Phóng Sự

Làm phim của lớp tiếng Việt tại đại học (kỳ 5)

Sunday, 23/07/2017 - 11:22:12

Trúc nói Trúc thích học tiếng Việt do thầy Trí dạy tại UCI, vì thầy Trí không chỉ dạy về ngữ pháp, từ vựng, cách đặt câu… mà thầy còn dạy về văn hóa Việt Nam. Những kiến thức đó hồi ở Việt Nam Trúc vẫn chưa được học để biết.

Bài BĂNG HUYỀN

Ích lợi của làm phim với Nghi Nguyễn

Sinh viên Nghi Nguyễn đang học để lấy bằng hai năm tại Đại học Cal State Long Beach, từng theo học lớp tiếng Việt 211 (là lớp trung cấp cao nhất tại trường Cal State Long Beach) do thầy Quyên Di dạy, đã hoàn tất khóa học 16 tuần của Việt 211 vào tháng 5 năm 2017.


Sinh viên Nghi Nguyễn (bên phải) trong vai Chức Nữ trong Phim “Ngưu Lang Chức Nữ” của lớp Việt 211 khóa mùa xuân 2017 tại Đại Học Cal State Long Beach.

Nghi cho biết, “Em qua Mỹ lúc 11 tuổi, gia đình em sống tại thành phố Westminster từ đó đến nay. Khi lên học trung học tại Westminster High School, em có chọn môn tiếng Việt là ngoại ngữ để học, nhưng do lớp đông sinh viên quá, mà trường chỉ có hai giáo viên dạy tiếng Việt là cô Lan và cô Thảo Ly, không đủ chỗ cho em vào, nên em phải đợi đến lớp 12 mới vào học lớp tiếng Việt được. Khi làm test để xếp lớp, cô Lan thấy điểm em cao, nên xếp em vào học Việt 4, là lớp cao nhất, do cô Thảo Ly dạy. Sau khi học xong Việt 4, khi tốt nghiệp trung học em nhận được dây đeo là học sinh thông thạo 2 ngôn ngữ Anh Việt.”

Nghi Nguyễn nói chuyện với ba mẹ bằng tiếng Việt, còn mang theo sách vở tiếng Việt ở Việt Nam qua để tự ôn luyện cho mình. “Thật ra nói chuyện với ba mẹ em thì dễ, nhưng khi viết văn, những từ ngữ xưa thì em có gặp khó khăn một chút, có những từ em không rõ nghĩa, tại sao phải dùng từ đó, phải đặt câu ra sao. Hồi ở Việt Nam em chỉ mới học văn đặt câu, miêu tả thôi, chứ chưa học đến làm văn bình luận. Nên khi lên trung học, em ghi danh học tiếng Việt, vì em nghĩ học tiếng Việt thì nó gần gũi với mình hơn, vì bỏ tiếng Việt lâu rồi, khi quay lại học thì em còn khám phá nhiều về văn hóa, lịch sử Việt Nam, có nhiều thông tin mà em chưa bao giờ biết qua. Vì ở Việt Nam em sống ở một chủ nghĩa khác, còn qua đây thì sống ở một chủ nghĩa khác. Ở Việt Nam thì em chỉ mới được học những căn bản như đọc những âm vần, còn bên này em học được từ Hán Việt, ở Việt Nam thì em chưa được học.”


Sinh viên Trúc Nguyễn trong một cảnh phim “Xanh Vỏ Đỏ Lòng” của lớp tiếng Việt 2 C khóa mùa xuân 2017

Nhắc lại thời gian học lớp Việt 4 tại trung học Westminster, Nghi Nguyễn kể, “Năm em học Việt 4, cô Thảo Ly rất bận rộn. Do thiếu giáo viên dạy tiếng Việt, mà quá đông học sinh ghi danh, cô phải chia lớp ra, một bên là học sinh gốc Việt sinh ở Mỹ, nói tiếng Việt chưa giỏi, và một bên là học sinh đến từ Việt Nam, tiếng Việt giỏi hơn học một lớp. Cô rất mệt, vì phải chạy qua bên lớp này giảng bài, chạy qua lớp kia cho bài tập, giảng bài. Nên khi vào học, em thấy tội nghiệp cô vì cô quá bận rộn chạy qua chạy lại, nên khi học, em không thấy enjoy như học lớp thầy Quyên Di trên đại học Cal State Long Beach.
“Khi học tại Cal State Long Beach, lớp học tiếng Việt 211 mà em ghi danh học, trường xếp giờ học lớp này vào giờ rất trễ, từ 5 giờ chiều đến gần 7 giờ tối mới kết thúc buổi học, nhưng em vô học lớp này không thấy mệt, mà lấy lại tinh thần được liền sau một ngày mệt mõi khi học các môn học trước đó, em thấy tinh thần sảng khoái khi vào học lớp thầy Quyên Di. Và dù em đã hiểu tiếng Việt rồi, nhưng học lớp của thầy dạy, vẫn giúp em hiểu sâu hơn về văn hóa của người Việt mình hơn.”

Theo Nghi Nguyễn ấn tượng đầu tiên khi vào học lớp thầy Quyên Di là Nghi thấy thầy rất hài hước, diễn đạt ngôn ngữ hay, luôn đem lại tiếng cười cho lớp học. Lớp Nghi học có một nửa sinh viên mới qua định cư tại Việt Nam vài năm gần đây như Nghi và một nửa sinh viên sinh ra tại Mỹ.

Nghi chia sẻ, “Lên đại học thì em không nghĩ là học được nhiều từ lớp thầy Quyên Di, nhưng đến khi nghe những bài thầy giảng, em rất thích. Thầy giảng rất dễ hiểu, những từ đã nghe qua, hay những từ thường xài rất nhiều trong cuộc sống, nhưng lại thật sự không hiểu rõ ý nghĩa, hoặc không biết cách xài sao cho đúng. Ví dụ như chữ thời gian và thì giờ, thường mình hay nói là tôi không có thời gian, thầy nói dùng như vậy là sai. Phải nói là tôi không có thì giờ, vì thời gian là chỉ một lượng thời gian rất dài. Ví dụ như nhiều năm nhiều tháng hoặc lâu hơn. Còn thì giờ là chỉ một ít thời gian thôi, ví dụ là vài phút, vài giờ hay trong một ngày. Nếu muốn nói là không có time, thì phải nói là không có thì giờ. Chứ không nên nói là không có thời gian. Hay những mốc giờ trong ngày, như 11 giờ sáng, 3- 4 giờ chiều... có nhiều người không phân biệt được, cứ gọi lung tung lên. Khi em học lớp Việt 211, em được thầy chỉ rõ để phân biệt, tránh nói sai. Và còn nhiều bài học hay khác mà em không thể kể ra hết.”

Nghi nói thú vị nhất của khóa học Việt 211 là có phần làm phim theo nhóm. Vào buổi học thứ hai, thứ ba là thầy cho các sinh viên lựa nhóm để học chung rồi. Đến vào giữa khóa học vài tuần thì thầy cho biết mỗi nhóm phải làm phim giữa khóa và cuối khóa. Thầy chọn người làm nhóm trưởng, người làm nhóm phó, sau đó các sinh viên chọn nhóm mình thích để tham gia. Một lớp có khoảng năm nhóm, nhóm có từ 5- 7 bạn.

Nghi kể, “Nhóm em có hai anh chị giỏi tiếng Việt nên được thầy giao làm nhóm trưởng, nhóm phó. Phim đầu tiên vào giữa khóa của nhóm lúc đó có nhiều thành viên trong nhóm mới vào học năm một, nên còn lu bu các môn học khác, thành ra lúc làm phim, các thành viên không chăm chút nhiều cho bộ phim lắm, vì ai cũng bận rộn. Anh nhóm trưởng đảm nhận viết kịch bản, còn em thì đóng một vai trong phim, vai cô gái đanh đá. Chủ đề thầy cho làm phim giữa khóa là cho xem phim Việt Nam Cầu Thang Tối, sau đó mỗi nhóm phải viết tiếp kịch bản cho phần tiếp theo của bộ phim bằng sự tưởng tượng của mình và quay lại bộ phim từ kịch bản viết tiếp đó.

“Phim giữa khóa của nhóm em không làm tốt lắm, chỉ một anh nhóm trưởng viết kịch bản, các thành viên không góp ý nhiều phần kịch bản, rồi mỗi người phân vai ra cho nhau đóng. Đến khi chiếu phim trên lớp, xem phim của các nhóm khác, mới thấy là nhóm mình làm không hay bằng, sơ sài quá, đã không đặt tâm huyết vào bộ phim lắm. Chính vì vậy mà khi đến mùa cuối khóa, các thành viên trong nhóm cố gắng chăm chút cho bộ phim hơn.

“Chủ đề thầy cho phần cuối khóa là truyện cổ tích Việt Nam, lúc đó em đề nghị làm Tấm Cám, vì dễ biến tấu rất nhiều câu chuyện khác nhau để làm phim, dựa vào đó cũng sẽ dễ hơn khi làm. Nhưng các anh chị và các bạn trong nhóm không đồng ý, cho là đã có quá nhiều người làm Tấm Cám rồi, sẽ khó làm hay. Khi đó, em đề nghị nhóm làm phim Ngưu Lang Chức Nữ, vì em nghĩ ít có nhiều người nhớ đến câu chuyện này.”

Nghi đã xung phong viết kịch bản cho nhóm, rồi các thành viên trong nhóm góp ý cho kịch bản hoàn chỉnh hơn. Ban đầu Nghi viết dựa theo câu chuyện cổ tích, chỉ viết vài câu thoại dí dỏm, nhưng mọi người góp ý phải biến đổi câu chuyện gốc, vì vốn có kết thúc buồn, nên viết mới lại cho nó vui phần kết thúc. Phim cuối khóa của nhóm Nghi nhờ các thành viên chịu khó chăm chút hơn, nên được thầy khen hay hơn phim giữa khóa.

Nghi Nguyễn cho biết, “Nhờ có chia nhóm làm phim nên các thành viên trong nhóm có thời gian gắn bó thân thiện với nhau hơn, nhất là sau thời gian làm xong phim giữa khóa, các thành viên trong nhóm mới thân thiết với nhau hơn lúc trước. Sau giờ học chúng em hay hẹn gặp nhau đi ăn uống chung, để cùng bàn luận cho bộ phim, thường hay đi chung xe với nhau để đi tìm cảnh quay, vì đến những nơi làm bối cảnh cho phim thường khó tìm chổ đậu xe. Nhờ vậy mọi người rất gắn bó với nhau. Trong nhóm có 2 anh chị, một chị sinh ở bên này, nói tiếng Việt chưa rành, còn một anh thì viết hay bỏ lộn dấu, nên các thành viên còn lại giỏi hơn chỉ giúp cho 2 anh chị đó.”

Ích lợi của làm phim với Trúc Nguyễn

Với sinh viên Trúc Nguyễn đang học năm thứ ba ngành Quản Trị Kinh Doanh Đại Học UCI, cho biết Trúc đến Mỹ định cư lúc Trúc 12 tuổi, vì vậy khi vào học tại UCI, Trúc chọn ngoại ngữ là Tiếng Việt để học, vì lúc học trung học, Trúc chọn học tiếng Tây Ban Nha, do trường nơi Trúc học không có ngoại ngữ là môn tiếng Việt.

Nói về lý do chọn học tiếng Việt khi lên đại học, Trúc Nguyễn giải thích, “Em lấy lớp tiếng Việt vì dù ở Việt Nam em có học tiếng Việt, nhưng khi qua Mỹ, dùng tiếng Anh nhiều, nên cũng có quên tiếng Việt, với lại phần từ vựng tiếng Việt của em cũng không tốt lắm. Em muốn học lại tiếng Việt để rành hơn về văn hóa Việt Nam. Khi làm test để lấy lớp tiếng Việt, em đã được xếp vào lớp 2 C luôn, em học và kết thúc xong khóa học vào khóa mùa xuân 2017 này.”

Trúc nói Trúc thích học tiếng Việt do thầy Trí dạy tại UCI, vì thầy Trí không chỉ dạy về ngữ pháp, từ vựng, cách đặt câu… mà thầy còn dạy về văn hóa Việt Nam. Những kiến thức đó hồi ở Việt Nam Trúc vẫn chưa được học để biết.

Bộ phim do nhóm Trúc thực hiện, mang tên “Xanh Võ Đỏ Lòng" do Trúc đảm nhận viết kịch bản và dịch qua tiếng Anh cho các bạn trong nhóm hiểu rõ nghĩa hơn để dễ học thuộc. Vì có hai bạn sinh ra ở bên này nên tiếng Việt chưa giỏi lắm. Còn ba bạn còn lại trong đó có Trúc thì đều sinh ra bên Việt Nam nên tiếng Việt khá hơn. Phim của nhóm Trúc không được giải thưởng gì cả.”

Trúc nói, “Dù không được giải nhưng chúng em học được nhiều điều hay từ việc làm phim chung với nhau. Nhóm chúng em cùng bàn luận với nhau cho phần viết kịch bản, sau đó em viết và chỉnh sửa theo ý kiến chung của các bạn. Em thích làm phim nhóm, nhờ vậy học được từ các bạn, ngoài việc em giúp những bạn chưa rành tiếng Việt, nhưng các bạn cũng giúp lại em những điều em chưa biết. Vì các bạn trong nhóm của em đã học với thầy Trí từ mấy lớp trước đó rồi lên đến lớp 2 C, nên học được nhiều hơn em, em chỉ mới học với thầy có 1 mùa (lớp 2 C) thôi. Em thích cách dạy của thầy Trí, sắp tới nếu thầy có dạy thêm lớp về Văn hóa Việt trong UCI, thì em sẽ lấy lớp của thầy để học.”

Trúc Nguyễn kể qua nội dung, “Chuyện phim nói về gia đình này rất giàu, có bà mẹ và đứa con gái, bà mẹ rất thích đồ nữ trang, sắm rất nhiều để trong nhà. Con gái có người bạn và người chị em họ đến chơi ngày hôm đó. Một hôm bà phát hiện nữ trang của bà mất hết. Bà không biết ai đã lấy của mình. Thông điệp muốn nhắn gửi qua phim là một con người nhìn tưởng là đơn giản, dễ hiểu, nhưng thật ra họ làm điều gì khác, thì ta không thể dễ đoán được.”

Trúc bảo rằng cũng nhờ học lớp của thầy Trí, Trúc đã chọn việc đọc sách nhiều hơn để trau dồi thêm tiếng Việt cho mình. “Em được các anh chị em họ sống bên Việt Nam giới thiệu quyển truyện Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, em đã đọc và thấy thích, do thời gian này em bận học, chưa chọn đọc nhiều sách, nhưng sắp tới em sẽ tiếp tục nhờ các anh chị em họ giới thiệu và gửi sách qua đây cho em đọc, để em luyện thêm vốn từ tiếng Việt cho mình.”

Trúc Nguyễn chia sẻ, “Em nghĩ từ ngữ của tiếng Việt rất hay, rất đẹp, em sinh ra tại Việt Nam, đã học bên đó đến lớp 7, mà qua đây em học lớp thầy Trí, mới thấy là có quá nhiều từ hay, em chưa hiểu hết nghĩa của nó, em phải học hoài chưa chắc đã hiểu hết. Khó nhất với em là viết chính tả, nhiều khi em gặp khó khăn là không dùng đúng từ đó trong trường hợp cần dùng. Em bị lỗi nhiều hay dùng văn nói đưa vào văn viết. Trong tiếng Anh em không bị sai và phân biệt rất rõ với văn viết, văn nói. Nhưng với tiếng Việt, không hiểu tại sao em bị sai và nhầm lẫn giữa văn viết, văn nói, mỗi khi lên bảng viết câu văn, thầy Trí luôn chỉ ra cho em thấy em bị nhầm giữa văn viết và văn nói.”

Nhận xét về chia sẻ của sinh viên Trúc Nguyễn, thầy Trí cho biết, “Tôi nghĩ một em đã khá tiếng Việt khi còn ở Việt Nam, nhưng qua đây (từ nhỏ) mà còn lẫn lộn giữa văn viết và văn nói, thì với những em sinh ra và lớn lên ở đây sẽ càng khó hơn nữa. Vì các em sinh ra bên này biết được chữ nào đó nói như thế nào đã là khó rồi, giờ bảo viết chữ đó thì sẽ càng khó hơn những em sinh ra tại Việt Nam vài năm rồi mới qua đây sống. Ví dụ có em đọc một chữ theo kiểu miền Nam, như đi dề rồi khi viết thay vì đi về, em đó sẽ viết đi dề. Nhất là những em học nói trực tiếp qua ba mẹ, rồi khi các em viết cũng đánh vần theo kiểu nói như vậy, thành ra viết sai. Tôi luôn nói với các em tôi là người miền Nam, nói về thành dề như các em, nhưng chỉ nói ở nhà thôi. Tôi phân tích cho các em là ngôn ngữ ở nhà như thế nào, ngôn ngữ ở trường như thế nào, ngôn ngữ ở nơi công cộng như thế nào, ngôn ngữ nói như thế nào, ngôn ngữ viết như thế nào, tùy trường hợp để áp dụng.”

Thầy Trí nói vào mùa học tới, khóa mùa Thu 2017, thầy sẽ cho các em tập text cell phone với nhau bằng tiếng Việt có bỏ dấu. Trước đây thầy có nói với mấy em, hầu như máy smartphone nào cũng có cách gửi tin nhắn text bằng cách nói, máy sẽ tự đánh ra chữ cho mình để mình gửi đi. “Nên tôi nói với các em, nếu ban đầu các em thấy text bằng cách viết khó, thì hãy tập bắt đầu bằng nói (với em nói được mà viết không rành), để khi máy text xong, các em xem lại để học chính tả cách viết câu nói bằng tiếng Việt luôn. Để dần dần gửi những chữ đó hoài thì sẽ quen cách viết.

“Mùa học tới, tôi sẽ nhấn mạnh thêm cho các em là khi mình nói cho phone ghi xuống, thời gian thực hành này sẽ không kéo dài, mà các em phải tự text lấy. Đây là cách dạy tôi muốn đi theo kỹ thuật mới theo sở thích các em (hầu hết các em thường không rời khỏi cái cell phone của mình) để đưa vào việc dạy tiếng Việt cho các em.”

Thầy Trí thấy các em sinh viên của mình còn yếu về chính tả, dù thầy dạy tương đối rất kỹ trong lớp mà các em vẫn yếu, thầy nói “chắc tôi phải trừ điểm các em nhiều hơn. Vì trước giờ tôi trừ điểm nhẹ thôi, thường chấm bài, tôi không cho điểm, mà là trừ điểm. Nhưng trừ thì có lợi cho các em hơn. Một bài có 50 câu, nếu sai 1 câu thì trừ nửa điểm. Hồi xưa tôi trừ một lỗi chính tả chỉ 1/ 4 điểm thôi. Tôi thấy các em không để ý đến lỗi sai của mình, nên tôi tăng thêm là trừ nửa điểm, thấy các em vẫn chưa sợ nữa. Sang năm thì tôi sẽ trừ nếu các em sai quá nhiều, ví dụ 30 lỗi thì trừ 15 điểm, thường thì năm nào dạy xong, tôi cũng phải rút kinh nghiệm cho lần dạy năm sau tốt hơn.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT