Pháp Luật

Trách Nhiệm Trong Hôn Nhân

Friday, 21/03/2008 - 09:39:56

Một số những quyền lợi này gồm có: - Mua bảo hiểm sức khoẻ cho người phối ngẫu. - Khai thuế lợi tức chung hay ...

Ls. Trần Khánh Hưng

Ở nước Mỹ có rất nhiều người chung sống với nhau như vợ chồng nhiều năm mà không bao giờ làm hôn thú, ngay cả khi họ có con cái. Tuy điều này hoàn toàn hợp pháp, nhưng nếu hai vợ chồng có hôn thú thì họ sẽ được luật pháp bảo vệ những quyền lợi mà họ không có được, nếu không có hôn thú.



Một số những quyền lợi này gồm có:

- Mua bảo hiểm sức khoẻ cho người phối ngẫu.

- Khai thuế lợi tức chung hay làm family partnership để được giảm thuế.

- Hưởng những thuế miễn trừ cho một cặp vợ chồng, như thuế capital gain khi bán nhà.

- Được hưởng những quyền lợi của sở di trú dành cho vợ chồng, chẳng hạn xin định cư ở Mỹ, xin thẻ xanh, hay được đi làm tại Mỹ.

- Được hưởng những quyền lợi an sinh xã hội của người phối ngẫu, hay trợ cấp của chính phủ, chẳng hạn tiền hưu trí, tiền thất nghiêp, những tiền trợ cấp cho quân nhân hay cựu quân nhân v.v...

- Thừa hưởng gia tài của người phối ngẫu để lại.

- Nếu người phối ngẫu qua đời vì tai nạn do người khác gây ra thì có thể thưa người gây ra tai nạn.

Như vậy ngoài phương diện tình cảm, hôn nhân còn mang lại những quyền lợi cho những cặp vợ chồng, và ngược lại, luật pháp cũng đòi hỏi những cặp vợ chồng phải có những trách nhiệm với nhau, gọi là fiduciary responsibility trong hôn nhân.

 

Fiduciary responsibility trong hôn nhân là gì?

Fiduciary responsibility trong hôn nhân là bổn phận của một người luôn bảo vệ quyền lợi cho người phối ngẫu của mình, và không dùng những quyền hạn của mình để gây sự bất công về mặt tài chánh cho người phối ngẫu. Điều này có nghĩa là một trong hai người không được quyền cho đi, hay bán với giá quá thấp những tài sản của hai người, mà không có sự chấp thuận rõ ràng trên giấy tờ của người phối ngẫu. 

 

Vậy nếu tôi muốn cho đi những món đồ trong nhà thì có phải có sự đồng ý của người phối ngẫu không?

Theo luật gia đình thì những tài sản chung gồm luôn cả những vật dụng cá nhân của hai bên, những đồ dùng trong gia đình, những quần áo, đồ trang sức trong ngày cưới, hay của những con cái còn nhỏ. Vì vậy, nếu bạn muốn cho đi những món này, vẫn phải có sự chấp thuận của người phối ngẫu. Tuy nhiên, nếu bạn có những món quà của người khác tặng cho riêng bạn, thì đó là tài sản riêng của bạn, và bạn có toàn quyền sử dụng hay cho đi, mà không cần phải có sự chấp thuận của người phối ngẫu.

 

Vậy một trong hai vợ chồng có thể lấy tài sản chung làm của riêng được không?

Khi có sự mua bán hay chuyển nhượng tài sản của hai vợ chồng mà làm lợi cho một bên thì điều đó bị coi như là có sự bất công, và người được lợi sẽ phải chứng minh là người phối ngẫu của mình biết rõ về sự thiệt thòi quyền lợi của họ và đã chấp thuận việc mua bán một cách hoàn toàn tự nguyện, chứ không có sự ép buộc hay giấu diếm.

 

Nếu hai vợ chồng có cơ sở thương mại và chỉ có một người đứng ra điều hành thì có được không?

Trong trường hợp cơ sở thương mại là tài sản chung, hay là một phần lớn cơ sở là của chung thì một người vẫn có thể đứng ra hoàn toàn điều khiển cơ sở thương mại và đại diện người phối ngẫu trong những công việc hàng ngày. Tuy nhiên, nếu có sự mua bán, chuyển nhuợng, thuê mướn những tài sản trong cơ sở thương mại thì phải có sự chấp thuận người phối ngẫu rõï ràng trên giấy tờ (written consent), ngay cả trong trường hợp những tài sản đó chỉ đứng tên của riêng một người. Hơn nữa, những trách nhiệm của người điều hành về vấn đề tài chánh gồm luôn cả việc thông báo cho người phối ngẫu biết về những giá trị của tài sản cộng đồng (community property), kể luôn tất cả những nợ nần mà hai người phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, cả hai bên đều phải cho người phối ngẫu được quyền xem xét tất cả những dữ kiện tài chánh của những tài sản hay nợ nần này, khi có sự yêu cầu của người đó.

 

Điều này có nghĩa là người nắm quyền về tài chánh có bắt buộc phải giữ những chi tiết cho tất cả những việc chi thu không?

Không. Luật pháp không bắt buộc người nắm quyền về tài chánh phải giữ những chi tiết cho tất cả những việc chi thu. 

 

Nếu người chồng điều hành cơ sở thương mại và làm ăn lỗ lã, thất thoát tài sản cộng đồng thì người chồng có phải chịu trách nhiệm, hay phải đền bù cho người vợ không?

Trong trường hợp người chồng đã cố gắng làm hết sức của mình, và những việc làm của người đó không phải là để chuyển tài sản để có lợi riêng cho mình thì người đó không phải đền bù hay chịu trách nhiệm với người vợ, nếu cơ sở có sự lỗ lã.

 

Trong trường hợp hai vợ chồng vì lý do gì không giữ liên lạc với nhau, thì một trong hai người có thể bán được căn nhà mua chung, mà không có giấy tờ của người kia ký không?

Trong những trường hợp hai người không còn giữ liên lạc mà một trong hai người muốn bán tài sản chung thì người đó phải có sự chấp thuận của toà. Quan toà sẽ cho phép bán nếu hội đủ cả hai điều kiện sau đây:

1.             Việc bán tài sản chung là điều có lợi cho gia đình (community).

2.             Sự đồng ý của người phối ngẫu không thể có là do người đó không có khả năng quyết định, vì lý do bệnh hoạn về thể xác hay tâm thần, hay vì người đó vắng mặt quá lâu.

Thí dụ: Hai vợ chồng ông An có căn nhà mua sau khi lấy nhau.  Hiện nay hai người  ly thân, nhưng chưa làm thủ tục ly dị. Ông An bỏ về Việt Nam hai năm nay và bà An không biết ông ở đâu. Bà An có thể xin toà cho bán căn nhà với lý do là không đủ khả năng để trả tiền nhà, nếu không bán, căn nhà có thể bị tịch thu, và ảnh hưởng tới credit của bà An. Ngoài ra, người chồng đã vắng mặt quá lâu mà không giữ liên lạc với bà, nên bà không thể có sự đồng ý của ông được.

 

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về vấn đề trách nhiệm trong hôn nhân, không phải là cố vấn luật pháp.  Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA  92683.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT