Mẹo Vặt

Nơi xả bầu tâm sự…

Thursday, 09/12/2010 - 10:12:55

Xong việc, giật nước, và hoảng hồn nhận ra nước không chịu rút: Kẹt bồn cầu! Tại sao lại trúng ngay vào mình lúc này? Có người nào chờ ngoài ...

Vũ Hằng/Viễn Đông

Hãy tưởng tượng bạn đang đi ăn tiệc trong một nhà hàng bỗng dưng “trở dạ”, phải vội vàng đi tìm nơi… xả bầu.


Xong việc, giật nước, và hoảng hồn nhận ra nước không chịu rút: Kẹt bồn cầu! Tại sao lại trúng ngay vào mình lúc này? Có người nào chờ ngoài không chứ? Sao bây giờ? Lúng túng, bạn giật nước một lần nữa để thấy “rác rến” ứ lên tới mép bồn! Không được rồi, cầu giời, cầu giời nó đừng tràn. Bạn nghe nghẹt thở, muốn mở cửa chạy ra ngoài, nhưng giật mình khi nghe có người gõ cửa và tiếng đàn bà lanh lảnh, “có ai trong đó không?”. Được rồi, mình có cách. Bạn làm mặt ngầu, mở phăng cửa ra rồi… lầm bầm, “Ai làm bầy hầy trong này nè! Tệ quá!”. Miệng nói chân bước, được một quãng là bạn sải vó… chạy, nhưng tai vẫn nghe tiếng tru tréo của người đàn bà kia, có lẽ vì vừa đạp chân trên vũng nước lầy lội bên trong.
Chắc bạn không muốn nghe nhắc lại những chi tiết không vui này, nhưng cái thực tế đó có lẽ ai cũng từng gặp. Nhưng thay vì hoảng hốt rồi tìm cách bỏ chạy, mình có thể ngó quanh xem có cái ống thụt nào gần đó không? Nếu tình cảnh này lại xảy ra ngay tại nhà thì chính bạn sẽ là người phải đứng ra lo liệu. Trong đa số trường hợp, chỉ cần một vài động tác đơn giản là chúng ta có thể điều chỉnh được rồi, hoặc ít nhất cũng làm cho tình hình bớt căng thẳng trước khi phải gọi một người thợ chuyên môn.

* Chướng ngại vật
Đầu tiên, quan sát xem nguyên nhân gây kẹt cầu là gì. Có thể bạn sẽ nhìn ngay ra thủ phạm là một vật dụng vô tình rơi trong đó. Rất có thể là một món đồ chơi các cháu nhỏ cố tình ném vào để thử... khả năng lội nước của anh chàng người nhái, chẳng hạn. Lấy nó ra là giải quyết được vấn đề rồi. Nhưng nếu không nhìn thấy chướng ngại vật thì nguyên nhân có thể nằm sâu bên trong. Khi đó bạn cần tới sự trợ giúp của ống thụt (plunger).

* Cái mỏ đặc biệt
Lần trước, chúng ta có nói đến việc dùng ống thụt (plunger) để khai thông đường nước khi kẹt bồn, nếu đó là bồn rửa mặt hay bồn rửa chén. Nhưng nếu là bồn cầu thì mình lại dùng một loại ống thụt khác, gọi là Flange Plunger, hay đơn giản là Toilet Plunger. Xin xem hình để phân biệt và hiểu tại sao ống thụt cầu lại được chế với cái“mỏ” đặc biệt. Trông hình thù không đẹp lắm, nhưng phải nói rằng nó đúng là cứu tinh trong lúc nguy cấp. Với cái vòi đặc biệt, ống thụt có thể cắm sâu vào lòng cống trong bồn cầu, nhưng nếu cần mình lại có thể gấp nó lên để tạo thành miệng ống phẳng, có thể dùng tạm khi cần khai thông bồn rửa mặt hoặc rửa chén. Nói cho biết vậy thôi, chứ không ai dùng xa cạ như vậy cả. Ống thụt là một thứ dụng cụ rẻ tiền, chúng ta có thể sắm sẵn riêng 2 thứ, một loại cho bồn rửa mặt và loại kia dành riêng cho bồn cầu là tiện nhất.

* Nước trong bồn cầu
Trước khi sử dụng ống thụt, xem lại mực nước trong bồn. Nếu nó đã quá đầy, và sắp sửa tràn ra ngoài, thì phải kiếm ít giẻ hoặc khăn cũ đệm quanh, rồi lấy gáo múc bớt nước ra, đổ vào một cái xô bên ngoài. Nhưng nhớ phải có bao tay, và nên đeo cặp kính bảo vệ, để tránh những giọt nước “không thơm” bắn vào mặt. Múc ra cho đến khi nào nhúng ống thụt vô mà không tràn, nhưng vẫn phải để lại đủ số nước để xem ống thụt làm việc có hiệu quả hay không.

* Sử dụng ống thụt
Đặt ống thụt cho vòi ăn sâu và khít trong lòng cống. Rồi bắt đầu ấn mạnh xuống rồi kéo lên. Tiếp tục như vậy chừng 10 lần. Nếu cống không nghẹt nặng thì tia nước bắn vào dưới tác động “thụt”  sẽ giải tỏa và khai thông đường cống. Chúng ta sẽ nghe tiếng nước chảy óc ách, mực nước trong bồn xuống thấp dần, thấp dần và rút hẳn. Bạn có thể giật nước cho trôi hết “tàn dư” và thử xem bồn còn kẹt không. Trong đa số trường hợp, đến đây là coi như thành công.
Chúng ta vừa giải quyết được một công việc không mấy thơm tho mà vẫn giữ được phong độ của… phái đẹp. Liệng đôi găng tay Latex vào thùng rác, tháo cặp kiếng bảo vệ ra rồi đi tắm, mình lại xuất hiện như một cánh hoa sen, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!”. Các bạn gái của Hằng, câu ca dao này là dành cho các bạn đấy. Nhưng Hằng nghĩ, bài thơ mới chỉ nói được một nửa câu chuyện lúc cái bồn cầu còn nghẹt. Bây giờ “rác rến” đã thông, thì chẳng những bông sen phô được màu tươi thắm mà cả nhà cũng ngát thơm vì “lòng hồ” không còn tanh tưởi mùi bùn nữa.

Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT