Đời Sống Việt

Người thợ nail và những câu chuyện buồn vui trong nghề (phần 1)

Băng Huyền/Viễn Đông Sunday, 27/01/2013 - 10:05:40

Được biết, theo thống kê năm 1999, số thợ mới vào nghề chiếm tới 37% trong ngành nail, trong đó có những người này góp phần.

Nghề nail của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ 22)


Băng Huyền/Viễn Đông

Qua các đợt nhập cư của cộng đồng người Việt từ đợt đầu tiên tị nạn sau 30 tháng 4 năm 1975, tiếp theo là các chuyến vượt biên, và cuối cùng là di dân đoàn tụ… mỗi đợt di dân này có một lớp người khác nhau đi vào nghề nail với những cách suy nghĩ khác nhau về nghề nghiệp, phong thái khi vào nghề, tay nghề và bản lãnh của từng người.
Nếu thế hệ người Việt di dân thứ nhất, khi di tản đến Hoa Kỳ đã vào tuổi trưởng thành, có gia đình và con cái, “nửa thầy nửa thợ”, bước vào nghề nail một cách bất đắc dĩ, thì thế hệ chuyển tiếp là thế hệ một rưỡi. Họ theo gia đình đến Mỹ lúc ở tuổi trên dưới 15, không ít người trong họ chọn nghề nail để sinh sống sau khi đã qua trung học hoặc sau vài năm trên đại học. Lớp người này có khuynh hướng muốn làm chủ với vốn liếng gia đình, từ một tiệm rồi hai tiệm, mở tiệm mới, sang tay kiếm lời. Còn thế hệ thứ hai sanh ra lớn lên ở Mỹ, ít chọn con đường làm nail. Có nhiều lý do, nhưng điều trước tiên do bản thân họ không thấy bị ràng buộc bởi đời sống như các thế hệ trước.
Riêng với những người Việt đến Mỹ theo các chương trình đoàn tụ gia đình từ đầu những năm 1990 đến nay, họ luôn luôn là lực lượng lao động đông đảo vào nghề nail một cách hăng hái với quyết tâm cao, vì họ đã được chuẩn bị trước khi đến Mỹ. Được biết, theo thống kê năm 1999, số thợ mới vào nghề chiếm tới 37% trong ngành nail, trong đó có những người này góp phần.

Làm móng tay cho khách - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

 

Những suy nghĩ về vinh nhục của nghề
Nghề nail đã trở thành một nghề nghiệp được rất đông người Việt định cư tại Hoa Kỳ lựa chọn là một công việc khởi đầu cho cuộc sống mới tại đất nước này, là nghề nghiệp giúp nuôi sống nhiều gia đình người Việt, và không ít gia đình có con cái học hành thành đạt từ nguồn kinh tế do nghề nail mang lại. Nghề nail không đòi hỏi trình độ tiếng Anh quá cao và thời gian học nghề ngắn, tiền học không quá đắt, lại kiếm tiền được ngay, rất phù hợp cho những người Việt mới đến định cư.
Tuy nhiên, công việc này đôi khi cũng mệt mỏi và không mấy dễ chịu, đòi hỏi người thợ có sức chịu đựng cao, nhẫn nại và chiều khách thật khéo. Hằng ngày, họ phải cầm không biết bao nhiêu bàn tay, bàn chân, có những bàn tay, bàn chân mềm mại dễ thương, có những bàn tay, bàn chân “không được vệ sinh cho lắm”. Hằng ngày họ phải tiếp xúc với nhiều loại khách hàng khác nhau, có những người khách thân thiện, dễ thương, xem người thợ như bạn tâm giao. Khách đến tiệm quen để làm đẹp, còn là dịp để trò chuyện, tâm tình, ưu ái dành cho người thợ tình cảm quý mến như bạn bè thân thiết. Nhưng cũng có những người khách khó chịu, cư xử thiếu nhã nhặn, thường xuyên than phiền và “bắt đền” khi thợ làm mình không vừa ý…
Đối với một số người Việt Nam có nhiều tham vọng, công việc làm nail bị cho là khá tầm thường, thậm chí nhiều người tỏ vẻ “khinh khi” và xấu hổ nếu bản thân hay người thân của mình làm nghề này.
Nhận xét về nghề nail, chị Duyên Trần, thành viên của Liên Hiệp Ngành Móng Tay Lành Mạnh California cho biết bản thân chị có người thân làm nghề này, và theo chị, nghề nail cũng như mọi ngành nghề khác, giúp người thân của chị trang trải cuộc sống hằng ngày, hỗ trợ kinh tế cho gia đình bằng chính mồ hôi và nước mắt của người lao động. Đồng tiền kiếm được do tự tay mình làm ra với mục đích tốt và không hại mình hại người là “đồng tiền vinh quang”. Vì thế chị cho rằng làm nghề nail không có gì là đáng xấu hổ và thiếu tự trọng cả, mà ngược lại nghề nail giống như một ngành nghệ thuật, vốn dĩ làm đẹp cho đời và người làm nghề này là những nghệ sĩ.

Học làm móng tay ở trường thẩm mỹ Elite - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Chị Thanh Thúy từng làm nail ở quanh vùng Quận Cam và Houston (Texas), nay đã chuyển nghề khác, than phiền rằng nghề nail vô cùng phức tạp, người thợ phải làm việc trong một môi trường hết sức độc hại, dễ mắc bệnh nghề nghiệp do nhạy cảm với hóa chất, bệnh đau nhức do ngồi một tư thế quá lâu… Chưa kể đến việc hầu hết các tiệm nail hay xảy ra những chuyện bon chen, giành giựt, kẻ hơn người thua, thậm chí còn đánh nhau, chia bè phái, ghen tị, nói xấu... Anh chị em ruột thịt cũng xảy ra chuyện như vậy. Chị cho rằng có hàng trăm hàng ngàn chuyện khóc, cười khi nói về ngành nail, không thể nào kể hết được. Chị nói, chỉ cần lên mạng lưới toàn cầu, bấm vào YouTube chuyện buồn vui nghề nail, mọi người sẽ thưởng thức được đầy đủ. Theo chị Thanh Thúy, một lý do của những chuyện không hay trong ngành này xảy ra là do mức ăn chia của chủ và thợ (thợ 6, chủ 4), làm nhiều hưởng nhiều, làm ít, hưởng ít, tiền tip của khách cho, thợ được giữ hết. Vì vậy, để kiếm tiền, nhiều thợ tranh nhau trong cuộc chiến giành khách, và người chiến thắng sẽ là người hoàn thành công việc sớm và được quyền ưu tiên để làm cho người kế tiếp. Đương nhiên, người thắng cuộc sẽ là người làm nhiều tiền nhất tiệm. Để giành được những khách rộng rãi cho tiền tip nhiều, nhiều thợ không từ bỏ bất cứ thủ đoạn hay tiểu xảo nào. Cũng chính điều này đã gây ra biết bao tỵ hiềm, xích mích dẫn tới mất tình cảm bạn bè, anh chị em và đôi khi họ phải giải quyết những điều này bằng cách... chửi nhau, đánh nhau. Không ít những người thợ với niềm tự hào kiếm tiền giỏi, phô bày vẻ xa hoa hào nhoáng bằng những chiếc xe đời mới sang trọng và áo quần hiệu Bebe, túi xách Louis Vuitton, Gucci… trang sức đắt tiền…
Khi tiệm nail càng nhiều, thợ càng đông, mức độ cạnh tranh của nghề nail càng lớn tạo nên sự chia rẽ, thù hằn nhau giữa chủ và chủ, giữa chủ và thợ, giữa thợ và thợ. Mạnh người nào người đó phá giá, ảnh hưởng đến nhiều gia đình Việt Nam từ lâu nay vẫn sinh sống bằng nghề này.
Chị Thanh Thúy bảo rằng, suy cho cùng, bản thân chị từng là một thợ nail, và nhờ nó mà bản thân chị và những gia đình Việt Nam đã vượt qua khó khăn và thành công tại đất nước này. Chị không có ý chê bai những đồng nghiệp của mình, vì trong số người làm nail có những người bạn rất thân thiết, chân tình của chị. Nhưng chị buồn bã nói rằng, thực tế “chuyện xấu” mà chị nhắc đến vẫn còn trong giới làm nail.
Chị Thanh Thúy kết luận: “Xấu hay tốt là tùy theo nhận định và quan điểm của mỗi người. Nhưng có một điều, tôi không dám chắc rằng ai sống và làm việc trong một môi trường như thế dài lâu, mà không bị đánh mất bản thân mình”.
Ông Philip Ngô, người quản lý phòng trưng bày ghế T4 Spa tại Nam California, cho biết, ông hay vào mạng lưới toàn cầu để đọc những nhận xét về ngành nail do những khách người Mỹ, hay những sắc dân khác bình luận khen, chê về các tiệm nail của cộng đồng người Việt. Ông thấy đa phần những lời chê những thợ nail Việt hay nói tiếng Việt với nhau quá nhiều. Khi khách ngồi làm, khách không cảm thấy thoải mái. Nhiều khi thợ ngồi vừa làm cho khách, vừa kẹp cổ điện thoại di động nói chuyện với bạn, thỉnh thoảng ré lên cười, chẳng màng đến những ánh mắt khó chịu của khách hàng. Thậm chí, có những chủ tiệm vừa làm cho khách, khi có điện thoại gọi vào tiệm, dừng lại, đi trả lời điện thoại. Nhiều tiệm không sạch sẽ, phẩm chất phục vụ không tốt, chỉ được “giá rẻ” mà thôi…
Theo ông Philip Ngô, các chủ tiệm nail, thợ nail hãy luôn cố gắng hoàn thiện nghề nghiệp và công việc quản lý thật tốt, để đưa tiệm nail của mình, nghề nghiệp của mình lên một tầm cao hơn, chuyên nghiệp hơn, thì mới mong nghề nail của người Việt không bị những sắc dân khác chiếm lấy thị phần.
Anh Charle Lê là một thợ nail, thì than phiền về mối bất hòa giữa những ông bà chủ tiệm nail với thợ, những người chủ “không từ bất cứ thủ đoạn nào để bóc lột sức lao động của chính những người thợ đồng hương của mình”. Mặc dù đã ăn chia 6-4 trên thu nhập của thợ, nhưng theo anh, họ vẫn sẵn sàng lao vào tranh giành khách với thợ. Nhờ lợi thế làm chủ, vừa được bắt khách, vừa điều khách nên họ luôn luôn giành những khách “sộp” cho mình và đẩy những khách “không ngon” cho thợ. Vì viện lý do phải đóng thuế thu nhập cho những khoản tiền tip mà khách thanh toán bằng thẻ tín dụng, các chủ nhân còn buộc thợ phải chia lại từ 20-50% phần tiền này, hoặc chia tiền sửa máy giặt, nếu máy trong tiệm bị hư, hoặc có những thái độ “bủn xỉn” ky bo với thợ trong việc mua sản phẩm để làm nghề…


Nghề nail, những điều được và mất

Chị Xuân Lê một thợ nail, nói rằng nghề nail cũng như những nghề làm đẹp khác cho con người, cho xã hội - là những nghề cao quý, lương thiện, đáng trân trọng. Nghề nghiệp này không xấu, chỉ có người xấu mà thôi. Chị mong rằng người ta “đừng để đồng tiền làm mất đi tư cách, phẩm chất, danh dự của con người và nhất là để mọi người khi làm nghề không mặc cảm, xấu hổ khi nhắc tới nghề nghiệp của mình”.
Chị tâm sự, vì nhu cầu kiếm sống, chị phải làm nail, tiền kiếm đỡ hơn đi làm hãng, nhưng cứ sáng đi tối về, cuối tuần cũng phải đi làm, mùa cao điểm như mùa hè, không có ngày nghỉ. Vì nếu nghỉ thì tiếc, mất tiền, mất khách quen, nên chị ráng làm, để tiền dành dụm cho những tháng ế. Thành ra, gia đình muốn cùng nhau đi du lịch đó đây vào dịp con chị được nghỉ hè, rất hiếm khi thực hiện được. Nhiều khi muốn nghỉ không làm nghề nail nữa nhưng không thể, vì điều kiện kinh tế còn eo hẹp, mà chị lại không biết làm nghề nào khác. Chị chỉ lo khi con bước vào tuổi choai choai, nếu không có chị kềm cặp, gần gũi nhiều thời gian, con sẽ hư. Chị nói, làm nail về mặt kinh tế khá ổn định, nhưng ngược lại thời gian dành cho con cái, cho gia đình sẽ ngắn hơn, thiếu thốn hơn. Chị Xuân nói, tháng ngày trôi qua nhiều lúc chị thấy sức khoẻ cũng cạn dần bởi công việc. Nghề nail giúp chị vượt qua khó khăn về đời sống nhưng ngược lại cũng đem đi của chị những cái quý giá nhất. Nhưng hiện nay chị không có cơ hội nào khác để đổi nghề, nên vẫn phải cặm cụi với việc này để chăm lo cho gia đình.
Bà Hoa Dương, là một thợ nail tại vùng Nashville, tiểu bang Tennessee, nói rằng bà không xem làm nail là công việc nhục nhã, nhưng khi ra sống ở xứ người, nếu bà có đủ thời gian, khả năng để học có được bằng cấp, làm công việc bằng trí óc, thì bà vẫn hãnh diện hơn. Bà Hoa đã ở Mỹ khoảng 12 năm, làm nail hơn 10 năm nay. Do đến Mỹ đã ngoài 40 tuổi, dù ở Việt Nam bà từng là giáo viên, nhưng khi qua đây, muốn làm việc gì bằng chữ nghĩa cũng phải đi học lại, với điều kiện đã có căn bản tiếng Anh vững vàng, việc học kiếm một tấm bằng cũng ít nhất 3 năm. Còn nếu chưa có căn bản tiếng Anh, thì tốn nhiều thời gian hơn. Khi mới qua, con gái bà còn nhỏ, chồng bà cũng lớn tuổi, nên bà đành chọn nghề nail để sinh sống. Bà Hoa cho biết bà không thấy nhục khi làm nail, nhưng bà rất buồn. Con gái bà học giỏi, chuẩn bị theo học ngành y. Theo bà, nghề nail không có gì để bà hãnh diện, vì đây là nghề phục vụ, không có bằng cấp về chữ nghĩa, làm để kiếm tiền sinh sống mà thôi. Bà chỉ mong con gái của mình cố gắng học hành đỗ đạt cao, và cũng mong rằng giới trẻ gốc Việt chịu học trở thành những người thành danh trong xã hội, để người bản xứ nể trọng dân tộc Việt Nam của mình trong những ngành nghề khác, chứ không phải nghĩ đến dân Việt là nghĩ đến nghề nail như hiện nay.
Chị Hoa Trần, hiện nay đã có bằng thẩm mỹ toàn phần, chuyên cắt tóc, nhưng cũng làm thêm nail khi tiệm đông khách, cho biết những người thợ làm nail hay nghề tóc, nghề làm đẹp… phần lớn theo nghề là để giúp đỡ gia đình, nuôi con ăn học. Chị khẳng định nghề nghiệp chân chính nào cũng hay, cũng tốt nhưng nghề này là công việc do hoàn cảnh mình mới phải làm (chứ không phải được làm). Không có người bố, người mẹ nào có con đang đi học để có bằng cấp trong xã hội mà lại khuyên con mình đừng đi học nữa, hãy học làm nail. Mà những người cha, người mẹ này cố gắng làm để nuôi con học hành thành tài, cho có tương lai tốt hơn bố mẹ chúng, để cho bà con, gia đình, bạn bè nể mặt. Chị nói rằng, thật khập khiễng khi so sánh một người kiếm tiền bằng cách lao động chân tay như nghề nail với người kiếm tiền trí thức. Dù rằng nghề nào cũng tốt, khi đó là công việc lương thiện và làm bằng công sức của mình, nhưng trong mỗi nghề đều có sự phân biệt rõ ràng. Chị Hoa nói: “Chắc chắc bằng nail không thể nào được mọi người kính trọng ngang bằng với bằng bác sĩ, kỹ sư, luật sư… được, vì làm nghề chữ nghĩa thì vẫn tốt hơn” - (BH)


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT