Thế Giới

Thổ Nhĩ Kỳ muốn hòa giải cho Nga và Ukraine

Thursday, 29/11/2018 - 09:41:09

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền cấm chiến hạm đi qua nếu phát hiện chiến tranh hoặc nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể cấm tàu của các nước đang trong tình trạng chiến tranh đi qua eo biển, ngay cả khi Ankara không tham chiến.


Một quân nhân Ukraine đang tham dự một cuộc tập trận gần làng Urzuf, không xa thành phố Mariupol vào ngày thứ Sáu, 29 tháng 11, 2018. Ukraine đăng được đặt trong tình trạng thiết quân luật, chuẩn bị chống cự trong trường hợp bị Nga tấn công. (Getty Images)

ISTANBUL - Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan hôm thứ Năm cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò trung gian để giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraine, sau vụ Moscow bắt ba chiến hạm của Kiev.
"Chúng tôi có thể đảm nhận vai trò hòa giải và chúng tôi đã thảo luận việc này với cả hai bên,” Tổng Thống Erdogan nói với phóng viên tại phi trường quốc tế Istanbul, trước khi lên đường tới Argentina dự hội nghị G20. Tuyên bố này được ông Erdogan đưa ra sau các cuộc điện đàm với Tổng Thống Nga Vladimir Putin và Tổng Thống Petro Poroshenko của Ukraine. Ông Erdogan cũng đã thảo luận với Tổng Thống Donald Trump về vấn đề Ukraine.

Cũng vào thứ Năm, Bộ Trưởng Hạ Tầng Ukraine ông Volodymyr Omelyan tố cáo Nga đã ngăn cản tàu thuyền đến và đi tại hai cảng Berdyansk và Mariupol của Ukraine trên biển Azov, sau vụ xung đột ở eo biển Kerch vào cuối tuần qua.

Trang Facebook của ông Omelyan viết, tổng cộng 35 tàu đã bị cản trở khi đến các cảng của Ukraine, và chỉ các tàu có lộ trình đến các cảng của Nga ở biển Azov mới được phép đi vào. Viên chức này thêm rằng, hiện 18 tàu vẫn đang chờ để được phép đi vào biển Azov, và 9 tàu khác đang chờ để rời biển Azov.
Eo biển Kerch là lối ra vào duy nhất của biển Azov, nằm giữa bán đảo Crimea và Nga. Biển Azov vốn là vùng biển do cả Nga và Ukraine kiểm soát. Tuy nhiên, sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimea, nước này đã chiếm được quyền khống chế cả 2 bờ eo biển Kerch.

Một tư lệnh Hải quân của Ukraine vào thứ Năm đã dẫn Công ước Montreux để đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ cấm các tàu Nga đi qua eo biển Bosporus, trong khi Moscos nói đề nghị này không có cơ sở pháp lý. "Theo điều 19 trong Công ước Montreux, chúng tôi sẽ tìm cách đóng cửa eo biển Bosporus ở Thổ Nhĩ Kỳ để người Nga hiểu hậu quả của việc vi phạm luật pháp quốc tế,” Tư lệnh Hải quân Ukraine Igor Voronchenko nói trong cuộc họp báo ở Kiev.

Công ước Montreux được phê chuẩn năm 1936 nhằm khôi phục chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ đối với eo biển Bosporus và Dardanelles. Công ước duy trì quyền tự do đi qua eo biển đối với tàu thương mại từ mọi quốc gia. Tuy nhiên, công ước có những quy định khác nhau đối với chiến hạm từ các nước Biển Đen và các nước không thuộc Biển Đen.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền cấm chiến hạm đi qua nếu phát hiện chiến tranh hoặc nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể cấm tàu của các nước đang trong tình trạng chiến tranh đi qua eo biển, ngay cả khi Ankara không tham chiến.

Phó chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng Nga Franz Klintsevich tuyên bố, ý định cấm tàu Nga qua eo biển Bosporus là không có cơ sở pháp lý, do Nga không xảy ra chiến tranh với bất kỳ nước nào. Eo biển Bosphorus là tuyến đường nối biển Đen với biển Marmara, là một trong những đường thủy đông đúc nhất thế giới, với khoảng 48,000 tàu đi qua mỗi năm.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT