Đời Sống Việt

Mùa cúm và những buồn vui...

Mùa cúm và những buồn vui... Wednesday, 23/01/2013 - 07:48:12

Vậy thì con virus cúm năm naytên họ là gì, xuất hiện từ lúc nào và hoành hành ra sao? Chúng ta hãy cùng nhìn lạiđể thấy rõ các chi tiết.

Thanh Võ/Viễn Đông

“Rất tiếc chúng tôi không còn nữa(Sorry, we're completely out)!”
Đây làcâu nói mà nhân viên các tiệm thuốc tây cứ phải lặpđi lặp lại hằng chục lần trong suốt mấy ngày qua. "Không còn" ở đây ngầm ý trả lời khách hàng rằng "Chúng tôi không còn vaccine để chích ngừa cúm nữa".

Vi Lang/Viễn Đông



Trên haituần qua các pharmacy dường như lên cơn sốt, cứ tạm gọi là "sốtvaccine" cho dễ hiểu. Chuông điện thoại thì reng liên tục, mà hễ bắc lên thì cứ y như rằng là có ai đó hỏi lấy hẹn đến chích ngừa. Còn khách "tạt vào khi tiện" (walk-in patient) thì khỏi phải nói, thiên hạcứào ào tranh nhau xếp hàng đi chủng ngừa. Mà đợi đến giờ "cao điểm" như vầy thì làm gì còn thuốc? Hầu như tiệm thuốc tây nào cũng "out of stock" (vaccine). Người ta tranh nhau hỏi "Dược sĩ biết chỗ nào còn không, làm ơn chỉ dùm". Ban đầu nhân viên nhà thuốc còn chịu khó bắc điện thoại lên, gọi vòng vòng các tiệm gần đó, nhưng bây giờ thì hỡi ôi, vaccine đã trở thành hàng quý hiếm.Tiệm nào cũng đặt hàng mua thêm vaccine tới tấp, và hy vọng công ty sản xuất thuốc chủng ngừa còn hàng để giao.
Vậy thì con virus cúm năm naytên họ là gì, xuất hiện từ lúc nào và hoành hành ra sao? Chúng ta hãy cùng nhìn lạiđể thấy rõ các chi tiết.

Năm nay cúm xuất hiện lúc nào?
Ngày 17 tháng 10, năm 2012, Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (Center for Disease Control and Prevention) viết tắt là CDC,đã xác nhận trường hợp cúm đầu tiên, coi như mùa cúm đã bắt đầu và nhắc nhở mọingười nên chích ngừa càng sớm càng tốt. Bác Sĩ Thomas Frieden, giám đốc cơ quan CDC,phát biểu: "Trong khi không thể đoán chính xác được mùa cúm năm nay sẽ vào lúc nào, nhưng chúng tôi có thể đoan chắc, cách tốt nhất để quí vị có thể bảo vệ cho sức khỏe của mình, gia đình và cộng đồng, là đi chích ngừa cúm”. BS Frieden nhấn mạnh là có đủ thuốc chủng ngừa cho mọi người.Vào cuốitháng 12 thìđã có sẵn hơn 85 triệu liều và cơ quan dự trù năm nay sẽ có đủ cho 170 triệu người. Chúng ta có thể chích ngừa ở văn phòng bác sĩ, cơ quan y tế công cộng, nhà thuốc tây.

Cúm lây lan ra sao?
Cũng theo CDC, sauđóbệnh cúm bắtđầulan rộng trong 41 tiểu bang trên toàn nước Mỹ. Tính đến ngày 29 tháng 12, năm 2012, có 2.257 người đã vào bệnh viện vì bệnh cúm và 18 em bé đã qua đời vì các biến chứng do cúm gây ra. Các viên chức y tế liên bang cho rằng mùa cúm năm nay đến sớm là một dấu hiệu cho thấy tình trạng bệnh này có thể trở nên nặng nề hơn. Theo các con số thống kê, trong những dấu hiệu của bệnh cúm năm nay thì ho chiếm nhiều nhất 19%, kế đến là đau họng 16%, mệt mỏi 15%, đau đầu 14%, đau nhức mình mẩy 10% và sốt chỉ có 7%. Cũng nên nhấn mạnh rằng trong số những người bị cúm, có đến 3 phần 4 đã không chích ngừa cảm cúm.

Cúm trở thành dịch bệnh?
Ngày 11 tháng Giêng, 2013, các giới chức liên bang nói là số người chết vì cúm đã vượt định mức về dịch bệnh. Các viên chức CDC trong cuộc họp báo tại trụ sở trung ương ở Atlanta, Georgia, một lần nữa khuyến cáo dân chúng nên chủng ngừa cúm. Mặc dầu theo sự nghiên cứu, hiệu quả không phải là hoàn toàn mà chỉ vào khoảng 62% trung bình (từ 50% đến 70%), nhưng đây là cách đề phòng đúng nhất với các virus đang lan tràn. Dù số bệnh nhân tử vong ở những khu vực đang phát bệnh tăng lên đến mức dịch, CDC chưa đưa ra báo động.

Virus cúm năm nay tên gì?
Giới ytế Mỹ cho hay năm nay mùa cúm đến sớm hơn năm ngoái khoảng một tháng và loại virus cúm khiến nhiều người dễ mắc bệnh là loại H3N2 (khác vớiloại H1N1 vào năm 2009), thường “hành” bệnh nhân nhiều hơn, nhất là với người lớn tuổi. Vì vậy, các bệnh viện trên khắp nước Mỹ đang phải dành ra nhiều giường bệnh cho những người mắc bệnh cúm, một số nơi phải từ chối không nhận vì hết chỗ.

Báo động về y tế...
Trên toàn nước Mỹ, tính đến ngày 10 tháng Giêng, năm 2013, tỉ số người đến phòng mạch bác sĩ về các chứng liên quan đến bệnh cúm đã lên đến 5,6% so với con số thường lệ là 2,8% tháng trước đó. Ở thời điểm cao nhất vào mùa cúm năm ngoái, con số này 2,2% và vào cao điểm của mùa cúm H1N1 năm 2009 là 7,7%.
Hai tuần trước, một người Mỹ ở thành phố Fountain Valley, thuộc Quận Cam bị chết vì bệnh cúm. Điều này gây hoang mang vì thường Quận Cam ít khi có người chết vì bệnh cúm.Tiếp theo thì Bác Sĩ Matt Zaln, giám đốc về y tế và bệnh dịch ở Quận Cam cho biết vi khuẩn cúm năm nay mạnh hơn và gây thiệt mạng thêm nạn nhân thứ hai, tuổi độ 50, ở La Habra.

Người ViệtNam có sợ cúmkhông?
Người Việt chúng ta có tính lo xa, nên năm nào cũng vậy, đa số người mình đi chích ngừa sớm lắm. Khi thuốc về từ tháng9 là họ đã đến chích, một cách tự nguyện chứ không cần năn nỉ như nhiều năm trước.
Những ngày qua, khi báo chí và các đài Mỹ loan báo về khả năng của sự lan tràn dịch cúm thì tình hình tại các phòng mạch và các nhà thuốc tây có ít nhiều xáo trộn. Theo Bác Sĩ NguyễnHoàng cho biết: “Nghe trên báo đài tin tức Mỹ nói năm nay cúm có thể nặng nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, vì cúm đến sớm hơn ở một số tiểu bang, và con virus cũng có vẻ nặng hơn. Tuy nhiên, số bệnh nhân đến khám bệnh tại phòng mạch của tôi nhìn thấy có vẻ nhiều nhưng không phải là nhiều lắm, và không đến nỗi nặng lắm. Qua số bệnh nhân đến phòng mạch, tôi thấy không giống như trên tin tức NBC”.Còn theo Bác SĩPhạm Tiếng: "Có lẽngười Việt mìnhít theo dõi tin tức, hay do bản tính ít lo chăng, nên phòng mạch tôi không thấy hiện tượng bệnh nhân nháo nhào đến xin chích ngừa cúm, trong khi các nhà thuốc thì lại có tình trạng này".

Tại sao thích đến tiệm thuốcđể chủng ngừa?
Có lẽ nhiều người vẫn còn có ý nghĩ "thuốc thì đến pharmacy", trong khi "bệnh thìđi thămbác sĩ". Vì lẽ đó mà các nhà thuốc đang có tình trạng quá đông người, có khi hai dược sĩ phải liên tục chích ngừa đến nỗi không còn thời gian ăn trưa, cho đến liều thuốc cuối cùng mới thở phào được. Cũng cần nên lưu ý rằng các khách hàng đã và vẫn đang tiếp tục gọi điện thoại mỗi ngày mong được chích cúm thì đại đa số là người Mỹ, khoảng 1 phần trăm là người gốc di dân, còn người Việt Nam phải nói là vô cùng ít.

Triệu chứng và phòng ngừa
- Cảm và cúm giống nhau, tức là triệu chứng ban đầu là ho và sổ mũi, hắt xì, nhưng cúm nặng hơn vì sẽ có sốt cao 102, 103 độ, rêm mình mẩy. Còn ho sổ mũi thì chỉ là bị cảm.
- Nếu chỉ bị cảm nhẹ thì có thể ở nhà nghỉ ngơi, uống thuốc trị triệu chứng, ho uống thuốc ho, đau họng uống thuốc đau họng. Còn nếu bị sốt thì cần đi bác sĩ để xem có bị nhiễm trùng cần uống trụ sinh không, có cúm cần uống thuốc cúm không. Nhưng nếu người yếu bị bệnh phổi, bệnh suyễn thì nên đi khám bệnh sớm, đừng để bệnh nặng. Khi thấy mình đau nhức mình mẩy, nhức đầu, mệt, sốt và chưa chích ngừa cảm cúm thì phải đi khám bệnh ngay, vì trong 72 tiếng đồng hồ mà uống thuốc chống lại cúm thì mau khỏi lắm.
Cúm lây sang người khác thường nhất bằng các tiếp xúc trực tiếp với các chất bài tiết (như nước mũi) của người bệnh, có thể là từ tay người này sang tay người khác. Virus có thể tồn tại trong môi trường đến ba tiếng đồng hồ. Khi tay ta tiếp xúc với các chất bài tiết này, rồi dụi vào mắt mũi của mình, ta sẽ bị lây bệnh.Muốnngừa bệnh, chúng ta nên làm các việc sau:
- Nên rửa tay thường xuyên. Tốt nhất là rửa với xà bông và nước ấm, khoảng 20 đến 30 giây.
- Không vứt bỏ khăn chùi mũi bừa bãi.
- Các virus cảm và cúm cũng có thể lan truyền qua các hạt li ti bay trong không khí sau khi người bệnh ho hay hắt xì, do đó, nên tránh tiếp xúc kéo dài với người bệnh.
- Khi ho hayhắt xì, nên che miệng bằng cánh tay, chứ không phải bằng bàn tay, để giảm bớt các chất bài tiết dính vào bàn tay rồi qua các vật dụng hoặc bàn tay người khác. Thấy ai ho thì nên đứng xa ra. Trong nhà có người bệnh thì nên để cho mang khẩu trang, nếu tách riêng ra một chút cho khỏi lây thì tốt.
- Tránh sờ, móc tay, ngón tay vào mắt, mũi.
- Người bệnh cũng nên nghỉ làm khi còn triệu chứng, để mau giảm bệnh và tránh lây cho người trong sở làm.

Thuốc chích ngừa cúm là gì?
Bên cạnh các phương pháp phòng ngừa rất quan trọng kể trên, ta còn có thể ngừa cúm bằng cách chích ngừa. Vaccine ngừa cúm thường dùng nhất là loại thuốc chích,đượcsản xuấthằng năm. Thuốc phải thay đổi hằng năm vì con virus cúm rất mau thay đổi cấu trúc di truyền, và mỗi năm người ta đều phải chế ra thuốc ngừa cho năm đó.
Ông Michael T. Osterholm thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Bệnh Truyền Nhiễm tại đại học Minnesota cho là cần phải phát triển thêm loại thuốc chủng ngừa mới. Nhưng theo ông chưa có cơ quan chính quyền hay công ty tư nhân nào chịu chi ra 1 tỷ Mỹ kim để làm việc này và phải qua một chặng đường dài mới có thể đạt tới chỗ được công nhận. Thuốc ngừa có hiệu quả từ 70 đến 90 phần trăm, và phải chích sớm, vì thuốc cần khoảng hơn hai tuần để cơ thể có thể tạo ra kháng thể.

Buồn vui mùa cảm cúm...
Năm nào cũng vậy,mỗi mùa cúm đến đều tặng tôi vài kỷ niệm khó quên. Từ đầu hai tuần trước thì các nhà thuốc tây đã bắt đầu khan hiếm vaccine ngừa cúm. Thế là những ai đến nhưng không còn thuốc thì được nhân viên đưa cho một mẩu giấy, đem về nhà điền sẵn tên tuổi và trả lời các câu hỏi về tình trạng sức khỏe, các loại thuốc hiện đang uống, vân vân. Rồi thì mỗi ngày họ cứ gọi pharmacy, hễcó thuốc là chạy ra ngayđể được chủng ngừa (Ai đến trước thì mừng quá cỡ, còn hễ chậm chân thì lại ra về thấp thỏm... hẹn lần sau). Thông thường thì các nhà thuốc chỉ nhận được chừng 5, 6 liều vừa đủ chích cho 5, 6 người, rồi lại phảiđặt hàng tiếp tục vì hãng sản xuất chỉ cung cấp nhỏ giọtvì phải chiađều cho biết bao nhiêu nhà thuốc trên toàn nước Hoa Kỳ.
Vì sao nên điền mẫu đơn sẵn trước? Là vì nếu 2 người cùng đến mà một người đã "sẵn sàng" thì nhân viên sẽ đánh ngay vô máy vi tính để in ra tờ biên nhận, khách hàng trả tiền (thông thường là 25 Mỹ kim cho một liều thuốc) rồi thì ngồi chờ được chích. Những ai chưa điền mẫu đơn thì sẽ được phát tờ này, và sẽ mất khoảng15 -20phút đọc từng câu hỏi để trả lời, khi điền xong thì có thể đã hết thuốc rồi.

Giành nhau từng liều thuốc
Đã xảy ra tình trạng hai khách hàng tranh giành, cãi vã nhau chỉ vì một liều vaccine. Bà A đến trước, lấy đơn ngồi "kê khai lý lịch". Ông B đến sau vài phút, cũng loay hoay điền mẫu. Nhưng ông này nhanh tay hơn nên điền xong trước, thế là trả tiền và được chích thuốc. Khi bà A vừa xong thì than ôi, hết thuốc. Bà ta giận dữ, than phiền “tại sao ông kia tới sau mà còn thuốc, còn tui tới trước lại hết”? Thế là bà làm rùm beng lên. Từ sau vụ này,mỗi pharmacy có cách làm việc của riêng họ. Có tiệm thuốc biết rằng mình chỉ còn 4 liều vaccine, thì khi 8 bệnh nhân đến, họ tuyên bố ngay: "Chúng tôi chỉ còn 4 dose mà thôi", rồi thì ai tới trướcchích trước. Nghĩa là 4 người có mặt đầu tiên sẽ được phát mẫu đơn, còn những ai chậm chân hơn sẽ được mời về hôm khác trở ra trong hy vọng,và cũng sẽ lại theo nguyên tắc "first come first serve". Nhưng cũng có nhà thuốc phát tờ đơn cho các khách hàng lỡ chậm chân, dặn họ mỗi ngày gọi điện thoại. Nếu ai gọi sớm và sẽ chạy ra ngay thì họ giữ thuốc cho, còn không gọi thì nhân viên chích cho người khác. Ví dụ nhà thuốc vừa nhận thêm5 liều vaccine, nhưng hôm qua đã có 4 khách hàng đem mẫu về điền. Sáng nay4 người này gọi điện thoại, nghe có thuốc thì họ mừng quá và hứa chắc chắn sẽ chạy ra ngay (hàng đang hiếm nên chẳng ai dám hứa lèo cả!). Vậy là chỉ còn vỏn vẹn một liều vaccine. Khách hàng nào xuất hiện đầu tiên sẽ may mắn "trúng số" lần này, vì nhân viên tuy còn5 liều nhưng tuyên bố "chỉ còn một mà thôi".


Chầu chựcchờ chích thuốc
Ngày hôm qua khitôi vừa mở cửa pharmacy thì điện thoại đã reng tới tấp. Thì ra những ai đã lấy mẫu đơn hôm kia gọi canh sẵn chờ thuốc về. "Chưa nhận" - nhân viên trả lời. Thế là lai rai trong ngày họ cứ gọi thăm chừng. May quá,hơn 10giờ thì nhận được 6 liều vaccine. Vừa có hàng thì 4 người khách nãy giờ lại gọi điện thoại, khi biết có thuốc thì họ hứasẽ chạy đến ngay. Còn 2 liều thì có 2 khách hàng may mắn "walk in" mừng rỡ lấy đơn ngồi điền.Anh dược sĩđồng nghiệp bắtđầuđeo găng tay vôđểchích cho bệnh nhân thứ nhất trong khi các dược tá (technician) thì tất bật đánh vô máycác dữ kiện cá nhân của hai khách hàng mới đến.
Một cậu bé chừng 13 tuổi đẩy một bàcụ ngồi trên xe lănđến để chích ngừa. Hai bà cháu có nước da ngăm ngăm, và nhìn dáng vẻ tôiđoán có lẽ là người TrungĐông.Bà chừng khoảng70 tuổi, hai bàn tay hơi run rẩy co ro trong chiếc áo choàng cũ kỹ. Anh technician cho biết ngay là đã hết thuốc. Hai bà cháu cứ nấn ná không chịu về. Bà cụ nói gì đó với thằng bé bằng ngôn ngữ riêng của họ. Thằng nhóc năn nỉ bằng tiếng Anh: “Xin chobà con chích vì hễ năm nào mà không chích thì bà của con bị cúm ngay. Năm kia bà con bị cúm nặng lắm, tưởng là không qua khỏi. Năm nay mẹ con về nước chưa kịp trở qua nên con dẫn bà đi chích trễ, xin giúp cho bà con.Bà con già yếu nên dễ bị lây cúm lắm". Anh technician vói tay lấy mẫu đơn đưa cho cậu, kêu về điền rồi mai gọi lại thăm chừng. Hai bà cháu thấtvọng quay đi.

Nhiều lý do riêng...
Nhìn dáng lon ton của cậu bé hai bàn tay nhỏ nhắn cố đẩy chiếc xe lăn, cùng với dáng lưng khòm của cụ,cảm thấy ái ngại quá nên tôi gọi lại: "Bà ơi, chờ chút". Tôi quay sang5 nguời khách đang chờ được chích (cả 5 người đều ngồi và nghe rõ cuộc đối thoại nãy giờ giữa cậu bé và nhân viên nhà thuốc), do dự mở lời: "Có ai trong số quý vị có thể giúp bà cụ này không? Chúng tôi hứa nếu ngày mai có thêm thuốc, chúng tôi sẽ gọi ngay choông/bà và sẽ giữ liều thuốc này cho đến khi nào ông/bà ra được để chích ngừa". Không một tiếng trả lời. Hai bà cháu ngước nhìn 5 vị khách cầu cứu.Cũng lại im lặng.Tôi vừa định quay vô trong thì một giọng nói cất lên: "Sorry”. Cô Sandra J. lên tiếng. “Tôihiểu hoàn cảnh của bà nhưng tôi cũng rất bận nên không có thời gian chạy tới chạy lui. Bà già dù sao cũng ở nhà, có gì cứ bảo cháu nó dắt ra chích". Ông Tim W. đồng tình: "Tôi cũng rất tiếc. Văn phòng tôi làm có vài người bắt đầuhắt xì rồi, tôi nghi là họ bị cúm nên lật đật đi chích đó chứ". "Tôi cũng vậy”. Bà Mary W. họa theo: "Thôi thì cứ first come first serve cho nó công bằng. Mà chắc gì ngày mai có thuốc?". Ông Ron E. gật gù: "Xứ này ai mà không bận. Thôi cụ cứ chịu khó ra về. Hy vọng ngày maicụ sẽ may mắn hơn. Tôi mà nhiễm cúm một cái là đi đong mấy ngày làm việc thì tiền đâu mà nuôi vợ nuôi con?".
Cậu nhóc buồn buồn nhưng miệng vẫn lí nhí nói cám ơn rồiđẩy xebà ra cửa. Bỗng dưng một phụ nữ đứng dậy: "Thôi để tôi nhường". Cô này chừng gần 50 tuổi. Cô là một trong hai người khách may mắn bước vào có thuốc chích liền khi nãy. Tôi chưa biết tên cô vì cô vẫn còn đang hý hoáy vớimẫu đơn. Cô đứng dậynắm lấytay cậu bé trong khi mắt nhìn bà cụ: "Tôi làm nhân viên phát thơ. Mùa đông năm nay lạnh quá nên tôi sợ bị nhiễm cúm. Nhưng thôi nếu người trẻ như tôi mà còn sợ thìtôi hiểu rằng bà sẽ còn lo lắng đến mức nào". Rồi cô bảo anh technician đưa mẫu đơn mới cho cậu bé điềndùm bà nó. Quay sang tôi, cônói: "Tôi sẽ gọi nhà thuốc. Nếu có thuốc thêm thì tôi sắp xếp công việc để ra chích, còn nếu hết luôn thì...” - cô nhoẻn miệng cười - “đành chịu vậy”. Rồi côhối hảbước về phía cửa.

Đừng để gió cuốn đi...
Có lẽ quá bất ngờ nên chưa ai kịp có phản ứng gì. Chừng vàiphút sau, dường như sực nhớ, thằng bé chạy lao ra cửa la vói theo: "Thank you! Thank you!".Chắc làcô ấy không nghe được vì tôi thấy cậu bé đi vào với nétmặt tiu nghỉu. Bốn người khách nãy giờ im lặng, bắtđầulên tiếng. Ông Ronnói:"Cô này trẻ hơn tôi. Cô ta nhường là phải rồi". Bà Mary tiếp lời: "Hay thật. Đi phát thơ lạnh chết mà cô ta chịu được". Ông Tim thở dài. Cô Sandra chặt lưỡi: "Xứ này aimà không có nỗikhỗ riêng".
Khi trao tờ đơn cho tôi,cậu béngước đôi mắt tròn xoe nhìn tôi và hỏi nhỏ: "Do you know her name?". Tôi lắc đầu hỏi lại: "Cháu thật sự muốn biết tên cô ta à? Để làm gì?". Cậu nhỏ trả lời: "Để con cầu nguyện cho cô ta đừng bao giờ bị cúm".
Một thoáng se lòng. Tôitiếc là mình đã quên hỏi tên, và cả số điện thoại của vị ân nhân này. Nhất định khi nào cô gọi lại, tôi sẽ hỏi có phải là cô phát thơ haykhông và chắc chắn tôi sẽ "thiên vị" giữ riêng cho cô một liều thuốc cho đến khi nào cô có thể ghé lại được. Tiếng anh dược tánhắc tôi vào chích thuốc cho người khách kế tiếp. Quay vô trong, tự nhiên câu hát ngày nào tôi yêu thích lại hiện về trong trí: "Sống trên đời cần có một tấm lòng". Cuộc sống ngày naytuy có quá nhiều lo toan bận rộn nhưngvui thay khi đâu đó vẫn còn có những tấm lòng, không phải "để gió cuốn đi" - như lời củabài hát, mà chắc chắn là để có mặt trong lời cầu nguyện hằng đêm của cậu bé... - (TV)


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT