Phóng Sự

Làm phim của lớp tiếng Việt tại đại học (kỳ 4)

Sunday, 16/07/2017 - 10:23:59

Đến khi lên đại học UCI, Khang có cảm giác là bắt đầu quên cách dùng một vài chữ tiếng Việt, cho nên đó cũng là lý do Khang quyết định lấy lớp tiếng Việt khi lên học UCI. Cách nay gần một năm Khang đã ghi danh vào học lớp Tiếng Việt của thầy Trần Chấn Trí.

Bài BĂNG HUYỀN

Ích lợi việc làm phim với Khang Đỗ

Sinh viên Khang Đỗ đang là sinh viên năm thứ ba Quan Hệ Quốc Tế (International Relations) và Lịch Sử của Ngành Khoa Học Xã Hội Nhân Văn tại Đại Học UCI, và đang làm nghiên cứu dưới sự chỉ dẫn của giáo sư chính trị Robert M. Uriu với đề tài “Sự phát triển bền vững về an ninh kinh tế khu vực Đông Nam Á và Bắc Á.”


Sinh viên Khang Đỗ trong vai thầy giáo trong phim "Quay Cóp- Chuyện Muôn Thuở Lớp Học Việt" của lớp tiếng Việt 2C khóa mùa xuân 2016.

Khang đang theo học hai chương trình danh dự dành cho sinh viên có điểm chuẩn cao tại trường. Sau này Khang mong muốn được nhận vào những trường cao học (Grad School) lớn của Mỹ có những chương trình về chính trị, đặc biệt là quan hệ quốc tế châu Á chẳng hạn như: Columbia, UCLA, UC Berkeley, UCSD, UCI. Khang Đỗ cho biết Khang chỉ mới qua định cư tại Mỹ, sống ở Quận Cam cùng gia đình khoảng 6 năm nay. Khi qua đây Khang học lớp 8 bên này, trong 6 năm qua, để sớm hòa nhập với việc học cùng các bạn, Khang tập trung học và nói tiếng Anh nhiều hơn, bắt đầu ít nói tiếng Việt.
Ngoài tiếng Anh, Khang còn học tiếng Pháp là ngoại ngữ trong trường khi học trung học. Đến khi lên đại học UCI, Khang có cảm giác là bắt đầu quên cách dùng một vài chữ tiếng Việt, cho nên đó cũng là lý do Khang quyết định lấy lớp tiếng Việt khi lên học UCI. Cách nay gần một năm Khang đã ghi danh vào học lớp Tiếng Việt của thầy Trần Chấn Trí.


Một cảnh trong phim “Phở” của lớp tiếng Việt 2C khóa mùa xuân 2016. Diễm (đang ngồi) nấu phở còn Thảo mang chả giò. Julia chỉ muốn ăn chả giò, không muốn ăn phở. Diễm rầy con, Julia (đang đứng) cãi nhau với mẹ "mẹ cứ nói vậy hoài, hèn gì ba mới bỏ đi.

Về lợi ích của việc làm phim theo nhóm khi Khang học lớp Tiếng Việt 2 C do thầy Trí dạy, Khang Đỗ nói, “Việc làm phim trong lớp tiếng Việt rất cần sự hợp tác của các thành viên trong nhóm. Trong lớp Khang học vào năm ngoái, nhóm nhỏ có 2- 3 người, nhóm lớn thì có 5- 6 người, các thành viên tự chọn nhóm cho mình, nhóm của Khang có khoảng sáu bạn, có một bạn không rành tiếng Việt.

“Vì Khang là người rành tiếng Việt, nên Khang được đảm nhận viết kịch bản cho nhóm. Thầy quy định phim của mỗi nhóm không quá 10 phút, đó cũng là một yếu tố khiến cho những bạn không rành tiếng Việt hơi khó khi viết kịch bản và đóng phim. Vì cách diễn đạt của tiếng Việt nhiều khi dài dòng hơn tiếng Anh. Khang phải làm sao viết kịch bản đúng khung giờ thầy đã quy định, đặc biệt là ngôn ngữ cũng phải khác ngôn ngữ nói chuyện bình thường, phải điện ảnh hơn.”


Một cảnh trong phim “Phở” của lớp tiếng Việt 2C khóa mùa xuân 2016 (Hình cung cấp) Julia (mặc áo tím bên góc phải màn hình) đang than thở với Tú (cô bạn đội mũ) về việc mẹ Diễm khó khăn, không cho tiền đi xem concert với bạn bè.

Có rất nhiều yếu tố khiến cho quá trình Khang viết kịch hản khó hơn là Khang hình dung. Thời gian thầy đưa ra để hoàn thành kịch bản và bộ phim chỉ có ba tuần trước khi nộp phim hoàn chỉnh, thời gian này Khang và các bạn phải chuẩn bị thi final nhiều lớp khác nữa, nên rất bận rộn. Vì vậy Khang phải ráng cùng các bạn hợp tác với nhau để xây dựng kịch bản, quay phim, edit, duyệt lại lần cuối trước khi gửi link phim cho thầy xem. Dù thầy cho chủ để tự do, nhưng mỗi nhóm phải chọn đề tài mang tính nhân văn, có ý nghĩa giáo dục.


Một cảnh trong phim “Phở” của lớp tiếng Việt 2C khóa mùa xuân 2016. Thảo (người dì nhiều chuyện, áo đen, đeo kiếng) nói với Diễm (áo bông) là chắc Julia giống tính bố chứ ko giống tính nhà ngoại. Julia (đứng ngoài bìa ảnh ngay cửa bếp) vô tình nghe được.

“Bộ phim Khang làm mang tên: Quay Cóp- Chuyện Muôn Thuở Lớp Học Việt. Phim xoay quanh câu chuyện của Vy, Thư, và Trân, ba học sinh trong lớp của thầy Khang. Cốt truyện chủ yếu khai thác thói quen xấu của học sinh Việt Nam là gian lận trong học tập. Bộ phim đề cao tinh thần tự giác, tinh thần trách nhiệm, và sự nỗ lực của cáo học sinh Việt. Bộ phim cũng thể hiện lại những câu chuyện đời thường của một lớp học truyền thống Việt Nam. Thông qua đó có thể truyền đi phần nào tình yêu đối với đất nước Việt nam. Tên của các thành viên trong nhóm của Khang gồm có Khang Đỗ, Thu Nguyễn, Trân Nguyễn, Vi Bùi, Trân Trần, Tuấn Trần.”

Khang cho biết khi hoàn tất kịch bản xong, các thành viên trong nhóm phải học thuộc kịch bản khi quay phim. Trong nhóm có một bạn vì không rành tiếng Việt, nên trong thời gian chuẩn bị quay phim Khang phải giúp bạn này. Những câu quá dài, quá khó để nhớ, khi quay thì Khang phải sửa lại câu thoại đó đơn giản hơn, cho dễ nói hơn, nhưng vẫn hợp lý, diễn đạt cùng một ý như trong kịch bản đã có. Câu đơn giản hơn thì cấu trúc cũng phải hay, đó cũng là một khó khăn cho Khang khi làm phim này.


Một cảnh trong phim “Phở” của lớp tiếng Việt 2C khóa mùa xuân 2016. Thảo (người dì nhiều chuyện, áo đen, đeo kiếng) nói với Diễm (áo bông) là chắc Julia giống tính bố chứ ko giống tính nhà ngoại. Julia (đứng ngoài bìa ảnh ngay cửa bếp) vô tình nghe được.

Dù phim của nhóm Khang Đỗ làm đã không được bầu chọn giải phim hay nhất, nhưng Khang trong vai thầy giáo rất thuyết phục, vì vậy đã được các bạn trong lớp bầu chọn là “nam diễn viên xuất sắc.”
Khang nói, “Phim được giải hay nhất là do nhóm có các thành viên đa phần không rành tiếng Việt và có một bạn là người Mỹ. Nghĩa là họ khó khăn hơn nhóm Khang và vài nhóm khác rất nhiều. Đương nhiên so về trình độ tiếng Việt thì họ sẽ không bằng mình, có thể tiếng Việt không rành bằng các thành viên nhóm Khang, nhưng các bạn ấy làm phim rất hay, vì các bạn rất cố gắng, khi các bạn nói lời thoại trong phim, Khang nghe được những từ rất hay được viết ra từ những từ các bạn từng học trong lớp, các bạn áp dụng rất nhiều điểm ngữ pháp, những gì thầy đã dạy để đưa vào phim, Khang thấy rất thuyết phục.”
Khang Đỗ cho rằng việc làm phim của lớp tiếng Việt rất hay, có những nhóm khác trong lớp còn nhờ sự hỗ trợ của các sinh viên trong trường cùng tham gia trong phim, nhiều khi là mời các giáo sư trong trường nữa (thầy Trí cho phép điều này). Nhờ vào phim của lớp tiếng Việt mà nhiều người biết đến lớp tiếng Việt hơn. Vì có nhiều giáo sư trong trường còn không biết có chương trình dạy tiếng Việt tại UCI, đây cũng là một cách để quảng bá tiếng Việt, chương trình dạy tiếng Việt tại đại học UCI.

Ngoài ra, Khang Đỗ còn thêm điều thích thú khi làm phim của lớp Tiếng Việt, Khang chia sẻ, “Khang và các bạn khác học được cách giải quyết mâu thuẫn, vì khi làm nhóm thì chắc chắn sẽ xảy ra mâu thuẫn với nhau. Và khi giải quyết mâu thuẫn thì phải nói bằng tiếng Việt chứ không được nói bằng tiếng Anh. Nhóm Khang chỉ có Khang sinh ra tại Việt Nam, còn các bạn khác đều sinh ra tại Mỹ. Nhiều bạn trong nhóm cố gắng nói tiếng Việt nhiều khi thấy rất vui, vì họ sinh ra tại Mỹ, không rành tiếng Việt nhưng vẫn cố gắng nói tiếng Việt để cùng giải quyết mâu thuẫn với mình. Nhờ vậy giúp các thành viên khắng khít hơn. Lớp Khang học lúc đó có sáu nhóm làm phim tất cả. Có nhóm làm rất chuyên nghiệp phần âm nhạc và dàn dựng phim, vì có những bạn trong nhóm đó học những chuyên ngành này. Khi cùng ngồi xem lại các phim của các nhóm khác, Khang thấy rất hay vì các bạn chọn những đề tài như gia đình, xã hội theo kiểu phim hành động, lồng ghép những từ rất hay phù hợp với đoạn phim, rất sáng tạo.”

Ích lợi việc làm phim với Thảo Trần

Còn với sinh viên Thảo Trần, hiện đang học năm thứ ba ngành Quốc Tế Học tại Đại học UCI, cho biết Thảo đến Mỹ định cư gần 8 năm, khi qua đây Thảo đã 17 tuổi, tiếng Việt đã khá vững vàng, Thảo học lớp 12 ở bên này tại Costa Mesa High School. Sau khi hoàn tất xong trung học, Thảo ghi danh học trường Orange Coast College lấy bằng hai năm, sau đó chuyển tiếp lên UCI.

Trong thời gian học tại đây, vì thấy Thảo nói thông thạo hai ngôn ngữ Anh- Việt, nên cô giáo counselor khuyên Thảo làm test lớp tiếng Việt để có thể tiết kiệm được thời gian học môn ngoại ngữ bắt buộc của ngành học, nhưng không may là khi thi để xét trình độ vào học lớp tiếng Việt, điểm của Thảo không cao, nên phải học lớp 2 A. Lúc lấy text, Thảo đinh ninh mình sẽ đạt điểm cao, sẽ không phải lấy lớp Tiếng Việt để học nữa, sẽ dành thời gian cho môn học khác, hoặc sẽ được xếp ngay vào lớp 2 C (là lớp cao nhất của môn tiếng Việt tại UCI) chứ không phải học từ 2 A.

Thảo Trần hài hước cho biết, “Thảo cảm thấy xấu hổ lắm, vì hồi ở Việt Nam Thảo học môn Văn điểm cao, vậy mà làm text xếp lớp ở bên này thì chỉ đủ điểm đậu phần lớp cao nhất của trình độ sơ cấp, phải bắt đầu học từ lớp đầu tiên của chương trình trung cấp. Thảo đoán có lẽ Thảo bị rớt phần thi viết, vì thi nói, thầy Trí chấm thi, có nói Thảo là đậu chắc rồi, nhưng thi phần viết có những câu hỏi ngữ pháp, có thể Thảo đã làm sai. Nhưng dù sao Thảo thấy cũng nhờ học lớp tiếng Việt của thầy Trí, Thảo đã học được nhiều điều bổ ích lắm, vì học đâu chỉ học tiếng Việt mà còn học ngữ cảnh đối thoại, cách đặt câu, văn hóa.

“Thầy Trí còn cho biết cách nói của người Việt sống ở các vùng miền, cách nói trước 1975 ra sao. Những từ gốc Hán, đã dùng sai nhưng do dùng riết quen rồi thành đúng, không sửa được nữa. Ví dụ như Chúng cư mới đúng, Chúng là quần chúng, Cư là ở chung với nhau. Bây giờ người ta gọi là Chung Cư chứ không gọi là Chúng Cư nữa, vì vậy Chúng Cư sẽ không có nhiều người biết, có khi nghe ai nói Chúng Cư, người không biết sẽ cho là từ này là nói sai. Nhiều người nói sai và lâu ngày, thì từ sai thành đúng. Hoặc có những từ Thảo hay dùng tại Việt Nam, thầy Trí có chỉ ra những từ đó chưa chính xác, để Thảo sửa lại khi nói. Như Ghi Danh thay cho chữ Đăng Ký bên Việt Nam hay dùng. Ghi là Ghi ra, Danh là tên mình, có nghĩa hơn. Còn Đăng là đăng lên và Ký là Ký, vừa thừa mà chẳng đủ nghĩa, vì Đăng Ký nghĩa là đăng lên rồi ký, mà ký cái gì?”

Thảo Trần nói Thảo còn học được từ lớp tiếng Việt lịch sử, nguồn gốc từ vựng đó vì sao dùng nó trong ngữ cách đó, mà không dùng ngữ cảnh khác… Nên Thảo thấy học rất bổ ích. Vì biết tiếng Việt rồi, trước khi học lớp tiếng Việt tại UCI, Thảo không hề nghĩ tới phải đi học lại tiếng Việt làm gì, nhưng khi học lớp thầy Trí, thấy hay, vì vậy sau khi học xong 2 A, 2 B, Thảo vẫn ghi danh tiếp để học 2 C dù ngành học của Thảo yêu cầu chỉ cần lấy 2 lớp là đủ.

“Thầy Trí rất hài hước, thầy làm cho lớp học rất đa dạng, hôm nay học ngữ pháp, mai học từ vựng, cách ghép câu, tạo không khí học trong lớp sôi nổi, vui vẻ, đến học lớp thầy Trí Thảo rất thư giãn, và còn học thêm những kiến thức bổ ích nữa. Cuối khóa 2C lại được làm phim, tạo cho cơ hội cho các sinh viên gặp gỡ sau giờ học.”

Về ích lợi của việc làm phim, Thảo Trần nói, “Khi tham gia làm phim, mọi người có dịp nói tiếng Việt nhiều với nhau, có thời gian gắn kết với nhau, hơn nữa mỗi một bộ phim có chủ đề. Phim của nhóm Thảo làm, Thảo viết kịch bản cho nhóm, đã chọn chủ đề Gia Đình, tựa phim là “Phở”.

Thông qua truyện phim, các bạn trong nhóm cũng thấy được giá trị gia đình như thế nào, sống và ứng xử trong gia đình có truyền thống của người Việt thì nó khác như thế nào với lối sống của Mỹ. Thật ra, trong nhóm của Thảo, các bạn đều có mối quan hệ tốt với gia đình, thành ra mọi người không học được nhiều lắm về bài học từ phim. Thú thật là nếu không có làm phim với nhóm như lớp tiếng Việt thì các bạn sinh ra bên này không có dịp nói tiếng Việt với những người khác nhiều. Nhóm Thảo có 3 người là rành tiếng Việt vì mới đến Mỹ vài năm, còn 2 bạn sinh ra ở đây thì nói cũng khá rành, nên không gặp khó khăn trong việc đóng phim, nói lời thoại.

Sau giờ học, nhóm của Thảo dành một tiếng gặp nhau để bàn bạc về bộ phim sẽ quay, phân công công việc cho mọi người. Thảo viết kịch bản, thì phải gửi cho các bạn xem, để các bạn góp ý, sau đó Thảo sửa lại theo ý của nhóm để kịch bản hoàn chỉnh, xây dựng nhân vật để đạt cao trào, sau khi mọi người thống nhất sẽ làm từ bước A, B, C rồi mới đến nhà bạn một bạn trong nhóm, học về art để quay trong sáu tiếng là xong. Trong phim này Thảo đóng vai người dì nhiều chuyện.”

Nhận xét về trình độ tiếng Việt của các bạn trong lớp, Thảo Trần cho biết vì lớp Thảo học là lớp trung cấp, nên các sinh viên đều nói được tiếng Việt, nếu người nói không nói nhanh quá, hoặc không dùng từ ngữ chuyên môn, thì các sinh viên đều hiểu. “Thảo thấy trình độ giữa các lớp 2 A, 2 B, 2 C không chênh lệch lắm, hôm nay học về thành phố này với nét văn hóa của người Việt, hôm sau thì học nét văn hóa khác, từ vựng cũng đầy lên, phát triển nhiều hơn. Nhưng cá nhân Thảo thấy không thăng tiến nhiều là vì Thảo đã biết rồi, thầy nói đến đâu là mình hiểu tới đó rồi. Chỉ là có thêm những kiến thức mới để mình dùng, đó chỉ là mới theo cách đó, không lớn lắm, chứ không như Thảo học ngoại ngữ khác, ví dụ tiếng Pháp, mỗi mùa học sẽ có sự thăng tiến rõ ràng hơn. Hoặc như những bạn sinh ra bên này, thì việc học này có lẽ sự thăng tiến sẽ cao hơn.”

Theo Thảo Trần, bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thì Thảo thấy các bạn trong lớp hầu như nghe, nói khá ổn. Thảo ngạc nhiên là nhiều bạn trong lớp, sinh ra ở đây, mà có thể nói tiếng Việt khá sõi, nghĩa là biết cách dùng từ, nói chuyện hài hước bằng tiếng Việt được, nói tiếng lóng, biết những từ bên Việt Nam hay dùng. Các bạn hiểu cách đùa bằng tiếng Việt, khi nói nghe rất rõ những thanh âm huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng. Còn viết và đọc thì thấy các bạn gặp khó khăn hơn. Thường gặp khó khăn khi bỏ dấu lúc viết câu, viết sai chính tả.

“Riêng Thảo vốn rất tự tin kỹ năng khi đặt câu trong tiếng Việt, nhưng nếu đưa thầy xem, thì thầy sẽ chỉ ra cho Thảo thấy phần sai, cần phải đặt câu này ra phía trước, câu này đặt ra phía sau. Rõ ràng đặt ra trước, ra sau không thay đổi nghĩa câu đó, nhưng về mặt ngữ pháp là sai. Với Thảo thì ngữ pháp tiếng Việt rất phức tạp.

“Thảo cho rằng muốn thông thạo một ngôn ngữ nào đó, thì người học không chỉ nói thứ tiếng đó mà phải sống trong thứ tiếng đó nữa, thì mới trở thành một phản xạ. “Thảo nghĩ với tiếng Việt (là tiếng mẹ đẻ của Thảo) Thảo phải học cả đời nhiều khi cũng chưa biết hết các từ ngữ trong tiếng Việt của mình. Nhờ học lớp thầy Trí, giúp Thảo học thêm những từ vựng phong phú và cố gắng nói chính xác từng từ ngữ.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT