Đời Sống Việt

“Nữ Trung Học Gia Long”, ngôi trường thân yêu

Phượng Vũ (GL 60 - 67) Wednesday, 22/05/2013 - 07:49:34

Con dò tấm bảng nhỏ có mắt cáo treo trên tường kia chưa? Đó là danh sách 100 học sinh đậu điểm cao, có học bổng đó!

Phượng Vũ (GL 60 - 67)

Kỳ 1

Dù đã rời xa quê hương mấy mươi năm nhưng mỗi lần về thăm Saigon, tôi lại muốn trở về thăm lại ngôi trường xưa, dù chỉ là chạy xe một vòng quanh trường như để thăm lại “đường xưa lối cũ” của một thời yêu dấu! “Nữ Trung Học Gia Long”, cái tên thân thương đó như là một góc kỷ niệm riêng trong tim, nơi tôi đã gắn bó suốt 7 năm trung học với biết bao nhiêu là kỷ niệm, bao nhiêu là buồn vui của một thời “hoa bướm học trò” ngày xưa!
Tôi nhớ lại khi chuẩn bị thi vào đệ thất Gia Long, ba tôi đã dặn dò rất kỹ lưỡng:
- Con phải rán thi đậu vô đệ thất Gia Long vì đó là ngôi trường nữ trung học danh tiếng nhất và đẹp nhất Saigon. Đó là niềm mong ước lớn nhất của ba...
Sau đó ba tôi chở tôi đi thăm trường cho “biết mặt”! Ngôi trường đẹp, uy nghi nằm ở một vị trí yên tĩnh bao quanh bởi bốn con đường Phan Thanh Giãn, Bà Huyện Thanh Quan, Ngô Thời Nhiệm, Đoàn Thị Điểm. Vẻ dáng “hấp dẫn” bên ngoài của nó bắt đầu “quyến rũ” lòng tôi nên tôi cảm thấy nể phục ngôi trường và thầm nghĩ: “Ước gì mình được vô học trường này thì oai biết mấy!” Ba tôi đã khéo léo chuyển mong ước của mình sang cho tôi, nhưng nghe tỷ lệ trúng tuyển 1/10, tôi cũng hơi ngán (gần 10,000 thí sinh chỉ lấy vào gần 1,000). Dù sao tôi vẫn cố gắng học để ba tôi vui lòng!
Chẳng mấy chốc ngày thi tuyển đã đến, tôi tự tin bước vào phòng thi. Kỳ thi tuyển gồm hai môn Văn và Toán. Cuối buổi thi ba tôi chờ đón ngoài cổng trường, thấy tôi ra sớm vội hỏi:
- Làm bài được không con ? Sao con ra sớm chi vậy?
- Con làm bài xong rồi, dò lại kỹ rồi nên nộp bài. Toán thì dễ, nhưng bài Luận thì con không biết, con chỉ làm theo con nghĩ...
Thời gian chờ đợi kết quả là thời gian dài nhất, tôi thì “tỉnh bơ”, nhưng ba tôi hồi hộp hơn tôi! Buổi chiều có kết quả ba tôi chở tôi đi nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng để khấn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, rồi ghé trường xem kết quả! Tới nơi thấy người ta bu đông vòng trong, vòng ngoài trước các tấm bảng dán danh sách học sinh thi đậu. Tôi nói ba tôi giữ xe, để tôi chen vô xem kết quả, thấy nhiều chị chạy ra vui mừng la lớn “Đậu rồi, đậu rồi!”, nhưng cũng có nhiều người mặt méo xẹo vì “không thấy tên” làm tôi cũng hồi hộp lây! Tôi chen vào banh mắt đọc hết tên trong các danh sách dán ở các bảng mà vẫn không thấy tên mình. Tôi tiu nghỉu buồn xo, sợ nhất là làm ba tôi thất vọng, nên cứ đứng tần ngần! Một bác thấy vậy hỏi thăm:
- Con làm bài được không?
Tôi gật đầu mà lòng hoang mang lo lắng!
- Con dò tấm bảng nhỏ có mắt cáo treo trên tường kia chưa? Đó là danh sách 100 học sinh đậu điểm cao, có học bổng đó!
Tôi như người sắp chết đuối vớ được phao, mừng quá cám ơn rối rít, rồi chạy bay đến tấm bảng nhỏ treo trên tường, nghểnh chân lên để mà dò. Tôi hồi họp dò từ dưới lên trên đến hạng thứ 50 rồi mà vẫn chưa thấy tên mình đâu, ngực tôi bắt đầu đánh lô tô liên tục. Dò lên, dò lên mãi tới hạng 27 thì thấy tên tôi. Mừng quá tôi rú lên: “Ba ơi ! con đậu rồi!” Dò lại lần nữa số ký danh và tên cho chắc chắn, rồi tôi chạy ào ra chỗ ba tôi đứng giữ xe để báo tin. Ba tôi mừng quá giao tôi giữ xe để ba chạy vô coi. Sau đó ba tôi thăm dò tin tức và ra kể cho tôi nghe:
- Con ơi! Người ta nói đậu từ hạng 1-30 sẽ được học bổng toàn phần, từ 31- 100 được học bổng bán phần. Như vậy là con được học bổng toàn phần rồi! Phải tạ ơn Chúa và Đức Mẹ mới được! Con nhớ tiếp tục học giỏi để giữ phần học bổng này cho tới khi ra trường nghen !
Tôi vui vẻ gật đầu:
- Dạ, con biết rồi!
Tôi không ngờ có vụ thi đậu được đi học miễn phí mà lại còn được tiền! Số tiền cũng khá lớn vào thời đó. Sau này, má tôi rất vui khi thấy con gái đi học khỏi đóng tiền học phí mà còn có tiền học bổng mang về đưa má mỗi năm hai kỳ dài dài.
Năm đệ thất là năm đầu tiên lên trung học nên tôi có rất nhiều bỡ ngỡ: Nào là đi học phải mặc áo dài (mỗi lần nhảy dây hay chơi lò cò lại phải cột hai vạt áo dài lại với nhau cho khỏi vướng), rồi phải đi học xa nhà (hồi tiểu học chỉ đi bộ vì gần nhà), rồi học nhiều cô giáo khác nhau (hồi tiểu học chỉ học với một cô thôi), rồi học nhiều môn “lạ hoắc”.
Ngay cả hai môn quen thuộc hồi tiểu học là Toán và Việt Văn, lên đây học cũng thấy nội dung hoàn toàn xa lạ! Cô Như Tuyết dạy toán, với giọng Bắc rất dễ thương, cắt nghĩa cho chúng tôi hiểu về chứng minh hình học là gì? Phải học thuộc các định lý để chứng minh..., tôi nghe tới đâu hiểu tới đó, nhưng tới chừng tóm lại thì tôi thấy “rối mù”! Sao mà rắc rối, lộn xộn quá! Hồi hộp nhất là đến kỳ thi lục cá nguyệt, làm bài thi chứng minh hình học xong, hỏi thăm nhau, không đứa nào biết mình làm bài trúng hay trật. Thôi cứ phó mặc cho trời là xong!
Hôm trả bài thi, cô Như Tuyết lại trả từ điểm thấp lên cao, làm cả lớp hồi hộp muốn đứng tim. Tôi với nhỏ T ngồi cạnh, thấy xấp bài trên tay cô vơi quá nửa mà chưa thấy tên mình, thì nháy mắt nhau mừng rỡ! Hai đứa nắm tay nhau mà tay đứa nào cũng lạnh ngắt! Tới hạng 5 thì nhỏ T được gọi lên lấy bài, nó mừng quá! Ủa, sao cô đã hết xấp bài thi trên tay mà vẫn không thấy gọi tên tôi! Tôi lo sợ : “Hay là cô làm mất bài thi của mình rồi chăng?” Rồi cô nhìn xuống lớp, gọi tên tôi lên bảng để sửa bài thi cho các bạn!
Tôi líu ríu đi lên mà vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra? Đến khi cô đưa bài thi cho tôi, bảo tôi chép lên bảng, nhìn vào bài thi tôi mới biết mình hạng nhất! Ôi! thật là quá bất ngờ. Sau khi chép bài lên bảng xong, cô nhờ tôi xuống phòng giáo sư rót cho cô ly nước trà. Vừa đi tôi vừa “gặm nhấm” niềm vui “hạng nhất”của mình vì từ nãy tới giờ tôi bối rối làm mọi việc theo phản xạ mà thôi! Trong đời tôi chắc có lẽ chưa bao giờ tôi “phục vụ” ai mà lòng hân hoan đến vậy! Từ đó cô hay để ý quan tâm tới tôi! Một lần vào giờ cô, cả lớp phải xuống phòng y tế để chích ngừa lao (mà cô y tá hay nói là chích vi trùng Kock ), cô đi theo lớp. Khi chích xong tôi ra ngồi băng đá gần cô, cô xích lại bên cạnh cầm tay tôi lên, ân cần hỏi:
- Mỗi bữa em ăn mấy bát cơm mà sao gầy quá vậy?
- Dạ hai !
- Em phải ăn mỗi bữa ba, bốn bát thì mới mập lên và mau lớn chứ!
Tôi cúi đầu lí nhí dạ nhỏ. Không hiểu sao hồi đó tôi lại gầy quá vậy, chẳng bù cho bây giờ mỗi bữa, tôi ăn có một bát thôi mà cân cứ muốn nhích lên!
Giờ tôi thích học nhất là giờ Âm Nhạc do cô Như Mai phụ trách. Cô có mái tóc dài, đôi mắt đẹp và làn da trắng bóc trông thật “yểu điệu thục nữ”. Cô dạy cả lớp hát bài “Thu Vàng” của nhạc sĩ Cung Tiến. Bài hát đầu đời quá hay và thật lãng mạn nên đã gây ấn tượng mạnh nơi tôi, đến nỗi bây giờ gần nửa thế kỷ trôi qua tôi vẫn còn mê và thuộc bài hát ấy. Thỉnh thoảng buồn buồn đi lang thang tôi lại ngân nga:
“Chiều hôm qua lang thang trên đường..
Chiều hôm nay trời nhiều mây vương
Có mùa Thu về bao nhiêu là hương...“
Giờ tôi sợ nhất là giờ nữ công. Sao tôi học môn gì cũng được hết, ngoại trừ môn này. Nhìn miếng vải thêu của mình so với miếng thêu của các bạn, tôi mắc cỡ vô cùng chỉ muốn quăng nó vô thùng rác! Sao tụi nó thêu khéo và đẹp thế? Còn tôi sao quá vụng về, tôi cố gắng kiên nhẫn tháo ra thêu lại, nhưng vẫn không khá hơn bao nhiêu? Điểm thi môn này tôi gần “đội sổ”.
Cuối năm cầm học bạ trong tay, giữa một “rừng” những lời khen chỉ có lời phê mà tôi quan tâm nhất và lo đọc đầu tiên là môn này. Hú hồn! cô chỉ phê “Có cố gắng nhiều” mà thiệt tình là tôi có cố gắng thiệt! Tôi chỉ lo cô phê: “Kém quá” thì thiệt tình tôi không biết ăn nói làm sao với ba tôi khi đem học bạ về nhà
Cuối năm đó, ba chở tôi đi lãnh phần thưởng được phát ở trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon, mà tôi cảm nhận ba tôi còn vui hơn tôi, ba hớn hở chuẩn bị quần áo chỉnh tề cho cả hai cha con rồi hối tôi đi thật sớm.
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT