Phóng Sự

Thông dịch viên Việt ngữ tại Hoa Kỳ (kỳ 16)

Sunday, 15/01/2017 - 04:47:56

Còn với những thông dịch viên không có bằng Thông Dịch Hữu Thệ thì chỉ được trả khoảng 25 đồng / 1 giờ thôi, có bằng thì tiền công cao hơn. Có bằng thì chỉ cần làm cho một công ty là đủ sống rồi, còn không có bằng, phải làm nhiều nơi.”

Bài BĂNG HUYỀN

Nhu cầu công việc của nghề thông dịch tiếng Việt có nhiều thật không? (phần 1)

“Khi gia đình tôi đến Hoa Kỳ lần đầu tiên vào năm 1975, hầu như là không có luật sư người Mỹ gốc Việt nào mà được huấn luyện ở xứ này, không có thẩm phán Mỹ gốc Việt nào, và rất ít, nếu may mắn thì có thông dịch viên Việt Nam trong tòa án. Vì vậy, nhiều người trong cộng đồng chúng ta không dám báo cáo tội ác hay những lạm dụng, không thưa kiện nhau, ly dị nhau hay kể cả tranh cãi về những giấy phạt lưu thông. Chướng ngại về ngôn ngữ đã cản trở không cho phép họ thực hiện quyền lợi pháp lý của họ.”
Đây là phần mở đầu trong bài phát biểu bằng tiếng Anh về sự quan trọng của ngành thông dịch trong luật pháp của nữ Chánh Án Cheri Phạm (Tòa Thượng Thẩm California của Quận Cam) tại buổi lễ cấp chứng chỉ tốt nghiệp vào ngày 8 tháng 12, 2012 của khóa 2 (cũng là khóa cuối) chương trình huấn luyện Thông Dịch Pháp lý tiếng Việt- tiếng Anh (do Phòng Giáo Dục Mở Rộng thuộc đại học Cal State Fullerton mở ra), đã được Đỗ Thái Kiều thông dịch sang tiếng Việt và được biên tập lại bởi Uyen V., Michael R., Steven D. and Phong L.

Chánh Án Cheri Phạm (Thanh Phong/ Viễn Đông)



Trong bài phát biểu, nữ chánh án Cheri Phạm có nhắc lại, “Ngay cả khi tôi vào học luật năm 1987, những phương sách hỗ trợ pháp lý cho người Mỹ gốc Việt cũng rất là giới hạn. Tôi là một trong ba người Mỹ gốc Việt, và người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên tốt nghiệp trường Luật ở Berkeley năm 1990. Và sau khi tốt nghiệp và thi đỗ bằng luật, tôi khám phá rằng luật pháp lúc ấy chỉ là nghề nghiệp cho giới nam người da trắng mà thôi. Lúc đó, rất ít văn phòng luật sư nào lại muốn mướn những luật sư thiểu số. Vì thế những luật sư thiểu số này không có cách gì khác ngoài làm việc công và làm cho những cơ quan của chính phủ.

“Tôi bắt đầu sự nghiệp pháp lý của tôi ở Văn Phòng Luật Sư Công ở Quận Cam nơi mà tội biện hộ cho những người bị cáo buộc tội phạm hình sự, bao gồm các thanh thiếu niên Mỹ gốc Việt bị cáo buộc với những tội phạm hình sự nghiêm trọng về băng đảng. Tôi vẫn còn nhớ những bị cáo này và gia đình họ đã thống khổ và hoang mang biết bao vì họ không quen thuộc với hệ thống Tư pháp và họ không hiểu quá nhiều từ ngữ pháp lý đang được sử dụng trong tòa án.

“Không có chương trình dạy thông dịch pháp lý như là chương trình mà quý vị vừa hoàn tất. Chương trình này không những huấn luyện phương pháp thông dịch mà còn dạy những nguyên tắc ứng xử khi thông dịch, và những hành vi mà một thông dịch viên có thể và không thể làm. Làm luật sư công thời xưa đó thì tôi nhớ có dùng vài thông dịch viên không những chỉ thông dịch thôi mà họ lại thúc đẩy và đề nghị với thân chủ tôi nên nhận tội. Điều này hoàn toàn không đúng lý và vượt ra ngoài phạm vi làm việc của thông dịch viên.”

Chánh án Cheri Phạm nhận xét, “Khi tôi trở thành Công Tố Viên cho Văn Phòng Biện Lý Quận Cam vào năm 1997, sự khó khăn về ngôn ngữ không chỉ xảy ra trong tòa án mà thôi. Nó trở thành một trở ngại trong những vụ án liên hệ đến những nạn nhân và nhân chứng Mỹ gốc Việt. May là tôi nói tiếng Việt trôi chảy nên tôi có thể giao tiếp với những nạn nhân và nhân chứng này và giúp họ chuẩn bị cho những lời khai ở tòa.

“Nhưng đối với những người đồng nghiệp của tôi trong Văn Phòng Biện Lý mà không biết nói tiếng Việt thì việc phỏng vấn và chuẩn bị cho những nạn nhân hay nhân chứng người Việt là cả một thách thức. Không có và chỉ có một vài người nói tiếng Việt và... có thể giúp đỡ được thôi.”

Cũng trong bài phát biểu này, chánh án Cheri Phạm cho rằng, “Một yếu tố vẫn không hề thay đổi bao nhiêu năm nay, và đó là nhu cầu cho thông dịch viên, trong tòa hình sự, dân sự cũng như tòa án gia đình. Khi cộng đồng chúng ta phát triển thì số người dính líu đến những tranh tụng nghề nghiệp, hợp đồng, kinh doanh, tài sản và quyền giữ trẻ cũng tăng lên theo. Và một điều quý vị nên nhớ rằng không phải chỉ có tòa án mới cần thông dịch viên, mà tại các buổi điều trần, ngoài tòa án và những buổi thụ lý hành chánh bao gồm cả những buổi thụ lý với Ủy Ban Nghề Nghiệp.

“Làm Thẩm Phán hai năm qua đã khẳng định thêm giá trị của thông dịch viên pháp lý. Trong chức vị hiện nay của tôi ở Tòa Án Gia Đình, khi mà 80% người kiện tụng tự đại diện cho họ, và nửa phần số người này không nói được tiếng Anh, và nhất là khi có quá nhiều mẫu đơn và luật lệ phải noi theo, thì thông dịch viên đóng một vai trò rất quan trọng vì họ cần phải dẫn dắt những người kiện tụng này qua những mê lộ của giấy tờ và quá trình pháp lý. Không có thông dịch viên thì tòa án sẽ ngừng hoạt động.
“Như tôi đã nói một năm rưỡi trước đây khi chương trình thông dịch này chưa bắt đầu là quý vị đang đi vào một nghề nghiệp không những là quan trọng cho sự sống còn của hệ thống hiến pháp nhưng cũng là, theo như Thạc Sĩ Normal đã nói, một nghề nghiệp rất là cao quý. Dịch vụ mà quý vị sắp sửa cung cấp và sẽ cung cấp sẽ giúp củng cố cơ bản về sự bình đẳng trong việc sử dụng luật pháp bằng cách làm cho hệ thống pháp lý được dễ dàng cho tất cả mọi người trong cộng đồng Việt-Mỹ.”

Trong phần kết của bài phát biểu, chánh án Cheri Phạm kết luận, “Tôi không muốn quý vị hiểu lầm. Chúng ta đang ở trong một kinh tế suy xụp và tôi chắc rằng quý vị đều đã nghe qua hay đọc về dự thảo của Thống Đốc Brown về việc cắt giảm ngân quỹ tòa án toàn tiểu bang. Trong lúc này chúng ta chưa biết được những ảnh hưởng của dự thảo này ra sao. Trong tình trạng kinh tế khó khăn thì việc làm trong thị trường luôn luôn trở nên cạnh tranh hơn. Nhưng xin đừng nản lòng. Quý vị đã đi bước đầu tiên đầu tiên khi hoàn tất chương trình huấn luyện này. Cố tâm cho việc thi đỗ bằng thị thực này thì quý vị sẽ thấy rằng mọi công lao của mình sẽ được đền bù.

“Cho dù quý vị không trở thành thông dịch viên hữu thệ, quý vị vẫn có thể tìm được việc làm trong phạm vi tư. Trong lãnh vực Luật Gia Đình, trừ khi là một vụ bạo hành trong gia đình, luật sư và hai bên phải mướn thông dịch viên riêng. Quý vị nên liên lạc với những văn phòng luật sư. Quảng cáo những dịch vụ của mình.” (ngưng trích)

Thu nhập của Thông Dịch Viên Hữu Thệ có thật sự cao?

Thông dịch viên Thomas Vũ, có kinh nghiệm gần 40 năm làm Thông Dịch Hữu Thệ tại các tòa án tiểu bang, liên bang và Bộ Tư Pháp California, là thầy giáo từng được Phòng Giáo Dục Mở Rộng thuộc đại học Cal State Fullerton mời dạy khóa đầu tiên chương trình huấn luyện Thông Dịch Pháp lý tiếng Việt- tiếng Anh của trường mở.

Ông cũng đã tự mở riêng chỉ mình ông dạy các khóa luyện thi Thông Dịch Viên Hữu Thệ Tòa Án và Thông Dịch Viên Hữu Thệ Y Tế và đã có rất nhiều khóa sinh theo học lớp ông dạy, thi đậu bằng Hữu Thệ và vài người đang làm nhân viên thông dịch toàn thời gian, bán thời gian cho tòa Thượng Thẩm Quận Cam.
Nhận xét về nhu cầu của nghề nghiệp này, ông Thomas Vũ khẳng định, “Nghề thông dịch tiếng Việt là một trong những nghề “hot” nhất hiện nay tại Hoa Kỳ. Là một nghề có nhu cầu rất cao và có nhiều cơ hội làm việc với chính quyền tiểu bang và liên bang. Qúy vị hãy lên mạng internet xem, sẽ thấy có rất nhiều tòa án trên khắp nước Mỹ rất cần thông dịch viên gốc Việt. Khi quý vị đậu bằng Thông Dịch Hữu Thệ tại California, tên của thông dịch viên sẽ được bỏ vào National data page, mỗi lần vào tòa thông dịch, tòa sẽ kiểm chứng mình có bằng hay không, là ra hết.

“Khi đậu tại California, quý vị có thể qua một trong 42 tiểu bang trong danh sách Liên Hội Các Tiểu Bang Thành Viên (Consortium Member States) để làm thông dịch trong tòa, nhưng lương sẽ thấp hơn tại California, tuy nhiên có một số tiểu bang trả tiền công còn cao hơn tiểu bang California.

“Riêng tại California, dù thông dịch mới có bằng hay có bằng lâu năm khi là nhân viên của tòa thì đều được trả lương rất cao, khoảng hơn $100,000/ 1 năm (bao gồm cả quyền lợi về bảo hiểm xã hội, y tế, ngày nghỉ bệnh, nghỉ phép…). Nếu là nhân viên tiểu bang, người đó không phải đóng tiền SSI nhưng lại được bỏ vào quỹ để dành khi về hưu. Còn nếu quý vị không phải là nhân viên của Tòa, chỉ là Thông Dịch Viên Hữu Thệ tự do, thì thù lao được trả gấp 2, gấp 3 làm nhân viên trong tòa, tuy nhiên quý vị không có những quyền lợi về bảo hiểm xã hội, y tế, ngày nghỉ bệnh, nghỉ phép.

“Ngay như cá nhân tôi nay đã nghỉ hưu ở tòa hơn 1 năm rồi và bây giờ vẫn còn làm cho một số tòa án và nhiều nơi khác, nhưng với tư cách làm freelance (tự do). Có những ngày công ty thông dịch gọi cho tôi giao 4, 5 việc, nhưng tôi không thể nhận hết, vì không đủ thời gian để làm.”

Ông Thomas Vũ tiết lộ thêm, “Khi trả tiền cho Thông Dịch Viên Hữu Thệ cho một lần thông dịch, thì phải trả nửa ngày hoặc cả ngày, chứ không trả theo giờ. Nửa ngày (là từ 0 phút- 3 tiếng được tính là nửa ngày) trả 350 đồng, nhiều khi tới dịch khỏang 15 phút thôi, vẫn nhận đủ 350 đồng. Lái xe đi xa, được trả 55 xu/1 mile. Tiền thông dịch cả ngày thì được 700 đồng. Nếu thông dịch trên 6 tiếng, thì tiếng thứ 7 trở đi được thêm 150 đồng hoặc 200 đồng/ 1 giờ, đó là tiền cho giờ phụ trội. Ví dụ từ 9 giờ đến 3 giờ là 6 tiếng, và từ 3 giờ đến 4 giờ 10 phút là được tính thành 2 tiếng phụ trội.

“Nếu buổi thông dịch đó nghỉ giờ ăn trưa, đồng hồ vẫn chạy như thường, nghĩa là vẫn được tính vào giờ làm việc của quý vị. Những Thông dịch nào có bằng Thông Dịch Hữu Thệ về Y Tế thì tiền công có thấp hơn bên Thông Dịch Hữu Thệ Pháp Lý, trung bình một ngày khoảng 500 đồng, nửa ngày là 250 đồng, nhưng không bị áp lực nhiều như dịch bên pháp lý (legal), dịch bên legal cần phải biết nhiều hơn, còn bằng Thông dịch Hữu thệ về Medical thì chỉ dịch về Medical thôi.

Còn với những thông dịch viên không có bằng Thông Dịch Hữu Thệ thì chỉ được trả khoảng 25 đồng / 1 giờ thôi, có bằng thì tiền công cao hơn. Có bằng thì chỉ cần làm cho một công ty là đủ sống rồi, còn không có bằng, phải làm nhiều nơi.”

Thông Dịch Viên Ái Trinh từng theo học khóa luyện thi Thông Dịch Viên Hữu Thệ Tòa Án và Thông Dịch Viên Hữu Thệ Y Tế của ông Thomas Vũ mở, là một trong số ít Thông Dịch Viên gốc Việt thi đậu cả 2 bằng Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án (Thi đậu vào đầu năm 2015) và Thông Dịch Hữu Thệ Y Tế (thi đậu vào giữa năm 2015).

Hiện nay chị đang là Thông Dịch Viên tự do, chị cho rằng, “Quý vị cần phải thực tế. Người Việt mình cực chẳng đã mới ra tòa, nghề này không cần nhiều thông dịch lắm đâu. Nếu mình giỏi, mình may mắn thì có thể có nhiều công việc. Nhưng nếu mình không may mắn hơn bạn của mình, mình cũng sẽ không có việc, cũng sẽ không có tiền. Tôi chọn làm nghề này vì hiện giờ tôi đã đủ sống với số tiền đã dành dụm từ công việc trước đó. Tôi làm nghề này là vì tôi rất yêu công việc thông dịch và muốn giúp đỡ đồng hương bị hạn chế về tiếng Anh. Tôi cũng có nhận làm thông dịch qua những tiểu bang khác trong nước Mỹ, ví dụ như tiểu bang Arkansas, tôi làm được việc, nên được yêu mến và thường được họ mời tôi qua thông dịch. Tuy nhiên phải khoảng 2, 3 tháng thì họ mới gọi cho tôi 1 lần, mời tôi qua Arkansas thông dịch. Một năm họ chỉ có 4, 5 case cần đến Thông Dịch Viên Hữu Thệ tiếng Việt thôi. Ngoài ra tôi còn đi Houxton (tiểu bang Tesax), hay phía bắc California, nhưng không có nhiều case đâu.”

Chị Ái Trinh cho biết thêm, “Tôi rất thích dịch các buổi hội nghị về thương mại, ngoài ra tôi cũng có nhận thông dịch các hội nghị về môi trường, nhưng thường chỉ có nơi nào có nhiều tiền mới thuê thông dịch có bằng hữu thệ, còn thì những buổi thông dịch này không cần người có bằng, họ sẽ mướn người không có bằng, vì sẽ trả tiền không nhiều bằng người có bằng.”

Với Thông dịch viên Hữu Thệ Hương Trầm hiện đang là nhân viên thông dịch bán thời gian của tòa Thượng Thẩm quận Cam nhắc lại gia đoạn khi vẫn còn là thông dịch viên tự do “nhiều nhất là khoảng trong một tuần em có được 2 đến 3 ngày được công ty thông dịch giao việc, em may mắn là được làm thông dịch cả ngày full day nhiều, nên dù làm 2- 3 ngày trong 1 tuần thôi, nhưng họ trả full day và cộng thêm tiền xăng nữa, vì em làm 3 hôm liên tiếp. Hôm thì ở San Bermino, hôm thì ở San Diego, hôm thì ở Riverside thành ra chạy khắp nơi hết, cũng đủ nuôi sống cho cả 2 tuần rồi.

“Vì em còn độc thân thì đủ, nhưng nếu lập gia đình và có con cái thì cần phải có 2 nguồn thu nhập mới đủ. Là Thông Dịch có bằng Hữu Thệ đi làm tự do cho các công ty thông dịch và các tòa thì tiền công được trả nhiều hơn trong mỗi lần thông dịch, nhưng không có chắc được là làm mỗi ngày, cũng có tháng em chỉ có 2- 3 công việc thôi. Vì do cá nhân em lúc đó không có gửi lý lịch cá nhân đến nhiều công ty thông dịch, không có tạo mối quan hệ nhiều. Nhưng bây giờ làm nhân viên bán thời gian trong tòa thì lương của em ổn định hơn.”

Thông dịch viên Điền Phạm đã có bằng Hữu Thệ, hiện làm thông dịch viên tự do, khẳng định, “Nếu nói những Thông Dịch Viên có bằng Hữu Thệ sống bằng nghề thông dịch tự do không phụ thuộc vào việc làm khác thì không đủ đâu. Vì số cung quá cao (người làm thông dịch hiện nay nhiều hơn hồi trước) so với nhu cầu (Vì người Việt vốn rất hạn chế việc ra tòa). Cung cao mà cầu thấp thì giá tiền thù lao của người thông dịch bị hạ xuống. Trừ khi nào mình cứng cựa, giữ giá cao của mình.

“Tuy nhiên cũng chỉ đủ sống, chứ không giàu có. Cá nhân tôi không phải tuần nào cũng có việc, 2 lần là nhiều lắm rồi. Tùy theo nhu cầu, có tháng không có việc, cũng có tháng làm cả tuần, làm luôn cuối tuần, nhưng không phải lúc nào cũng được như vậy. Tôi cũng có nhận đi thông dịch ở nhiều tiểu bang, như Michigan… được bao chi phí di chuyển, ăn ở. Vì một số tiểu bang ở Hoa Kỳ không có nhân viên Thông dịch tiếng Việt Hữu Thệ trong tòa, khi cần thông dịch ở tòa thì họ thuê Thông dịch Hữu Thệ từ nơi khác đến.”
(còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT