lớn. Vô số cần câu, dây cước, lưỡi, chì, phao, dao, kềm, áo mưa và cả mồi cá giả và mồi tươi.

Cần câu đủ loại đủ cỡ đủ giá - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông.

Nhớ hồi nhỏ tôi từng thấy ông nội tôi dùng những cọng dây chì, cắt thành từng khúc nhỏ, rồi mài nhọn và uốn thành lưỡi câu. Mỗi thứ lưỡi câu đều dùng riêng cho từng loại cá khác nhau. Như lưỡi câu chữ o chuyên để móc mồi dế nhủi câu cá rô, còn lưỡi câu chữ u dùng câu cá lóc, loại lớn dùng để nhấp cá. Có phong trào nhấp vịt: bắt con vịt con nhúng vào bầy cá “lòng rồng”, thòng dưới đó khoảng một gang tay là lưỡi câu được móc mồi con ốc bươu. Vậy mà có khi con cá lóc cái to tướng cứ nhắm ngay con vịt con đớp. Con vịt vừa sợ vừa lạ nên giãy giụa làm con cá lóc càng thêm hung hãn cắn nhiều con vịt chết tươi... Nhưng rồi chúng cũng cắn câu. Có khi người nhấp cá bắt luôn cả con cá đực. Cả bầy cá con "lòng rồng" chẳng bao lâu sẽ là mồi ngon cho các loại cá lớn hơn. Tuy nhiên dây gân cũng bị đứt, lưỡi câu bị quắt và vuột mất cá đi. Mỗi lần như vậy con cá như biết khôn hơn, chỉ nhắm ngay con vịt mà táp. Có những loại lưỡi câu phần lớn do nông dân tự làm tùy theo loại cá. Muốn bắt cá loại nào thì làm lưỡi câu nhỏ lớn, dài ngắn khác nhau. Bây giờ tôi mới biết tại sao hồi xưa dây cước hay bị đứt và lưỡi câu bị quát. Chẳng qua là do chì hay dây cước, phần lớn sản xuất trong nước, phẩm chất rất kém.


Sang Mỹ thấy lạ vô cùng: những sợi dây cước nhỏ mong manh mà câu được những con cá to, có khi cả mấy chục pounds mà dây cước không hề bị đứt, nếu không phải cố tình làm cho đứt. Lưỡi câu cũng vậy, ít khi nào bị quắt, còn cần câu thì nhỏ gọn nhẹ. Ngày xưa những người chuyên đi nhấp cá thì phải xài cần câu là cả một thân cây tầm vông mới kéo được những con cá lóc "biết nói" được.



Đồ nghề làm lưỡi câu nhà anh Long - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông.



Đồ nghề chì neo lưỡi câu - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông.




Lưỡi câu anh Long làm có lông thay thế mồi - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông.



Cần câu nhỏ nhưng rất cứng chắc, không sợ gãy - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông.



Dây cước nhỏ mong manh nhưg có thể kéo được ca rất lớn - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông.



Anh Long đang sản xuất lưỡi câu, không cần phải mua - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông.



Cần câu càng nhỏ đôi khi lại càng đắt tiền - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông.



Người câu có khi ngồi đầy cả cầu ở Sebastian - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông.


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT