Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nhạc sĩ thời đại: Dino Phạm Hoàng Dũng

Saturday, 02/08/2008 - 03:06:02

Dino Phạm Hoàng Dũng cho biết như vậy. Nghe bài "Nails" xong, tôi hiểu được tại sao Don Hồ làm thế. “Nails” không giống một bài hát Việt Nam nào ...

PhamHoangDung_8020b.jpgTrân Hương / Viễn Đông

- Don Hồ cho biết  mỗi khi đi show, hát bài “Nails” là khán giả vỗ tay hát theo rần rần, cho thấy bài hát thành công. Dù anh ta không cho vào danh sách bài hát của đĩa mà chỉ đề là bài “bonus”.

[Nhạc sĩ Dino Phạm Hoàng Dũng tại tòa soạn Nhật báo Viễn Đông]



Dino Phạm Hoàng Dũng cho biết như vậy. Nghe bài "Nails" xong, tôi hiểu được tại sao Don Hồ làm thế. “Nails” không giống một bài hát Việt Nam nào ta thường nghe. Nói như vậy không có nghĩa là nó dở. Trái lại là khác. Nó được viết theo điệu nhạc rock kiểu “Love potion number 9”, nghe rất quen và lời hát rất vui, nói lên một hiện tượng đời sống đặc thù của dân Việt hải ngoại: chỉ cần tốn vài trăm đồng và vài tháng đi học là có được một nghề có thời hái ra bạc, tạo ra một vài chục triệu phú Việt và hiện nay vẫn còn kiếm ăn được khá.

Dũng cho biết 3 trong số những bài hát mới nhất của anh là bài "Ông Kỳ Cục", "Người Thợ May", và "Nails". Bài Ông Kỳ Cục nghe qua là biết ngay anh muốn nói ai. Bài này cũng được viết với tiết điệu nhạc trẻ rất lôi cuốn. Và lời nhạc cũng rất là “thời đại” mà Dũng cho biết có lần một ông nghe xong đã đến nói với anh rằng anh đã nói lên được ý nghĩ của mấy trăm ngàn người Việt hải ngoại về nhân vật này. Còn bài Người Thợ May thì nhẹ nhàng hơn, theo điệu ballad, kể chuyện người thợ may mải miết hành nghề để nuôi con ăn học nên người từ bên nhà qua tới Mỹ, dù chẳng đứa nào muốn nối nghiệp bố.

Nghe qua đề tài của 3 bài hát tiêu biểu của Dino Phạm Hoàng Dũng, người ta dễ hình dung rằng anh là người “không giống ai” vì viết bài hát Việt mà lại chọn những đề tài hoàn toàn ra khỏi “dòng chính” nhạc Việt. Thật ra phải nói là cả đề tài lẫn nhạc của Dino Phạm Hoàng Dũng đều ra ngoài khuôn khổ. Anh là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi viết nhạc kiểu Mỹ nhưng lời Việt.

PhamHoangDung_7537.jpgTrả lời câu hỏi về “background” âm nhạc, Dũng nói:
- Thuở nhỏ thì cũng chỉ học nhạc trong trường vậy thôi. Ở nhà thì cũng nghe bố, nghe cậu vặn nhạc tiền chiến nhưng không thích lắm. Tôi nhớ lần đầu tiên nghe Sĩ Phú và Khánh Ly hát, tôi thấy là rất hay, nhất là Khánh Ly hát Diễm Xưa, nhưng tôi cũng không muốn đi theo con đường đó. Tới chừng nghe những bài “nhạc trẻ” của ban Phượng Hoàng thì thấy thích  và mê liền, rồi cũng tụ tập bạn bè tự học hát, học đàn và chơi nhạc với nhau. Mấy bài nhạc Phượng Hoàng đã ảnh hưởng lên lối viết nhạc của tôi rất nhiều. Lúc tôi mười mấy tuổi, có trận lụt lớn ở Phan Rang, tôi phải ngồi không mấy tuần. Một người bạn đã đến khuyến khích tôi thay vì ở không thì tập viết nhạc coi sao. Thế là tôi viết và viết nhạc luôn từ đó tới giờ, không bỏ được.
- Vậy thì qua Mỹ anh vẫn tiếp tục sáng tác. Anh có bị ảnh hưởng bởi nhạc Mỹ?
- Qua đây tôi có chơi trong các club Mỹ, có lúc cũng thành lập ban nhạc và vẫn tiếp tục con đường sáng tác nhạc theo lối “nhạc trẻ”  của ban Phượng Hoàng mà tôi đã ngưỡng  mộ. Và tôi cũng học hỏi được nhiều trong những năm tuổi trẻ lăn lộn với cuộc sống ở Mỹ.
- Vậy đề tài của anh thường là gì?
- Tôi cũng có viết một số nhạc tình nhưng đa số là tôi viết về cuộc sống nhiều hơn, thí dụ người cha làm việc lao động nuôi con, tâm trạng dân Việt ở Mỹ... Nhiều người cho là tôi có giọng hằn học. Nhưng tôi chỉ muốn nói lên những cảm nghĩ của mình trước cuộc sống.
- Anh nghĩ gì về những loại nhạc dân Việt ở Mỹ vẫn được cho nghe nhiều từ bấy lâu nay, những loại nhạc không giống như của anh?
- Kỹ nghệ làm nhạc ở đây họ phải hát những bài ca bán được nên họ dồn sức vào những bài nhạc đã nghe đi nghe lại mấy chục năm nay mà ít có gì mới. Tôi cho như vậy là làm cản bước tiến của những người viết nhạc  mới. Họ không có cơ hội trình bày và giới thiệu sáng tác của mình. Tôi lại không có khiếu về “politics” nên càng ít có cơ hội. Mặc dù vậy tôi vẫn đi làm kiếm sống hằng ngày, tiếp tục sáng tác, tiếp tục học hỏi những cái hay trong nhạc Mỹ và hòa âm, làm nhạc, làm đĩa từ cái garage của mình. Hiện tôi có khoảng hơn 70 bài hát và đã hoàn thành 1 CD có lẽ sẽ cho ra mắt một ngày gần đây. Nghe CD của tôi, mọi người sẽ cảm nhận được là tôi có nhiều cố gắng, viết nhạc và hòa âm công phu, có suy nghĩ cẩn thận chứ không phải là làm bừa. Tôi biết có nhiều người viết nhạc trẻ đã viết những bài hay và lạ nhưng không có đất dụng võ, rất tiếc.

Tôi đồng ý với anh. Theo tôi, nền văn học nghệ thuật Việt - cả hải ngoại lẫn trong nước - đang gặp chỗ bế tắc, không riêng gì ngành nhạc mà cả sách báo, hội họa... Con đường mòn cũ vẫn còn được giẫm lên bằng những bước chân rời rạc. Cái mới thì chưa được đánh giá, thưởng thức đúng mức. Người trẻ hiện nay muốn bước vào con đường nghệ thuật, ngoài tài năng còn cần rất nhiều may mắn.

Dino Phạm Hoàng Dũng không còn trẻ lắm nữa, nhưng nhạc của anh vẫn còn rất trẻ, rất mới trong tiết điệu, trong cách chọn đề tài. Dino nói tiếp:
- Nhạc của tôi như chị sẽ nghe trong bài "Ông Kỳ Cục", "Nails"... có tiết điệu không giống như nhạc Việt. Nó có rhythm của nhạc rock Mỹ, nhưng nó lại rất Việt Nam. Vì nó nói lên những đề tài Việt Nam và dùng ngôn ngữ Việt Nam. Thí dụ như trong một bài nhạc tôi viết “có khi mà khóc có chi mà lóc, có chi mà than có chi mà van, có chi mà âu có chi mà sầu...” thì có người chê, nói dùng chữ kỳ cục. Nhưng tôi vẫn không đổi. Vì đó là cách nói của người Việt Nam, có thể chưa ai đưa vào nhạc nhưng mình vẫn nói “khóc với lóc, âu với sầu...”. Tôi tin người nghe sẽ cảm nhận được những gì tôi muốn nói. Bây giờ ước mơ của tôi là có được một không gian để giới thiệu những gì mình đã viết và người nghe có cái mới để nghe. Tôi cũng đã có một số lớn thính giả, đa số đều thích những gì tôi đã cho họ nghe.

Trên đường về, tôi mở nghe CD mà Dino Phạm Hoàng Dũng đã “burn” ra tặng, gồm 3 bài "Ông Kỳ Cục", "Người Thợ May" và "Nails". Và tôi đồng ý với những thính giả anh vừa kể. Dino có một giọng hát rất hay và thích hợp với nhạc của anh. Anh có lối phát âm chuẩn, sắc gọn và biết dùng những chỗ nhấn nhá thích hợp khiến hát lên được cái hồn bài nhạc. Nhưng tôi cũng biết con đường anh chọn để đi là con đường chông gai vì ít ai thích nghe những bài nhạc thời đại như thế, cho dù có thể đồng ý với những gì anh nói ra và cách nói của anh cũng rất lọt tai.

Hiện nay, người có tuổi thì thích chìm đắm trong những bài nhạc tình “đứt ruột” thê thiết. Còn giới trẻ thì thích nghe những giai điệu nóng bỏng với những lời ca cháy ruột cháy gan (tôi mới coi một video của cô diva Mariah Carey, nóng ơi là nóng).

Dino Phạm Hoàng Dũng cần một môi trường thường trực để có cơ hội cho thính giả nghe nhạc của anh dài dài. Một lúc nào đó, họ sẽ nghiện.

Nhạc sĩ Dino Phạm Hoàng Dũng sắp sửa cho ra mắt CD tựa đề "Nails" với những bài hát do anh sáng tác và tự trình bày. Mời quý độc giả nghe anh hát bài "Nails":

Quý độc giả có thể liên lạc trực tiếp với nhạc sĩ Dino Phạm Hoàng Dũng qua địa chỉ điện thư dinopham@sbcglobal.net hoặc điện thoại (714) 553-3000.

Bài và ảnh © Vien Dong Daily News

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT