Địa Ốc

Khoảng 4,5 triệu chủ nhà bị xiết nợ có thể được xét lại

Thursday, 06/10/2011 - 08:23:06

Cục Kiểm Soát Tiền Tệ Liên Bang OCC (Office of the Comptroller of the Currency) là cơ quan sẽ cầm đầu cuộc điều tra, cho hay khoảng 4,5 triệu trường hợp người vay nợ mua nhà có thể nằm trong số những vụ kiểm tra lại hồ sơ.

Vũ Đức Hiền/Viễn Đông

Một tin giật gân có thể giúp cho những ai đã phải ôm quần áo ra đường vì bị ngân hàng xiết mất căn nhà, cơ hội được đền bù.
Theo các tin tức từ Hoa Thịnh Đốn, hàng triệu chủ nhà khắp nơi, có thể là nạn nhân của những vụ cứu xét xiết nợ nhà trái luật. Nếu rơi vào các trường hợp như vậy, nhờ các cuộc kiểm tra trở lại hồ sơ vay nợ, nạn nhân có thể được đền bù thiệt hại do hậu quả của những lỗi lầm của nhà tài trợ.
Hiện chính phủ liên bang đang có một kế hoạch khá qui mô cho việc vừa nói.
Tiến trình, thủ tục và tiêu chuẩn điều tra lại các hồ sơ vay nợ mua nhà thế nào sẽ được các cơ quan kiểm soát thị trường tài chính của chính phủ liên bang công khai vào những tuần lễ tới đây. Những gì mới được nói sơ khởi thì cuộc điều tra sẽ tập trung vào các hồ sơ vay nợ mua nhà đã đang ở một giai đoạn nào đó của tiến trình xiết nợ căn nhà vào các năm 2009 và 2010.
Cục Kiểm Soát Tiền Tệ Liên Bang OCC (Office of the Comptroller of the Currency) là cơ quan sẽ cầm đầu cuộc điều tra, cho hay khoảng 4,5 triệu trường hợp người vay nợ mua nhà có thể nằm trong số những vụ kiểm tra lại hồ sơ.

John Walsh, quyền Cục trưởng cơ quan OCC tiết lộ một vài khía cạnh của kế hoạch nói trên trong một bài diễn văn hồi tháng trước đọc tại một cuộc họp mặt của những người cầm đầu các hệ thống ngân hàng. Lúc đó, ông chỉ mới nói cơ quan của ông đang nghiên cứu “những cách tốt nhất để bảo đảm cho các người chủ nhà - nạn nhân (của những vụ cứu xét đơn xin vay tiền) cơ hội được đền bù” nếu chẳng may bị thiệt hại do hậu quả của những hành động không đúng phép.
Kế hoạch sẽ gồm cả một chiến dịch thông báo rộng rãi đến quần chúng, từ gửi thư trực tiếp đến các người vay nợ hội đủ điều kiện để cứu xét, một trang mạng điện tử và một số điện thoại miễn phí để liên lạc. Các cuộc nghiên cứu lại hồ sơ sẽ được chính phủ thuê một số công ty độc lập thực hiện mà 14 ngân hàng lớn đã thỏa thuận với OCC và Ngân Hàng Trung Ương hồi tháng Tư vừa qua. Các cơ quan thanh tra của chính phủ sẽ phải đồng ý lựa chọn thuê những công ty độc lập đó.
“Kế hoạch sẽ vô cùng tốn kém cho các ngân hàng”, thành viên của một công ty cố vấn về tài chính địa ốc, nhận xét.

Những người vay tiền mua nhà (hay tái tài trợ lại món nợ của căn nhà) nào được coi là “thiệt hại tài chính” (financial injury) có thể được đền bù thế nào, tùy từng trường hợp và tùy thuộc vào sự quyết định của công ty điều tra lại hồ sơ. Các người vay tiền mua nhà nghĩ rằng mình có thể là nạn nhân của những vụ cho vay trái qui định của chính phủ, phải nộp đơn yêu cầu cứu xét theo một hạn định sẽ được loan báo, rất có thể vào   cuối tam cá nguyệt thứ nhất năm 2012. Hiện bây giờ chưa có quyết định gì về sự đòi hỏi những người vay tiền, nếu được đền bù, có phải cam kết sẽ không kiện tụng gì không. Nếu không có cam kết, khó tránh khỏi hàng loạt vụ kiện xảy ra.
Các viên chức thanh tra của chính phủ từ chối cho biết phỏng định số tiền đền bù thiệt hại mà người vay tiền có thể nhận được, hoặc phỏng định số tiền sẽ tốn đến đâu cho các ngân hàng tài trợ. Tuy nhiên, sẽ rất ít, hay có thể nói hiếm có chuyện những căn nhà đã bị xiết nợ rồi, nay sẽ được lấy lại cho người chủ.
Cuộc kiểm tra lại hàng triệu hồ sơ vay tiền mua nhà nói trên là một trong những nỗ lực mà chính phủ đứng ra giải quyết liên quan đến những vụ cứu xét hồ sơ xiết nợ mà người có thẩm quyền đã không chịu nghiên cứu, chỉ ký bừa vào hồ sơ, dẫn đến sai sót. Luật lệ đòi hỏi chuyên viên thẩm quyền của ngân hàng trước khi đặt bút ký xiết nợ căn nhà của người ta thì phải làm những gì, mà lại không làm. Những người này được gọi là người “ký như người máy” (robo-signers). Rất có thể do áp lực của công việc quá nhiều, hàng trăm hàng ngàn hồ sơ xiết nợ nhà dồn tới mỗi ngày, nếu đọc kỹ lưỡng từng hàng chữ của mỗi một hồ sơ dày cộm thì mỗi ngày chỉ ký được một vài hồ sơ trong khi cả núi việc, cả núi hồ sơ cứ đùn cao lên mãi.
Phác giác này bùng nổ ra hồi năm ngoái làm cả nước sững sờ.

Theo tin từ Hoa Thịnh Đốn, kế hoạch duyệt lại hồ sơ vay nợ của những vụ xiết nợ nhà tình nghi là nạn nhân của những ông “ký như người máy” hoàn toàn khác với cuộc điều đình giữa giới ngân hàng tài trợ với các cơ quan điều hành thị trường tài chính, bộ tư pháp các tiểu bang qua sự chấp nhận trả nhiều tỉ đô la để tránh bị chính phủ liên bang và các tiểu bang kiện.
Tuy nhiên cuộc điều đình này đang bị khựng lại khi Bộ Trưởng Tư Pháp tiểu bang California Kamala D. Harris rút ra vì cho rằng sự thỏa hiệp “không đủ”.
Việc mất California có thể làm sụp đổ bất cứ sự thỏa hiệp nào vì tiểu bang này có số lượng nhà bị ngân hàng xiết nợ nhiều nhất trong số 50 tiểu bang. Các ngân hàng nhiều phần sẽ không đồng ý chi ra 25 tỉ Mỹ kim đền bù theo sự đòi hỏi của chính phủ liên bang và các tiểu bang trừ phi gồm cả California.

Trong kế hoạch duyệt xét lại các hồ sơ nhà đã bị xiết nợ của OCC, sự thiệt hại tài chính cho người chủ nhà có thể là hậu quả của các hành động khác nhau, gây ra bởi nhà tài trợ từ lầm lỗi đến làm sai lệch sự việc, chứ không phải chỉ là “ký như máy” hoặc là hậu quả từ đây.
Các ngân hàng tài trợ có thể phải chịu trách nhiệm nếu họ tính sai tiền trả nợ hàng tháng hoặc áp đặt các loại lệ phí hay tiền phạt một cách sai trái. Một số người chủ nhà tố cáo rằng nhà tài trợ đã gán cho con nợ những loại bảo hiểm quá đắt trên món nợ, đẩy người ta đến nỗi phải ngưng trả nợ vì trả không nổi.
Các người vay nợ nhà rất có thể được đền bù nếu các cuộc kiểm tra thấy chủ nợ đã tiến hành xiết nợ căn nhà trong khi họ vẫn nhận được một phần tiền trả nợ hàng tháng là số tiền họ được phép trả khi đang trong giai đoạn xin điều chỉnh món nợ, thời kỳ thử thách hay vĩnh viễn.
Sự đền bù cũng có thể được nếu người vay nợ chứng minh được là họ đã nộp đủ tất cả các giấy tờ cần thiết, đúng hạn để điều chỉnh món nợ mà vẫn bị từ chối rồi bị xiết nợ mất nhà.
Vậy tất cả những ai đã bị xiết nợ mất nhà mà hồ sơ rơi vào các năm 2009, 2010, nên để ý theo dõi tin tức trong những tháng tới đây.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT