Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Ballet Việt Nam “Vết Lăn Trầm”

Friday, 14/10/2011 - 08:21:13

Tối Chủ Nhật, ngày 9-10-2011 tuần qua, tại Hý Viện Rose Center, thành phố Westminster, là suất diễn thứ ba của vở ballet hiện đại “Vết Lăn Trầm” (Quiet Imprint)...

Băng Huyền/Viễn Đông


Các vũ công và Thắng Đào (áo khoác đen, giữa) chụp hình chung với những người ái mộ -
ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông.

Tối Chủ Nhật, ngày 9-10-2011 tuần qua, tại Hý Viện Rose Center, thành phố Westminster, là suất diễn thứ ba của vở ballet hiện đại “Vết Lăn Trầm” (Quiet Imprint), do Thắng Đào biên đạo múa, với tiếng hát Khánh Ly chuyên chở 10 ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với phần đệm đàn piano của Bill Wolfe, guitar của Samuel Wolfe, bass của Jeff Crozier, và trống của Ross Roenigk, do đoàn vũ Ballet Austin II (Texas) và Thang Dao Dance Company thực hiện, đã kết thúc chuyến biểu diễn lần đầu tiên của đoàn tại Little Saigon, Nam California, thủ đô người Việt tị nạn. Âm nhạc Trịnh với giọng ca Khánh Ly kết hợp với những động tác uyển chuyển, điêu luyện của hình thể, của nghệ thuật ballet, do Thắng Đào dàn dựng. Dẫu vẫn phảng phất những đường nét kinh điển của ballet Tây Phương, nhưng hồn Việt đã được thể hiện khá rõ nét. Và để lột tả vẻ đẹp của nghệ thuật tạo hình giàu cảm xúc trong ngôn ngữ ballet Việt Nam, trang phục các diễn viên đã được chăm chút bằng những chiếc áo bà ba, quần lãnh, nón lá, áo dài Việt Nam với phần tà được “làm mới” như chiếc váy, thật dễ dàng cho những cú nhảy nâng người của ballet. Vở diễn đã để lại nhiều cảm xúc đẹp trong lòng người xem và đôi điều suy ngẫm.

* Vở ballet “Vết Lăn Trầm” chỉ là 10 vũ khúc ballet?


Thắng Đào không phải là biên đạo gốc Việt duy nhất và đầu tiên kết hợp đông và tây trong kịch múa ballet. Trước Thắng Đào, cách đây vài năm, đã có những nghệ sĩ như diễn viên-biên đạo múa Lê Ngọc Văn (thuộc Đoàn Ballet Quốc Gia Anh), diễn viên- biên đạo múa Phạm Minh (quản lý và huấn luyện của Đoàn Ballet du Capitole, ở thành phố Toulouse của Pháp) hay biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh, cũng đã viết và dàn dựng những vở ballet mang âm hưởng Việt Nam trên nền nhạc giao hưởng.


Một nữ vũ công trình diễn trong vở ballet “Vết Lăn Trầm” -
ảnh: Thang Dao Dance Company cung cấp.

Nhưng Thắng Đào lại là biên đạo đầu tiên đã gắn kết ballet với 10 ca khúc của âm nhạc Trịnh, qua mạch cảm xúc là tiếng hát Khánh Ly.
Vẻ đẹp của 10 vũ khúc trong “Vết Lăn Trầm” là cái đẹp của những động tác di chuyển, với tư thế và những sự quyết đoán không ngờ làm nên ý nghĩa của toàn bộ vũ khúc trên nền nhạc Trịnh. Phong cách sống động mà Thắng Đào tạo ra thấm đẫm trong nghệ thuật chuyển động, như ý nghĩa của sự gắn kết toàn vẹn giữa âm nhạc và vũ điệu. Với anh, tạo hình múa trong “Vết Lăn Trầm” không phải chỉ là thỏa mãn cái "nhìn" mà còn là sự trao đổi, hóa giải mọi phiền muộn trong cuộc sống qua hình tượng giàu chất thơ như nhạc Trịnh…
Tuy nhiên, chính vì dựa trên nền nhạc là 10 ca khúc độc lập, nên vở diễn đã thiếu sự tiếp nối liền mạch của vũ khúc này sang vũ khúc khác, chúng đã tạo nên những phân cách, và những động tác dừng bất chợt sau mỗi bản nhạc, ngưng lơi thời gian sau những màn vỗ tay của khán giả.

* Sự kết hợp âm nhạc cùng nỗi đau chiến tranh, thân phận Việt Nam trong 10 vũ khúc của “Vết Lăn Trầm”

36 năm qua, chiến tranh đã kết thúc trên quê hương Việt Nam, nhưng nỗi đau mà cuộc chiến để lại vẫn chưa lùi sâu vào quá khứ.
Những hình ảnh bi thảm của cuộc chiến tranh Việt Nam ngày nào, qua những thước phim tài liệu trên nền nhạc ca khúc “Vết Lăn Trầm” [được Thắng Đào chọn làm chủ đề của chương trình, dù bài này không nằm trong 10 ca khúc làm nền cho 10 vũ khúc ballet] dùng để mở đầu cho vở diễn, đã ngay lập tức tạo được nhiều xúc cảm cho người xem. Bởi vai trò lịch sử của chúng vẫn chưa chấm dứt. Vì người ta vẫn chưa thể quên đi.
Vẫn còn đó những vết tích của cuộc chiến, như một ký ức đớn đau, nhức nhối. Mà đau đớn là thứ tàn phá mãi mãi thân thể và trí óc của người Việt Nam, của những ai phải trải qua những tháng năm trong cuộc “nội chiến” trước 1975 trên quê hương.
Thắng Đào, một người thuộc thế hệ 1,5 của người Việt tị nạn, đến Mỹ khi mới tròn 3 tuổi. Ký ức về chiến tranh, về Việt Nam trong anh chính là những lời kể của mẹ cha, sách vở, truyền hình, và các nguồn thông tin khác nhau. Trong anh chỉ có âm hưởng của ký ức.
Và ký ức Việt Nam vọng lại trong anh còn là tiếng hát tuyệt đẹp, sâu thẳm của Khánh Ly. Năm 2005, qua một mối duyên tình cờ, Thắng Đào mua một dĩa nhạc với tiếng hát Khánh Ly trình bày những Ca Khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn. Khởi đầu từ đó là hành trình tìm kiếm câu trả lời cho một câu hỏi, tại sao anh và rất nhiều người Việt khác, phải cắt rời khỏi cội rễ quê hương, phải tan tác khắp nơi? Nghe Trịnh Công Sơn-Khánh Ly, một cách vô thức, anh đã tiếp nhận những hồi vọng từ ngày xưa, của sinh tử tàn khốc trong chiến tranh, của tương phùng, biệt ly, của khát vọng hòa bình...
Ca từ mộc mạc nhưng đậm chất thơ, giai điệu nhẹ nhàng, tiết tấu chậm là chủ đạo của dòng nhạc Trịnh Công Sơn, và giọng hát, cách hát của Khánh Ly, hoàn toàn hòa quyện với những ca khúc. Vừa đủ gợi cảm, vừa đủ buồn. Mà vẫn không ủy mị. Như một sợi dây vô hình đã đưa Thắng Đào về với những sâu lắng, thâm trầm, vào trong một tâm trạng chung, một số phận chung của những con người Việt Nam đã từng là nạn nhân của chiến tranh, loạn lạc. Họ phải vẫy vùng trong một cảnh sống đầy máu xương, mất mát, tang tóc của cuộc chiến tranh Nam-Bắc. Nhưng hai bên đều cùng có chung dòng máu đỏ, da vàng, đều là những đứa con của mẹ Việt Nam. Cuộc chiến ấy là thời kỳ mở đầu và bi kịch của cả một dân tộc.
Từng bài, từng bài, thấm một nỗi buồn nhân thế, len lỏi vào tâm hồn người xem qua từng vũ khúc nhiều sáng tạo của Thắng Đào. Mười ca khúc theo thứ tự, bắt đầu với “Hãy sống giùm tôi”, tiếp đến “Phôi pha”, là “Người con gái Việt Nam da vàng”, “Ru ta ngậm ngùi”, “Đại bác ru đêm”, “Ngủ đi con”, “Ngày dài trên quê hương”, “Cho một người nằm xuống”, “Người về bỗng nhớ”, kết thúc với “Biển nhớ”.
Câu chuyện trong “Vết Lăn Trầm” của Thắng Đào bằng ngôn ngữ múa đã không liền mạch xuyên suốt, mà nó chỉ là những cảm nhận vỡ vụn, đứt, nối của chính anh về chiến tranh Việt Nam, về thân phận người dân Việt Nam. Anh không thể kể lại được liền mạch câu chuyện lịch sử của một giai đoạn đau thương ấy, phải chăng vì ký ức chiến tranh, ký ức về quê hương trong anh chỉ là những mảnh ký ức ảo? Bởi chính anh đã may mắn không dự phần trong nó?
Lời ca của Khánh Ly đã đưa người nghe trở về một thời quá khứ chưa xa lắm, về giữa lòng đô thị miền Nam những năm 60-70, với tiếng đại bác đêm đêm vọng về, với những hoang mang, tuyệt vọng, những khát khao, hy vọng của cả một dân tộc.
Sáu vũ công nữ, là đại diện cho hình tượng người phụ nữ mong manh, yếu đuối, người mẹ Việt Nam, phải chịu đựng những hậu quả của chiến tranh, khóc những cái chết của con cái họ. Những bước chân mềm mại, những cánh tay uyển chuyển theo dòng nhạc êm đềm của các nữ vũ công, biểu trưng cho người mẹ trong tạo hình của Thắng Đào đã diễn tả được hình ảnh chờ đợi một cách thụ động sự chấm dứt chiến tranh, sự buồn bã, đau đớn vì thân thể bị cắt chia, thịt xương tan nát, đàn con thơ đêm đêm giật mình vì tiếng bom, tiếng đạn.
Sáu vũ công nam, biểu tượng cho những người trai, những đứa con Việt Nam với ngôn ngữ múa khi mạnh mẽ, lúc buông lơi, khi dồn dập, đã thể hiện được những ý niệm của sự bó chặt lại, bóp nghẹt tinh thần thể chất con người, trong sự căng thẳng tột độ đối diện với sự khốc liệt của chiến tranh, và chìm sâu trong khắc dừng của sân khấu, của lời ca, với nỗi buồn mênh mang, khi phiêu diêu như mây khói, khi cuồn cuộn như nước nguồn.
Nó như nhịp đạn pháo, nhịp chân chạy loạn, gợi lên hình ảnh về cuộc chiến tranh, làm bao thanh niên sinh ra sau thời chiến có thể tưởng tượng khung cảnh chiến tranh một thời. Những biến động của chiến tranh trong lời hát “Đại bác ru đêm” minh họa thêm cho tạo hình của người phu quét đường dừng chổi lắng nghe, để thấy rằng chết chóc, tàn phá là tiếng nói của chiến tranh.
Tạo hình vòng tay ru con trong “Ngủ đi con” qua hình ảnh những nữ vũ công trong hình tượng những bà mẹ Việt Nam, đã ôm trọn những chàng trai - họ là những người con, người chồng vốn mạnh mẽ thế, nhưng bỗng trở nên yếu đuối cần chở che, trong vòng tay mềm yếu của mẹ, của vợ… trong
“Ngủ đi con”. Khánh Ly hát nghe đơn giản, mộc mạc, không bi lụy mà vẫn nao lòng người nghe, người xem.
Và những cảm xúc mong manh, mơ hồ, trong cái thế giới kỳ ảo của tình yêu, với những nét lả lướt trong từng bước nhảy, xoay, thật lung linh, huyền ảo, đẹp trong dang dở và tan vỡ.
Hình ảnh người yêu chết trận, trong “Cho một người nằm xuống”, những hình ảnh chết chóc được gợi lên một cách lạnh lùng, để lên án chiến tranh, ca ngợi và bảo vệ tình yêu. Con người, dù trong tình huống nào, cũng vẫn thổn thức với chuyện tình yêu, vì yêu đương mới thật sự là chuyện của họ.

* Đôi điều chưa hoàn hảo

Cái đẹp của ballet là sự hoàn mỹ do kết quả của tài năng và sự khổ luyện không ngừng của các diễn viên để người xem không tài nào bắt được một động tác sai, một lỗi thể hiện và ở các màn múa nhóm thì phải có sự đồng đều tuyệt đối. Nhưng ở “Vết Lăn Trầm”, ít nhất là với đêm diễn cuối cùng mà người viết được dự phần thưởng thức, có đôi lúc vài diễn viên đã chuệch choạc với những động tác nhảy nâng người khi đáp xuống, không đạt được sự nhẹ nhàng phải có.
Và giọng ca của Khánh Ly, đã nổi tiếng bởi một giọng hát có thể xuống rất thấp, rất trầm, mà cũng có thể lên rất cao, một giọng hát khoẻ, dài hơi, giàu nhạc tính. Nay cô đã có tuổi, hơi thở ngắn hơn là chuyện bình thường, nhưng âm sắc giọng hát lại giàu hơn, đầy đặn hơn. Tuy nhiên, có đôi chỗ Khánh Ly đã ngân, láy hơi thiếu sự hoàn mỹ như trước nay cô đã từng thể hiện. Có lẽ vì trước đó, cũng trong ngày Chủ Nhật, lúc 4 giờ chiều, cô cùng các diễn viên đã cống hiến vở diễn lần thứ nhì. Phải chăng, hai suất diễn quá cận kề, phải ca liên tục 10 ca khúc, đã tốn hao năng lượng của người nghệ sĩ?
Dẫu sao, những điểm kể trên vẫn không thể xóa nhòa được cảm xúc trong khán giả khi đến thưởng thức. Thời gian dường như cô đặc lại với nhiều cảm nhận chen chúc nhau.
Chắc chắn Thắng Đào chưa dừng lại, vì anh đã chia sẻ, anh sẽ tiếp tục dựng những vở ballet, và anh sẽ không giới hạn nguồn cảm hứng từ văn hóa và âm nhạc Việt Nam. Mong sao lần trở về sau của anh với văn hóa Việt Nam qua vở vũ kịch mới, sẽ mang theo nhiều bí mật bất ngờ, êm dịu hơn...

* Vài nét về Thắng Đào

Nhà biên đạo múa Thắng Đào sinh ra tại Đà Nẵng và hiện sống ở New York City. Anh học ballet tại hai nhạc viện nổi tiếng thế giới, Juilliard School và Boston Conservatory. Anh có bằng cử nhân về vũ tại Boston Conservatory và bằng cao học về vũ từ đại học New York University.
Thắng Đào trình diễn cho Stephen Petronio Company từ năm 2001 đến 2006 và làm việc cho Metropolitan Opera và Little Orchestra Society. Anh cũng là phụ tá biên đạo múa cho vở “The King and I” do Starlight Theater sản xuất, Susan Kikuchi đạo diễn. Thắng Đào đã từng có tác phẩm biên đạo múa được trình diễn ở Boston, Houston, Kansas City, Los Angeles, New York City, và Austin. Năm 2006, màn vũ ballet “Stepping Ground” trình diễn tại Ballet Austin, đoạt giải Khán Giả Bình Chọn trong suốt 4 buổi liền. Thắng Đào đoạt giải Princess Grace Choreography Fellowship năm 2008 và Special Project Grant cho vở vũ “Vết Lăn Trầm”, dựng cho Ballet Austin II. - (BH)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT