Bình Luận

Chưa già, đã lẫn

Wednesday, 07/09/2016 - 10:45:52

Tấn công hòa bình là một hình thức chiến tranh -việc tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã làm hôm thứ Hai mùng 5 tháng Chín bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 diễn ra tại Hàng Châu- và cũng đã thất bại.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Cái tựa 4 chữ 'Chưa Già, Đã Lẫn' mô tả tâm trạng lẩm cẩm của tổng thống Barack Obama; thời điểm lẩm cẩm của ông là hôm mùng 6 tháng Chín 2016, địa điểm là nước Lào.

Trong 2 vế 'chưa già' và 'đã lẫn' của cái tựa, vế thứ nhất không cần giải thích, vì Obama mới 55 tuổi -cái tuổi mà 2 'dị' đại nhân Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ mới ngã ngựa, bỏ ghế, bò sang Mỹ mua bút chì mỡ về nhà lui cui vẽ chân mày cho Triệu Minh.

Ông Obama còn trẻ lắm; ông chỉ mới già đi đôi chút, sau những thất bại trong nỗ lực tại Hàng Châu để thuyết phục 2 ông trùm đỏ Tập Cận Bình và Vladimir V. Putin là nhân loại cần hòa bình, là chiến tranh đã giết quá nhiều người tại Syria và sắp giết rất nhiều người nữa tại Á Châu; thất bại nên Obama mới chợt nhận ra là ông cà lăm, ấp a, ấp úng, chứ không hùng biện như dư luận vẫn khen tặng ông.
Nhưng ông vẫn cứ nói, nói thao thao bất tận, nói gân cổ, nói nổ môi suốt 90 phút bên lề cuộc hội nghị thượng đỉnh Nhị Thập Cường Quốc Kinh Tế, mà mặt ông Trùm Nga Putin vẫn cứ lạnh như mùa Đông Siberia, môi cũng chỉ máy móc lập đi, lập lại chữ 'het'.

Obama đến thăm COPE, và gặp hai nữ công nhân trong đơn vị 'tìm và phá bom thúi'

Chữ 'hét' không phải là tiếng Việt, do vậy nên 'hét' không có nghĩa là quát, hay là hò hét; chữ 'het' này không có dấu sắc, và là tiếng Nga -có nghĩa là 'nô'. Putin nói nô, nô, và nô hòa bình, nô ngưng bắn.
Thất bại tại Hàng Châu, Obama lủi thủi leo lên Air Force One bằng cổng sau (như ông đã xuống phi trường Hàng Châu bằng cổng sau, vì Tập Cận Bình không cho đẩy thang cao đến bên Air Force One cho ông xuống bằng cửa trước), bay một mạch sang Lào để nói chuyện múa Lèo với một cử tọa 1,075 người, trong đó có 1001 ông sư mặc áo vàng.

Ông nói với người Lào về những cuộc oanh tạc đường mòn Hồ Chí Minh ngày mùng 4 tháng Tám 1961 -ngày ông chào đời tại Hawaii- và những trăm ngày trước đó, những ngàn ngày kế tiếp.
Obama nói ông nhận lãnh cái 'trách nhiệm' tinh thần về 80 triệu trái bom do máy bay Mỹ thả xuống Hạ Lào nhưng chưa nổ. Câu ông 'nổ' khiến ký giả Daniel Malloy đang hiện diện tại Luang Prabang (một tỉnh của Lào) bật cười rồi viết là ông sắp bị 2 hãng sản xuất bom BAE Systems và Boeing kiện về tội mạ lỵ nghề làm bom của họ.

Malloy còn đùa bỡn làm toán chia 80 triệu trái bom chưa nổ cho 7 triệu dân Lào, để có con số thành là mỗi người 'ăn' 11 trái rưỡi.

Tối thiểu 80 người đang được điều trị ... vì trúng bom hóa học


“Những rơi rớt của chiến tranh vẫn tiếp tục tàn phá cuộc sống tại Lào,” tổng thống Obama nói; “Chúng ta tiếp tục đối diện với những quả bom quá khứ, trong lúc cộng tác với nhau để xây dựng tương lai.”
Quý vị chân tu Lào mặc đồng phục vàng, vỗ tay tán thưởng, các cô, cậu sinh viên Lào đưa cellphones lên bấm lia lịa, chụp hình tổng thống Mỹ, trong lúc Obama bảo họ là Lào 'ăn' nhiều bom hơn tổng số bom quân đội Mỹ trút xuống cả Nhật lẫn Đức trong Thế Chiến Thứ Nhì.

Vị tổng thống đã từng được giải Nobel Hòa Bình bảo cử tọa là Hoa Kỳ sẽ nhân đôi ngân khoản đang giúp Lào tìm và phá những quả bom thả xuống Hạ Lào nửa thế kỷ trước mà vẫn chưa nổ; viện trợ mới của Hoa Kỳ cho sở tìm bom thúi của Lào là $90 triệu cho 3 năm sắp tới; hôm sau, thứ Tư 9/7/2016, ông đến thăm một đơn vị tìm bom thúi và COPE - Cooperative Orthotic and Prosthetic Enterprise- Trung Tâm Chỉnh Hình và Làm Tay Chân Giả

Ông nói, "Tại Lào, chúng ta nhìn thấy những nạn nhân của bom đạn trút xuống đất Lào nửa thế kỷ trước; họ nhắc nhở chúng ta cái giá khiếp đảm mà chúng ta phải trả cho chiến tranh.

Việc ông Obama làm ở Lào nêu lên câu hỏi là ông có cần phải đi lui lại nửa thế kỷ để tìm cái 'trách nhiệm' tinh thần về 80 triệu trái bom bi do máy bay Mỹ thả xuống Hạ Lào từ những ngày ông chưa chào đời hay ông có thể tìm gần hơn nữa? Tìm ngay trong cuộc chiến tranh ông góp phần gây ra: chiến tranh Syria.

Tin tức ngày thứ Ba 9/6/2016 báo động việc trực thăng của chính phủ Syria thả bom hóa học xuống thành phố Aleppo, nơi vẫn còn 600,000 người Syrians sinh sống. Tối thiểu 80 người đang khó thở và được chữa trị bằng cách cho hít dưỡng khí.

Trong một bài báo trước -bài 'Thư Ngỏ của Một Người Lính Gửi Tổng Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ'- tôi đề nghị tổng thống Obama mở một cuộc tấn công nhân đạo để làm giảm bớt chết chóc, thương tật, mà nạn nhân là thường dân Syria.

Bom Mỹ, bom Nga ném vào thành phố Aleppo để giết quân IS, nhưng bên trong thành phố này vẫn còn rất nhiều thường dân không có điều kiện đi tị nạn chiến tranh. Không ngày nào không có vài chục thường dân -trong số đó có rất nhiều trẻ em- chết vì bom đạn. Giết thường dân không phải là những quả bom lầm, những viên đạn lạc, mà là những quả bom nhắm chính xác vào nhà họ để thả xuống.
Chiến tranh được thực hiện theo quan niệm: sứ mệnh của quân Nga, quân Mỹ là giết quân Hồi Giáo khủng bố; bảo vệ tính mệnh của thường dân Syria là sứ mệnh của người khác.

Tôi viết thư ngỏ xin tổng thống Obama làm việc bảo vệ thường dân.
Bom không thả lầm, đạn không bắn lạc, bom đạn nhắm vào khu gia cư dân sự, vì quân IS lẩn trốn trong đó

Tôi đặc biệt giới thiệu với ông một đứa bé 3 tuổi, không ai biết tên, mà truyền thông Mỹ gọi là the Dying Syrian Boy -thằng bé gần chết người Syrian; trước phút tắt thở nó nói, “I will complain about you to God; I will tell Him everything!” (tôi sẽ mách Thượng Đế về những việc các ông làm; mách hết mọi chuyện.) Cậu chuyện thằng bé sắp chết người Syrian được post lên mạng ngày 23 tháng Tư 2015.
Sau khi kể chuyện thằng bé sắp chết, tôi hỏi ông Obama, “tổng thống có nghĩ là trong danh sách những người giết nó mà nó đem mách với Thượng Đế, có tên ông không?

Cũng trong thư ngỏ, tôi còn kể chuyện của nhiều thằng bé khác -như thằng thằng bé sắp chết người Syria;, tôi kể sang chuyện thằng Aylan, con ông Shenu, chết mà không kịp nói một tiếng nào cả. Ông bố khốn khổ kể lại, “Một tay tôi nắm tay vợ, tay kia ôm 2 đứa con; tôi cố bám víu vào cái xuồng cao su chở chúng tôi đi tị nạn, nhưng xuồng bị xì hơi, không nổi trên mặt biển nữa. Giữa đêm tối, tôi không nhìn thấy gì cả chỉ nghe tiếng kêu khóc của nhiều người đồng cảnh ngộ, đồng chìm xuồng với mình. Sóng mạnh, tôi tuột tay, mất cả vợ lẫn con."

Hai ngày hôm sau biển đem xác bé Aylan trả lại cho ông Shenu. Một người Syrian tị nạn khác hỏi ông muốn xin đi Pháp hay đi Đức. Ông trả lời, “tôi trở về Syria.”
Vợ chết, con chết, ông không còn nhu cầu tị nạn nữa.

Một đứa bé Syrian nữa, 5 tuổi -bé Omran Daqneesh- đang làm thế giới mủi lòng; truyền thông đặt cho nó cái tên the Syrian 'boy in the ambulance' -thằng bé Syrian ngồi trong xe cứu thương, vì trong đoạn video ngắn nó ngồi đó, đưa tay chùi vết máu đã khô trên mắt trái; mắt bên phải vẫn mở, và vẫn chuyển đến mọi người cái nhìn nhiều trách móc.

Thằng bé bẩn thỉu, được móc từ đóng gạch vụn của một kiến trúc bị bom đánh sập, đang là hiện hình của trách móc đối với mọi người có trách nhiệm về cuộc chiến tranh Syria. Trong căn nhà sụp đổ, nhân viên cấp cứu còn tìm được 8 xác chết; trong 8 cái xác đó có bố, mẹ của bé Omran không?

Sau phần liệt kê những cảnh thê lương của cuộc chiến Syria, là lá thư ngỏ tôi viết:

Thưa tổng thống,
Tang tóc đã khiếp đảm hơn sức chịu đựng của con người, dù chỉ là người bàng quang như cô xướng ngôn viên Bolduan, hay như tôi. Tôi cũng đã khóc thương những đứa bé nạn nhân hoàn toàn vô tội, vô can, đang bị giết trong cuộc chiến tranh tàn bạo mà tổng thống dự phần tạo ra.
Tôi kính xin tổng thống điều chỉnh lại cuộc chiến đó
Trên bình diện tình người, tôi xin tổng thống phát động một chiến dịch nhân đạo -chiến dịch Con Nuôi Syrians- bắt đầu bằng việc gia đình ông xin bé Omran, hay một đứa bé Syrians khác về nuôi như con đẻ trong gia đình; với khoa hùng biện của ông, và với đặc tính toàn cầu của kỹ nghệ truyền thông, ông sẽ giải thích việc ông làm, và vận động hàng ngàn, hàng chục, hàng trăm ngàn gia đình trên khắp thế giới xin những đứa con nuôi như vậy.
Những ngàn, những chục, những trăm ngàn gia đình nhân đạo đó sẽ đứng ra sponsor cho gia đình những đứa bé con nuôi đến tị nạn trên quê hương họ; và thế giới sẽ chứng kiến một cuộc di cư diễn ra trong tình thương và trật tự.

Tôi đề nghị một cuộc tấn công nhân đạo, tổng thống Obama thực hiện một cuộc tấn công hòa bình. Tấn công hòa bình là việc làm của một bên -trong những bên đang tham chiến, nhằm bầy tỏ thiện chí, đề nghị ngưng bắn hay đình chiến để mọi người thấy nếu chiến tranh tàn bạo đang diễn ra vẫn cứ nối tiếp thì đó là trách nhiệm của phía bên kia.

Tấn công hòa bình là một hình thức chiến tranh -việc tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã làm hôm thứ Hai mùng 5 tháng Chín bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 diễn ra tại Hàng Châu- và cũng đã thất bại.

Hy vọng trong 2 tháng cuối cùng còn cầm quyền, tổng thống Obama thực hiện cuộc tấn công nhân đạo -nhận một đứa bé mồ côi Syrian làm con nuôi. Phát động được phong trào nuôi trẻ mồ côi Syrians, ông sẽ đặt được vấn đề 'nhân đạo trong chiến tranh' -kể cả trong mọi cuộc chiến tranh sau này.
Nguyễn đạt Thịnh

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT