Phóng Sự

Những câu chuyện của tuổi trẻ thanh thiếu niên gốc Việt tại Hoa Kỳ (Kỳ 3)

Băng Huyền/Viễn Đông Monday, 27/05/2013 - 01:55:09

Bên cạnh chuyện điểm học, điểm thi các kỳ thi bắt buộc, thì chuyện học sinh trong thời gian học từ lớp 9 đến lớp 12 có năng động, tích cực trong môi trường học đường, cũng là một yếu tố quan trọng có tính chất quyết định trong việc học sinh đó có được nhận vào đại học hay không.

Băng Huyền/Viễn Đông

Thanh thiếu niên và những sinh hoạt ngoại khóa tại trường trung học (phần 1)

Phần lớn những phụ huynh Việt Nam mới sang định cư tại Hoa Kỳ, có con bắt đầu bước vào trường trung học đều phải bắt đầu làm quen với hệ thống giáo dục ở đất nước này, bởi giáo dục tại Mỹ rất khác xa với kiểu học “nhồi nhét” như ở Việt Nam. Nền giáo dục Mỹ rất quan trọng độ tuổi 14 - 18 tuổi. Đây là độ tuổi chín muồi về trí tuệ cũng như thể lực, vì vậy chương trình Trung học của Mỹ rất tập trung phát triển trí tuệ, thể chất cũng như tinh thần cho các học sinh trong những năm này.
Khác hẳn với các trường tại Việt Nam, chỉ tập trung học nhồi kiến thức để thi đại học. Phương pháp giáo dục, đào tạo ở Mỹ đòi hỏi học sinh trung học, hay sinh viên đại học phải phát huy một cách tối đa tính tự giác. Điều này được thể hiện qua việc tự học và tự nghiên cứu.
Ngoài giờ lên lớp, học sinh, sinh viên thường phải hoàn thành một số lượng lớn các bài tập về nhà, bài đọc, bài viết... Chuyện vào thư viện, lên mạng lưới toàn cầu tìm hiểu thông tin để viết bài, đọc những tài liệu tham khảo khá dài là chuyện "như cơm bữa". Đặc biệt với các học sinh trung học, ngoài những phần thi của cá nhân, những bài thi theo nhóm, cũng là một đòi hỏi của các giáo viên của trường đối với các học sinh.


Các học sinh trong lớp thầy Dzũng Bạch tham gia làm sạch phố Bolsa.

 

Sự khác biệt của giáo dục Hoa Kỳ với Việt Nam

Nếu đại học tại Việt Nam vẫn tuyển sinh dựa trên một phương thức duy nhất: thi tuyển. Chưa nói đến thủ tục rườm rà, nội dung thi tuyển đại học Việt Nam thực sự là một cơn ác mộng đối với rất nhiều thí sinh, bởi phần lớn dựa trên những kiến thức vượt xa chương trình học phổ thông, khiến những học sinh không có điều kiện học thêm tại các trung tâm hoặc tự học thêm qua tài liệu tham khảo, trở thành khó có cơ may thi đậu. Học sinh trung học ở Mỹ, không có những kỳ thi đại học căng thẳng, những giờ học thêm tối ngày, việc học sinh đó có vào được một trường đại học tốt hay không, được hoàn toàn quyết định bởi toàn bộ quá trình phấn đấu của học sinh ở trường trung học, chứ không phải chỉ qua kỳ thi tuyển sinh đại học như tại Việt Nam.
Tuyển sinh đại học ở Mỹ không phải thi tuyển như ở Việt Nam. Mỗi trường đại học có những chiến lược và tiêu chuẩn xét chọn khác nhau, nhưng đa số đều dựa trên kỳ thi chuẩn gọi là SAT (Scholastic Aptitude Test) hoặc American College Test (ACT). Kỳ thi này do Hội đồng Đại học (College Board), một cơ quan độc lập với mọi trường đại học, tổ chức nhiều lần trong năm cho bất kỳ ai muốn dự thi.
Thông thường học sinh Mỹ ghi danh thi SAT bắt đầu từ năm lớp 11. Điểm khác biệt cơ bản giữa đề thi SAT, và đề thi tuyển sinh đại học Việt Nam, là đề thi tuyển sinh đại học Việt Nam nhằm kiểm tra khối lượng kiến thức mà thí sinh đã tích lũy được, trong lúc đề thi SAT nhằm kiểm tra khả năng tiếp nhận kiến thức của thí sinh, hay nói cách khác, kiểm tra khả năng suy luận hợp lý. Tuy đề thi chỉ dựa trên những kiến thức cơ bản của trung học cơ sở, đạt được điểm tối đa là rất khó. Mặt khác, đề thi đã được thiết kế rất chuyên nghiệp để trở thành một thứ thước đo đáng tin cậy: bằng cách tính điểm âm, nó loại trừ khả năng đoán mò của thí sinh.
Tại một thời điểm nhất định, học sinh thử làm vài ba bài thi SAT, học sinh đó sẽ thấy tổng điểm của mình là một con số không xê xích là bao, đó là con số phản ánh đúng năng lực thực của học sinh đó. Bài thi SAT 1 gồm 2 phần: Ngôn ngữ và Toán. Phần thi ngôn ngữ không chỉ nhằm kiểm tra kỹ năng đọc và vốn từ vựng của thí sinh mà nhằm xác định xem sau khi đọc một đoạn văn thí sinh có hiểu được những gì tác giả nói và có rút ra được những kết luận hợp lý căn cứ trên bài đọc hay không.
Phần thi toán không phải là kiểm tra trình độ toán học mà là khả năng của thí sinh trong việc sử dụng những kiến thức toán học sẵn có để suy ra lời giải cho bài toán. Chính vì vậy bất cứ đại học nào, bất cứ chuyên ngành đào tạo nào cũng có thể xem xét kết quả thi SAT 1 như một thông số cơ bản nhằm đánh giá khả năng ngôn ngữ và suy luận định lượng của thí sinh, những phẩm chất tư duy cần để tiếp thu kiến thức và tiến tới sáng tạo trong bất cứ lĩnh vực nào. Bài thi SAT 2 gồm nhiều môn, thí sinh có thể tự chọn một hoặc nhiều môn để thi: Toán, Lý, Hóa, và Văn viết (Writing). Khác với SAT 1, bài thi SAT 2 chú trọng nhiều hơn đến kiến thức, nhằm kiểm tra những kiến thức cơ bản mà thí sinh nắm được trong một lĩnh vực cụ thể, điều được coi là một tiền đề để tiếp thu những kiến thức cao hơn ở bậc đại học.
Ngoài điểm thi SAT, các trường đại học Mỹ còn yêu cầu thí sinh viết một hai bài luận về một chủ đề cho trước, và một hoặc vài thư giới thiệu của giáo viên trong trường; có những trường còn yêu cầu cả thư giới thiệu của thầy hiệu trưởng hoặc bạn đồng học. Sau khi xét vòng sơ tuyển dựa vào bảng điểm, bài viết và thư giới thiệu, nhiều trường – nhất là những trường danh tiếng – còn phỏng vấn trực tiếp từng thí sinh. Mục đích của những bài viết, thư giới thiệu, và phỏng vấn là giúp nhà trường hình dung được một cách đầy đủ nhất về những phẩm chất và năng lực tinh thần của từng thí sinh, qua đó có thể đánh giá được liệu thí sinh đó có phù hợp với tôn chỉ, mục đích, và phương pháp đào tạo của mình hay không, liệu thí sinh đó có thể tận dụng được tất cả những cơ hội giáo dục của nhà trường để phát huy năng lực của mình theo mục tiêu của nhà trường hay không.

Điểm cộng cho hoạt động ngoại khóa trong trường trung học

Bên cạnh chuyện điểm học, điểm thi các kỳ thi bắt buộc, thì chuyện học sinh trong thời gian học từ lớp 9 đến lớp 12 có năng động, tích cực trong môi trường học đường, cũng là một yếu tố quan trọng có tính chất quyết định trong việc học sinh đó có được nhận vào đại học hay không.
Theo thầy Dzũng Bạch, giảng viên dạy môn tiếng Việt tại trường La Quinta High School, đồng thời cũng là giáo viên cố vấn (Advisor) của hội Học Sinh Việt Nam, thường gọi là VSA (chữ viết tắt của Vietnamese Student Association Club) tại trường La Quinta, giáo dục Hoa Kỳ chú trọng mối quan hệ của học sinh, sinh viên với cộng đồng, việc tham gia hoạt động thiện nguyện là trách nhiệm và bổn phận của công dân để xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn. Trong bộ hồ sơ nộp cho trường Đại học thường có khoảng vài dòng để học sinh điền thông tin hoạt động ngoại khóa của mình và có phần để giáo viên cố vấn của câu lạc bộ mà các học sinh đó tham gia, ký tên xác nhận về việc tham gia của các học sinh này trong những hoạt động phục vụ cộng đồng.
Khi muốn xin học bổng, phần lớn các ứng viên nộp đơn xin học bổng đều có thành tích học tập tốt, điểm các kỳ thi chuẩn hóa (SAT) cao; Nhưng thông tin hoạt động ngoại khóa và bài luận của học sinh sẽ là yếu tố tạo nên sự khác biệt cho mỗi bộ hồ sơ. Thông tin về hoạt động ngoại khóa còn thể hiện khả năng làm việc nhóm, cá tính, niềm đam mê, tinh thần vì cộng đồng... của người học sinh đó, giúp các trường Đại Học có thể hình dung năng lực phẩm chất của ứng viên, tiềm năng đóng góp cho nhà trường và cộng đồng trong tương lai. Đây cũng chính là nguyên do khiến các trường Đại học tại Mỹ luôn mong muốn có được ứng cử viên xuất sắc toàn diện, không chỉ giỏi ở các môn học mà còn tích cực tham gia các hoạt động tại trường, các hoạt động ngoài giờ học.
Nhiều phụ huynh Việt Nam mới đến định cư tại Hoa Kỳ chưa quen với hệ thống giáo dục tại Hao Kỳ hẳn sẽ thắc mắc “vì sao đi học đại học lại cần có những hoạt động ngoại khóa này làm gì? Việc học thì cần tập trung học và siêng năng động não thôi chứ?”. Câu trả lời sẽ là bởi sự khác nhau giữa hai nền giáo dục. Nếu giáo dục tại Việt Nam chỉ tập trung vào việc phổ biến kiến thức thì giáo dục Hoa Kỳ luôn muốn phát triển con người toàn diện. Khi vào học trong trường các học sinh, sinh viên sẽ được yêu cầu làm việc theo nhóm, thuyết trình trước mọi người, tư duy logic và sáng tạo.
Những kĩ năng như lãnh đạo, sự tự tin của người học sinh nói trước đám đông, khả năng hòa nhập... đều rất quan trọng trong quá trình học của họ. Nếu học sinh, sinh viên đó thường xuyên tham gia công tác thiện nguyện, những hoạt động của các câu lạc bộ ngoại khóa ở trường, ở lớp, người học sinh đó sẽ có kỹ năng giao tiếp với mọi người, tăng cường sự tự tin và trở thành một người hoàn thiện hơn. Do vậy một bạn trẻ trưởng thành tại Hoa Kỳ, có tham gia vào những hoạt động ngoại khóa ở trường, trong cộng đồng, sẽ không ngại sống trong một môi trường mới ở một đất nước mới, không e dè kiêng kỵ khi thể hiện bản sắc văn hóa của mình, đem lại nhiều màu sắc hơn cho trường Đại Học mà họ sẽ được nhận vào. Chính vì thế ban tuyển sinh các trường Đại Học danh tiếng ở Hoa Kỳ sẽ tin tưởng hơn người học sinh ưu tú đó trở thành sinh viên ở trường của họ, bởi học sinh đó sẽ đóng góp được nhiều hơn cho đời sống trong trường đại học.
Thầy Dzũng Bạch bày tỏ, “Hội đồng tuyển sinh tại các trường đại học luôn muốn tìm nhiệt huyết tuổi trẻ qua mỗi bộ hồ sơ. Đừng ngần ngại thể hiện đam mê hoạt động ngoại khóa của mình, cho dù đam mê của bạn có vẻ không giống ai. Nhưng cách học sinh đó trân trọng, gìn giữ đam mê của mình lại được đánh giá cao. Hãy để hoạt động ngoại khóa tại các câu lạc bộ trong nhà trường giúp hồ sơ của học sinh được điểm cộng trong quá trình nộp đơn xin vào đại học. Do vậy, ngay từ lớp 9 khi vào trường trung học, học sinh cần ghi danh tham gia những hoạt động ngoại khóa ở trường, hay ở địa phương. Đừng để nước đến chân mới nhảy sẽ không kịp.” (bh)
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT