Đời Sống Việt

Gặp lại Hoa Khôi Liên Trường 2009 Valerie Phạm

Thursday, 15/09/2011 - 09:06:58

Valerie Phạm Ngọc Quyên, 25 tuổi, cư ngụ ở Garden Grove

Vincent Thái/Viễn Đông (phỏng vấn)


Valerie Phạm - ảnh: Paul Lê.
Valerie Phạm Ngọc Quyên,
25 tuổi, cư ngụ ở Garden Grove

Vincent: Cuộc sống của bạn hiện nay ra sao?
Valerie: Hiện thời cuộc sống của tôi chính yếu là học hành. Tôi đang học năm thứ hai trong chương trình cao học ngành y tá điều dưỡng kéo dài 3 năm. Đây là một chương trình RN-MSN dành cho những người nào đã có văn bằng cử nhân trong những lãnh vực khác và quan tâm tới việc theo đuổi một văn bằng y tá RN và một văn bằng Cao Học Khoa Học về Điều Dưỡng. Tôi cũng đang hoàn tất chứng chỉ ngành lão niên học.

Vincent: Vậy ra bạn đang học để trở thành một y tá có đăng bạ (registered nurse – RN). Tại sao bạn lại chọn học ngành này?
Valerie: Sau khi tôi tốt nghiệp trường đại học UC San Diego, với một văn bằng cử nhân tâm lý học, thực sự tôi không biết làm gì đây với cuộc sống của mình, xét về mặt nghề nghiệp mà nói. Một tấm bằng cử nhân tâm lý học là một văn bằng quá tổng quát, và hầu hết những người lãnh bằng cử nhân như thế trong thực tế rốt cuộc lại không làm việc trong ngành tâm lý học.... Vì vậy tôi quyết định ghi danh vào một trường đại học cộng đồng, để theo những giáo trình căn bản cần phải học để được nhận vào làm việc trong những nghề chăm sóc y tế, chẳng hạn như hóa học, sinh vật học và vật lý. Tuy nhiên, một cách nào đó trên con đường học vấn, tôi gặp được những sinh viên đang chuẩn bị đi vào ngành y tá điều dưỡng. Thế là đầu óc ưa thắc mắc của tôi đã khiến cho tôi hỏi họ những câu về lãnh vực này. Sau nhiều giờ tìm hiểu về nghề y tá, về các trường đào tạo y tá và những gì ngành này có thể đem lại cho tôi, tôi bèn quyết định nộp đơn xin học. Giả như tôi không có óc tò mò như vậy, hẳn tôi đã không tìm hiểu để rốt cuộc theo học nghề điều dưỡng như vậy đâu.
Y tá điều dưỡng là một nghề tuyệt vời, và trong ngành này không phải chỉ có chuyện điều dưỡng bên giường bệnh mà thôi, như người ta thường tưởng như thế, khi họ nghĩ tới ngành y tá nói chung. Nếu một y tá RN chọn theo học cấp cao hơn bậc cử nhân điều dưỡng, và đi vào ngành điều dưỡng thực hành bậc cao, thì có bốn lãnh vực tổng quát được công nhận là: y tá hộ sinh, y tá gây mê, y tá chuyên viên chẩn y viện, và những người hành nghề y tá. Những khả năng trong lãnh vực điều dưỡng thì nhiều vô cùng, và làm y tá không nhất thiết có nghĩa là bạn phải bị chôn chân trong bệnh viện.

Vincent: Thú vị lắm! Tôi cũng biết rằng nói một cách lý tưởng thì bạn muốn làm việc cho một bác sĩ chuyên khoa về da, hoặc một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ – tại sao như vậy?
Valerie: Tôi muốn theo đuổi một nghề trong ngành y tế là vì tôi muốn làm nên một điều khác biệt. Tôi muốn trực tiếp thay đổi cuộc sống của một người nào đó. Tuy nhiên, niềm đam mê của tôi là ngành thẩm mỹ. Kết hợp nghề y tế với ngành thẩm mỹ là cách thức tốt nhất cho tôi. Tôi thích sửa sắc đẹp, dù là vĩnh viễn hay chỉ là tạm thời. Ngành giải phẫu thẩm mỹ là một lãnh vực lớn, và là một lãnh vực mà tôi muốn tham gia.

Vincent: Vậy thì mục tiêu lớn nhất của bạn đối với bản thân và/hoặc nghề nghiệp của bạn là gì?
Valerie: Mục tiêu lớn nhất đối với bản thân tôi là học cho xong chương trình cao học, rồi nộp đơn xin vào học tại một trường y khoa. Như tất cả chúng ta đã biết, để trở thành một bác sĩ y khoa, người ta phải sẵn sàng để dấn thân học tập trong thời gian trung bình là thêm 10 năm sau bậc cử nhân. Trường y khoa là một sự đầu tư lớn lao, về mặt tâm trí, tài chánh cũng như cảm xúc. Tuy nhiên, nếu thì giờ, tiền bạc và hoàn cảnh cho phép, tôi sẽ thích sống cuộc đời mình với tư cách là một bác sĩ chuyên khoa da hoặc là một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ. Đối với tôi, chuyên khoa về da/giải phẫu thẩm mỹ trông giống như là một cuộc hôn phối giữa ngành y tế và ngành thẩm mỹ, và tôi hy vọng rằng tôi sẽ có một cơ sở thẩm mỹ chăm sóc da hoặc những sản phẩm trang điểm của riêng mình.
Cuộc sống đầy dẫy những sự thay đổi, và mười năm là một khoảng thời gian dài thật dài để đầu tư, đặc biệt đối với nữ giới, vì từng năm tháng của tuổi thanh xuân đều quan trọng! Tôi dứt khoát đã làm một sự chọn lựa đúng đắn là đi vào ngành y tá trước tiên, vì biết đâu nếu tôi không đạt tới mục tiêu của mình là trở thành một bác sĩ chuyên khoa về da hoặc một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ, thì tôi cũng có được một nghề y tá tuyệt vời để dựa vào.
Trong đời sống, người ta khi nào cũng phải có một kế hoạch dự bị. Chuyện tôi đang theo đuổi kế hoạch dự bị của tôi trước tiên có thể là lạ lùng, nhưng việc ấy đem lại hiệu quả cho tôi, và đó chính là điều mà bạn phải làm trong cuộc sống. Bạn phải tìm một kế hoạch hữu hiệu cho bạn, tuân thủ kế hoạch ấy và không bao giờ bỏ cuộc.


Vincent: Tôi thích lối suy nghĩ của bạn. Tôi tin chắc bạn sẽ đạt được mục tiêu. Có một điều khác tuyệt vời về bạn, đó là bạn tích cực tham dự những cuộc thi hoa hậu, Xin bạn lược thuật cho chúng tôi biết về bản thân bạn liên quan tới những cuộc thi ấy.
Valerie: Khi tôi đang chuẩn bị lấy văn bằng cử nhân tại trường đại học UC San Diego, tôi có nghe nói về Liên Minh Giới Trẻ Người Mỹ Gốc Việt (VAYA) và Lễ Hội Tết San Diego hàng năm do hội này tổ chức. Mỗi năm VAYA tổ chức cuộc thi hoa hậu Miss Vietnam of San Diego Pageant, như là một phần trong Lễ Hội Tết Nguyên Đán San Diego. Tôi nghe nói về cuộc thi ấy và muốn dấn thân nhiều hơn vào San Diego, vì vậy tôi quyết định xin dự thi Miss Vietnam of San Diego Pageant. Nhờ chuẩn bị trước và cũng nhờ may mắn, tôi đoạt giải cuộc thi hoa hậu này trong năm 2007.
Sau khi tốt nghiệp UC San Diego, tôi trở về lại nhà ở Garden Grove, và cũng quyết định thử dự thi Hoa Khôi Liên Trường của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Miền Nam California (Miss Vietnam of Southern California). Gặp được may mắn hết sức, tôi cũng đạt tước hiệu Hoa Khôi Liên Trường 2009. Những cuộc thi hoa hậu ấy có tính cách cạnh tranh khốc liệt, vì những dịp ấy là nơi gặp gỡ những người phụ nữ tài hoa, xinh đẹp và kỳ diệu nhất... và chuyện có thể mang về nhà hai tước hiệu hoa hậu quả là phúc đức và vinh dự.

Vincent: Bạn nhập cuộc vào những cuộc thi ấy như thế nào? Phần nào bạn thích nhất và phần nào là bạn ít thích hơn cả, trong những cuộc thi hoa hậu ấy?
Valerie: Khi tôi đang học trung học, chị tôi và tôi thường tập múa những điệu dân tộc/văn hóa Việt Nam tại ngôi chùa của chúng tôi. Chúng tôi là thành viên của Thanh Niên Phật Tử. Chúng tôi múa trình diễn cho tất cả những dịp lễ lớn của người Việt và Phật Giáo. Chúng tôi cũng múa cho Câu Lạc Bộ Việt Nam tại trường trung học của chúng tôi, và có dịp để trổ tài trình diễn trong Đêm Giới Trẻ tại Hội Tết Sinh Viên trong khu công viên Garden Grove Park. Trước đó, tôi ít khi đi dự Hội Tết, nhưng vì những bài múa văn hóa của tôi, tôi làm quen với lễ hội này, và trong một năm nọ, tôi có xem cuộc thi Hoa Khôi Liên Trường. Tôi còn nhớ mình cứ nghĩ thầm: “Chao ơi hồi hộp quá, nhưng cũng hào hứng quá!”. Trước đó, thực sự kkhông bao giờ tôi chú ý tới những cuộc thi hoa hậu như vậy. Tuy nhiên, sau khi xem trực tiếp truyền hình một cuộc thi hoa hậu, nó làm cho tôi quan tâm, và cách mấy năm sau đó, tôi quyết định dự thi thử xem sao.
Tôi yêu thích những cuộc thi hoa hậu vì nhiều lý do. Những cuộc thi này tạo ra những mẫu mực về vai trò cho các thế hệ tương lại. Nhờ có những cuộc thi như vậy, các phụ nữ tự rèn luyện mình, về mặt thể lý, tâm trí, và xã hội, để cho mình xứng đáng với tước hiệu hoa hậu. Tôi tin rằng những cuộc thi như vậy hoàn toàn có tính cách quan yếu đối với xã hội ngày nay. Mỗi người đoạt chức hoa hậu có thể lên tiếng một cách đầy tự tin và nói với một đám đông người. Điều ấy chuyển thành những năng khiếu thiết thực trong cuộc sống, chẳng hạn như khả năng làm chủ được một cuộc phỏng vấn xin việc làm hoặc phỏng vấn xin vào học đại học. Những cuộc thi hoa hậu cũng giúp cho một người tự phát triển cá nhân. Cuộc thi hoa hậu như là một khóa học về cách phát triển chính mình, trong đó người dự thi học cách đi đứng, ăn nói trước nhiều người. Những cuộc thi hoa hậu đem lại cho mỗi người một điều gì đó: học bổng, tham gia hoạt động cộng đồng, xây dựng lòng tin tưởng, làm quen với những người bạn mới, những năng khiếu ăn nói tốt hơn, và nhiều cơ hội giao tiếp xã hội.
Áp lực là điều mà tôi ít thích nhất trong những cuộc thi hoa hậu.

Vincent: Bạn sẽ có lời khuyên như thế nào đối với những người quan tâm đến hoặc lần đầu tiên đi dự thi hoa hậu?
Valerie: Mỗi phụ nữ nên thử tham dự ít nhất một cuộc thi hoa hậu. Trước khi nhập cuộc, hãy chắc chắn rằng nhóm đứng ra tổ chức cuộc thi phải là một nhóm chuyên nghiệp, vì một cuộc gặp gỡ với một cuộc thi không chuyên nghiệp có thể thực sự phá hỏng kinh nghiệm của bạn và ấn tượng về các cuộc thi hoa hậu. Những cuộc thi này không phải là vặt vãnh, vu vơ như người ta có thể nghĩ. Thực ra còn có nhiều điều trong một cuộc thi, chứ không phải chỉ đơn thuần là những gì người ta nhìn thấy trên sân khấu. Tập luyện dự thi hoa hậu là công việc khó nhọc, nhưng phần thưởng rất lớn. Khi bạn so sánh một người phụ nữ chưa bao giờ dự thi hoa hậu với một người phụ nữ từng dự thi, thì người có kinh nghiệm dự thi thường có chững chạc, tự tin và nói năng giỏi hơn.

Vincent: Bây giờ nói thêm một chút về bản thân bạn nhé! Bạn hình dung mình sẽ ra sao trong 5 năm tới?
Valerie: Trong 5 năm tới, nếu tôi đủ may mắn được tiền bạc, thời giờ và hoàn cảnh cho phép, thì tôi hình dung ra chính mình đang học ở trường y khoa, và thực sự tiến đến gần hơn với ước mơ sau cùng của tôi là trở thành một bác sĩ y khoa. Tuy nhiên, nếu tiền bạc, thời giờ và hoàn cảnh không cho phép, có lẽ tôi sẽ là một y tá hành nghề bậc cao, và tôi có thể sẽ bắt đầu theo đuổi văn bằng Tiến Sĩ về Y Tá Điều Dưỡng.

Vincent: Còn trong 10 năm nữa thì như thế nào?
Valerie: Trong 10 năm nữa, có lẽ tôi đang ở vào giai đoạn cuối cùng của thời gian thực tập nội trú trường y khoa, và chính thức trở thành một bác sĩ. Có lẽ tôi sẽ bắt đầu công việc chăm sóc da và trang điểm.
Trong 10 năm nữa, tôi sẽ ổn định về mặt tài chánh, để có thể cung cấp cho cha mẹ tôi và đem lại cho hai vị một cuộc sống mà họ xứng đáng được hưởng, một cuộc sống mãn nguyện, và họ có thể đi du lịch đó đây và ngắm cảnh thỏa thích. Tôi cũng hình dung ra chuyện tôi lập một tổ chức bất vụ lợi của riêng mình. Tôi chưa hình dung ra được những chi tiết chính xác, nhưng đó sẽ là một tổ chức bất vụ lợi giúp đỡ cho những thành phần kém may mắn, kể cả thú vật.

Vincent: Bạn có những người nào dìu dắt bạn trong cuộc sống hay không? Những ai cho bạn cảm hứng để đạt tới những mục tiêu trong cuộc sống?
Valerie: Chắn chắn, rõ ràng rằng chính cha mẹ tôi là những người dìu dắt tôi trong cuộc đời, và họ là những nguồn động lực cho tôi đạt được những mục tiêu của tôi. Tôi tự xét thấy mình có nhiều hoài bão, vì tôi luôn luôn gắng sức để trở nên tốt hơn trong mọi việc tôi làm.... Tôi muốn liên tục đạt được những thành tựu lớn hơn và những điều tốt đẹp hơn, và một phần trong chuyện ấy là nhờ vì tôi biết rằng càng thành đạt trong cuộc sống thì tôi càng có thể đỡ đần cho cha mẹ.

Vincent: Những sở thích và đam mê của bạn?
Valerie: Tôi điều phối những mục trình diễn thời trang cho chị tôi, một người chuyên thiết kế áo dài. Tôi yêu thích hầu hết những gì có liên quan đến trang điểm, sắc đẹp, thời trang và giải trí.
Tôi cũng thích tìm chỗ ở cho những con vật đi lạc. Đến một ngày nào đó, tôi sẽ thích cộng tác với những tổ chức xã hội nhân đạo, những nhóm này cử các tình nguyện viên đi cứu những con thú bị kẹt trong những trận thiên tai. Sau một vụ thiên tai hoặc một cơn tai họa nào đó, những tổ chức cứu trợ tai họa nhanh chóng đi tới khu vực lâm nạn, để tìm kiếm những thú vật bị bỏ rơi lại, và mang chúng tới một nơi an toàn, hoặc dẫn chúng về với người chủ.
Điều làm cho tôi cảm thấy buồn là thỉnh thoảng chỉ có con người mới được cứu nạn. Tất cả mọi sinh vật đều là quý giá, và mỗi người mỗi vật đều phải được cứu.

Vincent: Câu hỏi cuối cùng: Bạn nói tóm tắt về lối sống của mình thế nào?
Valerie: Xin mượn lại lời của Bill Cosby: “Để đạt thành công, thì ước vọng thành công của bạn phải lớn hơn nỗi lo sợ bị thất bại của bạn”.

Vincent: Hay tuyệt, Valerie.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT