Thế Giới

Xe bus tông xe tải, 18 người chết

Saturday, 30/06/2018 - 10:22:22

Tổ chức Y Tế Thế Giới năm 2016 ước tính, có khoảng 260,000 người Trung Quốc thiệt mạng mỗi năm vì tai nạn đường bộ.

HỒ NAM – Ít nhất 18 người chết và 14 người bị thương sau vụ tai nạn giữa xe bus chở khách và xe tải xảy ra tối thứ Sáu ở miền trung Trung Quốc. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng gần 9 giờ tối, trên xa lộ thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Theo cảnh sát địa phương, chiếc xe bus chở khách đã đột ngột lao qua dải phân chia đường và tông thẳng vào xe tải ở chiều đối diện. 9 người trên xe bus và 1 người trên xe tải đã chết vào tối thứ Sáu. Đến sáng thứ Bảy, số người chết tăng lên 18 người. Những người bị thương đang được chữa trị tại 4 bệnh viện địa phương.
Chiếc xe bus chở khách gặp nạn thuộc quyền quản lý của một công ty ở tỉnh Hồ Nam. Hiện chưa rõ xe khách khởi hành từ đâu hay đang hướng tới khu vực nào. Nhà chức trách tỉnh Hồ Nam từng khuyến cáo với công ty này về những nguy cơ khi để tài xế lái xe trong tình trạng mệt mỏi. Hồi tháng 4, hãng này được yêu cầu phải thông tin với các tài xế về những nguy cơ của việc lái xe khi mệt mỏi.
Chạy xe tốc độ cao, qua đường thiếu quan sát, xe không được bảo trì, và tài xế mệt mỏi là những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn đường bộ ở Trung Quốc. Tổ chức Y Tế Thế Giới năm 2016 ước tính, có khoảng 260,000 người Trung Quốc thiệt mạng mỗi năm vì tai nạn đường bộ.

Người Ấn Độ biểu tình vụ bé 7 tuổi bị hiếp
NEW DELHI – Hàng trăm người Ấn Độ hôm thứ Bảy đã chận các con đường ở khu trung tâm, để biểu tình bày tỏ sự tức giận về vụ một bé gái 7 tuổi bị cưỡng hiếp. Những người biểu tình đã đòi tử hình 2 nghi can, những kẻ bị nghi đã cưỡng hiếp bé gái, sau đó cắt cổ nạn nhân. Sự việc xảy ra hôm thứ Ba ở thị trấn Mandsaur, thuộc bang Madhya Pradesh, cách thủ đô New Delhi khoảng 685 cây số về phía tây nam. Cô bé bị bắt cóc khi đang đứng ở trường học chờ cha mẹ đến đón. Nạn nhân đã được chữa trị ở bệnh viện và đang trong tình trạng ổn định.
Tội ác nhắm vào phụ nữ tại Ấn Độ vẫn tiếp tục gia tăng bất chấp chính phủ đã ban hành thêm nhiều luật lệ nghiêm khắc. Ấn Độ đã chứng kiến nhiều vụ tấn công tình dục nghiêm trọng kể từ năm 2012, khi một nữ sinh viên bị cưỡng hiếp tập thể và bị sát hại trên một chiếc xe bus ở New Delhi. Trước sự tức giận của công chúng, chính phủ Ấn Độ đã ban hành một loạt các đạo luật để trừng phạt tội phạm cưỡng hiếp, bao gồm án tù 20 năm đối với tội cưỡng hiếp một người trưởng thành, và án tử hình cho những kẻ cưỡng hiếp trẻ em dưới 12 tuổi.

Nga tố Anh hủy bằng chứng vụ đầu độc cựu điệp viên
MOSCOW – Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, chính phủ Anh "thao túng lộ liễu" cơ quan giám sát vũ khí hóa học, bằng cách dàn xếp thay đổi quy tắc cho phép xác định ai là người phải chịu trách nhiệm vụ tấn công. Ông Lavrov mô tả vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia là "tội ác rất tồi tệ," nhưng trong sự việc vẫn còn nhiều mâu thuẫn phức tạp.
"Anh gần đây cho biết hiện trường đang được khử độc. Cha con cựu điệp viên Skripal đã hồi phục, cựu cảnh sát bị tiếp xúc chất độc cũng hồi phục. Nhưng bây giờ họ lại muốn san phẳng ngôi nhà của Skripal,” ông Lavrov nói. "Toàn bộ những điều này giống như tiêu hủy bằng chứng. Băng ghế ở công viên nơi cha con Skripal được tìm thấy đã bị dỡ bỏ ngay lập tức. Mọi thứ đều rất kỳ lạ.” Khi được hỏi liệu có phải ông đang cáo buộc Anh che đậy sự việc, ông Lavrov trả lời: "Tôi không loại trừ điều này bởi họ không cung cấp thông tin cho chúng tôi.”
Đầu tháng này, Tổng Thống Nga Vladimir Putin nói rằng, Moscow muốn được tiếp cận con gái cựu điện viên Skripal và muốn tham gia điều tra. Ông Putin đồng thời cho rằng, nếu hai cha con Skripal thực sự bị đầu độc bằng một chất độc thần kinh cấp độ quân sự như phía Anh khẳng định, họ đã chết "trong một vài phút hoặc vài giây.” Cô Yulia Skripal, 33 tuổi, trải qua 20 ngày hôn mê trước khi xuất viện hồi tháng 4 và đã được đưa tới nơi an toàn.

Thành phố Barcelona tiếp nhận thuyền chở di dân
BARCELONA – Chính phủ Tây Ban Nha hôm thứ Bảy thông báo thành phố Barcelona sẽ là cảng đến cho một chiếc thuyền cứu nạn, đang chở 60 di dân đến từ Libya, sau khi chiếc thuyền này bị từ chối bởi Ý và Malta. Phát ngôn viên của văn phòng thủ tướng Tây Ban Nha cho biết, thuyền cứu nạn Open Arms - cắm cờ Tây Ban Nha và được điều hành bởi tổ chức nhân đạo Proactiva Open Arms, có trụ sở ở Barcelona – được quyền cập cảng tại thành phố miền đông này. Phát ngôn viên cho biết, chiếc thuyền có lẽ sẽ mất 4 ngày để về đến Barcelona.
Chính phủ Xã Hội Chủ Nghĩa của Thủ Tướng Pedro Sanchez đang kêu gọi các nước châu Âu khác đối xử với các di dân được cứu một cách tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Tây Ban Nha đã vượt qua Ý về số lượng di dân được thu nhận trong năm nay, cả những người đến bằng đường bộ và đường biển. Thành phố Valencia của Tây Ban Nha vào đầu tháng này cũng đã nhận 630 di dân từ một thuyền cứu nạn. Trong khi đó, Bộ Trưởng Nội Vụ Matteo Salvini của Ý, người đứng đầu một đảng có lập trường chống di dân, đã thề rằng sẽ không có chiếc thuyền nhân đạo chở di dân nào được phép nhập cảng tại Ý.


Iraq tử hình 13 tù nhân ISIS trả thù vụ sát hại con tin
BAGHDAD - Bộ Tư Pháp Iraq hôm thứ Sáu cho biết đã hành hình 13 phiến quân Nhà Nước Hồi Giáo ISIS tại một nhà tù ở miền nam, vì "tham gia các hoạt động tấn công cùng các nhóm khủng bố, bao gồm bắt cóc, đánh bom và giết hại dân thường.” Vụ hành quyết diễn ra sau khi Thủ Tướng Haider al-Abadi ra lệnh "trừng phạt ngay lập tức" hàng trăm phiến quân bị kết án tử, để đáp trả vụ ISIS bắt cóc và sát hại 8 nhân viên an ninh của nước này. Bộ Tư Pháp cho biết, một nhóm 64 tù nhân khác cũng có thể bị hành hình sau khi kháng cáo thất bại.
Bộ này đã công bố một số bức ảnh, cho thấy một nhóm tù nhân bị bịt mắt và còng tay ngồi trên sàn trước khi bị hành quyết, trong khi 1 bức ảnh khác cho thấy nhiều tù nhân bị treo cổ tại nhà tù ở Nasiriyah.
ISIS trước đó đã bắt cóc 8 nhân viên thuộc cơ quan an ninh chính phủ, để gây áp lực đòi Baghdad thả các phụ nữ dòng Hồi giáo Sunni đang bị giam trong các nhà tù. Yêu cầu này không được chính phủ Iraq đáp ứng. Thi thể 8 con tin sau đó được tìm thấy dọc xa lộ phía bắc thủ đô Baghdad. Sau sự việc, Thủ Tướng al-Abadi đã phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt, vì thất bại trong việc phản ứng với nhóm phiến quân.
Hơn 300 người, gồm khoảng 100 phụ nữ nước ngoài, đã bị kết án tử hình và hàng trăm người bị kết án chung thân ở Iraq vì là thành viên của ISIS. Iraq nhiều lần bị chỉ trích về số lượng lớn các bản án tử hình được đưa ra bởi các tòa án chống khủng bố. Năm 2017, nước này đã treo cổ ít nhất 11 tù nhân. Tổ chức Giám Sát Nhân Quyền cho rằng, vụ hành hình mới nhất là "trả thù, không phải công lý.” Iraq tuyên bố đánh bại ISIS vào tháng 12 năm ngoái, nhưng tổ chức này vẫn còn hoạt động ở các vùng xa xôi, nơi chính quyền khó kiểm soát.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT