Phóng Sự

Thông dịch viên Việt ngữ tại Hoa Kỳ (kỳ cuối)

Sunday, 22/01/2017 - 04:58:35

Anh Kiệt chia sẻ, “Không phải tôi nói xấu người Việt mình, nhưng thực tế thì ai cũng biết với ngành nail, hồi xưa một người đi làm nail có thể nuôi cả gia đình và lo cho con đi học đại học. Còn bây giờ, người làm nail sống ở quanh vùng Little Saigon này muốn nuôi sống bản thân chưa chắc đã được.

Bài BĂNG HUYỀN

Nhu cầu công việc của nghề thông dịch tiếng Việt có nhiều thật không? (phần 2)
Tự nhận bản thân có cái nhìn cực đoan hơn các đồng nghiệp khác về vấn đề thù lao của nghề thông dịch, thông dịch viên Huỳnh Tuấn Kiệt (là nhân viên toàn thời gian của Tòa Thượng Thẩm Quận Cam) cho rằng giá cả của ngành thông dịch dẫu chưa tệ như ngành nail, nhưng trước sau gì ngành này cũng bị phá giá như ngành nail.

(Getty Images)



Anh Kiệt chia sẻ, “Không phải tôi nói xấu người Việt mình, nhưng thực tế thì ai cũng biết với ngành nail, hồi xưa một người đi làm nail có thể nuôi cả gia đình và lo cho con đi học đại học. Còn bây giờ, người làm nail sống ở quanh vùng Little Saigon này muốn nuôi sống bản thân chưa chắc đã được.

“Ngành thông dịch dẫu vẫn chưa tệ như nail, nhưng trước sau gì ngành này cũng bị phá giá như nail. Tôi vẫn giữ giá gần như cao, không phải tôi tự cho là mình giỏi hay gì hết, nhưng vì tôi làm trong tòa, tôi không ra làm bên ngoài, tôi vẫn có lương trong tòa dù hôm đó không có việc, tôi chỉ ngồi đọc sách. Còn nếu ra làm bên ngoài, tôi phải xin nghỉ ngày làm trong tòa, tôi sẽ mất ngày lương.

“Vì vậy nếu có nhận làm bên ngoài tôi đòi cho đúng giá thì mới đi. Còn những người chưa là nhân viên của tòa thì hơi kẹt, vì họ muốn có việc làm, nên phải xuống giá. Tôi biết có người miệng thì nói là luôn giữ giá, không phá giá khi nhận thông dịch, thế nhưng thật ra chính họ lại chịu hạ giá rất thấp. Họ cứ tưởng không ai kiểm tra được chi tiết này, tôi biết ai giữ giá, ai không giữ giá, vì tôi có thể kiểm tra được.”

Cạnh tranh bằng phá giá

Anh Kiệt tiết lộ, “Thù lao của Thông Dịch có bằng Hữu Thệ hồi xưa, nếu ở Quận Cam, đi nửa ngày lấy khoảng 400 đồng, thì bây giờ gần như không còn giá đó nữa. Trong ngành thông dịch gần như lệ bất thành văn, nếu đi những nơi ở trong Quận Cam thì không lấy tiền xăng, người nào muốn đòi thì có lẽ cũng được, đây là sự thương lượng giữa hai bên. Nhưng ra khỏi biên giới Quận Cam thì chắc chắn là phải có tiền xăng cho mình. Hồi trước, làm sáu tiếng, không có nghĩa là dịch ba tiếng rồi ngừng ăn trưa, mới tính tiếp thời gian dịch, mà là tính luôn thời gian ăn trưa. Đó là hồi xưa. Còn bây giờ thì không như vậy nữa.”
Theo anh Kiệt, “Ngành này nếu nói về vấn đề thù lao thì phải kể rất dông dài. Ngày xưa, khi tôi chưa thi lấy bằng thông dịch, vẫn hành nghề luật sư, tôi thấy số người Thông Dịch có bằng Hữu Thệ không nhiều. Có rất nhiều lý do không có nhiều. Đề thi quá khó là một phần. Còn một điều nữa là vì hồi xưa (theo tôi biết thì từ cuối thập niên 1970 đầu 1980) tiếng Việt không phải là ngôn ngữ cần phải có Thông Dịch Hữu Thệ. Khi đó những người biết rành tiếng Anh, tiếng Việt vào làm trong tòa, rồi giới thiệu những người quen biết của mình vào làm trong tòa luôn. Ngành này không phổ biến ở bên ngoài.

“Theo thời gian, khi người Việt ở đây đông quá rồi, thì tiếng Việt bắt buột phải là một ngôn ngữ của Thông Dịch phải có bằng Hữu Thệ, vì vậy mới ra luật bắt buột phải thi. Khi đó tôi chưa qua Mỹ, nhưng tôi nghe một số người kể là phần thi lúc đó rất dễ. Do những người đã thông dịch quen trong tòa rồi thì khi thi bài thi này dễ dàng vì đã quen thuộc với những câu mà họ đã quá quen khi dịch trong tòa. Vậy mà vẫn có người đang là nhân viên của tòa nhưng thi không đậu, vì thi không đậu, nên họ đã phản đối việc thi lấy bằng vì cho rằng họ đã làm lâu năm rồi.”

Nói về sự khan hiếm Thông Dịch tiếng Việt có bằng Hữu Thệ cách nay khoảng 10 năm, anh Kiệt giải thích, “Khi đề thi đưa ra thi tuyển lấy bằng quá khó, trong khoảng thời gian 10 năm gần như là không có ai đậu hết. Vì không có ai đậu hết, thì lại không có đủ thông dịch để dịch trong tòa. Không đủ thông dịch không có nghĩa là do nhu cầu cao, mà vì không có ai đậu hết, do đó những người làm Thông Dịch Hữu Thệ lúc đó, nếu muốn có họ dịch, thì họ ra giá bao nhiêu, các luật sư và thân chủ cũng phải chấp nhận.
“Có một số Thông Dịch Hữu Thệ làm trong tòa, một số làm tự do bên ngoài, nếu gọi ngày đó không có ai hết, chỉ có người đó thôi, nếu người đó không đi thì phiên xử hay buổi lấy khẩu cung không diễn ra được, vì không có người thông dịch. Hiểu điều này, nên người Thông Dịch Hữu Thệ sẽ ra giá cao trên trời dưới đất, hầu hết đều phải chấp nhận. Theo tôi hiểu, có một số Thông Dịch Hữu Thệ là nhân viên của tòa thời điểm đó, họ đang làm trong tòa, nhưng khi công ty thông dịch ở ngoài gọi họ, họ vẫn đi ra dịch bên ngoài để kiếm thêm. Tòa có biết thì cũng không làm gì được, vì nếu đuổi việc người đó thì sẽ không có ai làm thông dịch trong tòa.”

Anh Kiệt cho rằng nếu trong khoảng 10 năm trước không có ai đậu bằng Thông Dịch Hữu Thệ tiếng Việt, thì khoảng 5 năm gần đây đã có khoảng 25 người đậu, vì “Đã đổi đề thi mới tương đối dễ hơn đề thi cũ. Hồi xưa, người trong ngành này gần như là giấu nghề hoặc không muốn chia sẻ gì với ai, nên những người đi thi phần đông là đơn thân độc mã, không có tài liệu nghiên cứu để hướng dẫn cho họ, nên khi đi thi nhớ được bao nhiêu thì về ôn lại thi tiếp. Sau đó rớt nhiều lần quá thì bỏ cuộc.

“Bây giờ đi thi có sự hướng dẫn, có những lớp luyện thi mở ra, thậm chí có những người học cùng nhau trong lớp, chơi với nhau thành một nhóm để cùng ôn luyện, đó là chuyện tốt. Nhưng bên cạnh cái tốt vẫn có cái tiêu cực hơn là khi những người đó đi thi xong, về ráp đề lại với nhau, mà một đề xài tới xài lui nhiều, không đổi đề, khi cả nhóm cùng ráp đề lại với nhau để học tủ, thì sẽ có cơ hội đậu nhiều hơn. Thi đậu là một chuyện, khi vào làm công việc thực tế thì lại là chuyện khác. Có người có khả năng thật sự, có người thì không.”

Trước khi thi đậu bài thi vấn đáp [Oral test, gồm ba phần: Dịch theo văn bản (sight), Nối đuôi (consecutive) và song hành (simultaneous)], luật sư Huỳnh Tuấn Kiệt đã thi đậu bài thi viết, nên đã xin được việc làm thông dịch viên tạm thời tại tòa West Justice Center thuộc tòa Thượng Thẩm Quận Cam.
Anh Kiệt kể, “Lúc đó tôi biết nhu cầu cần Thông Dịch Hữu Thệ trong tòa rất cao và biết là 5, 6 người thi đậu bằng thời trong điểm đó (từ 2010- 2013) sẽ được mướn vào làm. Nhưng khi mướn đủ rồi thì những người đậu sau chỉ đợi ai nghỉ hưu hoặc bị đuổi việc mới có cơ hội vào làm trong tòa mà thôi. Nhưng thông dịch gần như không có ai nghỉ hưu, chỉ có ông Thomas Vũ xin nghỉ hưu thôi, chứ nhiều người vẫn tiếp tục dịch đến khi đi hết nổi mới thôi. Tiếng Việt thì tôi chưa thấy, nhưng bên tiếng Tây ban Nha, có người bước vô tòa họ không biết trời trăng gì mà vẫn đi làm, có lẽ họ cần tiền hay họ không muốn ở nhà buồn chán hay gì đó thì tôi không biết.

“Bây giờ có nhiều người thi đậu có bằng, tòa muốn mướn vào làm nhân viên của tòa cũng không có chổ cho làm. Làm trong tòa thì có ngày rất bận, ví dụ có hôm khởi đầu cho một phiên xử, tôi bận việc từ lúc 9 giờ sáng đến 4 giờ 30 mới xong. Nhưng cũng có những ngày mình rất rảnh. Là nhân viên của tòa, lãnh lương toàn thời gian 8 tiếng, dù hôm đó trong tòa không có việc, mình vẫn phải có mặt trong khuôn viên của tòa, đi vòng vòng, hay ngồi đọc sách, nghiên cứu tài liệu… hoặc vào những phòng tòa đang xử để học hỏi.”

Anh Kiệt giải thích, “Theo tôi biết ở tòa Thượng Thẩm Quận Cam hiện nay có 9 Thông Dịch Viên tiếng Việt toàn thời gian và 1 thông dịch viên bán thời gian (là Hương Trầm), mà Quận Cam là nơi người Việt sống đông nhất, Các thông dịch viên làm tại tòa ở Westminster nhiều hơn, kế đến là tòa tại Santa Ana, chỉ chạy lên Fullerton là thấy hiếm rồi, chạy xuống New Port Beach còn hiếm hơn nữa. Chín thông dịch viên toàn thời gian thì có hai người đóng ở bên tòa về luật gia đình, thanh thiếu niên, còn ba người ở Santa Ana, tất cả còn lại là ở Westminster.

“Những tòa khác bận thì kêu người ở tòa Westminster chạy qua làm bên tòa đó, có một số người tình nguyện qua, còn một số khác lại không đi. Tòa ở San Diego chỉ có một người làm toàn thời gian. Ở San Jose có ba, bốn người gì đó, Sacramento có một người toàn thời gian, trước đó chỉ mướn người khi có việc vào dịch thôi, chứ không làm nhân viên trong tòa. Các quận San Bernardino và Riverside lại không có ai cả, khi cần thì mướn Thông Dịch có bằng Hữu Thệ ở bên ngoài vào thông dịch.”

Nhắc lại thời gian khi vẫn còn ít Thông Dịch thi đậu bằng Hữu Thệ tiếng Việt, nên xin vào làm nhân viên trong tòa vẫn dễ dàng hơn mấy năm gần đây, anh Kiệt kể, “Hồi xưa khi tòa thiếu Thông Dịch có bằng Hữu Thệ, khi tôi đang đi học lớp luyện thi Thông Dịch Hữu Thệ, người coi về thông dịch trong tòa có vào lớp đến nói với từng người nếu thi đậu là phải gọi cho họ liền. Vì lúc đó họ sợ mình đậu sẽ đi qua làm cho những tòa khác, thì họ không có người. Anh Lưu Ngọc Bảo là luật sư đã đậu bằng Thông Dịch Hữu Thệ trước tôi hai năm (Anh là học viên của khóa học do thầy Thomas Vũ dạy) khi anh Bảo đậu (cuối tháng 9 năm 2010) tôi có nghe kể không chính thức, anh gọi báo với tòa là được người coi về thông dịch trong tòa nói anh làm giấy tờ để vào làm trong tòa, mà không cần phải phỏng vấn xin việc gì hết. Đến khi cô Anh Đào (là học viên của lớp luyện thi của thầy Thomas Vũ) đậu sau anh Bảo một năm cũng không cần phỏng vấn xin việc, và năm sau là tôi đậu thì họ có phỏng vấn tôi, sau đó họ có mướn thêm 2 người nữa. Thời điểm đó mới có bằng là được tòa nhận liền.”

Không chỉ xin làm nhân viên trong tòa dễ dàng, mà lúc bấy giờ do chưa có nhiều người có bằng Hữu Thệ, nên Thông Dịch Hữu Thệ nhận thêm việc từ các công ty thông dịch cũng ít bị canh tranh hơn. Anh Kiệt nói, “Tôi còn nhớ lần đó có công ty thông dịch gọi điện để thuê tôi dịch, khi người ta gọi, tôi không trả lời, vì hôm đó tôi đang làm việc trong tòa. 2 ngày sau tôi gọi lại, công việc đó vẫn còn cần. Nhưng sau khi tôi đậu bằng Hữu Thệ chỉ khoảng hơn 1 năm gần 2 năm thôi, có thêm rất nhiều người thi đậu, thì công việc của công ty thông dịch đã có thêm nhiều người muốn làm. Do vậy khi có việc cần Thông Dịch Hữu Thệ, công ty thông dịch gửi text cho một nhóm, hay email ra. Nếu mình trả lời chậm trong vòng 2- 3 phút là công việc đã bị người khác lấy rồi, chứ không còn chờ đến 2 ngày sau như hồi tôi mới có bằng. Hơn nữa tiền công cũng thấp xuống chứ không còn cao như hồi trước nữa.”

Thông dịch viên Hữu Thệ Huy Hoàng đã thi đậu bằng bằng Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án vào năm 2015, từ đó đến nay anh đang là thông dịch viên tự do cộng tác với các luật sư trong những buổi lấy khẩu cung và làm tự do cho các tòa án thuộc 3 quận Los Angeles, Orange County và San Bernardino cho biết, “Vì làm tự do, nên thù lao tôi chỉ nhận được khi có việc thôi, chứ không phải nhân viên thông dịch chính thức của tòa, nên tôi không thể “sống khỏe” với nghề thông dịch. Anh Kiệt nói đúng lắm, ngành này mai mốt sẽ giống ngành nail, vì Việt Nam mình rất thích phá giá. Hình như các luật sư và công ty thông dịch họ cũng hiểu điều đó, nên khi gửi việc làm đi, hồi xưa thì gửi riêng cho từng người, còn giờ họ gửi hết cho mọi người luôn. Khi mình nhận được công việc thì không phải mình là người nhận đâu, mà có nhiều người cũng có bằng như mình. Vì vậy nếu mình đòi giá cao quá, thì mình không nhận được việc đó. Đó là cái khôn của họ.”

Anh Kiệt nhận xét, “Đó là cơ chế thị trường thôi, mình không trách được. Mình không thể hợp nhau lại để giữ giá. Cơ chế thị trường cạnh tranh cũng là cái hay. Những người có khả năng dịch giỏi nhiều kinh nghiệm mà khách hàng muốn người đó dịch thì vẫn trả giá tiền cao. Còn người không khả năng vì muốn có việc tự xuống giá. Hoặc cũng có người dịch giỏi lấy giá rẻ vì cho rằng không nên ép giá bắt người ta trả cao. Nhưng có một điều là triển vọng ngành này thì tôi không thấy, nó đi xuống rất nhiều, giá thù lao nhìn chung đang rất thấp, cũng có thể quý vị khác cho rằng tôi quá cực đoan. Bên phía thông dịch tiếng Tây Ban Nha do có nhiều Thông Dịch Hữu Thệ quá, nên giá bên ngoài các công ty thông dịch trả, còn thấp hơn là làm nhân viên trong tòa nữa. Hồi xưa thông dịch tiếng Tây Ban Nha chưa nhiều thì người ta làm ở ngoài, còn bây giờ tất cả mọi người đều muốn vào trong tòa làm, lương cao hơn, đủ các quyền lợi.”

Thay lời kết

Qua những chia sẻ, những tâm tình của các Thông Dịch Viên tiếng Việt mà loạt bài này đã gửi đến độc giả đã phần nào giới thiệu được nhiều điều thú vị về công việc làm “cầu nối ngôn ngữ” này. Thông dịch (lời nói) và biên dịch (văn bản) là một ngành nghề đòi hỏi sự trau dồi không ngừng nghỉ của thông dịch viên, biên dịch viên, phải có đạo đức nghề nghiệp, phải trung thực. Đây là một công việc đòi hỏi nhiểu kĩ năng và kiến thức, chịu vô vàn áp lực, sức ép và căng thẳng cao độ của công việc thông dịch, từ những khái niệm mới, ngôn từ mới, truyền tải thông tin, phải đúng với lời nói gốc, văn bản gốc.

Đòi hỏi Thông Dịch Viên, Biên Dịch Viên những kiến thức sâu rộng, kiến thức ngôn ngữ vững vàng, không chỉ trau rồi ngoại ngữ mà mình đang sử dụng, mà còn phải trau rồi chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, thì mới mong càng ngày càng nâng cao, hoàn thiện hơn khả năng thông dịch, biên dịch thì mới hy vọng trụ lâu trong nghề. Là một nghề có tính cạnh tranh cao và sự đào thải lớn, nên người làm nghề cần phải rất yêu công việc thì mới có thể gắn bó dài lâu.

Lời chia sẻ của anh Huỳnh Tuấn Kiệt xin mượn để làm lời kết cho bài viết này, “Tôi khuyên những ai thật sự thích ngành này thì hãy vào, tiền bạc có thể khi trước thì nhiều đó, nhưng bây giờ nhu cầu không nhiều (do số người Việt có thể nói rành Anh ngữ không cần trợ giúp ngôn ngữ sẽ càng ngày càng thêm đông) mà lại có quá nhiều thông dịch viên ra hành nghề, cạnh tranh hạ giá, thì từ từ đi xuống thôi. Trong 5 năm nay đã có khoảng 25 người đậu bằng Hữu Thệ và sẽ tiếp tục có thêm người thi đậu nữa, cho nên thị trường nghề thông dịch tiếng Việt không khả quan gì đâu.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT