Đời Sống Việt

“Và ai sẽ đi cho chúng ta?”

LM. Trịnh Ngọc Danh Wednesday, 06/02/2013 - 07:44:30

Thiên Chúa nói tiếp: Không ai chịu nhận; thế thì“Ta sẽ sai ai? Và ai sẽ đi cho chúng ta? Đừng sợ hãi. Từ đây các anh sẽ là kẻ chinh phục người ta”.

LM. Trịnh Ngọc Danh

“Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?”. Đó là lời Thiên Chúa phân trần với ông Isaia khi ông thoái thác nhiệm vụ làm ngôn sứ mà Ngài muốn giao phó cho ông.
Trong một cuộc đàm đạo giữa Thiên Chúa với các ông Isaia, Simon và Phaolô, để bàn về việc chọn và trao nhiệm vụ làm ngôn sứ cho Ngài, Thiên Chúa hỏi: “Ta sẽ sai ai đi?”.
Nhận biết mình bất xứng, ông Isaia thoái thác: “Vô phúc cho tôi, tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp”.
Ông Simon thì thú nhận: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa tôi, vì tôi là người tội lỗi”.
Đến lượt Phaolô, ông ân hận: “Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa”.
Thiên Chúa nói tiếp: Không ai chịu nhận; thế thì“Ta sẽ sai ai? Và ai sẽ đi cho chúng ta? Đừng sợ hãi. Từ đây các anh sẽ là kẻ chinh phục người ta”.
Và cả ba đã đồng thanh đáp lại: “Này tôi đây, xin hãy sai tôi”.
Có lẽ nhiều người thắc mắc: Sao Chúa không chọn những người tài ba, lỗi lạc xuất chúng để làm tông đồ lại chọn những người vô danh tiểu tốt, thậm chí còn chọn ngay cả người đã là thù địch của mình?
Cả ba, không ai nhận mình là người xứng đáng làm công việc mà Chúa giao phó, người thì nhận mình có “lưỡi nhơ nhớp” làm sao có đủ khả năng để đến với một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp; người thì xin tránh xa mình ra vì tội lỗi, bất xứng; người thì hối hận vì đã ra tay bách hại, bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa.
Thiên Chúa kêu gọi các ngôn sứ của Ngài bằng nhiều cách, nhưng có một điểm chung trong cách đáp lại tiếng gọi ấy: đó là thái đô mau mắn đáp trả ơn gọi một cách toàn diện, không suy tính thiệt hơn, khiêm tốn nhận mình là kẻ bất tài, bất xứng để choThiên Chúa lo, phó thác hoàn toàn, và “đã bỏ hết mọi sự để theo Ngài”.

Tuy biết mình có “lưỡi nhơ nhớp giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp”, nhưng trong một thị kiến ở Đền thờ Thiên Chúa, Isaia được mặc khải cho biết Thiên Chúa là Đấng Cực Thánh; qua đó, ông cảm nhận được mình là người tội lỗi, bất xứng, nhưng được lửa thanh tẩy tội lỗi, ông đã không ngần ngại đáp lại tiếng gọi đi làm ngôn sứ cho Thiên Chúa: “Có một trong các Thần Sốt Mến bay đến tôi, tay cầm một cục than cháy đỏ mà Ngài đã dùng cặp lửa gắp ở bàn thờ. Ngài đặt than lửa vào miệng tôi và nói: “Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ và tội của ngươi được tha thứ”; thế là ông hăng hái đáp lời: “Này tôi đây, xin hãy sai tôi”.
Ông Simon, sau một đêm dài thức trắng để đánh bắt cá, nhưng thất bại, chẳng được con cá nào. Ông mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi; nhưng khi nghe Chúa bảo ra khơi thả lưới lại, ông không phản đối, lại “vâng lời Thầy, tôi sẽ đi thả lưới”. Kết quả thật bất ngờ, không thể tưởng tượng! Nhiều cá, lại toàn là cá lớn đến gần rách lưới phải nhờ đến bạn bè giúp đỡ. Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Ngài rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa tôi, vì tôi là người tội lỗi”.
Nhưng Chúa Giêsu đã phán bảo ông: “Đừng sợ hãi. Từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”.
Ông Saolô là người chống đối Chúa, bách hại Hội thánh Ngài, nhưng trên đường đi đến Đamát để tận diệt những người theo Chúa, thì bỗng nhiên có một luồng sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và có tiếng nói với ông: “Saun, Saun, tại sao người bắt bớ Ta?”. Từ biến cố ấy, Saolô đã trở thành Phaolô, người tông đồ nhiệt thành của Chúa như lời ngài tâm sự: “Sau cùng, Ngài hiện ra với chính tôi như với đứa con sinh non. Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa”.
Chúa đã không dùng những gì khác để biến đổi thất bại thành thành công nơi con người mà Ngài dùng chính công việc mà chúng ta không thể làm, hay không thành đạt để làm cho những công việc ấy ra thành quả nhiều hơn.
Có bàn tay của Thiên Chúa thì mọi cái đều có thể và còn hơn sức tưởng tượng của con người. Cái không thể đối con người lại là cái có thể đối với Thiên Chúa. Có sự can thiệp của Thiên Chúa thì thất bại hay yếu kém nơi con người có thể chuyển hóa thành sức mạnh, thành công như lời thánh Phaolô đã xác nhận: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cor.12:10)
Tất cả các thánh đều ý thức về tình trạng tội lỗi của mình và từ đó các ngài trông cậy vào ân sủng của Thiên Chúa hơn là vào khả năng, sức mạnh của chính mình.
Khiêm nhường là điều kiện để cho Thiên Chúa giúp đỡ, can thiệp.
Nhận mình bất tài, bất xứng không phải để thoái thác, trốn trách nhiệm, nhưng là thành thực nhận mình bất xứng và phó thác cho Thiên Chúa hành động nơi chúng ta.
Giá như Chúa cũng gọi chúng ta, cũng cho chúng ta nhận ra ơn gọi của Chúa qua các dấu lạ như Isaia, như Simon, như Phaolô, chúng ta có can đảm bỏ hết mà theo ơn gọi không hay cầm cày mà còn ngó lại phía sau, có sẵn sàng vâng theo ý Chúa không hay lại bắt ý Chúa theo ý riêng của mình? Việc Chúa chọn ai, gọi ai là bước đầu tiên, còn đáp lại lời kêu gọi ấy hay không còn tùy thuộc vào sự cộng tác, tùy vào sự tự do ưng thuận của chúng ta.
Đừng cậy sức mình nhưng hãy đặt tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa qua lời xác định của Ngài: “Không có Ta các con không làm được gì hết” (Ga. 15:5). Thiên Chúa luôn can thiệp vào những công việc, dự tính của chúng ta, thành công hay thất bại là tùy thuộc vào mức độ tin tưởng và phó thác vào sự can thiệp của Ngài.
Khi chúng ta nhận ra sự yếu đuối của mình, thì Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta nên mạnh mẽ, khi chúng ta biết sự nghèo nàn của chúng ta, Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta trở nên phong phú.
Biết thân phận tội lỗi, yếu kém, bất toàn của chúng ta không phải để tránh né hay thoái thác trách nhiệm, nhưng phải cậy nhờ vào ân sủng, sự giúp đỡ của Thiên Chúa.
Mỗi người trong chúng ta đều được gọi làm vườn nho cho Chúa, đều có bổn phận: “nguyện cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến” với tư cách là một người con của Chúa. Mỗi người một phận vụ. Việc làm cho danh Cha cả sáng không phải chỉ dành cho các giáo sĩ hay tu sĩ… nhưng là trách nhiệm của mọi người Kitô hữu. Chúa cũng đã nói với chúng ta như đã nói với ngôn sứ Isaia: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?”.
Câu hỏi của Chúa: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?” nói lên trách nhiệm chung cho hết mọi người trong chúng ta trong công việc đem Tin Mừng đến cho mọi người. Một mình Thiên Chúa có thừa quyền năng để thực hiện chương trình cứu độ con người, nhưng Ngài lại không muốn làm công việc ấy một cách riêng lẻ. Điều đó nói lên rằng Thiên Chúa muốn con người cùng cộng tác với Ngài, đồng thời cũng cho chúng ta thấy vai trò và nhiệm vụ của chúng ta trong chương trình cứu độ của Ngài.
Một thanh niên nọ biết rằng qua Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức, anh đã được Thiên Chúa mời gọi loan báo Tin Mừng của Ngài cho hết mọi người. Anh cảm thấy e ngại và bất xứng về công việc ấy, vì anh nhận thấy mình học lực chẳng được bao nhiêu; công việc ấy vượt quá khả năng của anh.
Anh đắn đo suy nghĩ về công việc ấy một thời gian dài. Sau cùng, anh cũng nghĩ ra được một giải pháp cho vấn đề anh đang băn khoăn.
Mỗi tuần, anh dành ra một số tiền nhỏ, trích từ tiền lương, để mua những quyển sách đơn sơ viết về Chúa Giêsu và sứ điệp Tin Mừng. Sau đó, anh đem đặt những quyển sách nhỏ ấy tại các bệnh viện, nơi phòng mạch của các bác sĩ và ở những địa điểm thích hợp khác.
Một ngày nọ, chính tai anh đã được nghe một người tân tòng xác nhận: “Tôi đã trở về với Giáo Hội nhờ một quyển sách nhỏ tôi nhặt được trong phòng đợi của nhà ga xe lửa”.
Lời tâm sự của Chúa: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?” đã được chàng thanh niên nọ đáp lời. Còn chúng ta thì sao?

CN V TN/C: Bài đọc 1: (Is. 6:1-8). Bài đọc 2: (1 Cor. 15: 1-11). Tin Mừng: (Lc. 5: 1-11)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT