Pháp Luật

Khi thân nhân qua đời

Sunday, 08/06/2008 - 10:20:26

Tuần này chúng tôi muốn bàn về một số những quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề này. Thông thường, tủ sắt (safe ...

vonghoa_01524.jpgLs. Trần Khánh Hưng

 

Sự ra đi của thân nhân của chúng ta là một mất mát lớn. Ngoài những đau khổ về phương diện tinh thần, người ở lại còn phải đối phó với những thủ tục, giấy tờ, cũng như những trách nhiệm mà người quá cố để lại.



Tuần này chúng tôi muốn bàn về một số những quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề này.

Thông thường, tủ sắt (safe deposit box)  ở nhà băng là nơi an toàn nhất để cất những giấy tờ quan trọng như di chúc, living trust. Tuy nhiên, nếu chủ nhân của tủ sắt qua đời, mà không có người đứng tên được phép mở tủ sắt thì thân nhân làm thế nào để biết người quá cố có để lại di chúc trong tủ hay không? Để giải quyết việc này, luật pháp của California cho phép thân nhân của người quá cố, nếu có chìa khoá của tủ sắt, có thể được mở tủ ngay cả trước khi thủ tục probate bắt đầu. Dưới sự kiểm soát của nhân viên của nhà băng, người này có thể kiểm kê những gì có trong tủ sắt, lấy đi những giấy tờ liên quan đến ý nguyện của người qua đời về việc hậu sự, (như muốn chôn cất hay hoả táng). Nếu trong tủ sắt có di chúc hay living trust thì thân nhân có thể lấy di chúc hay trust đi sau khi làm bản photocopy để lại trong tủ. Ngoài hai thứ giấy tờ này, tất cả những đồ vật  khác trong tủ sắt như tiền bạc, vòng vàng, nữ trang, cũng như những thư từ, giấy tờ khác đều không được mang đi vào lúc này.

 

Nếu người qua đời còn những món nợ khi đi học chưa trả hết thì sao?

Những món nợ để đi học (student loan) thường không được xoá khi người mượn nợ khai phá sản. Tuy nhiên, những món nợ này lại được xoá khi người mượn nợ qua đời.

 

Nếu cha mẹ tôi qua đời thì tôi có phải trả những món nợ của cha mẹ tôi không?

Một trong những lầm lẫn mà nhiều người mắc phải là trả những nợ cho người quá cố ngay khi họ nhận được bill, mà không nhận ra là tài sản của nguời quá cố không đủ để trả những món nợ có ưu tiên cao hơn. Thông thường, tài sản của người quá cố để lại sẽ được dùng để trả những món nợ của họ do chủ nợ đòi trong vòng 1 năm. Còn bạn không phải dùng tiền riêng của mình để trả những món nợ cho cha mẹ khi cha mẹ qua đời, ngoại trừ những trường hợp sau đây:

1. Nếu bạn là người co-sign hay người bảo đảm (personal guarantor) cho những món nợ chung với người quá cố: Người co-sign có trách nhiệm trả nợ khi người mượn nợ không thể trả, ngay cả khi người mượn nợ qua đời.

2. Bạn là người đứng chung (joint account holder) những trương mục vay tiền hay của những thẻ tín dụng, và nếu những lợi tức cũng như credit của bạn đã được dùng trong đơn vay tiền thì bạn vẫn phải có trách nhiệm trả nợ. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ là người được sử dụng thẻ (authorized user) thì bạn không phải chịu trách nhiệm trả nợ.

3. Nếu bạn lạm dụng quyền power of attorney của người quá cố để vay mượn nợ và bạn sử dụng những món tiền này cho chính mình, thì bạn vẫn phải chịu trách nhiệm cho những món nợ này, dù người mượn nợ đã qua đời.

 

Tôi phải làm gì với những ngân phiếu để tên người quá cố mà chưa kịp deposit?

Nếu tài sản của nguời quá cố phải qua thủ tục probate thì bạn nên giữ những ngân phiếu có tên người quá cố và chờ đến khi toà chỉ định người đại diện bảo quản estate của người quá cố thì người đó có thể mở trương mục cho estate, hoặc nếu nguời quá cố có làm living trust thì người trustee sẽ mở trương mục cho estate của người quá cố để có thể deposit những ngân phiếu này.

 

Khi nào thì không phải qua thủ tục Probate?

Nếu tài sản của nguời quá cố để lại không quá 100.000 Mỹ kim, hoặc người quá cố có làm living trust thì việc phân chia tài sản sẽ không phải qua thủ tục Probate. Nếu tài sản dưới $20,000 thì người phối ngẫu hay con cái của người quá cố có thể xin toà “set aside” tài sản của người quá cố, bằng cách nộp đơn “Petition to Set Aside an Estate.” Nếu tài sản để lại trên $20,000 và dưới $100,000 thì thì sau khi người quá cố qua đời được 40 ngày, thân nhân có thể  mở trương mục cho estate, qua thủ tục dùng Affidavit.

 

Số tiền 100.000 gồm có những gì?

Số tiền 100.000 tính toàn bộ bất động sản và tài sản của người quá cố, kể luôn tiền bồi thường của bảo hiểm nhân thọ. Những tài sản này không kể những xe cộ, hay mobile home do người  người quá cố đứng chủ quyền, những tài sản đứng chung với người khác theo dạng Joint tenants, hoặc những tài sản nằm trong living trust.

 

Nếu người qua đời đang lãnh tiền Social Security thì thân nhân họ có được lãnh check của tháng cuối cùng không?

Một điều hơi rắc rối là tiền trợ cấp An Sinh Xã Hội (Social Security benefit) được trả sau một tháng. Chẳng hạn ngân phiếu của tháng Hai là trả cho tháng Giêng, và muốn được lãnh tiền của tháng nào thì người được trợ cấp phải sống đủ nguyên tháng đó. Nghĩa là nếu một người qua đời trong tháng Năm thì ngân phiếu mà gia đình nhận được vào đầu tháng Sáu phải trả lại, vì người quá cố đã không sống đủ nguyên tháng Năm.  Trong trường hợp người một qua đời vào đầu tháng Năm, ngân phiếu  mới nhận được (trả cho tháng Tư) thì vẫn được lãnh.

 

Tôi có cần phải thông báo khi thân nhân của tôi đang lãnh trợ cấp qua đời không?

Nếu thân nhân của ban đang lãnh trợ cấp mới qua đời, bạn cần phải thông báo cho sở Social Security Administration biết càng sớm càng tốt, mặc dù cơ quan này cũng được thông báo về việc này qua những phương tiện khác như qua nhà quàn. Thân nhân của người quá cố có thể được hưởng những quyền lợi dựa trên thời gian làm việc trước đây của người quá cố. Ngoài ra, người vợ hay chồng hoặc con nhỏ của người quá cố cũng có thể được lãnh một món tiền nhỏ từ cơ quan này để phụ giúp vào việc hậu sự của người quá cố.

 

Nếu người đang lãnh trợ cấp Social Security qua đời, thân nhân của người quá cố có được tiếp tục hưởng tiền trợ cấp không?

Sau khi người đang lãnh trợ cấp Social Security qua đời, những thân nhân sau đây sẽ tiếp tục đuợc hưởng quyền lợi nếu người đó là:

- Vợ hoặc chồng của người quá cố, và 60 tuổi trở lên; hoặc 50 tuổi trở lên, nếu bị tàn tật; hoặc ở bất cứ tuổi nào nếu đang săn  sóc cho con nhỏ dưới 16 tuổi, hoặc có con bị tàn tật.

- Con chưa lập gia đình và dưới 18 tuổi, hoặc con bị tàn tật.

- Cha mẹ của người quá cố nếu người quá cố trợ cấp cho cha mẹ từ 50% trở lên số tiền để sinh sống.

- Vợ hay chồng cũ của người quá cố, nếu người đó 60 tuổi trở lên (hoặc 50 tuổi trở lên và bị tàn tật), và hai người đã lấy nhau trên 10 năm, và một số điều kiện khác.

 

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về những quyền lợi và trách nhiệm khi thân nhân qua đời, không phải là cố vấn luật pháp.  Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại  davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA  92683.

                                               

 

Ảnh minh họa: Vien Dong Daily News

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT