Người Việt Khắp Nơi

Cựu Đại Sứ Bùi Diễm nói về lý do làm chính trị

Vũ Phương-Dung/Viễn Đông Wednesday, 29/02/2012 - 11:12:20

Ở Mỹ, người ta làm chính trị chuyên nghiệp, còn mình thì vì bổn phận phải làm để đối với đất nước, môi trường mình sinh sống.

Vũ Phương-Dung/Viễn Đông


Cựu Đại Sứ Bùi Diễm tại thư viện nhật báo Viễn Đông trưa 21-02-2012 
ảnh: Vũ Phương-Dung/Viễn Đông

WESTMINSTER, California - Trong chuyến viếng thăm Little Sài Gòn vừa qua, cựu Đại Sứ Bùi Diễm đã ghé đến tòa soạn nhật báo Viễn Đông vào trưa Thứ Ba, ngày 21-02-2012. Mặc dù vừa đáp một chuyến bay dài từ nơi miền Đông nước Mỹ, tiểu bang Maryland, tham dự nhiều buổi hội thảo, thu âm, thu hình, cựu Đại Sứ Bùi Diễm năm nay đã 90 tuổi nhưng trông khỏe mạnh, phong độ và lịch lãm. Cùng đến tòa soạn với cựu Đại Sứ Bùi Diễm là Tiến Sĩ Đinh Xuân Quân, hiện đang cộng tác với Viễn Đông qua những bài bình luận đăng trên trang Diễn Đàn, mục “Vận Nước - Lòng Dân” do nhà báo Võ Long Triều điều hợp hàng tuần vào ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật.
Trong lúc đàm đạo với chủ nhiệm và tổng thư ký tòa soạn bên chén trà nóng, một câu hỏi được đặt ra với cựu Đại Sứ Bùi Diễm, đó là: “Bây giờ đã vào tuổi 90, khi nhìn lại, ông có điều gì vẫn còn tiếc nuối và điều gì làm ông cảm thấy hài lòng nhất?”.
Rất điềm đạm, cựu Đại Sứ Bùi Diễm trả lời: “Khi nói về tiếc nuối hay hài lòng thì tôi không dám nói, nhưng tôi nghĩ rằng, mình đi qua cuộc đời như một chuyện thản nhiên. Nhiều người cứ bảo rằng, mình có thể định đoạt được cuộc đời của mình, nhưng theo kinh nghiệm cá nhân thì chẳng ai định đoạt được cả, toàn những hoàn cảnh đưa mình đến mọi trường hợp mà không ai biết trước. Thành thử ra, trong những hoàn cảnh đó, nếu mình làm được đầy đủ bổn phận, trách nhiệm và giữ được nhân cách thì lúc cuối đời cũng có thể nói, đó là điều đáng mừng. Còn nuối tiếc, thì có nhiều thứ để nuối tiếc. Thứ nhất là mình không còn đất mà phải ra sống ở hải ngoại. Nhưng còn có cái may là xứ này, dân tộc này còn cho mình cơ hội sống cuộc đời tự do, mặc dầu lòng vẫn hướng về đất nước, quê hương.
“Những người như thế hệ tôi, sau năm 1975 đi ra nước ngoài, một trinh dính túi cũng không có, ai cũng phải đi làm nuôi vợ con. Sau một thời gian đầu khó khăn như vậy, không những chỉ riêng đời sống cá nhân mà còn buồn thảm lắm khi nghĩ đến những người tù tội trong các trại cải tạo. Nhưng rồi đời cũng vẫn tiến! Người Mỹ thường nói: Life goes on, một triết lý tôi ngẫm nghĩ mãi và áp dụng trong đời sống, và cho rằng người Mỹ nói câu ấy, tuy lạnh nhưng mà giỏi! Cuộc đời cứ đi như thế, rồi tương đối mỗi người cũng tạm ổn định tình thế cá nhân.
“Với giới trẻ tôi thường nói rằng, thế hệ tôi đã bị thời cuộc đã đưa đẩy vào cuộc phiêu lưu cách mạng. Riêng các anh em trẻ, nay cuộc sống dễ dàng, đầy đủ, chỉ xin bỏ chút thì giờ nghĩ đến quê hương đất nước, kiên nhẫn, sửa soạn cho tương lai một ngày nào đó. Nếu làm được vậy là đủ trách nhiệm của giới trẻ trong tương lai. Như mấy ngày gần đây, nhạc sĩ Việt Khang, một người trẻ đã làm được những bài thật cảm động và các người trẻ đã cảm thấy mình có bổn phận phải ủng hộ những người bên nhà.
“Lúc trước, trong những buổi nói chuyện tại các trường đại học, các anh chị em sinh viên thường hỏi tại sao tôi hay nói đến những chuyện làm chính trị? Nếu tôi là công dân của một nước có đời sống an lành như Thụy Sĩ chẳng hạn, không có chuyện gì xảy ra thì tôi chẳng thích bàn về vấn đề chính trị. Nhưng tôi lại sống trong một đất nước đè đầu, bắt nạt, ép tôi đủ điều thì tôi cảm thấy cần phải có một cái gì để chống đỡ lại. Đó cũng là phản ứng tự nhiên của con người, chứ không phải là làm chính trị. Ở Mỹ, người ta làm chính trị chuyên nghiệp, còn mình thì vì bổn phận phải làm để đối với đất nước, môi trường mình sinh sống. Bây giờ không còn là thế hệ 40, mà là năm 2000, tôi rất vui mừng khi thấy tuổi trẻ dấn thân vào, không phải là làm chính trị, nhưng đóng góp vào những việc cho tương lai đất nước”. - (VĐ)
Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT