Đời Sống Việt

Nghề làm đẹp cho phụ nữ với mỹ phẩm (kỳ 7)

Băng Huyền/Viễn Đông Monday, 29/04/2013 - 10:02:10

Vai trò quan trọng của nghệ thuật hóa trang trong điện ảnh đã được Viện Hàn Lâm Khoa Học và Nghệ Thuật Điện Ảnh Hoa Kỳ chú trọng, từ năm 1981 đã lập ra giải Oscar cho hóa trang xuất sắc nhất.

Băng Huyền/Viễn Đông

Nghệ thuật hóa trang, một nghệ thuật xây dựng nên hình tượng nhân vật

Đối với một người diễn viên, khi họ hóa thân vào nhân vật trên sân khấu hay trong điện ảnh thì hóa trang không còn là nghệ thuật điểm trang làm đẹp nữa mà trở thành một bộ phận quan trọng không thể thiếu, là sự mở đường cho diễn viên đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật. Người nghệ sĩ, diễn viên giỏi không chỉ diễn xuất bằng hình thể, ngôn ngữ là đủ, mà còn cần tạo hình của nhân vật để phụ trợ thêm cho phần diễn tả thế giới nội tâm nhân vật. Muốn lột tả được thế giới nội tâm của nhân vật một cách xuất sắc, ngoài tài năng của người diễn viên, rất cần sự hỗ trợ của chuyên viên hóa trang trong tạo hình vẻ ngoài cho người diễn viên đó. Có thể nói người diễn viên khi trình diễn sẽ diễn tả phần hồn, còn nghệ thuật hóa trang sẽ đảm nhận thể hiện phần xác của nhân vật. Vai trò quan trọng của nghệ thuật hóa trang trong điện ảnh đã được Viện Hàn Lâm Khoa Học và Nghệ Thuật Điện Ảnh Hoa Kỳ chú trọng, từ năm 1981 đã lập ra giải Oscar cho hóa trang xuất sắc nhất. Đây là một trong các giải Oscar được Viện trao tặng hàng năm cho người hóa trang tốt nhất trong một phim.



               Những hiệu quả hóa trang đặc biệt do chuyên viên trang điểm Theresa cung cấp,
                            được phóng viên Băng Huyền chụp lại từ album.




Mỗi năm chỉ có 3 phim được đề cử thay vì 5 phim như các thể loại khác. Lễ trao giải lần thứ 85 vào ngày 25-2-2013 tại Los Angeles đã trao giải Oscar hóa trang và làm tóc xuất sắc nhất cho Lisa Westcott và Julie Dartnell, hóa trang và làm tóc cho diễn viên trong phim “Les Misérables” (“Những Người Khốn Khổ”) của đạo diễn Tom Hooper.Nữ diễn viên Anne Hathaway vai Fantine trong phim này, cũng đã đoạt giải diễn viên phụ xuất sắc nhất. Không thể phủ nhận tài năng của diễn viên Anne Hathaway khi cô thể hiện xuất sắc một thân phận “khốn khổ” đi bán dâm, bán tóc thậm chí bán cả răng để lấy tiền nuôi con, việc cô giảm trọng lượng cơ thể để trông thật ốm yếu, và hy sinh mái tóc của mình để hóa thân vào nhân vật Fantine, cộng thêm bàn tay phù thủy hóa trang đã biến cô thật sự là một nàng Fantine đáng thương, để cô không còn là Anne Hathaway nữa, mà đã “nhập” hoàn toàn vào nàng Fantine để làm cảm động trái tim khán giả. Hay như diễn viên Daniel Day-Lewis trong vai diễn Abraham Lincoln - vị tổng thống đời thứ 16 của nước Mỹ trong phim Lincoln của đạo diễn Steven Spielberg, đã đạt giải nam diễn viên xuất sắc nhất của giải thưởng Oscar lần 85 này, vai Abraham Lincoln của Daniel Day-Lewis đã được giới phê bình khắp nơi khen ngợ. Được biết, khi nhận vai diễn “nặng ký” này, diễn viên Daniel Day-Lewis đã dành thời gian hơn 1 năm trước khi bộ phim được bấm máy, để đọc hơn 100 cuốn sách về Lincoln, nghiên cứu giọng nói và làm việc một thời gian dài với chuyên gia hóa trang để đạt được một diện mạo giống Tổng thống Lincoln nhất.
Kết quả hóa trang đối với những bộ phim hoặc những vở diễn trên sân khấu về nhân vật lịch sử còn có tính chất quyết định về mặt giá trị nghệ thuật của vở diễn hay bộ phim đó nữa. Vì một số điều rất dễ nhận thấy là nếu như diễn viên Daniel Day-Lewis đóng vai tổng thống Abraham Lincoln mà lại trông không giống Abraham Lincoln, thì dù cho ông có diễn xuất giỏi đến mấy chăng nữa, ông có bắt chước được những động tác, điệu bộ giống Abraham Lincoln đến đâu chăng nữa, thì người xem cũng không thể thừa nhận những điều đó là nền tảng chủ yếu cho sự thành công của vở kịch hay bộ phim về Abraham Lincoln được.
Nói thêm về hiệu quả của hóa trang điện ảnh, chị Phạm Thảo Vân, là hiệu trưởng của trường Elite Beauty College, tại thành phố Westminster, Nam Calfornia, từng làm chuyên viên trang điểm cho các show thời trang của Mỹ tại Los Angeles và tham gia hóa trang điện ảnh trong một số phim nằm trong những dự án nhỏ của điện ảnh Hollywood trong thập niên 1990, cho biết vào thời điểm chị đang làm hóa trang điện ảnh, khi xem phim “Forrest Gump” được chiếu vào năm 1994, chị rất ngưỡng mộ tài nghệ hóa trang của chuyên viên hóa trang của phim này, biến diễn viên Tom Hanks thành một anh chàng khù khờ, chậm phát triển trí tuệ, có chỉ số IQ chỉ 75. Vai diễn này đã đem về cho diễn viên Tom Hanks tượng vàng Oscar nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Phim cũng được giải phim hay nhất và đạo diễn Robert Zemeckis được giải xuất sắc nhất vào năm 1994. Ngoài diễn xuất tài tình của diễn viên Tom Hanks, chị Thảo Vân cho biết thành công đó còn cộng thêm tài nghệ của người hóa trang. Theo chị quan sát, để tạo cho nhân vật vẻ mặt khù khờ, người hóa trang đã đánh mascara kéo lông mi của diễn viên Tom Hanks cụp xuống, để một loại keo nhỏ chuyên dùng trong hóa trang, kéo đuôi con mắt xệ xuống nhìn dại dại, rồi chậm phấn lên.

Một chuyên viên hóa trang giỏi cần có khả năng gì?
Theo chuyên viên trang điểm Theresa (tên tiếng Việt là Châu Lan), vào thập niên 1990, đã từng tham gia hóa trang điện ảnh cho một số phim của Hollywood vài năm, công việc của một chuyên viên hóa trang chuyên nghiệp là phải biết tận dụng các lợi điểm và khắc phục các nhược điểm của người diễn viên để đạt hiệu quả cao nhất cho yêu cầu nghệ thuật tạo hình tượng nhân vật trong tác phẩm điện ảnh hay vở diễn sân khấu.
Chị Thảo Vân và chị Theresa đều khẳng định công việc của chuyên viên hóa trang luôn đòi hỏi phải đầu tư thời gian và công sức để tìm hiểu, nghiên cứu trước lúc thể hiện. Khi theo học hóa trang, tùy theo mỗi học viên đầu tư ra sao việc học của mình, họ có thể ghi danh theo các khóa học về hóa trang các phương pháp và kỹ thuật tạo hình cơ bản trong hóa trang: hóa trang trẻ đẹp, hóa trang già các lứa tuổi, hóa trang tính cách, hóa trang các dân tộc, chủng tộc, hóa trang hiệu quả đặc biệt. Song song với việc học ở trường lớp, chuyên viên hóa trang còn phải tự tìm hiểu thêm từ tài liệu, sách báo, mạng lưới toàn cầu, phim ảnh sưu tầm được… để học hỏi kinh nghiệm hóa trang để kỹ năng hóa trang càng được đa dạng và điêu luyện hơn.
Khi người viết hỏi những tố chất cần có của một chuyên viên hóa trang điện ảnh là gì, cả hai “cựu” chuyên viên hóa trang Thảo Vân và Theresa đều nói rằng, người chuyên viên đó cần phải có năng khiếu thẩm mỹ và một đôi tay khéo léo. Chuyên viên hóa trang cần phải kiên nhẫn, cẩn thận, có trách nhiệm với công việc và phải yêu nghề. Không thể một sớm một chiều, người chuyên viên hóa trang có thể giỏi được, dù có vào trường nổi tiếng, để theo học những kiến thức căn bản và bí quyết hóa trang, nhưng để trụ được với nghề này, người chuyên viên hóa trang phải chăm chỉ thực hành, biết rút ra những thất bại để học hỏi, tích lũy những kinh nghiệm và nhạy bén trong môi trường trang trí và ánh sáng của từng thể loại sân khấu.
Hóa trang cho diễn viên đúng và đẹp thì chưa đủ, mà còn thể hiện được cái thần của nhân vật, và điều này đòi hỏi người hóa trang phải đọc trước kịch bản, để hiểu được tính cách nhân vật, phải có kiến thức đa dạng và phải thật tinh tế, vốn sống dồi dào.
Không chỉ giỏi kỹ thuật hóa trang, người chuyên viên hóa trang cần có đủ kiến thức về hội họa, điêu khắc, giải phẫu hình thể học, dân tộc học, các niên đại lịch sử...
Khi hóa trang cho chàng diễn viên 20 tuổi thành một ông già 70 tuổi trong phim, thì phải nắm vững đặc điểm nhân dạng theo tuổi tác... Với tài năng này, chuyên viên hóa trang thực sự trở thành một tay “phù thủy”, có thể biến trẻ thành già, hay biến già thành trẻ, phải dùng loại keo đặc biệt kéo mắt lên khỏi bị sụp, đánh nền thật khéo che lấp vết nhăn…
Chị Thảo Vân nói, khi làm hóa trang cho những phim có yếu tố kinh dị, hóa trang diễn viên thành nhân vật ma quỷ, chuyên viên hóa trang sẽ gắn mặt nạ lên mặt diễn viên, rồi từ đó hóa trang thêm trên mặt nạ, sau cho không còn phân biệt được đâu là phần da thật của diễn viên, đâu là phần mặt nạ đắp thêm vào. Hay tạo một vết thương giả ở một ví trí trên cơ thể, thì phải làm sao cho khán giả tin vết thương đó là thật, vết máu phải hợp lí với vết thương tạo ra. Thường người hóa trang phải vẽ trên giấy trước, rồi mới vẽ lên da, có màu xịt vào theo đúng ý đạo diễn, màu đỏ của máu không quá tươi, phải đặc. Có màu máu từ số 1 đến số 5, có màu đen xì, để chiếu cận cảnh cho biết vết thương lâu ngày… Hoặc với những cảnh nhân vật được khâu vết thương trên phim, người hóa trang phải dán lớp da giả lên cho diễn viên, để thực hiện cảnh quay khâu thiệt vết thương đó …
Chị Thảo Vân kể rằng một bộ phim thường có rất nhiều chuyên viên hóa trang chia thành nhiều nhóm. Khi chị nhận được công việc hóa trang cho phim đó, sau khi ký hợp đồng xong, nghiên cứu kịch bản, nhận thấy phần hóa trang mà đạo diễn giao cho chị có những kỹ thuật chị không giỏi, chị có quyền tìm thêm một vài người có chuyên môn đó giỏi để làm việc cùng với chị. Tiền thù lao mà chị nhận được, sẽ chia ra để trả cho người hóa trang mà chị mướn riêng để cùng chị làm công việc mà chị được giao. Trước ngày quay, chị phải cùng với đồng nghiệp của mình tập luyện trước phần hóa trang đó thật nhuần nhuyễn, thử trên người mẫu nhiều lần để xem hiệu quả hóa trang đó đạt được chất lượng cần thiết hay không, có tự nhiên hay không.
Với những hiệu ứng hóa trang đặc biệt trên mặt diễn viên, như đắp mặt nạ vào, phải xem diễn viên đó có thoải mái với mặt nạ đó không, có bị rớt ra nếu diễn viên cử động mạnh hay không… Chị phải thử nhiều lần, tự chụp hình lại, quay thử xem có đạt hiệu quả không, nếu không phải làm lại, đến khi thật tự nhiên thì mới làm thiệt cho diễn viên trong bộ phim đó.
Sở dĩ công việc cần chuẩn bị tỉ mỉ, vì chị muốn sau phim đó, sẽ được mướn lại để làm tiếp một phim khác, nên phải làm thử thật hoàn hảo trước khi làm thiệt ngòai phim trường. Chị Thảo Vân nói “Vì khi mình đã được mướn vào làm, thì họ muốn mình phải “chạy việc”, làm cho ra việc, chứ không còn là học viên học nghề nữa. Mình phải cho họ thấy sự chuyên nghiệp của mình trong công việc, thì lần sau mới được mời cộng tác tiếp”.
(B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT