Bình Luận

Làm khủng bố chùn tay

Saturday, 02/07/2016 - 10:21:25

Câu tuyên bố của ông lại còn là thái độ chính trị của một chính khách Dân Chủ, lên án chủ trương "loạn súng" của đảng Cộng Hòa đối lập; dù ông nói đúng khi ông chỉ trích chủ trương ai muốn mua súng cũng được, thì ông vẫn chưa làm gì cả để làm chùn bàn tay giết người của bọn khủng bố. Việc làm đó là bổn phận của ông, bổn phận của một vị tổng thống.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Từ vài chục năm nay câu hỏi cấp bách Hoa Kỳ cần nêu lên là "trừng phạt nào làm bọn khủng bố chùn tay, bớt giết người?" Phải đánh giá câu hỏi đó là cần thiết và cấp bách vì tâm trạng không sợ bị trừng phạt đang khiến quân khủng bố nhởn nhơ, hào hứng tranh nhau tham dự cuộc thi đua giết người -giết vô tội vạ, giết người Mỹ trên đất Mỹ, mà chính phủ Mỹ không trừng phạt.

Nhân vật quyền lực nhất thế giới là Tổng Thống Barack Obama cũng đang bó tay không làm gì được anh khủng bố Omar Mateen sau khi anh nổ súng giết 49 người Mỹ tại quán rượu Purse, quận Orlando, bang Florida, tối 12 tháng Sáu 2016.

 
Hung thủ Mateen đã có vợ đẹp, con khôn

 
Mateen có nhà cao cửa rộng, mà lại có quyền giết người vô tội vạ

Nửa năm trước thành tích tàn ác của Mateen, là cuộc thảm sát do anh Rizwan Farook và cô vợ Tashfeen Malik thực hiện tại San Bernardino, California, ngày mùng 2 tháng Chạp, 2015; họ giết 14 người và bắn trọng thương 22 người khác.

Obama cũng vẫn không có cách nào trừng phạt cặp vợ chồng này, và tình trạng bất lực của ông khiến vài chục, vài trăm tên khủng bố khác đang rủ nhau đi mua những khẩu súng trận AR15 có nhịp bắn rất nhanh, và có ưu điểm bắn rất chính xác, rồi dắt vợ đi quanh thành phố nghiên cứu xem nhà thờ nào đông tín đồ, trường học nào nhiều học sinh, siêu thị nào đắt khách để ấn định ngày xách súng đến thực hiện những cuộc thảm sát khác khiếp đảm hơn, giết nhiều người hơn nữa.

 
Pháp luật Hoa Kỳ bó tay không trừng phạt được anh Rizwan Farook và cô vợ Tashfeen Malik về tội giết người.

 
Vụ khủng bố tại San Bernadino

Thật ra Tổng Thống Obama cũng không nín thinh sau cuộc khủng bố tại Orlando, ông có lên tiếng, có nói, “Vụ nổ súng này nhắc chúng ta là bất cứ kẻ nào cũng có thể dễ dàng mua súng rồi bước vào trường học, vào nhà thờ, rạp hát, hay nightclub để giết người.

"Chúng ta cần quyết định xem chúng ta có muốn một nước Hoa Kỳ hỗn loạn như vậy hay không; những người không làm gì cả cũng là nhóm chọn con đường bắn giết hỗn loạn." Ông nói lên một góc cạnh của vấn đề -cái góc người Mỹ bán cho khủng bố khẩu súng giết người Mỹ; nhưng ông chưa đề cập đến nhu cầu của Hoa Kỳ là trừng phạt tên sát nhân, để răn những tên khác không tiếp tục giết người nữa.

Câu tuyên bố của ông lại còn là thái độ chính trị của một chính khách Dân Chủ, lên án chủ trương "loạn súng" của đảng Cộng Hòa đối lập; dù ông nói đúng khi ông chỉ trích chủ trương ai muốn mua súng cũng được, thì ông vẫn chưa làm gì cả để làm chùn bàn tay giết người của bọn khủng bố. Việc làm đó là bổn phận của ông, bổn phận của một vị tổng thống.

Ông Tổng Thống Dân Chủ Obama nói chuyện giới hạn súng, thì ông Nghị Sĩ Cộng Hòa Ted Cruz cũng nói chuyện thả dàn mua bán súng. Cruz nói, “Hễ xảy ra chuyện giết người hàng loạt hay chuyện khủng bố Hồi Giáo trên đất Mỹ là không khỏi nghe nhóm tả phái la oai oái đòi giới hạn hiến quyền tự do võ trang của người Mỹ. Vụ giết người mới xảy ra là vụ Orlando, khiến chúng ta lại phải chứng kiến nhóm Dân Chủ đứng giữa Thượng Viện than van. Họ không la, không chỉ trích bọn Hồi Giáo quá khích, mà lại chỉ trích quyền mua súng tự do của người Mỹ."
Obama có cử tọa của ổng, Cruz cũng vậy, cử tri thấy ông nào có lý, bỏ phiếu bầu ông đó, hay bầu đảng của ông đó. Ai cũng bận làm chính trị, không ai quan tâm đến việc làm khủng bố chùn tay súng, bớt giết người Mỹ.
Trong lịch sử nhân loại, nạn khủng bố giết nhiều người là chuyện đã có từ rất lâu, nhưng nạn khủng bố của người Hồi Giáo quá khích giết người Âu Mỹ lại là chuyện mới; yếu tố khiến chuyện này trở thành quan trọng là các quốc gia Âu Mỹ đang chứa chấp một số khá đông người Hồi Giáo di dân.

Một số những người di dân này bị ảnh hưởng tuyên truyền Hồi Giáo đang biến thành những tên khủng bố nội tạng tại những quốc gia chứa chấp, nuôi dưỡng chúng. Tìm đến sinh sống trên lãnh thổ Âu Mỹ, nhưng tuyệt đại đa số người Hồi vẫn theo đạo Hồi, và bất mãn về cuộc chiến tranh giữa giáo phái Sunny với các quốc gia Âu Mỹ -tham chiến vì bênh vực giáo phái Shiite chống giáo phái Sunny -cả hai phái cùng là Hồi Giáo.

Khó khăn bắt đầu từ ngày tổng thống Mỹ George W. Bush treo cổ tổng thống Iraq Saddam Hussein, một tín đồ của giáo phái Sunny. Những tên khủng bố như Omar Mateen, Rizwan Farook và cô Tashfeen Malik đều là người Mỹ gốc Hồi, sinh đẻ trên đất Mỹ hoặc đã sống lâu đời tại đây; riêng cô Malik lấy chồng là công dân Mỹ, cũng đang làm thủ tục để trở thành người Mỹ.

Lý do khiến chính quyền Hoa Kỳ bất lực không làm gì được họ là họ -những tên khủng bố- đã trở thành những cái xác vô tri giác, không vui, không buồn, không còn sợ ai, không còn biết đau đớn, sau hành động cùng hung, cực ác của họ.

Tuy nhiên trước khi biến thành đống thịt tội lỗi và thách thức pháp luật, họ cũng vẫn biết tính toán hơn thiệt cho những người thân họ để lại. Anh Mateen âu yếm dắt vợ đi mua thêm đạn trước đêm giết người; bước vào tiệm bán súng, vợ chồng anh đi riêng, và chỉ bị video kiểm soát ghi nhận họ đến cùng một xe, ra về cùng một xe. Ông bố anh khai là nếu ông biết 1/100 điều đại ác anh làm, ông đã gọi FBI, nhưng cuối cùng ông vẫn nhìn nhận là Mateen căn dặn ông khai như vậy.

Trước khi xách súng đi giết người Mỹ, anh Farook khóc bảo mẹ là anh để chiếc xe mới xài 2 năm lại cho bà, chiếc xe anh lái đến điểm hẹn với tử thần là xe mướn, để dù xe có bị cảnh sát bắn nát, anh cũng không thiệt thòi vật chất; chị vợ anh, dặn mẹ chồng giờ cho cháu nội ăn.

Nói cách khác những tay sát nhân, rồi tự tử đó, đều có những thổ lộ tình cảm với người thân trước phút vĩnh biệt; nhưng dĩ nhiên những người này phủ nhận, nói họ không biết gì cả về việc con họ, chồng họ làm.
Điểm này cần được giới cầm quyền Hoa Kỳ phân tách kỹ lưỡng, tìm hiểu tỉ mỉ, vì đó là cái nút mở ra bí quyết giúp họ giải quyết nạn khủng bố trên lãnh thổ Âu Mỹ.

Nghiên cứu và phân tách tỉ mỉ vai trò giết người rồi tự tử của những anh sát nhân Mateen và Farook để thấy họ cũng chỉ là những anh tài xế lái xe bom trong cuộc nội chiến tôn giáo Trung Đông, khác biệt duy nhất là họ không lái xe, không giết người bằng sức nổ của xe bom.

Điểm giống là bài tính hy sinh một mạng người để giết nhiều người khác, và chính đặc điểm này có thể giúp chính quyền Âu Mỹ giải quyết nạn khủng bố. Nếu chính quyền Mỹ bắt anh Mateen chở cả ông bố giầu có, cả cô vợ và đứa con trai mà anh yêu thương, chở hết lên xe bom, Mateen sẽ không lái đến, và cũng không nổ súng tại nightclub Purse nữa, vì bài tính đổi mạng đã đổi khác: để giết 49 người đồng tính, anh không chỉ thí mạng một mình anh, mà anh còn phải giết thêm 3 người nữa, những người anh vô cùng yêu thương.

Nói rõ hơn, ngoài việc truy tố những người biết mà không tố cáo một dự mưu khủng bố -truy tố họ như những đồng lõa của hành động cố sát- Hoa Kỳ còn cần có một đạo luật trục xuất thân nhân cật ruột của thủ phạm.
Nếu biết trước việc anh giết người sẽ khiến bố anh, vợ con anh phải trở về sinh sống tại nguyên quán A Phú Hãn nghèo khổ và không an toàn, có thể anh Mateen cũng thấy ngần ngại, chùn tay trong việc giết 49 người không hề quen biết, thù ghét gì anh.

Dĩ nhiên đạo luật tước quyền công dân của 3 người Mỹ (bố và vợ con Mateen) và trục xuất họ ra khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ cũng là một điều chướng, khó coi và khó làm, nhưng nếu việc khó làm đó cứu sống nhiều trăm, nhiều ngàn người vô tội, thì việc khó đó có cần làm hay không?

Chỉ có trừng phạt mới làm tội ác giảm xuống; thụ động ngồi đó, hay đem hoa xuống Orlando chia buồn với thân nhân những người bị khủng bố giết -như Obama đã làm- là thiếu trách nhiệm, không làm bổn phận chặt tay khủng bố, bảo vệ lương dân.

Tổng thống và phó tổng thống đặt bó hoa thương tiếc những người bị giết, nhưng lại không trừng phạt kẻ giết người.

Điều đáng ngạc nhiên là Obama đã từng chứng tỏ bản lĩnh của một vị tổng tư lệnh tài ba trên chiến trường thế công, nhưng ông lại không xuất sắc trong thế phòng thủ, không biết cách chặt bàn tay cầm súng của quân khủng bố.

Ông cần có quyết định táo bạo hơn, và ông cũng đừng quên một tiền lệ trong Thế Chiến Thứ Nhì: Tổng Thống Franklin D. Roosevelt cũng đã phải làm một việc khó coi là cưỡng bách trên 110,000 người Mỹ gốc Nhật vào sống trong các trại tập trung, sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng tại Hawaii bằng không lực hải chiến.

 
                                              Người Mỹ gốc Nhật sống trong trại tập trung

So sánh với nguy cơ người Mỹ gốc Nhật có thể làm gián điệp cho quân đội Nhật -mới chỉ có trên giả thuyết- thì nạn khủng bố Hồi Giáo giết người Mỹ trên đất Mỹ là việc hiển hiện và vô cùng cụ thể hơn, đã xảy ra nhiều lần và đang có nguy cơ tái diễn bất cứ lúc nào; ngay cả việc so sánh giữa biện pháp cưỡng bách hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Nhật phải sống trong trại tập trung, với biện pháp trục xuất một vài chục, hoặc nhiều lắm là một vài trăm người Mỹ gốc Hồi Giáo để giải quyết một bế tắc đẫm máu và khó coi đang diễn ra, tưởng cũng không có gì là quá đáng.
 
Kính thưa quý vị độc giả,
Nếu quý vị đánh giá bài báo này là “đọc được”, tác giả trân trọng mời quý vị đọc thêm 73 bài nữa được tuyển chọn và in trên 540 trang giấy vàng lợt, khổ 6x9, trình bày trang nhã, đầy đủ hình ảnh, sách đóng chỉ, bìa cứng, dưới tựa đề Bình Luận Thời Sự giá $30. Độc giả ngoài Hoa Kỳ xin giúp thêm $10 cước phí (trong tổng số trên $22).
Mua sách xin quý vị gửi chi phiếu về địa chỉ: Nguyễn Đạt Thịnh, 515 Crestwater Ct.
Houston, TX 77082.

 

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT