Đời Sống Việt

Những Chuyến Xe Đò Mang Theo Tình Yêu Thương

Bài và ảnh: Thomas Truong Sunday, 07/04/2013 - 07:32:29

Anh coi hành khách như là những “ân nhân” nên đã dám mạnh dạn mở cầu nối kết đồng hương Việt Nam lại với nhau gần hơn, nhất là đối với cư dân Việt Nam ở hai thành phố lớn có đông người Việt sinh sống là Santa Ana ở miền Nam và San Jose ở miền Bắc.

Thú Đi Xe Đò Ở Mỹ , Kỳ 2


Bài và ảnh: Thomas Truong


Phần lớn những người theo đạo thờ Chúa đều thuộc lòng câu kinh thánh trong sách Giăng đoạn 3:16 “ Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài hầu cho hễ ai tin con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời”. Anh Hoàng chủ xe đò Hoàng đã cố ý dùng (John316) để làm password cho wifi internet trên tất cả các xe khách của mình, nhằm đáp ứng nhu cầu vào các trang mạng online ngay trên xe để làm việc, xem tin tức hay gởi thư từ mọi nơi mọi lúc. Bản thân anh cũng là một tín đồ theo đạo Chúa ở Westminster. Vì tâm đắc câu kinh thánh này và cũng là thể hiện theo ý nghĩa câu kinh thánh, anh đã in password ấy ngay trước tấm kính đầu xe để cho mọi người ai cũng có thể nhìn thấy.
Năm 1996, khi mở dịch vụ xe đò Hoàng trên xứ Mỹ, anh Hoàng bị mọi người cười nhạo rằng: “Ở Mỹ ai mà không có xe riêng để chạy, mở xe đò ai mà đi, ở Mỹ chứ đâu phải ở Việt Nam.” Nhưng anh vẫn nhất quyết làm thử. Vì trong khi làm nghề lái xe tải, anh biết nhiều người có nhu cầu lên xuống nam bắc Cali mà không tiện lái xe nhà. Sau khi anh kinh doanh một thời gian ngắn, công việc vận chuyển hành khách càng ngày có nhiều người biết đến và họ đã chọn phương tiện xe khách nhiều hơn. “Xe Đò Hoàng” không chỉ nổi tiếng ở Mỹ mà ở khắp nơi trên thế giới nơi nào có người Việt sinh sống là đều có thể biết “Xe Đò Hoàng”. Anh coi hành khách như là những “ân nhân” nên đã dám mạnh dạn mở cầu nối kết đồng hương Việt Nam lại với nhau gần hơn, nhất là đối với cư dân Việt Nam ở hai thành phố lớn có đông người Việt sinh sống là Santa Ana ở miền Nam và San Jose ở miền Bắc.


 Hành khách đến nhận hàng



Bà S.T. ở San Jose có con đi học ở Los Angeles. Tuần nào bà cũng làm vài món ăn bỏ vào hộp rồi ra xe gởi cho con ra lấy về ăn. Vì con không tiện về nhà thường xuyên nên bà S.T. chỉ còn cách làm như vậy cho con của mình ở xa. Bà nói:
“May mắn là có những chuyến xe đò Hoàng mà tôi có cơ hội làm phận sự người mẹ đối với con của mình. Chỉ có xe đò của người Việt Nam mới chịu nhận những thứ hàng như vậy. Chứ có dịch vụ nào ở Mỹ nhận gởi những nồi thịt kho, những hộp dưa mắm như vậy đâu...”


 Xếp hàng chờ người tới nhận



Anh Bảy Sơn ở San Jose, khi mùa thu đến những cây hồng sau vườn nhà chín vàng ăn không thể nào hết. Nên anh có thói quen hái bỏ vào thùng rồi dán kín. Ghi tên bên ngoài gởi xuống cho một người chị ở tận Riverside và một vài người thân ở Los Angeles. Ngược lại anh chị của anh Bảy Sơn cũng thường hay gởi quà tết là rau tươi tự trồng ở nhà gởi lên miền bắc Cali, nơi mà các loại rau củ có phần đắt đỏ và thiếu thốn hơn ở miền Nam Cali. Việc nhận gởi quà, hàng, thư từ cũng do nhu cầu của đồng hương mình thôi. Nhờ vậy hai vùng nam bắc Cali có sự liên quan rất mật thiết với nhau.


Xe về tới bến trước khu chợ ABC



Anh Hoàng cho biết:
“Từ ngày chúng tôi mở thêm việc nhận gởi hàng, thì chỉ một thời gian ngắn sau đã có nhiều người biết. Họ gởi rất nhiều thứ hàng hóa, từ thư từ, hình, tới đồ ăn, trái cây rau quả... Thậm chí là cha mẹ nấu cho con mình những món ăn ưa thích như nồi cá kho khô đậy nắp thật kỹ, sau đó gởi từ nam lên bắc Cali, còn luôn dặn các nhân viên theo xe cẩn thận coi chừng đổ. Ngược lại nhiều người ở miền bắc có con đi học hay chồng đi làm ở miền nam cũng y trang như vậy. Đúng là “tuy ở xa nhưng hóa ra gần”. Mỗi dịp Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán, Giáng Sinh... nào ba mẹ, bà con anh em họ hàng, bè bạn, ở “hai đầu nỗi nhớ” thường gởi quà cho nhau. Và khi ai đó nhận được quà thì vui và cũng tìm cách để gởi lại quà cho người khá,c giống như “trả lễ”.
Ông Hai Hoàng ở thủ phủ Cali thường về nam Cali để thăm con cái, cho biết: “Việc gởi hàng theo xe đò Hoàng thiệt dễ dàng và đơn giản vô cùng. Thử hỏi xem có dịch vụ gởi hàng nào rẻ hơn dịch vụ của xe đò Hoàng, vừa bảo đảm an toàn. Chưa từng có việc thất lạc hay mất hàng của hành khách bao giờ. Đúng là Người Việt mình ở đây làm việc đàng hoàng hơn xứ mình nhiều, nơi phần lớn làm ăn gian dối, giựt giọc, lừa ôi đủ kiểu. Hàng tới nơi nhanh chóng, chỉ có 5, 6 giờ là tới nơi rồi.


Có khi phải chờ đến chiều mới có người ra nhận hàng



Chị T., một “lơ xe”, cho biết.
“Thật ra chúng tôi cũng có đặt camera quan sát tại nơi để hàng của khách đến nhận. Chỉ cần nhìn xem và đọc số điện thoại của mình cho nhân viên , nếu đúng thì lấy thôi. Đó cũng chỉ là hình thức kiểm chứng thôi, chứ đồng hương mình cũng tốt bụng. Nhưng nếu như ở Việt Nam thì chắc là dễ mất hàng như chơi. Thậm chí để tại bến có người giữ cũng bị cướp hàng và đôi khi nguy hiểm đến tính mạng của nhân viên trông coi cũng như hành khách đến nhận hàng.”
Có nhiều người cuối tuần thì đi thăm người thân, đi dự tiệc giữa hai miền nam bắc xa xôi. Khi lên xe có phục vụ đồ ăn thức uống. Có thể xem các chương trình ca nhạc hoặc ngủ một giấc rồi tới nơi có người thân ra đón . Họ thường đi vào ngày Thứ Bảy, tối thứ Bảy hay sáng Chủ Nhật họ có thể thăm viếng người thân, bạn bè, ăn uống dự tiệc, ca hát... rồi chiều Chủ Nhật lên xe đò về nhà. Sáng Thứ Hai lại đi làm việc bình thường.

Phía trước xe có pass wort wifi, có camera quan sát...

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT