Đời Sống Việt

Nghề nail của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ cuối)

Băng Huyền/Viễn Đông Sunday, 10/03/2013 - 09:33:16

Ngoài ra, người thợ cũng cần trao dồi các kỹ thuật mới đã được áp dụng trong ngành của mình để tránh bị lạc hậu so với khách. Nhiều chủ tiệm không chỉ đòi hỏi tay nghề chuyên môn của thợ cao, mà còn xem xét kỹ năng giao tiếp, nghệ thuật phục vụ khách hàng, khả năng phát triển quan hệ...

Băng Huyền/Viễn Đông


Nói thêm về diện mạo kỹ nghệ nail của người Việt tại Hoa Kỳ
Từ khi cựu tài tử và người mẫu Tippi Hedren có công trong việc sắp xếp cho 20 người phụ nữ Việt Nam sống tại một trại tị nạn ở Sacramento, được đào tạo để trở thành những thợ làm nail, mở đường khai phá một nghề nghiệp mới cho một thế hệ những người di dân và con cháu của họ về sau, ở khắp các tiểu bang của nước Mỹ, mới đã mà đã 37 năm.
Từ đó đến nay, nghề nail của người Việt đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, sự thành công của các chủ tiệm nails mỗi lúc mỗi nhiều, rất nhiều chủ nhân tiệm nail là người Việt làm chủ những chuỗi tiệm nail từ hàng chục, đến hàng trăm tiệm... Người thợ nail càng ngày càng trẻ trung và có nhiều khả năng hơn.
Những tiệm nail do người Việt làm chủ không còn những phòng nhỏ chật chội và ngột ngạt, những tiệm nail của người chủ gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai đã khang trang, sạch sẽ hơn, và có thêm nhiều dịch vụ mới: như facial, spa, các dịch vụ về tóc... để phục vụ khách hàng trẻ cũng như thành phần trung lưu và thượng lưu ở Hoa Kỳ.
Khuynh hướng mới trong thị trường ngành thẩm mỹ là những tiệm có đầy đủ các dịch vụ như nails, tóc, facial, spa... để tiện lợi về mặt thời gian khi khách hàng tìm đến để làm đẹp từ đầu đến chân. Điều này cũng có nghĩa là tiêu chuẩn tuyển thợ thẩm mỹ có thể sẽ thay đổi theo chiều hướng đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn. Những thợ có khả năng làm thành thạo nhiều dịch vụ sẽ dễ kiếm việc hơn.
Ngoài ra, người thợ cũng cần trao dồi các kỹ thuật mới đã được áp dụng trong ngành của mình để tránh bị lạc hậu so với khách. Nhiều chủ tiệm không chỉ đòi hỏi tay nghề chuyên môn của thợ cao, mà còn xem xét kỹ năng giao tiếp, nghệ thuật phục vụ khách hàng, khả năng phát triển quan hệ...



Tiềm năng của nghề nghiệp và những khó khăn
Nghề nail đã trở thành công việc phù hợp cho cuộc sống của một bộ phận đông đảo người Việt đã và đang sống tại Hoa Kỳ. Đứng trước rào cản về khác biệt ngôn ngữ và văn hóa, những đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và nhiều yếu tố khác, tạo ra muôn vàn khó khăn cho phần đông người Việt ở hải ngoại nói chung và ở Hoa Kỳ nói riêng trong việc hòa nhập vào cuộc sống mới, tìm kiếm sinh kế để tồn tại và phát triển.
Nghề nail đã góp phần giúp người Việt giải quyết được những khó khăn đó. Vì lợi thế của nghề nail là dễ học và dễ kiếm tiền nhanh, nên nhiều người Việt đã chọn con đường này để nuôi sống gia đình. Rất nhiều gia đình người Việt tại Hoa Kỳ có được những người con thành danh, là những bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, kỹ sừa bởi nhờ vào cha mẹ, hay anh chị... đang hành nghề trong lãnh vực này, chăm lo và khuyến khích con, em của họ phấn đấu trong việc học, không muốn con cái của họ nối nghiệp nail.
Hiện nay cộng đồng người Việt đã và đang chiếm giữ thị phần lớn nhất trong ngành nail tại đây, sự hiện diện rộng khắp của các tiệm nail do người Việt làm chủ trên khắp các tiểu bang, cho thấy một sự lớn mạnh không ngừng của một nghề có nhiều tiềm năng.
Nghề nail cũng đứng đầu trong danh sách những nguồn việc làm lớn nhất cho cộng đồng. Từ những tiệm nail do người Việt làm chủ tăng cao, đồng nghĩa với sự hiện diện cho một cuộc sống ngày càng sung túc và đầy đủ hơn của người Việt, góp phần tạo nên sức mạnh kinh tế của cộng đồng người Việt thêm khởi sắc.
Bên cạnh sự phát triển tốt của ngành nghề luôn đi kèm áp lực cạnh tranh ngày một lớn. Nghề nail của người Việt tại Hoa Kỳ không thể tránh được điều này. Hiện nay nghề nail của người Việt đang đi vào giai đoạn thoái trào. Công việc ngày càng trở nên khó khăn. Giá dịch vụ cùng lợi nhuận giảm mạnh. Để sống còn, hàng ngàn thợ nail người Việt và chủ tiệm nail gốc Việt phải tìm thị trường mới.
Cạnh tranh là tất yếu trong thực tiễn kinh doanh của mọi ngành, nhưng phải chăng nghề nail của người Việt ở Hoa Kỳ đang nhầm lẫn trong việc xây dựng chiến lược cạnh tranh. Nếu như hầu hết chiến lược kinh doanh đều tập trung nhằm cắt giảm chi phí, đa dạng hóa sản phẩm hay dịch vụ, và tạo nên sự khác biệt cho từng thương hiệu.
Thì phương cách cạnh tranh phổ biến mà đại đa số tiệm nail người Việt ở Hoa Kỳ, thậm chí có một số những sản phẩm cho ngành nail của nhà sản xuất là người Việt, nhà cung cấp sản phẩm đến người tiêu dùng (những tiệm supply) do người Việt làm chủ, đều đang bị cuốn đi trong vòng xoáy cạnh tranh “phá giá”, hiện đang áp dụng có vẻ như không thuộc bất kỳ nhóm nào trong ba nhóm chiến lược nêu trên.
Nghề nail là một nghề không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trình độ kỹ thuật cũng không yêu cầu quá cao, nhà cung cấp và nguồn nhân lực lại dồi dào, tỷ suất lợi nhuận và khả năng thu hồi vốn cao, tỷ lệ rủi ro thấp, do vậy, hiện tượng các tiệm nail mới ồ ạt xuất hiện là điều dễ hiểu, đồng nghĩa là áp lực cạnh tranh tăng lên cao.
Khách hàng dễ dàng chuyển sang sử dụng dịch vụ tại các tiệm mới, nếu thấy những lợi ích từ tiệm mới tốt hơn. Vì quyền lợi trước mắt để khách tìm đến tiệm, tăng doanh thu, phần đông các chủ tiệm nail người Việt trên cùng một vùng, trong cùng một con phố, đã chọn cách phá giá, có vẻ như họ cũng ít có sự lựa chọn nào khác để tồn tại.


Nói thêm về vấn nạn “phá giá” và giải pháp
Nhiều ý kiến cho rằng khi các tiệm nail có chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng như nhau, giá nguyên vật liệu và nhân công ít biến động, phương cách phá giá là một hình thức cạnh tranh thiếu lành mạnh, một bước lùi sai lầm trong kinh doanh, và ảnh hưởng tiêu cực đến toàn ngành. Một thực tế phải thừa nhận rằng có lẽ không một ai mong muốn làm điều đó, bởi lẽ ai cũng đều hiểu rằng cách làm đó không những là tự thu hẹp doanh thu hiện tại mà xa hơn còn tổn hại đến tương lai chung của cả cộng đồng nghề nail nói chung.
Chính những người Việt đầu tư vào ngành nail, ước mong chấm dứt điệp khúc phá giá nhất, mọi người đều muốn thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đó, nhưng có lẽ thiếu một điều kiện đủ để thoát khỏi vòng lẩn quẩn này. Phải chăng nghề nail của người Việt không còn con đường nào khác ngoài việc đua nhau giảm giá mãi cho tới khi không còn giảm được nữa? Dĩ nhiên khách hàng là người hưởng lợi, chủ và người làm công cùng nhau đến bờ vực phá sản mà thôi.
Thị trường nghề nail luôn được phân khúc, phải xác định đúng đối tượng khách của tiệm muốn gì và cần gì, mà xác định phương cách kinh doanh phù hợp. Người chủ tiệm không hiểu rõ đối tượng khách hàng của mình sẽ rất khó tồn tại và phát triển trong điều kiện kinh doanh mạnh mẽ hiện nay của thị trường.
Tại một trang mạng trên mạng lưới toàn cầu về nail, tác giả Craig Trần đã từng nêu lên những giả thiết về giải pháp phá giá. Theo tác giả này, nếu các chủ tiệm nails trong từng quận, hạt, thành phố có thể tụ họp lại để soạn thảo ra một bản giá làm nails cho toàn vùng thì việc cạnh tranh phá giá sẽ không còn nữa. Nhưng ông cho rằng kiểu hợp tác như vậy chắc chắn không ổn, bởi đâu phải ai ai cũng thật thà mà hợp tác kiểu này. Bởi “Thương trường như chiến trường” nên giả thuyết hợp tác này khó thực hiện. Tuy vậy nếu hầu hết các chủ tiệm nails chịu ngồi xuống với nhau để đưa ra hướng giải quyết cho một tập thể thì có thể thực hiện.
Hoặc giả thuyết các chủ tiệm nails sẽ ngồi chung lại với nhau thành lập ra hiệp hội nails, đưa ra các điều kiện như: Thành phố không cấp giấy phép mở tiệm nails thêm trong thành phố đó nữa. Hoặc Thành phố chỉ cấp giấy phép mở tiệm nails sau khi được đoàn thể nails của thành phố là các bạn chủ tiệm nails chuẩn thuận. Tất cả mọi chủ tiệm nails đều ký vào một bản hòa ước chung, nếu ai làm trái sẽ bị luật pháp chế tài nghĩa là đoàn thể nails của thành phố đó sẽ thưa người chủ tiệm làm sai hợp đồng.
Nhưng theo các điều kiện đính kèm trên thì giả thuyết hai cũng khó mà thực hiện. Làm sao mà hiệp hội nails có thể điều khiển hội đồng thành phố. Khi một người chủ tiệm bất tuân hợp đồng, thì việc thưa kiện sẽ tiến hành. Nhưng chủ tiệm thì không có tiền để bồi thường thì hiệp hội nails lấy tiền đâu mà trả luật sư phí...
Để kết luận tác giả Craig Trần nêu giải pháp chấm dứt phá giá là phải tăng giá. Vì tiệm đó giảm giá để cạnh tranh, để kéo khách, đương nhiên thu nhập của tiệm đó sẽ bị giảm đi. Không những chủ tiệm bị mất đi thu nhập mà ngay cả thợ cũng bị giảm thu nhập. Hậu quả là thợ sẽ mất đi tinh thần làm việc dẫn tới làm ẩu, làm qua loa, làm cho xong việc rồi sẽ dẫn đến khách mất niềm tin với tiệm.
Trong khi đó tiệm nails lên giá, thu nhập của tiệm và thợ sẽ được tăng lên. Tinh thần làm việc của thợ sẽ nâng cao, thợ sẽ làm việc siêng năng, cẩn thận, và chủ có thêm thu nhập cho tiệm để có tiền để hoạt động, quảng cáo, tiếp thị tốt hơn. Khách càng ngày càng yêu thích tiệm hơn vì họ được phục vụ ân cần chu đáo. Nhưng tăng giá cũng phải có kỹ thuật. Nếu một bộ full set đang làm với giá 20 mỹ kim, người ta hạ giá xuống 2 mỹ kim, có nghĩa là người đó mất trắng 2 mỹ kim. Còn tiệm tăng giá bộ full set lên 10 mỹ kim rồi giảm giá 8 mỹ kim. Tiệm này sẽ có thêm 2 mỹ kim.
Người viết nghĩ rằng trong bất cứ ngành nghề nào, ai ai cũng đều có lòng cầu tiến, mong kiếm được nhiều tiền vì đồng tiền rất cần thiết để phục vụ đời sống. Và mỗi người đều có cách làm việc khác nhau để mưu sinh. Người làm thợ, kẻ làm chủ, người đi buôn bán, kẻ đầu tư. Dù nghề nghiệp có thể hoàn toàn khác nhau nhưng phần thưởng, hay thù lao đều đến bằng cách giống nhau, rất cần nhận được sự tương xứng với giá trị chúng ta mang đến cho người khác.


Đôi điều để suy ngẫm
Trong phạm vi của nghề nail mà loạt bài nhiều kỳ này đề cập đến, thiết nghĩ, với giá cả vừa phải, phù hợp, sản phẩm ưng ý có chất lượng là cơ may tốt nhất của nghệ thuật kinh doanh nail thành đạt. Ngoài ra, việc vệ sinh khử trùng phải tuân thủ nghiêm ngặt là bắt buộc theo quy định của State Board, cần có kiến thức về y tế để đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách, cho chính người thợ, tránh những nguy cơ từ tác hại của các hóa chất từ sản phẩm nail gây ra. Làm sai, làm trái, không đúng, không biết trau dồi kiến thức nghề nghiệp, cập nhật các luật lệ... là chủ tiệm, người thợ... đã tự đào thải mình dù là tiệm nail của người Việt làm chủ hay là những sắc dân khác.
Ngoài cơ quan thẩm định chuyên môn, chính là khách hàng, người trực tiếp chọn lựa tiệm, là phần đánh giá đúng đắn nhất. Tiệm có khách hẹn quay lại đều thường xuyên lâu dài, là đã có niềm tin nơi tiệm về giá cả, chất lượng phục vụ, vệ sinh khử trừng và nhiều yếu tố khác hợp thành. Người Việt tại Hoa Kỳ đã đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu, những sáng kiến vào nghệ thuật kinh doanh nghề nail ở Mỹ, với triết lý kinh doanh hiện đại “Bán cho khách hàng cái họ cần, chứ không phải chỉ bán cho họ cái mình có”.
Mong rằng, tất cả những dịch vụ liên quan đến nghề nail của cộng đồng người Việt nên hỗ trợ và nâng đỡ nhau, từ người thợ, chủ tiệm, nhà sản xuất, nhà cung cấp sản phẩm, trường thẩm mỹ, giáo viên dạy nghề... Tất cả nên là một tập hợp đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp để luôn thăng tiến, cách bảo vệ sức khỏe, cách tránh những cạm bẫy trong nghề nghiệp, cách cư xử với khách, trách nhiệm về thuế...
Hy vọng người Việt làm nghề nail với tính cần cù, sự khéo tay, tinh thần học hỏi tiếp thu nhanh, biết lắng nghe, tìm hiểu nguyện vọng của khách hàng, rút kinh nghiệm từ những lần bị xử phạt trong kinh doanh, hoàn thiện tốt hơn phong cách kinh doanh, nghệ thuật phục vụ, trình độ quản lý tốt, khả năng giao tiếp thân thiện với khách hàng trong mọi tình huống... Để xây dựng được một cộng đồng nghề nail của người Việt biết đoàn kết, thân ái, giàu mạnh tại Hoa Kỳ sẽ thực sự không còn xa, và những đóng góp của người Việt trong kỹ nghệ nail ở đất nước này sẽ được đánh giá cao hơn!. (B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT