Đời Sống Việt

Ngoài Tây y, những nền y học khác có hữu ích hay không?

Monday, 29/08/2011 - 09:16:54

Những nền y học hoặc những phương thức trị bệnh có tính cách thay thế hoặc bổ túc là những ngành y khoa trị liệu nằm ở bên ngoài hệ thống chăm sóc y tế qui ước của Mỹ.

Vanessa White/Viễn Đông


Thiền ngoài bãi biển - ảnh: Nguyễn Linh Giang/Viễn Đông

WESTMINSTER – Một bản phúc trình gần đây cho thấy rằng đa số những người làm việc trong ngành chăm sóc y tế của Mỹ đều sử dụng những nền y học hoặc những phương pháp trị liệu có tính cách thay thế hay bổ sung. Riêng đối với cộng đồng người Việt Nam, thì có một số phương pháp được khuyến khích, trong khi một số cách thức khác không được khích lệ cho lắm.

Những nền y học hoặc những phương thức trị bệnh có tính cách thay thế hoặc bổ túc là những ngành y khoa trị liệu nằm ở bên ngoài hệ thống chăm sóc y tế qui ước của Mỹ. Hệ thống này dựa vào những loại dược phẩm đã được Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để phòng chống bệnh tật. Những nền y học và những cách thức trị liệu bổ sung là những ngành bổ túc cho hệ thống chăm sóc y tế của Hoa Kỳ. Một vài thí dụ về những nền y học và liệu pháp thay thế bổ sung là những nền y khoa dược thảo, tập thiền định, Yoga và khoa châm cứu.
Dược Sĩ Trần Thu Hằng nói với nhật báo Viễn Đông rằng ngày nào bà cũng tập thể dục, mặc dù bà khuyên các bệnh nhân của mình nên tính xem họ có đủ sức khỏe không, trước khi thực tập những phương pháp thay thế như môn Yoga.

Bà nói thêm rằng bà có những bệnh nhân nói cho bà biết về những hiệu quả tích cực của các loại dược thảo mà họ đang sử dụng, nhưng chính bà thì chưa dùng tới.

Dược Sĩ Thu Hằng chủ trương dùng tỏi để chữa trị những chứng bệnh về tim mạch, và dùng chanh để tăng cường hệ thống miễn dịch. Chanh và tỏi là những thứ mà người ta thường không quảng cáo cho các bệnh nhân. Bà Thu Hằng nói với Viễn Đông rằng những sản phẩm được quảng cáo, chẳng hạn như các loại dược thảo Đông Y, cần phải có thời gian để được chứng minh hiệu quả. Những loại dược thảo này chưa được FDA chấp thuận và được bào chế trong một khoảng thời gian ngắn. Có thể phải mất đến 10 năm thì cơ quan FDA mới chấp thuận một loại dược phẩm.

Trước đây bà sử dụng Ginkgo Biloba (cây bạch quả, còn có tên là ngân hạnh), một loại dược thảo được tin là làm tăng trí nhớ và sức tập trung chú ý, cũng như có thể điều hòa máu huyết lưu thông. Dược Sĩ Thu Hằng nói với Viễn Đông rằng sau khi sử dụng bạch quả, bà không cảm thấy cơ thể có gì thay đổi. Bà nói tiếp rằng thỉnh thoảng người ta nghĩ là các phương pháp y học thay thế sẽ giúp cho họ cảm thấy khỏe mạnh hơn, và điều đó xảy ra. Cảm giác hạnh phúc và mãn nguyện có thể giúp tăng cường hệ thống miễn nhiễm, cho thấy năng lực của tâm trí trong việc chữa bệnh hay bồi bổ cơ thể.

* Tuổi thọ và sức sống từ Việt Nam
Ông Mai Bắc Đẩu, một người từng bị tống vào một trại tù “cải tạo” sau khi Sài Gòn bị cưỡng chiếm, đã phát triển những bài tập luyện và những kỹ thuật tự xoa bóp. Sau khi ra tù, ông dạy cho những người đồng hương những kỹ thuật mà ông gọi là điều hòa khí huyết và ấn huyệt trị liệu, cũng như cách tập luyện thân thể với một cây gậy.

Trong năm 1994, ông Đẩu tới định cư tại Quận Cam, và bắt đầu dạy cho người Mỹ những kỹ thuật của ông, làm những động tác mà ông cảm thấy có thể giúp cho họ phát triển “một thân thể khỏe mạnh, một tinh thần tươi đẹp”. Cách một năm sau đó, ông biến những cuộc tập luyện ấy thành một công ty bất vụ lợi, được đặt tên là Longevity Stick Art (LSA – Nghệ thuật gậy trường sinh). Trong một đĩa DVD về Gậy Trường Sinh, ông nói qua lời thông ngôn rằng Khí là một năng lượng sống quan trọng xây dựng nên hệ thống miễn nhiễm khi nó luân chuyển khắp châu thân. Ông cho biết: “Sức khỏe chúng ta bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, ảnh hưởng bởi những vấn đề bên trong”, và những điều đó làm cho cơ thể yếu đi và mất cân bằng, làm nghẽn sự lưu thông khí huyết.
Ông nói tiếp rằng tập thể dục mà thôi thì vẫn chưa đủ, người ta còn phải tránh lo âu trầm trọng hoặc tránh những vấn đề khác có thể làm cho tâm trí căng thẳng. Ông khuyên người ta nên duy trì thế cân bằng và điều độ trong mọi sự, cũng như nên ăn uống đúng cách. Qua lời phiên dịch, ông nói: “Sức khỏe là vàng, phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

* Phương pháp trị liệu của người Mỹ thổ dân

Các thủ lãnh người Mỹ da đỏ đã thảo luận về những phương thức trị liệu cổ truyền và về những vấn đề sức khỏe mà người da đỏ đang gặp phải, trong kỳ hội nghị thường niên lần thứ 40 của Hiệp Hội Người Mỹ Thổ Dân ở Portland, Oregon, trong tháng này, theo trang blog Reporting on Health (Tin Tức về Sức Khỏe).

Trang blog trích dẫn lời Giáo Sư Donald Warne, thành viên của bộ tộc Oglala Lakota và là giám đốc Văn Phòng Y Tế Người Mỹ Thổ Dân ở Sioux Falls, South Dakota, nói: “Chúng ta đã xa rời việc chữa trị như là một nghệ thuật. Chúng ta tập trung nhiều hơn vào việc chữa trị như là một môn khoa học”. Ông nói thêm rằng tuổi thọ của người Mỹ da đỏ là 63 tuổi, so với tuổi thọ 74 tuổi của dân số tổng quát, và tỉ lệ người Mỹ da đỏ chết vì bệnh tiểu đường, uống rượu và tự tử là cao hơn so với dân số tổng quát.

Giáo Sư Warne nói rằng sự quân bình là một phần quan trọng của những phương thức y học cổ truyền, và những nhà cung cấp các dịch vụ y tế cho người Mỹ thổ dân có thể sử dụng thêm một số những cách thức chữa bệnh cổ truyền của người Mỹ thổ dân. Những phương thức này cũng chú ý đến sức khỏe của cảm xúc, tâm linh và tinh thần của các bệnh nhân. Ông nói: “Chúng ta cần chú ý tới những thương tật ngấm ngầm trong tâm linh, sự tiêu vong văn hóa, tình trạng mất đất đai, và cách thức mà những điều này tác động trên tâm linh, sự sống con người”. Trang blog trích lại lời Giáo Sư Warne nói: “Nếu chúng ta không chú ý giải quyết những chuyện ấy, thì chúng ta sẽ tiếp tục gặp phải những vấn đề như thế mà thôi”. - (VW)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT