Phóng Sự

Thông dịch viên Việt ngữ tại Hoa Kỳ (kỳ 15)

Sunday, 08/01/2017 - 06:17:37

Theo anh Kiệt, để tìm hiểu chuyên sâu các kiến thức về ngành luật đòi hỏi phải nắm vững từ vựng chuyên ngành bởi ngành luật có cách diễn đạt không đơn giản như những chuyên ngành khác.

Bài BĂNG HUYỀN

Thông dịch viên Huỳnh Tuấn Kiệt
Luật sư Huỳnh Tuấn Kiệt từng học luật tại đại học UCLA và đã hành nghề luật sư (chuyên về luật dân sự, luật phá sản) khoảng 10 năm, nhưng rồi chỉ vì lời “rủ rê” của cô bạn thân (là nhân viên trong tòa), rủ anh học khóa huấn luyện Thông Dịch Tiếng Việt Tòa Án do Đại Học Cal State Fullerton mở (niên khóa 2009-2010) nên anh đã ghi danh đi học cùng, với ý định ban đầu chỉ là học thử cho biết. Trong khi học được nửa chừng thì cô bạn của anh bỏ cuộc, còn anh vẫn tiếp tục học tiếp. Vì càng học anh càng thích.
Anh Kiệt kể, “Tháng 12 năm 1982 khi qua đến Mỹ tôi vừa đủ 16 tuổi. Trong thời gian tôi mới qua, tiếng Việt của tôi cũng chưa thật sự giỏi, do khi còn ở Việt Nam, tôi sống dưới quê nên chẳng có ai chú ý gì đến việc học hết, tôi lại bị gắn mác là con của ngụy, nên tự biết trước sau gì việc học cũng chẳng đến đâu. Nhưng khi đó tôi rất thích đọc sách, nhờ vậy tôi cũng có chút vốn tiếng Việt. Khi qua đây, do nhu cầu cuộc sống nên phải học tiếng Anh và nhu cầu sử dụng tiếng Anh vẫn nhiều hơn. Tiếng Việt của tôi bấy giờ chỉ dùng để nói chuyện với bạn bè thôi, chứ không dùng để nghiên cứu sâu hơn. Có thể nói là trong khoảng 25 năm tôi đã không để ý gì đến tiếng Việt. Nhưng trong thời gian học để thi lấy bằng Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án, tôi có thời gian nghiên cứu sâu hơn tiếng Việt, càng yêu thích hơn, nên quyết định gắn bó với nghề thông dịch.”

Anh Huỳnh Tuấn Kiệt mặc áo vest xanh đen đang đứng bên ngoài hàng rào lưới kín nơi Minh Béo đứng bên trong, thông dịch cho Minh Béo trong vụ xử. (Vũ Hoàng Lân/ Phố Bolsa TV)



Hiện nay anh Huỳnh Tuấn Kiệt đang là Thông Dịch Viên Hữu Thệ (Certified Court Interpreter) và là nhân viên toàn thời gian của Tòa Thượng Thẩm Quận Cam (Superior court of California- County of Orange).

Không thể vừa làm luật sư vừa làm thông dịch trong một vụ

Anh Kiệt cho biết, “Dù tôi là luật sư và tôi có bằng Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án, nhưng tôi không được sử dụng hai bằng cùng một lúc trong một vụ việc. Vì có sự xung khắc quyền lợi. Mình là luật sư thì phải bảo vệ quyền lợi của thân chủ của mình, chuyện của người ta mình không cần biết đến, chỉ biết làm sao bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho thân chủ của mình. Nhưng còn thông dịch viên thì phải luôn giữ sự trung lập, phải ráng dịch chính xác, dù lời người đó nói ra có lợi hay có hại cho người đó, hay họ chửi thề mình cũng phải dịch hết.

“Có lúc làm thông dịch, người bị can chửi thẩm phán, chửi tục khi ông tòa đang đọc cáo trạng, tôi cũng phải dịch hết những lời chửi đó. Tòa Thượng Thẩm Quận Cam nơi tôi đang làm nhân viên thông dịch toàn thời gian không có cấm tôi hành nghề luật sư. Nhưng vì có xung khắc nghề nghiệp, nên khi tôi nhận làm luật sư (thường là những vụ kiện dân sự, khai phá sản) thì tôi phải tránh làm trong tòa Thượng Thẩm Quận Cam nơi mình đang là nhân viên thông dịch của tòa. Nếu vụ xử mà tôi làm luật sư ở ngay trong tòa Thượng Thẩm Quận Cam thì tôi phải xin phép. Tôi có xin hai lần để làm luật sư cho thân chủ tại tòa tôi đang làm thông dịch, nhưng tòa không cho, nên tôi không còn làm nữa. Tuy nhiên tôi vẫn có thể làm luật sư cho thân chủ ở các tòa khác (tòa của liên bang ở Quận Cam vẫn được hoặc tòa khai phá sản, v.v. nhưng phải báo cáo cho tòa nơi tôi đang làm việc biết.”

Gian nan khi lấy bằng

Nhắc lại quá trình học và ôn luyện thi lấy bằng Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án, anh Kiệt nói khi ghi danh học khóa huấn luyện Thông Dịch tiếng Việt Tòa Án do đại học Cal State Fullerton, học được nửa chừng anh đã nghỉ không học tiếp nữa, vì anh không hài lòng với giáo trình và cách dạy của một số giảng viên do đại học mời. Chỉ có thầy Thomas Vũ là có bằng thông dịch Hữu Thệ, đang làm thông dịch trong tòa lúc bấy giờ, còn lại những giảng viên khác đều không trực tiếp làm trong tòa, nên khi dạy, có giảng viên đã dịch những thông tin thiếu chính xác về những thuật ngữ của tòa án.

Theo anh Kiệt, “Đã dạy Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án, là một chuyên ngành thì điều tối thiểu cần có ở người dạy là phải có làm thông dịch trong tòa, nếu không thì chẳng có kinh nghiệm gì để dạy hết. Vì phần đông người học đều đã có ngành nghề khác rồi, khi giáo viên nói không đúng là học viên có thể vào tìm hiểu trên internet là biết giáo viên sai ngay. Giống như mình đi học bơi mà người dạy mình bơi lại không biết bơi, thì hơi kẹt. Thành ra khi thầy Thomas ngưng dạy, tôi là một trong số những học viên nghỉ học khóa đó, đề nghị thầy Thomas Vũ mở lớp dạy tiếp để chúng tôi học cho xong, vì đã học được 5, 6 lớp trong trường rồi.”

Dẫu là luật sư và đã học khóa huấn luyện Thông Dịch tiếng Việt Tòa Án, nhưng anh Huỳnh Tuấn Kiệt phải thi bốn lần mới đậu bằng Thông Dịch Hữu Thệ.

Anh kể, “Vì phần thi dịch song song (simultaneous interpreting) rất khó, người nói thu âm trong máy phát ra cho mình nghe, nói rất nhanh, đề thi cũ phần dịch song song (simultaneous interpreting) là 160- 170 chữ trong 1 phút. Đến lúc họ đổi đề thi mới vào tháng 1 năm 2011, dễ hơn một chút, còn khoảng 120- 140 chữ trong 1 phút. Những đề tài mà họ đưa ra trong phần thi vấn đáp, phần lớn người ngoài không biết được, chỉ có ai làm trong tòa lâu năm mới biết. Ngay cả người đó là luật sư đi nữa, cũng không biết những từ ngữ đó là cái gì để mà dịch. Ví dụ những từ ngữ trong phần tuyên án, luật sư bên dân sự như tôi thì không biết rồi. Còn luật sư bên hình sự thì cũng ít ai đi đến phần tuyên án để mà biết những từ ngữ này. Muốn nghiên cứu những từ ngữ đó thì rất khó. Tôi biết là đợt tôi đi thi lần đầu (thi đề cũ), có người vào thi xong đi ra vẫn không hiểu những từ ngữ đó là gì để dịch, khi ra khỏi phòng thi đã không biết đường đi đến chỗ đậu xe luôn. Có người đã 50 tuổi rồi sau khi thi đề thi đó, đã khóc tại phòng thi luôn.”

Anh Kiệt nói khi anh thi rớt, vì là luật sư nên anh đã vô thư viện để nghiên cứu về đề thi đó, tìm những cụm từ, những chữ nghĩa của bài thi, thì anh mới biết đó là những từ liên quan đến việc tuyên án.
Anh than phiền, “Người Việt chúng ta sống tại Mỹ đã bao nhiêu năm rồi vậy mà vẫn không có cuốn từ điển từ tiếng Anh sang tiếng Việt những từ ngữ về luật. Chỉ có một tài liệu ở tòa tại Washington State in ra và ở tòa tại Sacramento in ra, đó chỉ là tài liệu thôi, chứ từ điển về luật không có.

“Từ điển bên Việt Nam hiện nay xuất bản, thì mình đọc vô chỉ cười thôi. Vì nó không hợp với bối cảnh luật pháp tại Hoa Kỳ. Ngay những người tại Mỹ còn không hiểu đủ, khi mà họ làm hoài thì biết thôi, chứ cũng không có sự bao quát. Tôi có mua sách về luật trước 1975 tại Việt Nam để nghiên cứu, thì thấy có những khái niệm khác với bên này. Người ta cứ lấy của Việt Nam, của Tây rồi gắn lên cho là của Mỹ, nó không đúng. Ngay cả phiên xử sơ thẩm (có người không thích gọi sơ thẩm mà gọi là sơ bộ) ở bên Việt Nam cũng hoàn toàn khác bên Mỹ.”

Theo anh Kiệt, để tìm hiểu chuyên sâu các kiến thức về ngành luật đòi hỏi phải nắm vững từ vựng chuyên ngành bởi ngành luật có cách diễn đạt không đơn giản như những chuyên ngành khác.

Những phẩm chất cần có của Thông Dịch Viên

Trong vụ xử diễn viên hài Minh Béo từ Việt Nam bị cảnh sát Garden Grove bắt ngày 24 tháng 3, 2016 với tội danh liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em, luật sư Huỳnh Tuấn Kiệt là thông dịch viên đảm nhận thông dịch cho Minh Béo trong hầu hết vụ xử. Anh Kiệt cho biết, “Vì tôi vừa là thông dịch, vừa là nhân viên của tòa trong vụ đó, có những điều tôi biết báo chí viết sai, hoặc những luật sư (không phải là luật sư trong vụ xử) đã trả lời tầm bậy tầm bạ trên các cơ quan truyền thanh, truyền hình, báo chí trong cộng đồng, tôi không thể ra nói lại là họ nói vậy là sai, vì mình là nhân viên của tòa. Trong vụ kiện hai bên công tố và bên bị kiện, họ nói gì họ nói, tòa là đứng giữa, do đó mình không được phê bình hay nhận xét gì hay nói gì hết, phải giữ ý kiến riêng của mình lại, không thể nói ra.”

Vì là luật sư, lại có bằng thông dịch hữu thệ, trong khi dịch, có những điều mà anh Kiệt biết “có luật sư nói với thân chủ của họ những điều sai, chỉ lấp liếm, nói cho có với thân chủ của họ, khi mình dịch cho thân chủ của họ, tôi không thể nói ra điều đó với thân chủ của họ, vì vai trò của mình chỉ là máy dịch mà thôi, mình không thể bình phẩm thế này thế kia. Đó là chuyện giữa luật sư với thân chủ của họ. Tôi thấy có những thông dịch viên không rành gì về luật, vậy mà cứ hay nói này nói kia trong khi thông dịch. Tôi tuyệt đối không làm điều đó, tôi luôn giữ ý kiến riêng của mình lại, chỉ làm tròn vai trò thông dịch mà thôi.”

Anh Kiệt kể khi anh thông dịch cho một số luật sư gốc Việt, nếu luật sư đó giỏi tiếng Việt thì có thể đồng ý với phần dịch chính xác của anh, nhưng có luật sư nói tiếng Việt không rành nhưng họ nghĩ là họ hiểu. “Khi tôi dịch những từ mà họ không biết thì họ la làng lên là tôi sai, có những chữ ví dụ như close friend tôi dịch là bạn thân, thì có luật sư đã phản đối cho là tôi dịch sai, do họ không có hiểu tiếng Việt đủ. Nhưng khi có cơ hội đi hỏi lại thì họ biết là họ sai. Còn những lúc mình dịch sai thì mình vẫn phải công nhận, chứ không bao giờ lấp liếm.

“Khi ra tòa tại Mỹ bắt buộc phải nói tiếng Anh, dù là dân sự hay hình sự. Nếu hình sự, khi người đó không hiểu tiếng Anh thì được tòa cấp cho thông dịch, còn dân sự thì phải tự thuê thông dịch hữu thệ. Dầu luật sư có thể nói chuyện riêng với người đó bằng tiếng Việt, nhưng diễn tiến ngoài tòa luôn phải có thông dịch. Trong buổi lấy khẩu cung dù luật sư đó gốc Việt và có nhân chứng người Việt, nhưng khi hỏi luật sư vẫn phải hỏi bằng tiếng Anh để tốc ký viên của tòa đánh máy hết toàn bộ phần hỏi của luật sư để tòa và bồi thẩm hiểu luật sư đã hỏi những gì và khi nhân chứng trả lời xong, luật sư vẫn phải đợi thông dịch dịch lại qua tiếng Anh cho mình.

“Có trường hợp vài luật sư gốc Việt khi nghe nhân chứng trả lời xong, họ hăng quá, trong khi thông dịch vẫn chưa dịch xong mà họ đã hỏi tiếp câu hỏi làm cho mọi người ngạc nhiên, vì chẳng ai hiểu người nhân chứng trả lời gì, do thông dịch vẫn chưa dịch xong mà luật sư đã hỏi tiếp rồi.”

Anh Kiệt cho rằng trong những buổi lấy khẩu cung có tuyên thệ, có trường hợp xảy ra mâu thuẫn giữa thông dịch viên tiếng Việt và người luật sư Việt Nam có thể hiểu tiếng Việt. Vì thông dịch viên khi dịch những từ vốn là từ ngữ mà người thông dịch đã nghiên cứu, đã học và đã dịch như vậy từ trước đến nay và biết chắc chắn là đúng. Nhưng luật sư đó không chấp nhận chữ thông dịch viên dịch, mà luật sư muốn thông dịch viên phải dịch chữ mà luật sư đó muốn. Những lúc như vậy, anh luôn yêu cầu tốc ký viên đánh máy ra nguyên từ đó bằng tiếng Việt luôn. Anh Kiệt giải thích “nếu tôi sai thì có người sửa lại, còn nếu tôi đúng thì luật sư đó sai. Khi có phần tiếng Việt đó được đánh máy trong văn bản lấy khẩu cung thì đã có phần lưu lại rồi, sau này có ai tranh cãi gì về lời thông dịch của tôi thì cứ chiếu theo phần tốc ký đã đánh máy lại để xem là đúng hay sai. Vì có những luật sư gốc Việt qua Mỹ từ nhỏ, việc học tiếng Việt của họ có thể là do xem phim chưởng hay học mấy câu tiếng Việt ở đâu đó. Những danh từ mà mình ráng dịch cho chính xác thì họ không hiểu, do đó họ hiểu lầm rồi phản ứng. Trong trường hợp như vậy chẳng lẽ mình cứ tranh cãi với nhau hoài.”

Nói về những điều không vui khi làm Thông Dịch Hữu Thệ và là nhân viên trong tòa, anh Kiệt nhận xét, “Tại nơi tôi làm, có người có khả năng, làm tốt công việc, nhưng vẫn có người không có khả năng, lấp liếm đủ chuyện. Tôi không tự cho là mình dịch hay. Tôi cũng hay làm lỗi, nhưng mà mình làm lỗi thì biết và ráng học hỏi thêm. Có một số người tôi thấy không nên ở trong ngành này, hại người ta thêm thôi, chứ chưa chắc giúp gì được. Nhiều khi họ không hiểu gì hết khi dịch. Không biết là họ mới vào nghề hay họ không chịu đi tìm tòi nghiên cứu. Vì có những người không biết, nhưng chịu khó tìm tòi nghiên cứu thì cũng ra thôi. Ở Mỹ này muốn nghiên cứu gì thì từ vỡ lòng lên đến cao siêu cũng có để mình nghiên cứu thôi.

“Vậy mà vẫn có một số người thông dịch tầm bậy tầm bạ. Tôi có lần ngồi kế một thông dịch trong một phiên xử sơ bộ. Đây chỉ là phiên tòa để xét người đó có nên đem ra bồi thẩm đoàn để xử không. Cuối buổi thì quan tòa có nói là có đủ bằng chứng để mang bị cáo ra xử trước bồi thẩm. Vậy thôi. Vậy mà người thông dịch đó dịch là tòa nói anh có tội. Tôi ngồi gần đó gần như chết đứng. Tôi nói với người đó mà họ tỉnh queo, còn bực tôi nữa.”

Theo anh Kiệt, “Từ ngữ thì nó bao la lắm, phải ráng học thôi, có những lúc mình không biết từ đó dịch sao. Nhưng vẫn có những điều mình nghiên cứu được về những trình tự của tòa, vân vân, để biết mà dịch cho đúng. Nhưng vẫn có một số người chẳng cần tìm hiểu gì hết.”

Anh Kiệt kể, “Khi dịch trong tòa, có một số từ mình biết là dịch được, nhưng không chính xác lắm, mình không hài lòng lắm, thường những lúc như vậy khi về lại phòng là tôi đưa ra với các đồng nghiệp để bàn thảo với nhau. Thì lại có một số người họ giấu là họ không dịch được, hoặc tệ hơn là có người khi dịch, bị cáo nói thẳng với họ là anh dịch gì tôi không hiểu gì hết.

“Trong một lần tôi dịch trong một phiên xử sơ bộ, khi tôi dịch, tôi phải nói rất nhỏ chỉ cho người bị cáo đó nghe, không để ai nghe hết, người bị cáo mang tai nghe để nghe lời dịch thì thầm của tôi. Sau một tiếng đồng hồ thì tôi ngưng, đổi qua cho người thông dịch khác. Được một lúc thì người bị cáo đó ngoắc tôi lên và kêu tôi dịch cho bị cáo đó, bị cáo than phiền là anh kia dịch bị cáo đó nghe không hiểu. Nghe vậy thì tôi đồng ý và dịch cho bị cáo.

“Người thông dịch kia khi ra, không biết anh ta sợ mất việc hay vì điều gì, mà tìm người chơi cùng nhóm với anh ta, nói rằng anh ta đang dịch ngon lành, thì tự dưng tôi lên giành để tôi dịch. Rồi bắt đầu đồn lên, hăm he sẽ đem ra trước công đoàn. Khi việc vậy xảy ra, với tôi rất dễ dàng. Vì người nhân chứng câu chuyện vẫn còn sống, nên tôi mời người đó viết ra sự việc bằng tiếng Việt. Sau đó người thông dịch kia phải xin lỗi tôi.

“Tôi đưa việc này ra để muốn nói rằng vẫn có những thông dịch giấu sai lầm của mình. Thật ra thì ai cũng biết có ngày mình dịch rất hay, chữ nghĩa ở đâu chạy ra trôi chảy, dù mình chưa nghĩ tới. Nhưng cũng có ngày chữ không chạy ra trơn tru như vậy, có thể do hôm trước mình ngủ không đủ hay mình đang lo lắng vấn đề gì đó, nếu mình dịch không được thì trình bày cho biết hôm nay mình dịch không được vì lý do gì đó. Nhưng vẫn có người giấu cái sai của mình, chối và đổ thừa người khác. Người thông dịch rất cần phải trung thực, không được giấu dốt rồi lấp liếm cái sai của mình.”
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT