Phóng Sự

Thông dịch viên Việt ngữ tại Hoa Kỳ (kỳ 4)

Sunday, 23/10/2016 - 04:55:12

Nhưng cuối cùng duyên nghề vẫn còn khi anh biết được khóa học thông dịch viên hữu thệ tòa án do trường Đại Học Cal State Fullerton mở, khóa học kéo dài 18 tháng (Bài viết sau sẽ giới thiệu chi tiết về khóa học này).

Bài BĂNG HUYỀN

Chuyện vào nghề của T.K Dương
Đối với anh T.K. Dương, mối duyên với nghề thông dịch đến với anh rất sớm và gắn với anh khá bền chặt. Anh từng làm thông dịch từ khi còn ở trong trại tị nạn trên đảo Palawan, Phi Luật Tân vào năm 1978, qua đến Hoa Kỳ có thời gian anh làm thông dịch bán thời gian (trong khoảng 5 năm) cho sở xã hội. Có lúc anh nghĩ rằng mình đã hết duyên với nghề, vì đã ngưng hẳn công việc thông dịch một thời gian dài, chỉ tập trung vào việc kinh doanh. Nhưng cuối cùng duyên nghề vẫn còn khi anh biết được khóa học thông dịch viên hữu thệ tòa án do trường Đại Học Cal State Fullerton mở, khóa học kéo dài 18 tháng (Bài viết sau sẽ giới thiệu chi tiết về khóa học này).

Thông dịch viên T. K. Dương (Hình cung cấp)



Anh đã ghi danh theo học khóa 2 và sau khi hoàn tất khóa học vào năm 2012, anh thi để lấy bằng thông dịch viên hữu thệ tòa án California, nhưng chỉ mới thi đậu bài thi viết (bị rớt bài thi nói). Hiện nay anh vẫn tiếp tục tự ôn luyện để hoàn tất việc thi lấy bằng hữu thệ tòa án, và anh đã trở lại với nghề thông dịch kể từ khi theo học khóa học thông dịch viên hữu thệ tòa án. Anh đang là thông dịch viên (làm bán thời gian) làm việc tại nhà cho một công ty thông dịch qua điện thoại (Over-the-phone Interpretation).

Cơ duyên trở thành thông dịch viên

Anh T.K. Dương kể, nhờ có vốn tiếng Anh kha khá (được bố dạy từ nhỏ và là cựu học sinh chuyên ban Anh văn trường trung học Petrus Ký tại Sài Gòn), nên anh tình nguyện làm thông dịch (khoảng 14 tháng, trước khi được định cư tại Hoa Kỳ) cho đồng hương trong trại tị nạn trên đảo Palawan lúc anh chưa tròn 18 tuổi. Anh thường thông dịch cho đồng hương khám sức khỏe trước khi qua Mỹ.

Anh nói, “Thật ra việc thông dịch khi ấy cũng không quá khó khăn, ở trại bác sĩ chỉ khám tổng quát, không quá đi sâu vào những từ chuyên môn về y khoa. Họ chỉ khám kỹ bệnh lao vì sợ người tị nạn mang mầm bệnh lao qua Mỹ thôi. Hoặc có người sanh con tại trị tị nạn, thì giúp thông dịch cho sản phụ và người nhà sản phụ. Khi nào tòa đại sứ cần người thông dịch, thì tôi thông dịch cho đồng hương. Tôi cũng thường giúp những đồng hương muốn đi mua vật dụng này kia mà lại không rành tiếng Anh.”

Qua đến Mỹ, ban đầu đi làm hãng, sau đó anh đi học ngành kỹ sư cơ khí rồi đi làm một thời gian, sau đó chuyển sang làm thương mại. “Bấy giờ tôi có cô bạn vốn làm thông dịch cho sở xã hội, lần đó (vào năm 1986), có một buổi hẹn thông dịch nhưng cô bận không đi được, cô nhờ tôi đi thông dịch giùm tại sở xã hội ở Quận Cam cho khách hàng khiếu nại với quan tòa việc xin tiền trợ cấp. Tôi đồng ý, nên cô đã báo cho bộ xã hội tại Sacramento (là nơi cô làm thông dịch viên) biết tôi sẽ đi thay cô. Khi tôi đến nơi để thông dịch, cũng có ông quan tòa, có người ký giấy cho rằng nguyên đơn không hội đủ điều kiện xin trợ cấp, và người nguyên đơn là thân chủ cần tôi thông dịch. Và kể từ lần thông dịch đầu tiên đó, mỗi khi ở dưới Quận Cam có việc cần thông dịch, thì nhân viên xã hội tại Sacramento gọi hỏi đi làm ngày đó, giờ đó, tại địa điểm đó được không? Nếu được, thì họ sẽ làm hồ sơ ghi tên tôi vào và gửi đến nơi đó để tôi vào thông dịch.”

Anh T.K. Dương kể, “Thời đó, tôi nhận được việc thông dịch này rất đều đặn, hầu như ngày nào cũng có việc. Mỗi một lần nhận việc như vậy, thời gian thông dịch chỉ khoảng 30 phút- 1 tiếng, tôi được trả $50 (lúc đó 50 đồng nhiều lắm, thời điểm đó tiền lương minimum wage chỉ khoảng 6- 7 đồng thôi). Nếu có hai cái hẹn, thì họ trả cho mình $100 đồng. Nhưng nếu ba cái hẹn cùng trong ngày hôm đó, thì họ trả cho mình tiền nửa ngày, tuy nhiên ít khi nào có được ba cái hẹn lắm. Đa số chỉ là 1, hoặc có lúc thì 2. Thường khi họ giao cho mình đi thông dịch, thì ở nhiều chỗ khác nhau, chứ không phải chỉ ở Quận Cam, lâu lâu cũng phải đi Los Angeles… Nhiều khi ngày hôm đó chỉ có một việc thông dịch lúc 10 giờ sáng, ở nhà mình phải đi từ 8 giờ, để phòng hờ kẹt xe. Năm-mươi đồng trả cho mình một lần thông dịch, là họ đã khoán luôn tiền xăng cho mình. Lúc đó tôi chỉ là independent contractor (làm việc độc lập), cuối năm họ gửi giấy khai thuế cho mình là 10-99 chứ không phải W-2.”

Theo anh T.K. Dương, “thời điểm những năm cuối thập niên 1980- đầu thập niên 1990, tiểu bang California dành cho trợ cấp xã hội cao, thành ra thông dịch viên cho thân chủ đi gặp quan tòa về vấn đề trợ cấp xã hội hầu như ngày nào cũng có việc. Nhiều hôm tôi đi thông dịch, tôi còn gặp các thông dịch viên người Việt của các công ty thông dịch khác cũng đi thông dịch như tôi vậy.”

Thi tuyển làm thông dịch qua điện thoại

Về cách tuyển thông dịch viên của công ty thông dịch qua điện thoại mà anh T.K. Dương đang làm được vài năm gần đây, anh cho biết, “Thông dịch qua điện thoại có cái khó là nhiều người không nghe qua điện thoại để thông dịch được. Ngay như mình là người Việt, nói tiếng Việt với nhau, mà nhiều khi nghe qua điện thoại còn nghe không rõ nữa. Khi làm thông dịch, phải nghe tiếng Anh để dịch lại sẽ còn khó hơn bội phần.

“Do đó điều đầu tiên của một thông dịch viên muốn làm được công việc thông dịch qua điện thoại đòi hỏi phải có kỹ năng nghe qua điện thoại. Cho nên khi xin việc, công ty cũng phỏng vấn người dự tuyển qua điện thoại. Khi xin việc, tôi phải trải qua tất cả ba cuộc phỏng vấn trên điện thoại. Cuộc phỏng vấn cuối cùng do một người Việt, là sếp trực tiếp của mình trong tương lai (nếu mình được nhận). Người phụ trách cuộc phỏng vấn đầu tiên hỏi tôi những câu hỏi rất căn bản, hỏi những câu thành ngữ tiếng Anh, để xem mình có biết nghĩa hay không.

“Buổi phỏng vấn qua điện thoại lần thứ hai họ sẽ cho mình nghe cuộn băng bằng tiếng Việt, mình phải dịch lại qua tiếng Anh, sau đó nghe cuộn băng tiếng Anh, rồi mình dịch qua tiếng Việt. Phỏng vấn qua điện thoại lần thứ ba là mình nói chuyện trực tiếp với người sếp của mình, người sếp sẽ thử khả năng thông dịch của mình nhiều lĩnh vực, chẳng hạn thông dịch về y tế, về bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cộ… hỏi mình bằng tiếng Anh để mình dịch sang tiếng Việt và xem mình có những kiến thức về những lĩnh vực đó hay không. Mỗi lần phỏng vấn qua điện thoại khoảng 30 phút đến một tiếng.”

Cả ba buổi phỏng vấn trên chỉ là phần kiểm tra về khả năng thông dịch của thông dịch viên. “Nhưng để được nhận vào làm, công ty thuê mình làm còn điều tra lý lịch của mình rất kỹ. Và đây cũng là điều rất quan trọng khi họ quyết định có nhận mình vào làm hay không. Kiểm tra mình có vi phạm pháp luật không? Tình hình tài chánh của mình như thế nào, có thiếu nợ nhiều không, có trả trễ tiền bill không. Gia đình mình có bao nhiêu người, ai làm chứng cho tư cách của mình. Ngay khi mình điền đơn xin việc, khai hết mọi chi tiết cá nhân, công ty sẽ kiểm tra lại những chi tiết mình khai có đúng không? Và sau khi đã đậu được ba buổi phỏng vấn về kỹ năng thông dịch, cuối cùng sẽ có một người gặp mình để phỏng vấn trực tiếp mình về những thông tin mà mình khai trong lý lịch, để xem mình có trung thực không. Phải qua được thêm ải này nữa thì mới được nhận việc, chứ không phải là chỉ cần thông thạo khả năng thông dịch là đủ.”

Anh T.K. Duong giải thích, “Sở dĩ họ phải cẩn thận như vậy là vì việc mình thông dịch cho khách hàng trên điện thoại thuộc công việc bảo mật, nhiều khi khách hàng phải đọc số an sinh xã hội, số điện thoại, địa chỉ nhà, cung cấp những chi tiết cá nhân của khách hàng, mình đều nghe và thông dịch lại. Nếu người thông dịch không tốt, có thể lưu giữ những chi tiết kia lại để đem bán. Chính vì vậy tất cả các thông dịch viên khi được kiểm tra kỹ về lý lịch và khi ký hợp đồng cộng tác với công ty, đều phải cam kết giữ bí mật, không được phép phổ biến hoặc tiết lộ thông tin mà họ biết được trong quá trình thông dịch.”
Anh T.K. Dương nói thời gian đầu khi làm thông dịch qua điện thoại, anh được giao cho thông dịch đủ loại, từ bảo hiểm xe cộ, bảo hiểm sức khỏe, y tế, 911, hoặc trường hợp cảnh sát bắt được đối tượng nghi vấn, khi đó hai bên nói chuyện với nhau không hiểu thì cũng cần thông dịch trên điện thoại, thông dịch cho người chăm sóc tại gia, họ gọi để hỏi vì sao tháng này chưa nhận được check, hoặc mấy người gọi hỏi hãng gaz, hãng điện, điện thoại sao tháng này tiền gaz, tiền điện của họ lên nhiều quá, có tính nhầm bill không…, vân vân, nhưng dạo sau này thì anh được giao thông dịch chuyên về y tế tại bệnh viện nhiều hơn.

Anh kể, “Thông thường với những thông dịch viên mới vào làm, lâu lâu bên công ty, cụ thể là người sếp của mình sẽ bất chợt (không báo trước) nghe trên đường dây trong lúc mình thông dịch cho khách hàng, để họ đánh giá khả năng thông dịch của mình. Sau khi mình thông dịch xong, khoảng một tiếng sau, họ sẽ gọi cho mình, hỏi mình có nhớ cú điện thoại lúc giờ đó, về việc đó hay không. Rồi cho biết là lối thông dịch của mình đúng hay sai, nếu sai thì lần sau mình phải tránh những lỗi như vậy. Đây là việc kiểm tra đột xuất của công ty với các thông dịch viên, dù mình làm đã một, hai năm gì đó, công ty vẫn thường xuyên đột xuất kiểm tra khả năng thông dịch của mình. Chỉ đến khi nào họ cảm thấy rằng họ đã biết rõ khả năng của mình, thì họ sẽ không kiểm tra nữa. Còn nếu họ cảm thấy mình còn yếu, thì họ sẽ vẫn tiếp tục nghe mình thông dịch, để chỉ dẫn những sai sót của mình.”

Thời gian làm việc, lương bổng

Còn về thời gian làm việc, anh T.K. Dương cho biết, “Dù tôi chỉ làm bán thời gian, một ngày tám tiếng, một tuần chỉ có ba ngày, nhưng tôi vẫn được công ty trả lương W-2, có ngày phép, có bảo hiểm xã hội. Hiện nay giờ làm của tôi là từ 6 giờ sáng đến 10 giờ sáng, và từ 1 giờ trưa đến 5 giờ chiều. Vì từ 6 giờ sáng ở bên này là 9 giờ sáng bên miền Đông. Phía miền Đông nước Mỹ ít có người Việt ở gần nhau để đến bệnh viện làm thông dịch giống như ở đây. Ở đây nếu mình không rành Anh ngữ, có thể nhờ bạn bè, hàng xóm rành tiếng Anh đi cùng mình đến nhà thương để thông dịch, nếu không có, thì ở trong nhà thương, hầu như luôn có nhân viên nói tiếng Việt để giúp, không cần người thông dịch nhiều như ở phía miền Đông nước Mỹ, hay là miền Trung Mỹ giữa nước Mỹ, chỗ đó ít người Việt sống, thành ra những nơi đó rất cần thông dịch viên, mà thông dịch qua điện thoại là dễ dàng nhất.”

Về lương bổng, anh T.K. Dương nói, “Công việc này công ty sẽ trả cho mỗi thông dịch viên theo khả năng thông dịch của mình, công ty trả cho tôi là 35 xu một phút, tức là mỗi 1 tiếng là khoảng $21 đồng. Nhưng có điều là không phải lúc nào điện thoại mình cũng reng. Chỉ khi nào điện thoại mình reng, thì mình mới được 35 xu 1 phút. Còn số giờ của mình trong ngày nếu điện thoại không reng thì công ty trả cho mình lương tối thiểu, hoặc điện thoại có reng mà không đủ số giờ mà họ trả cho mình là 8 tiếng/ một ngày, thì số giờ đó cũng sẽ được trả minimum wage.

“Theo tôi biết những người làm thông dịch qua điện thoại làm toàn thời gian, sau khi trừ thuế, mỗi tháng cũng được khoảng hơn $2,000 đồng, vì được trả W-2, nên thông dịch viên có ngày phép, nghỉ bệnh… giống như mình đi làm việc tại công ty, nhưng là làm việc tại nhà. Công ty mà tôi đang làm, ngoài những người làm tại nhà như tôi, tại công ty còn có người đến làm việc tại văn phòng của công ty. Riêng tôi thích làm tại nhà, vì không phải lái xe đi đâu hết.”

Theo anh T.K. Dương làm thông dịch qua điện thoại cũng tùy ngày, có những hôm rất bận, nhưng cũng có hôm rất vắng vẻ. Thường nếu ngày lễ vào thứ Hai, thì ngày thứ Ba điện thoại anh sẽ reng liên tục. Có hôm ngồi từ sáng đến chiều, không thấy điện thoại reng, có hôm thì vừa mới thông dịch ở nhà thương xong, bỏ điện thoại xuống là có điện thoại từ hãng bảo hiểm gọi đến, cứ thế bận rộn suốt cả ngày.
Anh T.K. Duong nói, “Hồi trước, khi tôi mới vào làm thông dịch qua điện thoại, khi đó công ty chỉ yêu cầu tôi có đường dây điện thoại riêng cho công việc thôi, những lúc trong giờ làm của mình mà điện thoại không có ai gọi, tôi có thể tranh thủ ngồi trên mạng, hoặc xem tivi. Chỉ khi có điện thoại thì tôi mới tắt hết mọi tiếng động xung quanh, để chỉ nghe và thông dịch thôi. Còn bây giờ bắt đầu từ năm 2016 này, công ty yêu cầu các thông dịch viên làm việc tại nhà phải có đường internet, việc thông dịch giờ chuyển sang thông dịch qua điện thoại có kèm thêm webcam.

“Đến giờ làm, mình mở webcam ở laptop mình lên, người bên công ty và khách hàng khi cần mình thông dịch, thấy được mình, và mình cũng thấy được họ trong suốt quá trình thông dịch trên điện thoại qua webcam. Vì vậy tôi không còn làm việc riêng trong lúc điện thoại không reng nữa. Vì đại diện công ty sẽ thấy hình ảnh của mình ngồi trước lap top trong giờ làm việc, dù khi đó điện thoại mình không reng.”
Anh T.K. Dương cho rằng trong trường hợp những ai là người thích giúp đỡ người khác, thì làm nghề thông dịch là rất đúng. Vì người thông dịch là người làm cầu nối ngôn ngữ giúp hai bên do bất đồng ngôn ngữ không thể hiểu nhau, để có thể hiểu nhau dễ dàng hơn. “Nghề thông dịch bắt mình phải học hoài, nhất là học ngữ vựng để mình biết được những gì mới, những gì thay đổi mỗi ngày trong đời sống. Chẳng hạn với lĩnh vực y tế, đâu phải 10 người có bệnh giống nhau, mà có khi có đến chín bệnh khác nhau, hoặc có những bệnh mà từ đó giờ mình chưa nghe tới, hoặc mình nhìn chữ đó, mình cũng chưa chắc biết cách đọc chữ đó như thế nào nữa, đến khi nghe người ta nói rồi thì mới biết rằng chữ đó mình có biết.

“Hoặc có lúc tôi phải thông dịch cho người Việt sống ở Anh, ở Úc. Người Anh, người Úc có lối phát âm khác với người Mỹ. Mình phải nghe nhiều, mới quen được giọng người Anh, người Úc, cũng giống như người miền Nam muốn nghe được giọng Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi nói chuyện, lần đầu chắc chắn không nghe ra, nhưng nghe vài lần thì sẽ nghe được những gì họ nói.”

Vui buồn của nghề và đạo đức nghề nghiệp

Về những nỗi buồn trong nghề, anh T.K. Dương tâm sự, “Có lần tôi thông dịch qua điện thoại cho một người bị bắt vào tù, giọng của ông là người ở vùng quê phía Bắc Việt Nam, rất khó nghe, ông lại dùng thổ ngữ địa phương, tôi không hiểu ông nói gì. Tôi xin ông lặp lại, nhưng khi ông lặp lại tôi vẫn nghe không được, đành phải xin ông nói lại lần nữa, thế là ông nổi sùng lên, chửi tôi và bảo mày không phải người người Việt Nam, rồi ông ta yêu cầu phải tìm thông dịch khác. Khi đó tôi có giải thích với bên cảnh sát là do ông ta nói thổ ngữ địa phương, tôi không hiểu ông nói gì. Nhưng những trường hợp như vậy thì tôi không gặp thường.
“Lắm khi làm thông dịch, tôi cũng bị đưa vào những hoàn cảnh rất buồn khi phải nói cho Bố Mẹ của người con rằng đây là giờ phút cuối cùng của con họ, cho người nhà biết thủ tục tẩm liệm như thế nào. Hay là hỏi xem người bệnh có thân nhân nào ở bên này hay không và biết rằng người này chỉ có một mình và tất cả bạn bè, người thân chỉ là những chiến binh cũ mà thôi. Tôi rất buồn khi phải thông dịch cho những hoàn cảnh như vậy.
“Hoặc khi phải thông dịch cho các trường hợp dính líu đến bạo lực gia đình, hay các ông bà già cả cần sự giúp đỡ trong việc xin trợ cấp thực phẩm hay các dịch vụ về điện thoại, điện lực…. Qua những hoàn cảnh này, tôi cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Cũng nhờ thông dịch đa dạng như vậy, tôi học hỏi thêm được nhiều điều, mở mang thêm kiến thức của chính bản thân mình.”
Nói về niềm vui và đạo đức của một người thông dịch qua điện thoại, anh T.K. Duong chia sẻ, “Có lúc khách hàng gọi vào, khi mình thông dịch xong, giúp hai bên hiểu biết, trao đổi được công việc với nhau, hai bên đều vui vẻ, thì tôi vui lắm, vì thấy mình làm tròn được vai trò là cầu nối ngôn ngữ. Còn về đạo đức nghề nghiệp, quan trọng nhất của thông dịch viên là sự vô tư, không thiên vị bên nào hết và phải có sự kiên nhẫn khi gặp những khách hàng nóng tính, nói những lời không hay. Ngay cả việc mình phải tự học mỗi ngày để làm tốt công việc thông dịch, cũng là một sự kiên nhẫn.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT