Đời Sống Việt

Sum họp hay phân tán

Cao Thu Cúc/Viễn Đông Friday, 19/04/2013 - 03:44:52

Tôi mang nhiều suy tư hỏi mây/ Mây lặng lẽ trôi đi trong im lặng/ Hỏi mẹ, có lẽ mẹ biết nhưng mẹ không trả lời... (Con trai út của tôi tuy học toán nhưng nó rất thích làm thơ).

Cao Thu Cúc/Viễn Đông

Thế kỷ XX đầy những biến cố bất trắc đang trôi qua những ngày cuối cùng. Thế kỷ XXI bắt đầu khởi sắc. Các con tôi, sau khi đã tốt nghiệp đại học, và sau nhiều năm nỗ lực, đã dành được học bổng đi Mỹ để tiếp tục mở rộng tầm hiểu biết. Tôi biết tuổi trẻ đang cần những cơn gió mới để thỏa mãn những khát vọng đang bùng cháy; chúng cần đi xa, chúng muốn vẽ lại tấm bản đồ của thế giới. Chúng ra đi, bỏ lại hai vợ chồng già trong ngôi nhà lạnh lẽo.

Căn nhà cổ tích
Mỗi ngày tôi dậy sớm, công việc đầu tiên là ngồi trước máy vi tính tìm vần tìm chữ: “Những đứa trẻ đã ra đi mang theo tấm bản đồ trong ý tưởng/ Tìm kiếm tương lai chinh phục ngày mai/ Ta ngồi lại trong ngôi nhà cổ tích...” Rồi từ phía chân trời xa, từng dòng chữ cũng hiện ra trước mắt tôi:
-Hôm nay trời Buffalo có tuyết rơi nhưng không lạnh nhiều, con đang đợi xe bus.
-Ở đây có nhiều cái hoa to bằng cái nón, để con gởi hình về cho mẹ xem.
-Con có mua tập thơ của Walt Whitman, con sẽ gởi về cho mẹ “ngâm cứu”. (Hừ, nó vẫn còn đùa tôi như lúc còn ở nhà).
-Tôi mang nhiều suy tư hỏi mây/ Mây lặng lẽ trôi đi trong im lặng/ Hỏi mẹ, có lẽ mẹ biết nhưng mẹ không trả lời... (Con trai út của tôi tuy học toán nhưng nó rất thích làm thơ).
Khoa học kỹ thuật đã làm cho biển Thái bình Dương bớt mênh mông, nhờ vậy nỗi buồn nhớ con của chúng tôi cũng thu nhỏ lại. Căn nhà của chúng tôi vẫn là nơi giữ hơi ấm của gia đình. Bảy năm trôi qua, con trai lớn học xong chương trình Ph.D. trở về, căn nhà cổ tích rộn ràng thêm sức sống. Bạn bè nó, học trò nó ra vô tấp nập, lòng tôi lâng lâng vui sướng như ở trên vườn Địa Đàng khi Adam và Eve chưa ăn trái cấm. Nhưng rồi đến một ngày Adam và Eve muốn ăn trái cấm. Đó là lúc các con tôi muốn làm giấy tờ bảo lãnh cho chúng tôi đi qua Mỹ định cư. Vườn Địa Đàng biến thành cái Tháp Nghiêng.

Tháp Nghiêng
Con trai xa nhà bảy năm, mới về hai năm mà tôi đành bỏ nó đi sao? Suốt ngày tôi đi theo nó hỏi:
-Ba mẹ đi rồi con ở một mình có được không? Con có sợ ma không? Con lo chuyện ăn uống một mình có được không?
Nó xì một tiếng dài rồi nói:
-Mẹ làm như con là đứa con nít không bằng. Con ở bảy năm bên Mỹ tự lo được mà.
Chúng tôi ra đi, bỏ nhà lại cho nó, bỏ bàn thờ lại cho nó, nhưng... bỏ nó cho ai? Đúng là con trai tôi không còn nhỏ, 38 tuổi, nhưng chưa có vợ nên tôi vẫn coi nó còn nhỏ. Tôi không an tâm. Chồng tôi nói:
-Mình đi nó ở một mình cô đơn, phải lo cưới vợ thôi mà.
Tôi cũng mong như vậy.
Theo truyền thống Việt Nam, gia đình là một thể thống nhất, ngôi nhà không chỉ là nơi ở của người sống mà còn là nơi thờ cúng ông bà tổ tiên. Con cái thường ở chung với cha mẹ, lớn lên khi lập gia đình riêng cũng tìm cách ở gần cha mẹ để tiện việc thăm viếng, chăm sóc. Bởi vậy, việc đi định cư ở Mỹ đã đặt ra một vấn đề không chỉ là cuộc sống mà còn là vấn đề tâm linh. Tôi có ba đứa con ở Mỹ và một đứa ở Việt Nam. Theo lý, con bỏ cha mẹ chứ cha mẹ không bỏ con, thì chúng tôi nên ở lại với con trai trưởng cùng với linh hồn tổ tiên. Theo cách suy nghĩ thời đại ngày nay, chúng tôi nên đi Mỹ ở với ba đứa kia, vì có nhiều con thì sự chăm sóc lúc về già dễ dàng hơn. Vậy tôi nên chọn con đường nào? Chọn con đường như tất cả mọi người đang làm? Rồi sau đó sẽ làm giấy tờ bảo lãnh đưa con trai qua sau, hoặc qua đó nếu thấy không thích hợp thì về ở với con trai? Chuyện ngó vậy mà thật đơn giản? Chồng tôi rất dứt khoát, ra đi, giao ngôi nhà tâm linh lại cho con trai trưởng. Nhưng lòng tôi thì không như thế, lúc nào tôi cũng nói:
- Mẹ đi rồi mẹ sẽ về.

Con ở gần con ở xa
Việc qua định cư ở Mỹ của chúng tôi mang ý nghĩa “sum họp gia đình”. Nước Mỹ rộng gấp nước Việt Nam năm mươi lần. Ba đứa con của tôi ở ba phương trời khác nhau của Mỹ, vì vậy ý nghĩa sum họp gia đình mất đi phần nào. Tôi ở đâu cũng chỉ ở gần một đứa con thôi, còn ba đứa kia thì xa tít mù, đứa xa nhất là đứa ở Việt Nam. Hằng ngày trí tưởng tượng của tôi dày vò tôi không ngớt: Nó ở một mình nó ăn một mình nó ngủ một mình... Tôi không yên tâm. Những lúc như vậy tôi thấy Việt Nam là một điểm nhỏ xa mờ trong một vũ trụ bao la, và nước mắt của tôi càng làm cho biển Thái Bình Dương thêm mờ mịt. Tôi suốt ngày tìm bạn than thở. Một chị bạn của tôi nói:
-Thu Cúc ơi, mình là mẹ nhớ con nhiều chứ con trẻ có công việc bận rộn, nó không nhớ mình nhiều đâu.
Rồi chị trêu chọc:
-Lúc mình đi lấy chồng, mẹ mình khóc chứ mình đâu có khóc!
Rồi chị nói thêm:
-Nếu cứ thương đứa con ở xa thì đứa con ở gần sẽ buồn.
Phải. Lời khuyên này thật là có lý. Tôi biết con trai thường mạnh mẽ nên khi nói chuyện với nó qua điện thoại hoặc qua Skype, tôi bao giờ cũng nói với một nụ cười rất tươi. Với lại bạn bè của tôi có hoàn cảnh như tôi không phải là ít. Bích tâm sự:
- Con trai mình về Việt Nam làm phim được giải thưởng, nó ham quá, bây giờ ở bên đó lấy vợ luôn, không chịu về Mỹ nữa.
Bảo ở bên Đức cũng nói với giọng rưng rưng:
- Con gái của mình học xong ngành kiến trúc, về Việt Nam thấy thích, nó ở lại làm việc rồi lấy chồng bên đó luôn.
- Chuyện của Oanh còn buồn hơn chuyện của Thu Cúc nữa Thu Cúc ơi, con gái lớn lấy chồng ở Canada, con gái nhỏ lấy chồng ở Mỹ, con trai út ở Pháp lập nghiệp, vợ chồng Oanh về sống ở Sài gòn... Buồn lắm Thu Cúc à, nhưng mình phải chịu thôi.
Cuộc sống ngày nay không còn là những khu vườn Bồng Lai nhỏ bé biệt lập nữa; những đơn vị gia đình kiên cố xưa kia giờ bị xé lẻ, con cái ở những nước kém phát triển phải đi xa, để học hỏi, để làm việc, để tìm kiếm những môi trường thích hợp với con đường đi của mình và nhất là để kiếm tiền gởi về nuôi sống gia đình. Đó là xu thế của cuộc sống ngày hôm nay, tôi không thể tách mình ra khỏi con đường đi đó.
Tôi phải chấp nhận thực tế và tìm cách sống hòa hợp với cuộc sống mới, môi trường mới. Còn vấn đề tình cảm? Thế giới ngày nay còn được gọi là Global Village, mẹ con có thể liên lạc với nhau bất cứ lúc nào, mẹ con có thể gặp nhau chỉ cần một chiếc vé máy bay.
Bớt tưởng tượng một chút, bớt nhạy cảm một chút, tôi sẽ sống yên ổn với ba con bên này và một con ở bên kia biên giới. Tình thương thì cứ giữ ở trong lòng. Tình thương của người mẹ chỉ có tăng lên chứ không bao giờ giảm sút.

San Jose
21 tháng 2, 2013

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT