Pháp Luật

Ly Dị: Thủ tục Mediation

Thursday, 06/01/2011 - 09:22:07

Mục đích của mediation là để giúp cha mẹ lập ra một chương trình thăm nuôi con (parenting plan). Vấn đề này sẽ có lợi ích cho con cái, vì ...

Luật Sư Trần Khánh Hưng

Trong những vụ ly dị tại California mà có con cái vị thành niên, tòa án bắt buộc cả hai cha mẹ phải qua một buổi hòa giải (mediation) trước khi ra tòa ly dị. 

Mục đích của mediation là để giúp cha mẹ lập ra một chương trình thăm nuôi con (parenting plan). Vấn đề này sẽ có lợi ích cho con cái, vì các em có thể tiếp tục gặp cả hai cha mẹ thường xuyên. Đây là điều mà có thể cha mẹ sẽ không thể tự mình ngồi xuống thảo thuận, do những xung đột hay oán giận nhau.

Những gì sẽ xảy ra trong buổi hòa giải (mediation)?

Trong buổi mediation của hai bên, sẽ có một người mediator có kinh nghiệm hay có trình độ cao học trong lãnh vực xã hội hay cố vấn gia đình, để giúp cho hai cha mẹ hoạch định chương trình thăm nuôi con.  Nhiệm vụ của người mediator gồm có:
+ Sự trung lập.
+ Lắng nghe cả hai cha mẹ trình bầy ý muốn và quan điểm riêng của mình.
+ Giúp cho hai bên lựa chọn những thời khoá biểu thăm nuôi con khác nhau để phù hợp với hòan cảnh gia đình.
+ Giúp cha mẹ để có những quyết định chung trong tương lai cho con cái của mình.
+ Trong trường hợp buổi hòa giải không đạt được kết quả, người mediator sẽ làm bản phúc trùnh cho tòa án về diễn tiến của buổi hòa giải, cũng như đưa ra những đề nghị cho chương trình thăm nuôi con.
Người mediator thường sẽ bắt đầu buổi hòa giải bằng cách nói chuyện chung với cả hai cha mẹ.  Sau đó, mỗi bên sẽ có dịp trình bày ý kiến của mình, và người mediator sẽ nói chuyện riêng với từng người nếu cần thiết.
Nếu tôi không muốn gặp người phối ngẫu trực tiếp vì có vấn đề bạo hành thì sao?
Trong trường hợp này, bạn nên báo cho người mediator biết trước ngày hòa giải. Sau đó, người mediator sẽ gặp riêng từng phụ huynh để giữ an toàn cho bạn.    

Buổi hòa giải sẽ kéo dài bao lâu?
Tùy theo trường hợp, buổi hòa giải sẽ xảy ra trong khoảng thời gian 1-2 tiếng.  Nếu cần thiết, mediator có thể sẽ yêu cầu cả hai cha mẹ có thêm một buổi hòa giải thứ nhì để tiếp tục hòa giải, hay là yêu cầu cho gặp con cái để nói chuyện.

Nếu tôi không tham gia buổi mediation có được không?

Nếu bạn không thể dự buổi hòa giải được, thì nên báo cho tòa án biết trước để hoạch định ngày khác.  Nếu vì lý do chính đáng thì người mediator sẽ cho bạn một lần hẹn khác. Trong trường hợp bạn cố tình không tham dự buổi hòa giải, toà án có quyền phạt tiền bạn.

Tôi nên thảo luận những vấn đề thăm nuôi con như thế nào trong buổi hòa giải?
Bạn nên đề cập đến cả hai vấn đề physical custody và legal custody. Physical custody có nghĩa là phụ huynh nào sẽ giữ con, và phụ huynh nào sẽ được quyền thăm con. Trong nhiều trường hợp, có thể cả hai cha mẹ sẽ đồng ý giữ con 50/50. Legal custody cho phép người phụ huynh quyền dạy dỗ và có những quyết định ảnh hưởng đến con. Bạn có thể thảo luận về thời khóa biểu và cách sinh hoạt hằng ngày của con, như là:
- Con cái sẽ ở với ai trong tuần và hai ngày cuối tuần.
- Phụ huynh sẽ đón con như thế nào, và giao con lại cho người phụ huynh kia như thế nào.
- Thời khoá biểu giữ con và thăm con cho những ngày lễ, mùa hè, sinh nhật con cái, v.v
- Ngoài giờ đi học, các sinh hoạt khác của con, thí dụ như học piano, học võ, ballet, v.v
Về legal custody, bạn nên giữ quyền để quyết định những vấn đề có ảnh hưởng đến con cái, như là:
- Cách giáo dục, vấn đề tôn giáo, chữa trị y tế cho con mình.
- Bạn có quyền yêu cầu người phụ huynh kia phải cung cấp cho bạn những dữ kiện liên quan đến con cái.
- Bạn giữ quyền liên lạc với con trong thời gian con ở với người phụ huynh kia.
- Bạn có thể yêu cầu xem hồ sơ học bạ và y tế của con.
- Người phụ huynh kia có nhiệm vụ phải thông báo cho bạn biết nếu có thay đổi địa chỉ hay số điện thoại.

Buổi hòa giải sẽ có thông dịch viên cho tôi hay không?
Tòa án sẽ không có cung cấp thông dịch viên cho buổi hoà giải. Nếu bạn bị trở ngại về Anh ngữ, bạn có quyền tự mướn hay nhờ người thông dịch trong buổi hòa giải.  
Tôi có thể có luật sư đại diện trong buổi hòa giải hay không?
Buổi hòa giải sẽ không có sự có mặt của luật sư hai bên, để người mediator có thể trực tiếp làm vịêc với hai cha mẹ. Trong một số trường hợp ngoại lệ, người mediator có thể yêu cầu một buổi hòa giải thứ nhì có sự có mặt của cả luật sư  đại diện.

Nếu cả hai bên đều đồng ý với chương trình thăm nuôi con thì sao?

Nếu cả hai cha mẹ đồng ý về chương trình thăm nuôi con (parenting plan), người mediator sẽ thảo ra một hợp đồng liệt kê những điều khoản thỏa thuận cho cả hai bên ký tên. Sau đó, hợp đồng sẽ được trình lên tòa để duyệt xét. Sau khi toà án chấp thuận, hợp đồng sẽ trở thành phán quyết của tòa mà cả hai phụ huynh phải tuân theo.  

Nếu buổi hòa giải cho việc giữ con không thành công thì sao?

Nếu hai phụ huynh không đồng ý về việc thăm nuôi con, toà án sẽ phải giải quyết việc này trong một buổi hearing hay phiên tòa. Quan toà sẽ quyết định cho việc giữ con, hay là yêu cầu một chuyên viên tâm lý phỏng vấn tất cả gia đình và phúc trình cho tòa, hay sẽ yêu cầu người mediator cho ý kiến về chương trình thăm nuôi con.  

Sau khi thoả thuận trong buổi mediation, tôi có quyền thay đổi ý kiến hay không?

Bạn vẫn có quyền thay đổi ý kiến về chương trình thăm nuôi con mà bạn đã ký trong ngày hòa giải.  Tuy nhiên, bạn phải báo cho tòa án biết trong thời gian 10 ngày kể từ khi ký. Nếu không, hợp đồng sẽ trở thành phán quyết của tòa án.

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về việc mediation trong vấn đề thăm nuôi con, không phải là cố vấn luật pháp.  Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại  davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA  92683.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT