Hoa Kỳ

Cuộc chiến cho đạo luật kiểm soát vũ khí sẽ đi về đâu?

Hoài Mỹ/Viễn Đông Thursday, 07/03/2013 - 07:59:47

Nhiều cuộc thăm dò ý kiến sau thảm kịch-Newtown cho biết mức gia tăng đáng kể trong tỷ số người vốn mong muốn có các đạo luật khắt khe hơn về vũ khí ở Hoa Kỳ.

Hoài Mỹ/Viễn Đông

WASHINGTON - Sáng Thứ Sáu, ngày 14-12-2012, cả thảy 20 trẻ em trong hạn tuổi 6 - 7 và 6 giáo viên đã bị bắn chết ở trường tiểu học Sandy Hook ở thành phố Newtown, tiểu bang Connecticut. Trong bài diễn văn tưởng niệm các nạn nhân vô tội này, Tổng Thống Barack Obama đã nhấn mạnh: “Chúng ta không thể chấp nhận điều này nữa”. Và ông hứa: “Lời nói phải đưa tới hành động”.
Thảm kịch ở Newtown đã làm dấy lên những cuộc tranh luận về vấn đề tư nhân sở hữu vũ khí mà bản hiệu đính Hiến Pháp đã cho phép công dân Hoa Kỳ được mang vũ khí. Đài Sky News trong bản tin Chủ Nhật, ngày 16 tháng Chạp, loan báo về nhiều cuộc biểu tình diễn ra ở bên ngoài trụ sở chính của hội National Rifle Association (NRA). Josh Nelson, trưởng ban tổ chức tuyên bố: “Hơn bất cứ những người nào khác, NRA phải chịu trách nhiệm về sự kiện 12,000 người bị giết mỗi năm bởi vũ khí”. Nhiều yếu nhân vốn được biết trước đây vẫn ủng hộ việc mang vũ khí, nay đã thay đổi lập trường liên quan đến việc kiểm soát vũ khí. Nghị Sĩ Mark Warner của tiểu bang Virginia nhân dịp này đã phát biểu với Washington Post: “Tình trạng hiện nay bất khả chấp nhận. Tôi có 3 đứa con gái; tối Thứ Sáu vừa rồi, các cháu hỏi tôi là tôi đã nghĩ đến những gì để làm cho việc này. Điều có thể làm là đạt được những sự hạn chế hợp lý, đặc biệt việc liên quan đến loại vũ khí tự động”.
Nhiều cuộc thăm dò ý kiến sau thảm kịch-Newtown cho biết mức gia tăng đáng kể trong tỷ số người vốn mong muốn có các đạo luật khắt khe hơn về vũ khí ở Hoa Kỳ.

Ủy Ban soạn thảo một dự luật mới về vũ khí
Đặc biệt, Tổng Thống Barack Obama đã đề cử một ủy ban trong chính phủ với trọng trách soạn thảo một tân dự luật về vũ khí ở Hoa Kỳ, gồm cả những giải pháp quan hệ đến việc ngăn chận, đề phòng các “sự cố” như ở Newtown. Chính Phó Tổng Thống Joe Biden đích thân điều hành công việc này.
Việc soạn thảo dự luật được hoạch định hoàn tất vào tháng Giêng năm 2013 và sau đó sẽ được Tổng Thống chuyển ngay sang Quốc Hội để hai viện thảo luận và biểu quyết.
Tổng Thống Obama cũng sẽ bị lệ thuộc vào việc những người Cộng Hòa thay đổi lập trường trong cuộc thảo luận này; tuy nhiên tới nay vẫn chưa người nào biểu lộ dấu hiệu cùng loại như của các đồng viện Dân Chủ. Một đạo luật qui định việc kiểm soát vũ khí là một trong những kế hoạch chủ yếu, sôi bỏng - ngang hàng với một tân đạo luật về di dân hoặc quan trọng không kém kế hoạch cải cách y tế - trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng Thống Barack Obama.
Như trên đã nói, vấn đề về việc kiểm soát vũ khí vốn là sự đáp ứng cho việc tránh khỏi những thảm kịch như vậy, cũng đã được bàn cãi mãnh liệt ở Hoa Kỳ sau vụ thảm sát ở Newtown. Guồng máy cứu trợ những vấn đề y tế tâm thần cũng đã trở thành một phần trong việc tranh luận..

NRA cũng dấn thân vào cuộc tranh luận
Trước phản ứng dữ dội của dư luận, chỉ sau một tuần lễ xẩy ra thảm kịch ở Newtown, NRA (The National Rifle Association), một tổ chức rất có thế lực trong hầu hết lãnh vực, cách riêng trong phạm vi kinh tế và chính trị, cũng tự nguyện dấn thân vào cuộc tranh luận rộng rãi trên toàn lãnh thổ vế các đạo luật vũ khí nghiêm ngặt hơn.
NRA vào hạ tuần tháng Chạp năm ngoái đã hoạch định cách thức mà tổ chức sẽ phải thích ứng với những đòi hỏi về các đạo luật về vũ khí nghiêm ngặt hơn và như thể nhằm chuyển hoán tình cảnh sau vụ thảm sát 20 em học sinh và 7 người lớn.
Trong một bản tuyên cáo, NRA xác quyết rằng tổ chức hiện đã “sẵn sàng cung ứng những sự đóng góp đầy ý nghĩa” trong công việc ngăn chận những thảm kịch mới giống như vụ ở trường tiểu học Sandy Hook.
Đúng một tuần lễ sau thảm kịch ở Newtown, NRA lần đầu tiên đã mở một cuộc họp báo trong một khách sạn đối diện với tòa Bạch Ốc. Phó Chủ Tịch của tổ chức, Wayne LaPierre, đã đưa ra đề nghị vũ trang cho các cảnh vệ ở các học đường Hoa Kỳ. Lời giãi bầy của Lapierre: “Phương cách duy nhất ngăn chận một 'bad guy' có một khấu súng lục là một 'good guy' với khẩu súng”.
Đề nghị này đã gặp phán ứng chỉ trích khốc liệt, và nhiều người đã nêu rõ là quyền lực đáng kể của NRA và mối liên kết của họ với kỹ nghệ vũ khí thật sự chính là vấn đề và tổ chức vẫn ngăn cản việc cải cách cần thiết.

561 trẻ em bị giết bởi vũ khí ở Hoa Kỳ
Gần như để hỗ trợ cho mục tiêu việc chào đời một đạo luật mới về việc vũ khí ở Hoa Kỳ mà nhiều tài liệu liên quan đến vấn đề đã được tung ra nhân dịp này. Điển hình là thông tấn xã Associated Press (AP) dựa vào nguồn FBI's Uniform Crime Reports, loan tin: 561 trẻ em đã bị giết bởi súng ống trong khoảng thời gian 2006 và 2010.
Con số lớn lao trên đây không bao gồm các vụ trẻ em tử vong vốn được định nghĩa là tai nạn. Việc cứu xét mà AP đã thực hiện về sự kiện tử vong của trẻ em bởi vũ khí trong mấy năm qua, cho thấy không chỉ ở các “khu nhà lá” phức tạp tại các thành phố lớn mà trẻ em bị bắn ở trong các thành phần xã hội Hoa Kỳ. Các em dường như không còn được an toàn ở các thôn quê, thị xã, các vùng ngoại ô, các khu vực người Da Đỏ, các xóm lao động người da mầu... Chỉ nội trong năm qua, nhiều thảm kịch đã gây tai hại cho các trẻ nhỏ và gia đình của chúng: Luke Schuster (6 tuổi) đã bị giết cùng lượt với nhiều thân nhân ruột thịt ở New Town, North Dakota. John Devine Jr. và Jayden Thompson, cả hai em đều mới lên 6 tuổi, đã bị giết ở Kentucky và tại Tesax. Veronica Moser-Sullivan (6) bị giết trong vụ thảm sát tập thể trong một rạp chớp bóng ở thành phố Aurora, tiểu bang Colorado. Kammia Perry (5) bị chính cha ruột của em giết ngay trước cửa nhà của gia đình ở Cleveland...
Ben Jealous, Chủ Tịch trong phong trào tranh đấu dân quyền rất giầu uy tín NAACP (National Association for the Advancement of Colored People) - đã phát biểu với thông tấn xã AP: “Nay đã rõ rệt là không thành phần nào của xã hội chúng ta có thể tự bảo vệ mình đối với sự phạm pháp bằng vũ khí hoặc trước thảm trạng con cái của chúng ta bị bắt cóc. Cuối cùng thì chúng ta chỉ còn có thể trông vào việc tranh luận rộng rãi ở khắp nơi”.

Đạo luật cũ nghiêm cấm vũ khí ở Hoa Kỳ đã không hiệu nghiệm
Năm 1994, Hoa Kỳ đã chấp thuận việc nghiêm cấm loại vũ khí quân đội bán tự động (tiếng anh: Assault Weapons). Kết quả này là do việc một người đàn ông 20 tuổi, hồi tháng Giêng 1989, đã bắn giết 5 đứa trẻ tuổi từ 6 đến 9, ở một trường tiểu học tại tiểu bang California. Hung thủ đã sử dụng một khẩu súng bán tự động. Ngoài 5 em nhỏ chết, vụ nổ súng này còn gây cho 29 người khác bị thương.
Sau thảm kịch trên, Nghị Sĩ Dân Chủ Howard M. Metzenbaum đã tuyên bố mạnh mẽ: “Dân chúng Hoa Kỳ đã chán ghét hệ quả tử vong và bạo lực do các vũ khí ấy gây nên. Họ đòi hỏi hành động”.
Thế nhưng phải mất 5 năm việc nghiêm cấm mới khởi sự được thực hiện. Tổ chức vũ khí NRA thế lực đã đặt các trở ngại vật trên tiến trình, trong khi các chính khách thì lại quá lo lắng, căng thẳng. Nhật báo New York Times viết: “Khi cuối cùng người ta đã đạt được việc thông qua, thì đó lại là một đạo luật vốn đầy dẫy những sự thỏa hiệp. Điều này là một trong những động lực mở đường cho hệ quả đạo luật bị hủy bò vào năm 2004”.
Một cuộc điều nghiên năm 2004 do University of Pennsylvania thực hiện với sự tài trợ của bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, xác nhận là việc nghiêm cấm này, kể cả việc nghiêm cấm những ổ đạn có thể chứa trên 10 viên đạn, đã chỉ có một sự hiệu nghiệm rất hạn chế đối với sự phạm pháp về vũ khí.
Theo cuộc nghiên cứu kể trên, một phần của vấn đề là những “luật trừ” trong đạo luật. Chẳng hạn những khẩu súng và ổ đạn nào vốn đã được sản xuất trước năm 1994 thì được miễn bị cấm. Hệ quả đưa tới hệ quả trên 1,5 triệu khẩu súng mà theo đạo luật mới ấy, thoát khỏi “vòng cấm tỏa định mệnh” để tha hồ tung hoành.
Một sự thứ thách lớn lao khác nữa là việc định nghĩa thứ “Assault Weapons” của những người làm luật khiến nền kỹ nghệ vũ khí vẫn có thể tiếp tục làm loại vũ khí giống những thứ đã bị cấm.
Nhiều tiểu bang cũng đã thực nghiệm các loại khác nhau về việc nghiêm cấm vũ khí. Trong khi đó các nhà sản xuất vũ khí đã thành công trong việc thích nghi vũ khí nhờ họ biết vượt qua các “lỗ hổng” của đạo luật.
Theo thông tấn xã AP, hiện có khoảng trên 300 khẩu súng ngắn ở Hoa Kỳ. Việc truy cập súng ống dễ dàng và việc sở hữu chỉ gặp sự đòi hỏi nhỏ nhoi. Sau vụ thảm sát ở Newtown và sau việc chính phủ Obama soạn thảo dự luật kiểm soát vũ khì thì số lượng tiêu thụ súng đạn ở Hoa Kỳ đã lên “như diều gặp gió”. Nay có thể đa phần người ta ủng hộ biện pháp thu hẹp việc truy cập loại vũ khí tự động và các ổ đạn lớn, tuy nhiên đồng thời nhiều người Mỹ lại đặt tự do được tự chọn lựa của họ trước tự do bị nguy cơ.


New York biểu quyết đạo luật vũ khí khắt khe hơn

Ngày 15-01-2013, Thống Đốc Andrew Cuomo của New York đã đặt bút ký một trong những đạo luật về vũ khí nghiêm ngặt nhất ở Hoa Kỳ. Đạo luật này đứng hạng đầu có hiệu lực sau vụ thảm sát ở trường học tại Connecticut.
Đạo luật này bao hàm việc nghiêm cấm hoàn toàn việc mua bán loại vũ khí tấn công của quân đội, việc giới hạn số lượng viên đạn và các biện pháp mới trong việc lưu giữ vũ khí xa tầm tay những người mắc chứng tâm thần.
Các dân biểu ở Hạ Viện tiểu bang đã biểu quyết với 104 phiếu thuận, 43 phiếu chống. Hiện còn chờ sự thông qua nữa của Thượng Viện tiểu bang. Ông Cuomo thuộc đảng Dân Chủ đã sử dụng áp lực để đạo luật được biểu quyết thông qua nhanh chóng.


Phó Tổng Thống Joe Biden “trình làng” các qui tắc về vũ khí

Trưa Thứ Năm, ngày 10-01-2013, Phó Tổng Thống Joe Biden đã trình bày trong một buổi họp báo tại thủ đô Washington những đề nghị của ủy ban do ông điều hành nhằm ngăn chận những thảm kịch nổ súng khác nữa ở Hoa Kỳ. Ông Biden nhiều lần đã nhấn mạnh rằng cho dù người ta không thể thực hiện được tất cả những điều người ta mong muốn, nhưng không gì ngăn cản được việc người ta làm được điều gì đó.
Qua một khoản đề nghị, ông Biden đã xác quyết là sự củng cố mạnh mẽ hơn việc kiểm tra căn bản của những người được mua vũ khí. Hiện nay việc trao đổi vốn quá tồi tệ giữa các tiểu bang về các chi tiết liên quan đến cá nhân.
Vẫn có cơ hội mua vũ khí trên “internet” hay các nhân các cuộc triển lãm vật dụng cũ mà không có chuyện xem xét “background”. Ủy ban của ông Biden cho rằng trên 40% việc bán vũ khí ở Hoa Kỳ diễn ra ở bên ngoài hệ thống kiểm tra quá trình, do đó họ đã đề nghị cải thiện mạnh mẽ việc kiểm soát này.
Trong tiến trình làm việc, Phó Tổng Thống cho biết Ủy Ban đã nhận được sự cộng tác của các nhân viên y khoa, từ các thân nhân của nạn nhân súng đạn và của các nhà hoạt động cho các nguyên tắc khắt khe hơn về vũ khí ở Hoa Kỳ.
Sau ngày trên, Tổng Thống Obama đã chuyển trình dự luật này cho Quốc Hội sau Chủ Nhật và Thứ Hai, ngày 20 và 21 tháng Giêng, ông tuyên thệ cho nhiệm kỳ Tổng Thống thứ nhì của ông. Nhân dịp này ông cho rằng những đề nghị rất hợp lý, bởi vì “nó nghiêm cấm vũ khí tự động và thực thi việc kiểm soát nghiêm ngặt hơn quá trình của những người mong muốn sở hữu vũ khí”. Tổng thống nhấn mạnh: “Nếu một vài biện pháp trong tất cả biện pháp này có thể cứu được chỉ một đứa trẻ mà thôi khỏi sự kiện như đã xẩy ra ở Newtown, thì chúng ta vẫn nên thực hiện”.

Chống đối và trì hoãn
-NRA đứng đầu cuộc chống đối những đề nghị thay đổi của hai ông Obama và Biden. NRA là một tổ chức hoạt động hành lang rất thế lực vốn hành động tích cực chống lại việc hạn chế vũ khí ở Hoa Kỳ. Một phần quan trọng của chiến lược là “góp phần” về tài chanh cho các Nghị Sĩ và Dân Biểu “thân thiện”. 213 trong số 535 của Quốc Hội Hoa Kỳ vẫn nhận sự “góp phần” của NRA cho chiến dịch. 196 trong con số ấy là Cộng Hòa; 8 người ngồi ở Thượng Viện. Trang điện tử thông tin Politico.no loan tin là NRA nay đã phái các tay hoạt động hành lang của tổ chức trở lại Capitol Hill để tìm cách xoay chiều sự chú ý nhắm vào các công việc làm mà kỹ nghệ vũ khí cung cấp.
-Hiện vẫn không chắc chắn là khi nào Quốc Hội mới có thể bắt đầu thảo luận những đề nghị ấy. Lãnh tụ phe thiểu số ở Thượng Viện, Mitch McConel (Cộng Hòa) đã tuyên bố là trong 3 tháng tới đây, người ta phải dành ưu tiên cho vấn đề kinh tế, chẳng hạn việc cắt giảm ngân sách và đặt được việc gia tăng nợ nần váo tầm kiểm soát.
-Một cuộc thăm dò ý kiến của Pew Research Center (ngày 13 tháng Giêng) cho biết 58% người Mỹ ủng hộ việc nghiêm cấm loại súng bán tự động, trtong khi 54% ủng hộ việc cấm những loại ổ chứa đạn lớn.

Đường đi còn dài...
Lãnh tụ phe đa số ở Thượng Viện, ông Harry Reid, phát biểu: “Điều có nghĩa là không nhất thiết là tất cả những đề nghị ấy phải được biểu quyết ở mức độ liên bang”. Trước ngày Phó Tổng Thống Joe Biden “trình làng” bản dự luật nói trên, Thượng Nghị Sĩ Reid đã tỏ ra hồ nghi việc một dự luật về vũ khí nghiêm ngặt hơn sẽ thâu được đa số phiếu ủng hộ ở Hạ Viện, nơi đảng Cộng Hòa chiếm đa phần, nhưng ông cho rằng dự luật này có thể vượt qua tuyến đường Thượng Viện vốn do phe Dân Chủ kiểm soát. - (HM)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT