Mẹo Vặt

Có nên dùng Microwave?

Vũ Hằng/Viễn Đông Tuesday, 15/05/2012 - 09:43:57

Chúng ta có thể sử dụng nút nhiệt độ có sẵn để gia giảm thời gian. Nếu máy không có nút nhiệt độ, bạn nên mua một dụng cụ gọi là Food Thermometer để đo nhiệt độ thực phẩm.

Vũ Hằng/Viễn Đông
Microwave, hoặc lò vi ba, là một dụng cụ nhà bếp rất tiện dụng, có mặt gần như trong tất cả các gia đình người Mỹ. Có dư luận cho rằng chính phủ nước Nga đã cấm người dân nước họ sử dụng Microwave từ mấy chục năm nay vì cho rằng nó làm thực phẩm nhiễm độc. Trong khi đó, FDA (Food and Drug Administration), cơ quan chuyên theo dõi an toàn thực phẩm trên đất Hoa Kỳ thì chưa có một lời khuyến cáo nào về chuyện đó. Vậy bạn có tính di dân sang Nga để ở với ông Putin không? Nếu không, xin bạn để ý một vài điều căn bản sau đây để có thể yên tâm ở lại với ông Obama nhé!

Nguyên tắc Microwave
Microwave hoạt động nhờ vào các làn sóng vi ba xuất phát từ vách lò, xuyên qua chén đĩa và xâm nhập vào bên trong thực phẩm để hâm nóng nó lên. Điều đặc biệt là lò vi ba chỉ làm nóng thực phẩm mà không làm nóng chén đĩa, bởi vì sóng vi ba chỉ tác dụng với phân tử chất lỏng bên trong thực phẩm, làm rã chúng ra, rồi cho chúng cọ sát mạnh vào nhau để tạo ra nhiệt lượng. Chén đĩa sờ vào thấy nóng là do nhiệt lượng từ bên trong thực phẩm thấm qua, chứ hoàn toàn không chịu tác dụng gì từ những làn sóng vi ba cả.
Với sức nóng lên đến vài trăm độ chỉ trong vòng vài phút, thực phẩm trong lò vi ba chín rất nhanh, nhanh hơn nhiều so với các phương tiện nấu nướng khác. Microwave chỉ cần vài phút là nấu chín một món ăn mà bếp nấu bình thường cần tới 15- 20 phút, hoặc chỉ cần vài giây là hâm nóng một đĩa thực phẩm lẽ ra phải cần tới vài phút trên bếp thường. Chính vì vậy, với Microwave chúng ta có thể tiết kiệm được nhiều thời giờ và năng lượng. Cũng vì thời giờ tiếp xúc với hơi nóng giảm bớt mà chúng ta còn có thể giữ lại được nhiều Vitamin và dưỡng chất trong thực phẩm.

Trải mỏng
Tuy nhiên, do sóng vi ba xuất phát từ 4 vách lò, và chỉ có thể thâm nhập vào trong thực phẩm khoảng 1 inch rưỡi, nên để có được một đĩa thực phẩm chín đều, chúng ta cần trải mỏng thực phẩm ra trên một cái đĩa nông và thêm một chút nước nếu cần thiết. Bằng không thì bìa ngoài thực phẩm sẽ quá nóng mà bên trong vẫn còn lạnh. Những khu vực gọi là Cold Spot ấy, ăn đã không ngon mà lại có thể vẫn là sào huyệt của vi khuẩn. Như vậy, cái “độc hại” là ở chỗ dùng Microwave chưa tới, chứ không phải vì dùng Microwave, có thể người Nga đã hiểu lầm chăng?
Để tránh Cold Spots, khi luộc hoặc hâm nóng những tảng thịt dầy mà không cắt ra được hay không muốn cắt ra, cũng như khi hâm nóng một bát canh, bát súp lớn, chúng ta có thể làm như sau:
- Nếu đó là tảng thịt, bạn không nên để nhiệt độ ở mức High. Mà hãy vặn nút xuống Medium (trung bình) và tăng thời gian nấu để sức nóng có thể chuyển từ cạnh ngoài miếng thịt vào bên trong mà không làm cho tầng bên ngoài trở nên quá nóng.
- Nếu đó là bát canh, bát súp, hoặc chén đồ ăn đã nấu trước, chúng ta có thể cho ngưng lại nửa chừng, lấy thực phẩm ra đảo đều để tăng cường diện tích tiếp xúc với sóng vi ba.
Đối với những món ăn có chứa “kho tàng” bên trong, như gà vịt tiềm, khổ qua nhồi thịt… thì có nóng ruột cách mấy, bạn cũng nên để nhiệt độ thấp hoặc trung bình, và kéo dài thời gian nằm lò để thực phẩm có thể được nấu chín hoặc hâm nóng trọn vẹn từ ngoài vào trong.

Nhiệt độ
Tất cả thực phẩm vào lò vi ba phải đạt tối thiểu là 165 độ F thì mới bảo đảm an toàn chống lại các vi khuẩn độc hại thường có trong thực phẩm. Chúng ta có thể sử dụng nút nhiệt độ có sẵn để gia giảm thời gian. Nếu máy không có nút nhiệt độ, bạn nên mua một dụng cụ gọi là Food Thermometer để đo nhiệt độ thực phẩm.
Cần biết rằng, sau khi lò đã ngưng hoạt động, thì thực phẩm vẫn đang tiếp tục được hâm nóng, thời gian đó gọi là “thời gian đứng… đợi” (standing time). Thời gian đứng đợi lâu hay mau tùy thuộc thời gian thực phẩm nằm trong lò. Nhưng điều cần biết là sau khi nghe tiếng “tít, tít…” báo hiệu thực phẩm đã xong, bạn nên chờ thêm một vài giây nữa trước khi lấy đĩa thực phẩm ra khỏi lò.
Thực phẩm đông lạnh vừa được làm tan đá, cũng như những thực phẩm được nấu nửa chừng trong microwave, cần phải được đem nấu nướng ngay. Không thể lại cất vào tủ lạnh chờ đợi một lúc thuận tiện về sau được.
Nên dùng nắp hoặc giấy nhựa (plastic wrap) để đậy thực phẩm trong lò, nhưng nhớ phải có một khe hở để giải tỏa áp lực. Nếu dùng giấy nhựa thì đừng để giấy áp sát mặt thực phẩm, tránh tình trạng nhựa gặp hơi nóng có thể chảy ra, dính vào thực phẩm.

Không thể thiếu Microwave
Tóm lại Microwave là một dụng cụ rất có ích trong nhà bếp. Có điều là nếu bạn muốn xơi thực phẩm nóng giòn, thì microwave không thể đáp ứng. Nó cần có nước để từ đó tạo nhiệt, nên thực phẩm từ lò Microwave bao giờ cũng mềm mềm, làm như sũng nước. Nhưng Hằng biết có nhiều người không “ke” chuyện đó. Họ bảo: “Thiếu vợ thì OK, chứ không thiếu Microwave được!”. Đó là mấy ông độc thân hay đến chơi với ông cả đẫn nhà em, họ bảo chỉ cần cái Microwave để đun nước nóng ăn mì là đủ sống… Nói vậy thôi, nhưng ai mà tin được miệng mấy ổng?

Vuhang231@yahoo.com

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT