Phóng Sự

Làm phim của lớp tiếng Việt tại đại học (kỳ 7)

Sunday, 06/08/2017 - 09:45:05

Bài BĂNG HUYỀNSinh viên học lớp tiếng Việt tại Đại HọcGiới thiệu đối tượng sinh viên theo học lớp tiếng Việt Nhập Môn tại Đại Học UCLA và Cal State ...

Bài BĂNG HUYỀN

Sinh viên học lớp tiếng Việt tại Đại Học

Giới thiệu đối tượng sinh viên theo học lớp tiếng Việt Nhập Môn tại Đại Học UCLA và Cal State Long Beach, thầy Quyên Di cho biết khả năng tiếng Việt của sinh viên nhập môn tại Long Beach cao hơn sinh viên nhập môn tại UCLA, vì tiêu chuẩn tại đại học Long Beach là dành cho những sinh viên đã biết nói tiếng Việt, chưa phát triển đầy đủ, nay cần phát triển đủ hơn khả năng viết, đặt câu. Còn tại UCLA thì được chia ra hai nhóm sinh viên: nhóm thuộc gốc người Việt (heritage student), nhóm không phải người Việt (non-heritage student), nhưng khi lên đến lớp trung cấp và lớp cao cấp thì cả hai nhóm sinh viên đều học chung chứ không chia ra như với lớp Nhập Môn.


Sinh viên Thảo Trần tại Đại Học UCI, đã học lớp tiếng Việt do thầy Trần Chấn Trí dạy. (Hình cung cấp)

Thầy Quyên Di nói, “Số học viên ghi danh lớp nhập môn đầu mùa, tôi dạy 75 phần trăm tiếng Anh, 25 phần trăm tiếng Việt, giữa mùa thì 50/50. Gần cuối mùa thì 75% tiếng Việt, 25% tiếng Anh. Nhưng đến cuối mùa thì 100% tiếng Việt.” Thầy Quyên Di cũng cho rằng sẽ rất khó dạy lớp hỗn hợp hai nhóm sinh viên vì trình độ tiếng Việt của các sinh viên này khác nhau.”

Còn thầy Trần Chấn Trí thì nói, “Điều khổ tâm không những của tôi và của những người dạy lớp ngoại ngữ là phân ra hai loại sinh viên học một ngoại ngữ hoàn toàn chưa biết gì về ngoại ngữ đó, và một sinh viên học ngôn ngữ đó như một di sản văn hóa (ngôn ngữ Heritage). Tôi gặp trường hợp trong lớp dạy tiếng Việt cũng như tiếng Tây Ban Nha là có những em nói tiếng Việt rất giỏi hoặc những em Mễ nói tiếng Tây Ban Nha rất giỏi. Chỉ có khi tôi dạy tiếng Pháp thì tôi không gặp trường hợp đó, vì hầu như chẳng có em nào ở đây lớn lên trong gia đình nói tiếng Pháp hết. Vì vậy dạy lớp tiếng Pháp là thích nhất, vì các em toàn là mới học hết, trình độ đều nhau. Còn khi tôi dạy hai ngôn ngữ Tiếng Việt và Tây Ban Nha, là hai ngôn ngữ chính tôi dạy tại đại học, thì lúc nào tôi cũng phải đối diện với nan đề đó, và đây cũng là nan đề tất cả những người dạy ngoại ngữ đều gặp hết. Nghĩa là mình dạy làm sao để cho hai nhóm sinh viên đó không thấy quá dễ hay quá khó khi họ học chung một lớp.”

Thầy Trí nói rằng trên nguyên tắc khi dạy một thứ tiếng, giáo viên phải nói thứ tiếng đó gần như 100 phần trăm, dạy lớp tiếng Việt hay tiếng Tây Ban Nha, người dạy phải nói thứ tiếng mình dạy 100 phần trăm. Nhưng nếu vậy chỉ những em giỏi hiểu thôi, còn em chưa giỏi, đang học sẽ không hiểu. Còn nói mà phải chêm tiếng Anh vô thì dĩ nhiên hai loại đối tượng sinh viên đều hiểu, nhưng như vậy là phản sư phạm.

“Nhưng khi dạy tiếng Việt, để giải thích rõ, tôi phải chêm tiếng Anh vào, thấy các em có vẻ hiểu bài hơn và đánh động vào tâm lý các em hơn. Thành ra một mặt nào đó dùng hoàn toàn bằng tiếng các em đã học, bảo đảm đúng phương pháp sư phạm thì không phải lúc nào cũng thành công. Khi chọn bài thi cũng rất khổ, tôi soạn phải dễ cho các em mới học, nhưng không dễ quá cho các em đã giỏi. Thành ra chấm bài cũng khó lắm. Khi giảng bài cũng vậy, không quá dễ, không quá khó, không làm cho những em biết rồi chán nản, mà cũng không làm cho những em chưa biết cảm thấy khó khăn quá. Luôn bị giằng co như vậy, những thầy cô dạy ngoại ngữ như chúng tôi bị như thế hằng ngày.”

Với sinh viên Thảo Trần, đến Mỹ định cư lúc 17 tuổi, đã rành tiếng Việt, vì vậy khi học chung với các bạn sinh ra ở Mỹ trong lớp của thầy Trí dạy tại UCI, Thảo cảm thấy bản thân không thăng tiến nhiều như các bạn. Vì Thảo đã biết rồi, thầy nói đến đâu là Thảo hiểu tới đó rồi. Chỉ là có thêm những kiến thức mới để Thảo dùng đến. Tuy vậy Thảo vẫn thấy mình gặp khó khăn với môn ngữ pháp tiếng Việt. Mỗi khi Thảo viết câu, hầu như thầy Trí luôn chỉ ra cho Thảo thấy Thảo đã sai về mặt ngữ pháp của câu văn. Thảo Trần cho rằng đã là người Việt, sinh ra và lớn lên trên đất Việt đến tuổi trưởng thành mới sang Mỹ định cư như Thảo, thì ai cũng có năng lực bẩm sinh tiếng Việt, nói năng thành thạo tiếng Việt. Có điều nói và viết là hai chuyện khác nhau. Chỉ có học, trước hết là những kiến thức tiếng Việt cơ bản, mới viết đúng, viết tốt được.

Thảo Trần chia sẻ, “Thảo thấy tiếng Việt mình quá đẹp, có các thanh điệu, thơ ca với việc gieo vần, từ vựng phong phú vô cùng, có cả từ gốc Hán Việt, mượn của tiếng Pháp, tiếng Anh… chứ không chỉ thuần Việt. Khi mình nói, người sắc dân khác nghe như mình đang hát vậy. Thảo có học tiếng Trung Hoa, có bốn thanh âm, nói nghe cũng ngân nga lắm, nhưng vẫn không bằng tiếng Việt của mình (có đến sáu thanh âm). Nhờ Thảo học nhiều ngôn ngữ (Anh, Pháp, Trung Hoa), mới thấy tiếng Việt của mình rất đa dạng, nên học các thứ tiếng khác cũng dễ dàng hơn.”

Thảo Trần cho rằng trong ngữ pháp tiếng Việt dù không có tình trạng động từ biến đổi cách viết theo sự thay đổi các thì quá khứ, tương lai; danh từ số nhiều trong tiếng Việt không thêm "s" hay "es" như tiếng Anh v.v.. Không chia động từ theo giống đực, giống cái, giống trung như tiếng Pháp. Nhưng Thảo vẫn thấy ngữ pháp tiếng Việt quá khó, có lẽ do ngữ pháp tiếng Việt hơi mất trật tự, chưa thống nhất một cách khoa học, không đủ chặt chẽ để có những cách thể hiện đơn nghĩa và mạch lạc như trong các thứ tiếng khác.

Thảo Trần nói bản thân Thảo đã rành tiếng Việt rồi, mà khi học lớp tiếng Việt tại UCI, còn thấy khó, Thảo nghĩ phải học cả đời nhiều khi cũng chưa biết hết các từ ngữ trong tiếng Việt của mình. Vì vậy theo Thảo Trần, những bạn gốc Việt sinh đẻ tại Mỹ, hoặc những bạn sắc dân khác khi học tiếng Việt, chắc chắn sẽ gặp khó khăn nhiều hơn, sẽ thấy là học tiếng Việt rất khó.

Tiếng Việt dễ hay khó?

Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Hưng Quốc, một nhà nghiên cứu phê bình văn học tại Úc, trong bài thuyết trình “Dạy tiếng Việt dễ hay khó,” trình bày tại Viện Việt Học vào ngày 19 tháng 12, 2010 (có đăng trên báo Viễn Đông) nhận xét rằng, “Tiếng Việt ở Việt Nam là ngôn ngữ thứ nhất, tiếng Việt tại Úc hay tại Mỹ, nó giống như một ngôn ngữ thứ hai, chứ không phải ngôn ngữ thứ nhất; nhưng vấn đề phức tạp hơn, nó không phải là ngôn ngữ thứ nhất cũng không phải là ngôn ngữ thứ hai. Ngôn ngữ thứ hai là ngôn ngữ bắt đầu học sau này, còn trẻ em Việt Nam sinh trưởng tại Úc, tại Mỹ chẳng hạn, thì ngay trong gia đình các em học tiếng Việt hầu như cùng lúc với học tiếng Anh; do đó rất khó nói đâu là ngôn ngữ thứ nhất, đâu là ngôn ngữ thứ hai, nhưng chắc chắn nó không phải là ngôn ngữ thứ nhất.

“Trẻ em học tiếng Việt tại Mỹ khác hẳn trẻ em học tiếng Việt tại Việt Nam. Trẻ em tại Mỹ học tiếng Việt cũng khác hẳn trẻ em Mỹ học tiếng Việt, cho nên vấn đề học tiếng Việt của trẻ em hải ngoại nói chung, là một sự kiện rất đặc biệt, do đó đòi hỏi một phương pháp giảng dạy riêng….”

Theo GS. Nguyễn Hưng Quốc, “Để dạy cho học trò học tiếng Việt, thật ra không chỉ học cái nghĩa ở trong tiếng Việt, mà còn học cả sắc thái, tình cảm ẩn giấu sau mỗi chữ. Và để dạy những chữ như vậy, tuyệt đối không đơn giản! Dạy cái nghĩa như trong từ điển rất dễ, dạy cái sắc thái, tình trạng ẩn giấu sau mỗi chữ là điều gần như mắc kẹt. Dạy cho trẻ em Việt Nam ở đây cũng như dạy cho người ngoại quốc học tiếng Việt, có khi vài chục năm chứ không phải vài năm.”

GS. Nguyễn Hưng Quốc giải thích thêm, “Hồi nhỏ mình học tiểu học, trung học; có những học sinh sau mùa nghỉ hè, khi vào năm học mới tự nhiên giỏi Toán hẳn, hoặc Lý hoặc Hóa. Học sinh đó chỉ cần trải qua hai hoặc ba tháng học chăm chỉ, siêng năng thì bước vào năm mới, cái kết quả học tập sẽ khác.Hiện tượng đó hầu như không bao giờ xảy ra trong vấn đề học ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt. Học sinh ở Việt Nam học giỏi tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp là một quá trình lâu dài, chỉ trừ thiên tài ra, không có người nào trải qua hai, ba tháng mà có thể giỏi một ngôn ngữ được, kể cả tiếng mẹ đẻ của mình.
“Kiến thức về ngôn ngữ nó đa dạng và phức tạp hơn các lãnh vực khác. Từng vùng, trong bất cứ ngôn ngữ nào, nó cũng dồi dào và giàu có hơn sự tưởng tượng của mình. Thông thường để nói thông thạo một thứ tiếng, chỉ cần biết từ ba đến năm ngàn chữ là có thể đối đáp hàng ngày được, nhưng đó là sự thử thách hàng ngày. Một tờ báo hay một quyển sách nào cũng có vô số những từ ngữ mà không phải ai cũng có thể viết; đó là vấn đề từ vựng, còn cái cấu trúc câu của bất cứ ngôn ngữ nào, nó cũng thật đa dạng và nó biến hóa vô cùng.

“Học Toán hoặc bất cứ một môn học nào khác, có những công thức, mình có thể học xong công thức đó là có thể giải được bài toán; còn trong ngôn ngữ, mình học xong một cấu trúc, ứng dụng vào thực tế nó khác hẳn.Nó đầy những ngoại lệ. Ngôn ngữ nào cũng có nhiều ngoại lệ.Thậm chí những ngoại lệ đó còn nhiều hơn những quy luật khác. Ví dụ chữ viết dấu hỏi, dấu ngã trong tiếng Việt, cho nên bây giờ có rất nhiều bộ sách viết về phương pháp viết đúng dấu hỏi và dấu ngã, thế nhưng bất cứ người nào nghiên cứu về ngôn ngữ học Việt Nam cũng đều đồng ý điều này: Cái phương pháp đơn giản nhất để viết đúng dấu hỏi, dấu ngã là học thuộc lòng từng chữ. Bởi vì khi mình học thuộc những quy luật như vậy: thứ nhất, số lượng quy luật rất nhiều, và thứ hai, mỗi quy luật như vậy cái số ngoại lệ cũng rất nhiều. Học như vậy có khi mệt hơn học từng chữ.

“Đó là lý do tại sao người ta cho rằng học và dạy ngôn ngữ nào cũng khó. Ngôn ngữ nào cũng có những nghịch lý, nhưng trong tiếng Việt, cái nghịch lý đó rất nhiều, giới nghiên cứu ngôn ngữ học vẫn chưa thành công trong việc viết một cuốn sách phân tách tiếng Việt. Học tiếng Anh có thể tìm bất cứ cuốn sách nào để an tâm tin tưởng học, còn vào thư viện kiếm một cuốn sách viết về ngữ pháp tiếng Việt thì cực kỳ khó,chưa có hệ thống ngữ pháp nào được xây dựng một cách có hệ thống để đáng tin cậy. Phần lớn chỉ ở trong giai đoạn thử nghiệm, giai đoạn tìm tòi, chứ chưa có một cấu trúc hoàn chỉnh.”
Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Hưng Quốc khẳng định, “Không ai dám nói tiếng Việt dễ. Tiếng Việt khó vì nhiều lý do. Cái lý do đầu tiên là tiếng Việt có tính cách ngữ cảnh cao hay bối cảnh cao hay nửa cảnh cao. Ví dụ, một câu rất đơn giản trong tiếng Anh, chẳng hạn He goes to Saigon, thì người ta sẽ buột miệng nói ngay, à ông ấy đi Sài Gòn; nhưng nghiêm chỉnh mà nói, dịch như vậy không có gì bảo đảm là chính xác cả, vì trong tiếng Việt của mình He có thể là anh ấy, có thể chú ấy, có thể cậu ấy, có thể nó, có thể hắn. Chữ He đó nếu là con trai tôi, tôi phải nói đó là con trai tôi, nếu là ông nội tôi, tôi phải nói đó là ông nội tôi, chứ không thể nói nó hay mày được. Cho nên chữ đơn giản He không thể dịch ra tiếng Việt được, nếu mình không biết trước người ấy là ai.

“Thí dụ thứ hai, động từ to go là đi. Nếu người đang ở Hà Nội thì không ai nói Ông ấy đi Sài Gòn, mà phải nói Ông ấy vào Sài gòn. Ở Vũng Tàu chẳng hạn, Ông ấy lên Sài Gòn. Không phải ông ấy đi Hà Nội, mà ra Hà Nội. Như vậy trong tiếng Việt, nếu mình biết người phát ngôn cụ thể là ai, có quan hệ với người nói như thế nào, và thứ hai nữa, biết cái nơi người ấy đang ở đâu, thì mình mới dịch đúng chữ hết sức đơn giản như vậy. Nếu bạn đọc tiếng Anh I love you, tôi bảo đảm không có người nào có thể dịch ra tiếng Việt được cả. Nó không có gì chắc anh yêu em cả, nhưng có thể em yêu anh, thầy yêu con, cô yêu con, hay tôi yêu nước tôi chẳng hạn. Chữ you đó có thể là đất nước, có thể là vô số.

“Như vậy, nếu giả dụ trong tiếng Anh nó có những điểm có tính chất trừu tượng, đủ để diễn đạt mọi thứ, thì trong tiếng Việt của mình, nó gắn liền với ngữ cách tiếng Việt. Học tiếng Việt mà học cả các ngữ cách, mà ngữ cách thì vô cùng phức tạp. Bởi vậy những anh chị nào đã từng dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc thì các anh chị đã thấy kinh nghiệm này: mình học tiếng Anh, tiếng Pháp với thầy giáo dạy giỏi, sau hai tiếng đồng hồ rời khỏi lớp, học sinh ra đường có thể mở miệng nói vài câu tiếng Anh, vài câu tiếng Pháp; nhưng dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc, đôi khi gặp những chuyện như vầy.

“Ngay cả một câu chào, học vài tháng tiếng Anh mình có thể ra Hello, chào hỏi được. Học tiếng Việt: Dạ, chào anh ạ. Câu chào anh hay chào chị như vậy nó hay thay đổi. Khi dạy gặp người lớn tuổi Chào anh ạ, chào bác ạ, chào cô, chào bà ạ, mà học những chuyện như vậy đâu phải chuyện dễ. Tôi dạy sinh viên ngoại quốc học tiếng Việt, phải mất một học kỳ may ra mới dám mở miệng “chào…” cho nên nó khó.

“Thứ nhất là tiếng Việt của mình có tính chất ngữ cảnh cao. Tiếng Việt nó khác với các ngôn ngữ phương Tây ở chỗ, cái tinh thần luân lý của nó kém, nhưng tính chất bộc lộ cảm xúc thì lại nhiều. Thí dụ một người vợ có chồng về Việt Nam chẳng hạn. Nếu ta hỏi anh ấy đi Việt Nam bao lâu, chị ấy trả lời: Anh ấy đi ba tuần lận, thì cái tình cảm khác; nếu chị ấy đáp: Anh ấy đi Việt Nam có ba tuần hà, thì ý nghĩa khác. Một người nói: Chồng tôi đi Việt Nam ba tuần lận có nghĩa là còn nhớ chồng, cảm thấy thời gian nó lâu; nhưng nếu nói: Anh ấy đi ba tuần hà, thì trong lòng có thể nghĩ sao ông ấy không đi quách đi cho rồi! Thái độ cách biệt chỉ khác nhau một chữ lận hoặc hà mà ý nghĩa nó khác.

Cũng vậy, người Việt Nam hay nói, ví dụ chữ trong tiếng Việt chỉ màu sắc, Việt Nam có vô số chữ màu sắc khác nhau. Ví dụ màu đỏ, ngoài chữ đỏ ra còn có đỏ choét, đỏ lòm, đỏ lòe, đỏ nồng, đỏ ửng, đỏ hồng, v.v…, những chữ như vậy rất khó dịch ra tiếng Anh, nhưng mỗi chữ như vậy không chỉ có mức độ đỏ khác nhau, mà còn mức độ tình trạng khác nhau. Ví dụ bà vợ vừa trang điểm xong, ông chồng nói Môi em đỏ loét, chắc chắn không có bà vợ nào vui lòng. Như vậy sự khác nhau giữa đỏ ửng, đỏ lòm, đỏ choét, nó không phải khác nhau ở màu sắc, mà còn khác nhau ở tình cảm, ở thái độ của người nói.
“Người Việt Nam mình cảm nhận được ngay điều đó tức khắc. Cũng vậy, trắng. Khi da của người nào đó, người yêu chẳng hạn, mà được khen Da em trắng nõn, chắc chắn là vui, nhưng nói Da em sao trắng bệch vậy?, nghĩa nó khác, tình cảm khác. Có cái trắng đẹp, có cái trắng xấu. Sự khác nhau như vậy nó nằm ở trong mỗi chữ một. Để dạy cho học trò học tiếng Việt, thật ra không chỉ học cái nghĩa ở trong tiếng Việt, mà còn học cả sắc thái, tình cảm ẩn giấu sau mỗi chữ. Và để dạy những chữ như vậy, tuyệt đối không đơn giản!

Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc còn cho biết, “Khi dạy tiếng Việt cho sinh viên Việt Nam, tôi rất tự tin, nhưng khi dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc hoặc cho trẻ em Việt Nam lớn lên tại hải ngoại, học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai, tôi vẫn thường bị bí. Thí dụ khi họ hỏi: Khi nào dùng chữ hay và khi nào dùng chữ hoặc? Tôi cũng bị lúng túng rất lâu.

“Cho nên khi ngữ pháp chưa rõ ràng, thì khó mà giải thích, mà bổn phận của Thầy, Cô giáo là phải giải thích. Làm nhà văn, tôi không có nhu cầu giải thích, nếu tôi cảm thấy chữ đó hay thì tôi viết, nhưng làm thầy, cô giáo mình phải giải thích. Sự khác nhau giữa thầy, cô giáo và nhà văn khác nhau ở chỗ, là thầy, cô giáo, anh chị có bổn phận phải giải thích cho học sinh, tại sao nói như vậy đúng, tại sao nói như vậy sai? Và nếu sai cần sửa như thế nào? Dạy tiếng Việt khó ở chỗ đó. Không phải lúc nào mình cũng có thể giải thích được. Khi sử dụng có thể không sử dụng sai, nhưng khi giải thích không biết phải giải thích như thế nào. Không thể nói: À trong trường hợp đó phải viết thế này. Cách giải thích đó không phải là cách giải thích của thầy, cô giáo. Thầy, cô giáo là phải giải thích cấu trúc, để người học trò thấy rõ ràng và có thể ứng dụng được…”.

Kết thúc bài thuyết trình, giáo sư Nguyễn Hưng Quốc khẳng định “việc dạy tiếng Việt thật là khó. Khó bởi vì thứ nhất, dạy ngôn ngữ nào cũng khó. Thứ hai, dạy ngôn ngữ thứ hai lại càng khó. Thứ ba, khi ngôn ngữ thứ hai là ngôn ngữ cộng đồng lại càng khó hơn, và thứ tư, dạy tiếng Việt cực kỳ khó, bản thân tiếng Việt nó khó nên không phải ngẫu nhiên người Việt Nam thường hay nói, Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT