Chuyện Khắp Nơi

Một ông bất ngờ phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối sau khám sức khỏe, hối hận vì thường làm điều này 3 - 4 lần/tuần

Friday, 12/04/2024 - 11:13:56

Ông này có tên Lý Nhan 57 tuổi bất ngờ được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối

cc
Uống rượu bia quá nhiều có khả năng gây ung thư tuyến tụy (Photo by Scott Warman on Unsplash)


Ông Lý chia sẻ, cách đây vài tháng ông đột nhiên bị đau chướng bụng. Tưởng bản thân bị đau dạ dày nên ông Lý đã tự mua thuốc về uống.

Ông Lý nói: “Tôi uống thuốc điều trị đau dạ dày liên tục hơn 2 tháng nhưng các triệu chứng không thuyên giảm. Tôi thậm chí còn bị sụt hơn 10 lbs, tần suất đi đại tiện cũng thay đổi thất thường. Có ngày tôi bị táo bón, có ngày lại đi đại tiện 3-4 lần”.

Nhận thấy dấu hiệu bất thường nên ông Lý vô cùng lo lắng. Ông đã cùng vợ đến bệnh viện để thăm khám. Kết quả chẩn đoán cho thấy ông Lý mắc ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối. Ông Lý được chỉ định nhập viện để điều trị.

Khi khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ phát hiện ông Lý thích ăn các món dầu mỡ, nhiều đạm và có thói quen tụ tập uống rượu tới khuya với bạn bè 3-4 lần/tuần. Trước đó ông Lý cũng từng đi khám và được chẩn đoán mắc bệnh viêm tụy mạn tính. Tuy nhiên, ông không mấy bận tâm về vấn đề này và vẫn tiếp tục lối sống cũ.

Bác sĩ điều trị cho biết, rất có thể đây là các yếu tố nguy cơ khiến ông Lý mắc ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối.

Ông Lý chia sẻ sau khi nhận chẩn đoán và được bác sĩ giải thích về các yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến tụy, ông vô cùng hối hận vì bản thân không kiêng rượu bia, thay đổi chế độ ăn uống và điều trị dứt điểm tình trạng viêm tụy.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy

Chia sẻ về trường hợp của ông Lý, bác sĩ Phan Vệ Đông, trưởng khoa Phẫu thuật Tụy và Gan mật của Bệnh viện Trung Sơn số 6, Trung Quốc cho biết thói quen ăn uống không điều độ trong thời gian dài, đặc biệt là ăn quá nhiều đồ dầu mỡ và lạm dụng rượu bia có thể gây tổn thương tuyến tụy.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng thường xuyên sử dụng rượu bia, ăn đồ dầu mỡ sẽ gây ảnh hưởng tới chỉ số mỡ máu và khiến lượng đường trong máu tăng nhanh. Điều này gây gián tiếp áp lực lên tuyến tụy vì chúng vừa phải tăng cường tiết hormone insulin và glucagon để giữ ổn định lượng đường trong máu; vừa phải tiết ra các men tiêu hóa để tiêu hóa thức ăn. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra viêm tụy cấp.

“Các đợt viêm tụy cấp tái phát nhiều lần có thể tiến triển thành viêm tụy mạn tính, từ đó làm tăng tỷ lệ mắc ung thư tuyến tụy”, bác sĩ Phan Vệ Đông nói.

Ngoài chế độ ăn uống và rượu bia, bác sĩ Phan Vệ Đông cũng lưu ý thêm về các yếu tố nguy cơ khác làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy, chẳng hạn như hút thuốc lá, béo phì, mắc viêm tụy mạn tính hoặc gia đình từng có người mắc ung thư tuyến tụy.

Ung thư tuyến tụy thường không gây ra các triệu chứng cụ thể ở giai đoạn đầu. Bác sĩ Trương Tương Lương, trưởng khoa phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện ung bướu trực thuộc Đại học Y Quảng Châu, Trung Quốc cho biết ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu thường chỉ được phát hiện khi người bệnh chụp CT. Do đó, việc phòng ngừa ung thư tuyến tụy từ sớm bằng cách hạn chế các yếu tố nguy cơ là vô cùng quan trọng.

Theo Sohu

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT