Pháp Luật

Sau khi ly thân: Tài sản chung hay riêng?

Thursday, 17/03/2011 - 06:30:54

Ly dị là một trong những quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời. Khi bắt đầu nghĩ đến chuyện ly dị, nhiều người muốn tạm sống riêng để suy ...

LS Trần Khánh Hưng/Viễn Đông

Ly dị là một trong những quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời. Khi bắt đầu nghĩ đến chuyện ly dị, nhiều người muốn tạm sống riêng để suy nghĩ trước khi có quyết định dứt khoát, nhưng không phải ai cũng có khả năng tài chánh để làm việc này, vì vậy vẫn phải sống chung. Có người sau khi ra ở riêng lại nộp đơn ly dị, và trong khi tiến hành thủ tục ly dị, thì lại quay về tiếp tục chung sống, hủy bỏ đơn ly dị, nhưng sau đó lại lục đục, và lại nộp đơn ly dị. Theo luật gia đình của tiểu bang California, tài sản có được của hai vợ chồng tính đến ngày ly thân, sẽ được chia đều cho hai bên; do đó, ngày ly thân là ngày rất quan trọng. Vậy trong những trường hợp ly thân mà vẫn tiếp tục chung sống, hay những trường hợp ly thân rồi quay lại với nhau như nói trên, tài sản sẽ được chia thế nào?  

Ngày ly thân là ngày nào?
Ngày ly thân là ngày một trong hai người (hay cả hai) muốn chấm dứt hôn nhân, và cho người kia biết ý định của mình. Sau đó, phải có những hành động thể hiện ý định của mình. Thí dụ hai vợ chồng cãi nhau, người vợ đòi ly dị, rồi về nhà mẹ ở cả tháng, như thế chưa đủ, nếu sau đó, cô ta quay lại và tiếp tục chung sống bình thường với chồng. Tuy nhiên, nếu sau đó, người vợ đóng những trương mục ngân hàng hay thẻ tín dụng chung, bỏ tiền lương vào trương mục riêng, không có những quan hệ vợ chồng với người chồng nữa, và sau đó làm đơn ly dị, thì ngày người vợ rời nhà mình đến nhà mẹ ở sẽ được coi là ngày ly thân, mặc dù sau đó có quay lại nhà cũ.

Ly thân có cần phải ra ở riêng không?
Không nhất thiết, có khi hai người sống hai nơi vẫn là vợ chồng, có khi hai người sống cùng nhà mà vẫn là ly thân. Điều quan trọng là phải cho người phối ngẫu biết ý định chấm dứt hôn nhân, và thể hiện ý định ấy bằng hành động, cũng như không làm những việc đi ngược với ý định này.

Những việc làm nào là trái với ý định chấm dứt hôn nhân?

Ngay cả khi một trong hai người dọn ra ở riêng, và có thể có quan hệ tình cảm với người khác, họ vẫn được coi như là vẫn còn chung sống, nếu họ làm những việc được coi là trái với ý định chấm dứt hôn nhân, chẳng hạn như đối với thân nhân hay bạn bè, hai người vẫn sinh hoạt như hai vợ chồng, tiếp tục dùng hay mở trương mục ngân hàng chung, xin thẻ tín dụng chung, khai thuế chung, mua bất động sản chung, tiếp tục có những bữa cơm gia đình chung, hay đi tiệc tùng chung, đi vacation chung, trong những dịp sinh nhật, hay kỷ niệm ngày cưới, gửi thư hay quà bày tỏ tình cảm, bày tỏ ý định tiếp tục chung sống, có quan hệ vợ chồng, v.v..

Nếu hai người ly thân rồi sau đó trở lại chung sống với nhau, thì tài sản kiếm được trong khi ly thân có là tài sản riêng không?
Nếu sau khi ly thân, hai người trở lại tiếp tục chung sống, thì trong những trường hợp thông thường, tòa án sẽ xem tài sản có được trong thời gian ly thân là tài sản chung (community property), bất kể là hai người đã ly thân bao nhiêu lần, hay thời gian ly thân có kéo dài đến đâu.    
Nói một cách khác, là tài sản có được trong thời gian ly thân là tài sản riêng hay tài sản chung, còn tùy thuộc vào ý định của hai người khi ly thân. Như đã nêu trên, có hai trường hợp:
1. Tạm thời sống riêng để suy nghĩ trước khi quyết định có chia tay nhau hay không. Trong thời gian này, hai người thỉnh thoảng có thể vẫn có những sinh hoạt bình thường của hai vợ chồng như đi ăn tiệc chung, gặp gỡ bạn bè chung, v.v.. Trong trường hợp này, hai người tuy sống riêng, nhưng không phải ly thân, vẫn là vợ chồng, vì thế, của cải và tài sản kiếm được trong thời gian này vẫn là tài sản chung.
2. Hai người ly thân với ý định sẽ ly dị, có nói rõ ý định của mình cho người phối ngẫu biết, và trong thời gian ly thân không làm những việc trái với điều này, tuy nhiên sau đó hai người quyết định hủy bỏ ý định này, và tiếp tục chung sống. Tài sản có được trong thời gian này sẽ là tài sản riêng. Tuy nhiên, nếu sau đó hai người quyết định hủy bỏ ý định này, và tiếp tục chung sống, thì những tài sản đó sẽ vẫn là tài sản chung.

Lợi tức và những tài sản tạo dựng sau ngày ly thân được tính như thế nào?
Theo luật gia đình của California, lợi tức được dùng theo nghĩa bao quát, để chỉ cho tất cả những thu nhập mà người chồng hay vợ có được, do công lao hay thời giờ làm việc của chính mình tạo thành. Trong một số trường hợp, cách tính lợi tức riêng và chung sẽ phức tạp, nếu gia đình trước ngày ly thân có cơ sở thương mại hay văn phòng. Thí dụ: Chồng có cơ sở thương mại, và sau ngày ly thân nhận được một số tiền của các khách hàng thanh toán cho những hóa đơn cũ. Vì thế, tuy thu nhập có được sau ngày ly thân, nhưng những món tiền này sẽ thuộc về tài sản của cộng đồng, chứ không thuộc về người chồng.
Ngoài ra, có những tài sản còn tiếp tục sanh lời sau ngày ly thân, và tùy theo trường hợp người vợ hay chồng cai quản sẽ được một phần của lợi nhuận. Thí dụ: Hai vợ chồng trước ngày ly thân có một tiệm ăn. Chồng đi làm công sở, vợ ở nhà nuôi con, và vì thế tiệm ăn phải thuê người cai quản và nhân viên làm. Sau ngày ly thân, người vợ đứng ra trông coi tiệm, vì có óc thẩm mỹ, khéo léo và tài nấu ăn, nên tiệm ăn ngày càng nhiều khách, và giá trị của tiệm ăn tăng vọt. Vì thế, người vợ sẽ được trả công và sẽ được phần trong giá trị tăng vọt (appreciation), vì sự quán xuyến của mình.

Những yếu tố nào khác ảnh hưởng đến việc định tài sản riêng hay chung?
Việc phân định tài sản riêng hay chung, không chỉ đơn thuần dựa vào thời gian tạo ra tài sản, mà còn tùy thuộc vào những tiền bạc và công sức bỏ ra để có được tài sản này. Chẳng hạn, hai vợ chồng ly thân và đang làm thủ tục ly dị. Sau ngày ly thân, người vợ lấy tiền trong 401K của mình để mua một căn nhà khác. Căn nhà này tăng giá trong thời gian làm thủ tục ly dị.  Tuy là căn nhà mua sau ngày ly thân, nhưng số tiền dùng để mua nhà là từ tài sản chung của hai vợ chồng (401K), vì vậy căn nhà vẫn là tài sản cộng đồng, và tiền lời trong căn nhà sẽ được chia cho người chồng.

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về luật gia đình, không phải là cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại  davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St., Westminster CA  92683.


© ViễnĐôngDailynews

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT