Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Cung Trầm Tưởng và một hành trình thơ 60 năm

Băng Huyền/Viễn Đông Monday, 16/07/2012 - 10:00:10

Bằng tài hoa với chữ nghĩa và cảm xúc của con tim, ông đã “đưa ngôn ngữ tân kỳ vào thơ lục bát” (nhận xét của tác giả Trần Văn Nam), tạo nên một “trường phái lục bát Cung Trầm Tưởng” (nhận xét của nhà thơ Du Tử Lê) và “Cổ dao Cung Trầm Tưởng” (nhà văn Thụy Khuê)…

Băng Huyền/Viễn Đông

Thưở ban đầu khi ông du học từ Pháp trở về Việt Nam cùng với không khí lãng mạn của phong trào thơ mới, lúc đó vẫn còn ảnh hưởng nhiều đến thanh niên trí thức Việt Nam, Cung Trầm Tưởng đã nổi bật ngay bởi bút danh rất lạ và những bài thơ lãng mạn, tình yêu đôi lứa như Mùa Thu Paris, Chưa Bao Giờ Buồn Thế (Tiễn Em), Khoác Kín (Chiều Đông), Bên Ni Bên Nớ… đăng trên tạp chí Sáng Tạo. Những bài này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, tạo thành một “cơn sốt” ngay từ lúc ra đời và đến nay vẫn được yêu thích. Với những câu thơ:

Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu
Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Người em gác trọ
Sang anh gót nhỏ thầm thì

(Trích bài: Mùa Thu Paris)

Tiễn em về xứ mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách

(Trích Chưa Bao Giờ Buồn Thế - ca khúc Tiễn Em)

Bằng tài hoa với chữ nghĩa và cảm xúc của con tim, ông đã “đưa ngôn ngữ tân kỳ vào thơ lục bát” (nhận xét của tác giả Trần Văn Nam), tạo nên một “trường phái lục bát Cung Trầm Tưởng” (nhận xét của nhà thơ Du Tử Lê) và “Cổ dao Cung Trầm Tưởng” (nhà văn Thụy Khuê)…
Buổi giới thiệu thi phẩm dày 640 trang mang tên “Cung Trầm Tưởng - một hành trình thơ (1948-2008)” do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, Virginia, Hoa Kỳ, in năm 2012, sẽ được tổ chức tại Viện Việt Học, số 15355 Brookhurst Street, Phòng 222, thành phố Westminster, vào lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy, 21-7-2012, do cơ sở phát hành Tủ Sách Tiếng Quê Hương Nam California và tác giả đồng tổ chức. Buổi ra mắt này có sự tham dự của chính tác giả Cung Trầm Tưởng, ông sẽ giải đáp những câu hỏi của độc giả liên quan đến việc ra đời từng bài thơ và hành trình thơ 60 năm của mình. Tham dự còn có một số nhà thơ, nhà văn như Du Tử Lê, Viên Linh… sẽ chia sẻ những nhận xét của họ về những thi phẩm tiêu biểu của Cung Trầm Tưởng.


Nhà thơ Cung Trầm Tưởng trong một buổi nói chuyện về thơ và ra mắt tập thơ tại Pohlad Hall, Minneapolis Central Library, Minnesota, trong năm 2012 - ảnh: Thịnh Quốc Nguyễn (gửi cho Viễn Đông)

Cung Trầm Tưởng và vài nét về hành trình thơ
Tên thật của Cung Trầm Tưởng là Cung Thức Cần, ông sinh năm 1932 tại Hà Nội.
Ông đã tốt nghiệp Kỹ Sư Trường Võ Bị Không Quân Pháp. Tốt nghiệp Cao Học Khí Tượng tại Saint Louis University, Missouri, Hoa Kỳ. Quản Trị An Ninh Quốc Gia Và Tài Nguyên Quốc Phòng Hoa Kỳ (hậu đại học). Cựu Trung Tá Không Quân, phục vụ tại BTLKQ, Sài Gòn. Đi tù cộng sản 10 năm (1975-1985), bị quản chế 3 năm (1985-1988). Định cư tại Minnesota, Hoa Kỳ cùng gia đình kể từ 1993.
“Cung Trầm Tưởng - một hành trình thơ (1948-2008)” bao gồm bảy thi tập: “Sóng Đầu Dòng – Tình Ca và Quá Độ” là những bài thơ tình được tác giả sáng tác từ năm 1948 đến năm 1975, còn lại thi tập “Lời Viết Hai Tay”, “Bài Ca Níu Quan Tài”, “Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định”, “Thi Bá – Con Tắc Kè và Bà Góa Phụ” là những bài thơ sáng tác trong thời gian mười năm tác giả đi tù “cải tạo” (1975-1985) và ba năm quản chế ở Sài Gòn (1985-1988), ghi lại những hình ảnh sống động đầy ắp nỗi đau ngục tù đầy thảm khốc của Việt Nam sau biến cố tháng 4-1975 mà ông là một chứng nhân. Hai Tập sau cùng “Mỗi Dặm Đường Một Nghìn Vần Thơ” và “Sáng Ký Về Người Tình Đầu” mang tính sáng tạo độc đáo về nội dung cũng như phong cách, được sáng tác sau khi tác giả định cư ở Hoa Kỳ năm 1993.
Ngoài những bài thơ, tập sách còn có những lời bạt, những bài viết về thơ của chính tác giả Cung Trầm Tưởng, bài phê bình của các tác giả như nhà văn Thụy Khuê, Nguyễn Ngọc Diễm, Võ Ý, Viên Linh, Lê Hữu Cương, Trần Văn Nam… và phụ bản in lại những bức tranh màu đẹp mắt.
Toàn tập là một công trình được chăm chút cẩn thận, tỉ mỉ của tác giả và ban biên tập Tủ Sách Tiếng Quê Hương. Tập thơ là những lời tình tự tâm hồn thâm trầm, là những thanh âm vang vọng của tiếng Việt thiết tha, tao nhã, được tác giả dày công sáng tạo và cố gắng góp phần làm đẹp giàu tiếng Việt như một sinh ngữ cần được khám phá bởi vẻ đẹp vô tận. Tập thơ là một hành trình liên tục và xuyên suốt 60 năm, ghi nhận những thăng trầm của đời người, của dân tộc và lịch sử. Nhưng xuyên suốt thơ ông điểm lung linh chính là tình yêu, nó có liên hệ nhân quả giữa “những chữ thơ gieo đầu đời và mùa gặt thơ mai sau”.
Kể lại cơ duyên về của “Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ (1948-2008)”, nhà thơ Cung Trầm Tưởng nói với người viết: “Cách nay khoảng chừng 10 năm, sau khi nghe tôi nói có ý định cho xuất bản toàn bộ thơ tôi sáng tác khoảng nửa thế kỷ, nhà văn Thụy Khuê nói với tôi rằng: Anh có bổn phận đối với dân tộc, nên phải làm điều này. Tôi thấy nhiệm vụ giao phó quá nặng nề. Vì tác phẩm của mình, có được dân tộc, thời gian và lịch sử đón nhận hay không lại là một chuyện khác. Câu nói của nhà thơ Tường Khuê luôn canh cánh bên lòng tôi khi tôi cố gắng để thực hiện. Với tôi, cuốn hành trình thơ Cung Trầm Tưởng 60 năm này như một báo cáo, rằng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó, và việc này đã được hoàn thành một cách khá dễ dàng”.
Vì theo nhà thơ Cung Trầm Tưởng, nếu không có sự giúp đỡ của nhiều người, kể cả những người bạn ông chưa biết, đã thu thập lại những bài thơ bên Việt Nam từng đăng rải rác trên các tạp chí trước đây, rồi gửi sang cho ông; kể cả những bài thơ đặc biệt nhất được ông làm trong tù, không có giấy bút, được lưu lại trong ký ức của ông, nhưng có những bài thơ ông đã quên, đã được những bạn tù lưu nhớ lại thuộc lòng; khi nghe ông sắp xuất bản tập thơ, họ đã viết lại và gửi cho ông. Đây chính là cơ duyên cho sự ra đời khá dễ dàng của tập thơ này.

Những nét sáng tạo trong thơ ca của dòng thơ Cung Trầm Tưởng
Trải lòng với cuộc đời, Cung Trầm Tưởng đã dẫn dắt người đọc đi vào những miền xa xôi, trầm lắng của ký ức, làm thức dậy những cảm xúc đa diện của con người. Nhưng hơn cả, đó là ân tình với cuộc sống và tấm lòng trải rộng trước cuộc đời, trước con người. Người đọc sẽ càng yêu thơ ông hơn, khi đọc những điều mà ông viết “Vì sao nhiều người Việt lưu vong thường hay làm thơ” đăng những trang cuối của tập sách. Bởi vì “làm thơ trong tình huống (lưu vong) này căn bản là để tái lập cho bản thân mình sự toàn vẹn tinh thần đã bị phá vỡ (vì mặc cảm lạ nước lạ cái của thân phận lưu vong), và cũng đồng thời là một phương thức về nguồn tuyệt diệu, vì với việc sử dụng ngôn ngữ thơ Việt Nam, ta có được một con đường về gần nhất với cái tinh hoa của tiếng Việt mà cũng là của hồn Việt Nam. Một trong những điều tôi sợ nhất, nếu mình lưu vong đằng đẳng đến thế hệ thứ 2, thứ 3, để mất ngữ tịch thì đó chính là thảm kịch ghê gớm nhất của đời sống lưu vong, nó sẽ gần như là đã bị diệt chủng. Vì vậy, phải làm sao duy trì được tiếng Việt một cách trong sáng ở hải ngoại, mà ngôn ngữ trong sáng đó là thơ”.
Nhắc lại thưở đầu bước vào thơ ca, ông nói: “Khi tôi đọc thơ Huy Cận lúc bấy giờ với thể thơ lục bát hay quá. Gây cho tôi ấn tượng rất mạnh, đậm đà. Nhưng nếu tôi làm thơ theo phong cách Huy Cận, thì tôi trở thành người nhai lại, lặp lại thôi. Tôi đã cố gắng cách tân cấu trúc bên trong lục bát, áp dụng bằng cách đổi mới không gian bên trong, đưa cái tôi vào, khác hẳn giọng sầu Huy Cận. Thơ tôi đem lại một cô đơn hiện sinh. Cô đơn của con người trong sự nhận thức lại chính mình. Còn thơ Huy Cận thời tiền chiến thì chỉ nói đến cái ta chung chung thôi. Nhưng sau Đệ Nhị Thế Chiến, con người mất mát nhiều rồi, rất cần phục hồi lại cái tôi nhân bản. Đây là cơ sở gọi là tư tưởng, là quan niệm mới, giải pháp mới, mà thể thơ lục bát của Việt Nam là thể thơ Việt Nam nhất. Bài Khoác Kín mang đậm màu sắc hiện sinh. Đó là sự lên ngôi của cái tôi trong thơ lục bát của Cung Trầm Tưởng, mà trong thơ Huy Cận không có điều này. Nói vậy, không có nghĩa là thơ Cung Trầm Tưởng hay hơn Huy Cận đâu, mà mỗi người một vẻ”.
Ông nói thêm: “Khi nói đến hành trình thơ, là nói đến những bước đi qua những thăng trầm của lịch sử. Tập thơ sẽ ra mắt này là một biên niên sử bằng thơ của tôi, qua đó ít nhiều nói đến hành trình của một nước Việt Nam chúng ta. Không có một thi phẩm nào tóm gọn hết tất thảy những điều trên, mà độc giả phải đọc lần lượt các thi tập mới nhìn thấy hết những tâm tư này. Có những tâm tư rải rác một vài câu thơ, đoạn thơ. Chứ không thể nói một tác phẩm nào đó phản ảnh được tất cả những vấn đề đó.
“Nếu khởi đầu sáng tác của mình tôi bắt đầu bằng tình yêu đôi lứa, thì đến tập thứ bảy kết thúc thi tập tôi cũng kết thúc bằng tình yêu của người thi sĩ đối với nhân loại, với dân tộc. Tôi đã tưởng tượng rằng Thi Sĩ là Người Tình Đầu của nhân loại. Thượng đế đã hình thành sự sống đầu tiên của con người trên trái đất qua hình ảnh của một thi nhân ban phát tình yêu cho mọi người bằng thi ca”.
Độc giả yêu thích thơ có thể đến tham dự buổi ra mắt thi tập “Cung Trầm Tưởng - một hành trình thơ (1948-2008)” vào ngày 21-7-2012 này, để giúp những người yêu thơ Cung Trầm Tưởng sẽ một lần nữa được trải nghiệm trước những mảnh ghép muôn màu của cuộc sống, tình yêu, tình người… qua những vần thơ tinh tế và sâu sắc của ông. Để rồi độc giả hôm nay hiểu được vì sao những vần thơ của ông lại lưu dấu sâu đậm trong tâm thức của thanh niên Việt Nam những năm thập niên 1950, để mãi đến nay, vẫn vẹn nguyên giá trị của vẻ đẹp ngôn từ và cảm xúc. - (BH)

Buổi giới thiệu thi phẩm

“Cung Trầm Tưởng - một hành trình thơ (1948-2008)”
2 giờ chiều Thứ Bảy, 21-7-2012
Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St, Phòng 222, Westminster
Vào cửa tự do


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT