Người Việt Khắp Nơi

Điều trị và đối phó với chứng trầm cảm trong cộng đồng Việt Nam

Vanessa White/Viễn Đông Thursday, 08/03/2012 - 08:54:58

... những truyền thống như thế khẳng định và chứng minh cho nền văn hóa Việt Nam, tự bản chất chứa đựng được một giá trị nào đó về trị liệu.

Vanessa White/Viễn Đông

QUẬN CAM, California – Ông Tách Văn Trương bước vào phòng đợi của một bệnh viện tâm thần nội trú của địa phương. Ông ngồi xuống, rồi thông báo cho một người lạ ngồi ghế bên cạnh biết rằng mình đang mắc chứng trầm cảm. Ông nói tiếp ông mang bệnh như vậy từ năm 1983 đến nay, và nói thêm rằng chứng trầm cảm làm cho ông không tài nào ngủ được, và ngoài chuyện thân tình về thể lý thì ông không có được nhiều cách thức lựa chọn nào khác để đối phó với bệnh tình. Ông Tách nói: “Tôi đang bệnh”, ngừng lại một lát, rồi cho biết thêm rằng ông đang tìm kiếm sự hỗ trợ mình đang cần tới.


Nơi thờ tự, những nếp văn hóa truyền thống cũng là rường cột giúp người ta chống đỡ với những vấn đề tâm lý. Trong hình là Chùa Thiên Hậu ở Los Angeles với những cành đào nở bung đón Xuân 2012 - ảnh: Nick Út (gửi riêng cho Viễn Đông)

Tiến Sĩ Suzie Xuyến Đông-Matsuda, một người tình nguyện tham gia hoạt động cộng đồng và có chuyên môn về sức khỏe tâm thần, nói với nhật báo Viễn Đông rằng chứng trầm cảm là một căn bệnh trầm kha nơi những người Mỹ gốc Việt, và bà đang chứng kiến một hiện tượng gia tăng số lượng những người thành niên tìm kiếm sự giúp đỡ cho bệnh trầm cảm, bên trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại khu vực Little Saigon của Quận Cam. TS. Xuyến Đông nói: “Họ muốn có được sự giúp đỡ”. Bà cho biết thêm rằng các đài phát thanh Việt Ngữ địa phương và những nhà chuyên môn về sức khỏe tâm thần đang tạo ra một sự khác biệt trong cộng đồng này, bằng cách giáo dục hướng dẫn cho các thành viên biết về những hậu quả xảy ra do chuyện người ta không chịu đi tìm sự hỗ trợ. “Hiện nay thì người ta có thái độ cởi mở hơn với chuyện này”. Bà nói tiếp rằng sự cởi mở của cộng đồng diễn ra song song với cách giải quyết “cấp tiến” mà những nhà chuyên môn về sức khỏe tâm thần áp dụng đối với các bệnh nhân của họ.
TS. Xuyến Đông nói với nhật báo Viễn Đông rằng, cùng với những chuyên gia khác về y tế tâm thần trong cộng đồng, bà tách biệt chứng bệnh ra khỏi người bệnh. Trong khi vẫn tránh gọi các bệnh nhân là những người bị bệnh tâm thần, hoặc bị trầm cảm, thay vì vậy TS. Xuyến Đông nhắc nhở những người bệnh rằng căn bệnh ấy chỉ là một phần của bản thân họ mà thôi, và có thể trị được. Bà nói: “Người ta vẫn có thể đảm nhận lấy trách nhiệm trong cuộc sống”. Bà nói thêm rằng bà bảo các bệnh nhân là họ có thể sống cuộc đời mình một cách đầy ý nghĩa, bất chấp chứng bệnh trầm cảm mà mình đang mang. “Họ có thể là người đảm trách lấy cuộc sống của chính họ”.
TS. Xuyến Đông tin rằng với sự hướng dẫn của một vị bác sĩ, các bệnh nhân của bà phải phụ trách lấy chính việc chữa trị cho mình, tạo điều kiện gia tăng sự liên lạc giữa các bác sĩ và bệnh nhân. Bằng cách làm điều này, bà cảm thấy các bệnh nhân dấn thân tham gia tích cực nhiều hơn và có thêm được sức lực khí thế. Bà công nhận rằng những bệnh nhân của bà trong cộng đồng Little Saigon đều gặp may mắn, nhờ mạng lưới văn hóa của họ. Bà cho biết rằng những người Mỹ gốc Việt nào sinh sống trong những khu vực không có nhiều người Việt hiện diện, thì họ khó mà tìm thấy được sự giúp đỡ như thế, vì họ có thể thiếu thốn những nhà chuyên môn về sức khỏe tâm thần nói được ngôn ngữ của họ, và vì vậy thậm chí họ có thể không có những cơ hội để được hướng dẫn cho biết về chứng bệnh trầm cảm.
Tương tự như vậy, chuyện sinh sống trong một cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng không bảo đảm rằng chắc chắn họ có được sự giáo dục hướng dẫn và khả năng đến với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Chẳng hạn, trong năm 2011, Quận Santa Clara, nơi có đông người Việt sinh sống, đã công bố một bản phúc trình, mang tựa đề “Tình Trạng Sức Khỏe Người Việt Nam”, cho thấy rằng tính cứ 3 người Mỹ gốc Việt cảm thấy mình cần phải gặp một chuyên gia về sức khỏe tâm thần, thì chỉ có một người thực sự gặp được một nhà chuyên môn như thế. Có ba lý do hàng đầu, giải thích chuyện tại sao người ta không đi tới gặp một chuyên gia sức khỏe tâm thần: một là không biết phải đi đến chỗ nào để chữa bệnh, hai là cảm thấy không chắc chắn về chuyện bảo hiểm của mình có bao trả cho việc chữa trị hay không, và ba là không có đủ khả năng tài chánh để lo điều trị.

Vẫn cứ đứng vững
TS. Xuyến Đông nói với nhật báo Viễn Đông rằng có một sức dẻo dai uyển chuyển hết sức lớn trong cộng đồng những người Mỹ gốc Việt Nam. Các tôn giáo như Phật Giáo, Cao Đài, Công Giáo và Tin Lành, cũng như những nền linh hạnh tu đức và đạo thờ cúng tổ tiên, đều chính là một ít phương thức giúp cho cộng đồng này đương đầu đối phó với khổ đau sầu muộn. Bà nói thêm rằng những truyền thống và Tết nhất, lễ lạc hàng năm cũng nằm trong số những cách thức như vậy. TS. Xuyến Đông nhắc đến chuyện người chết được thờ kính vào những dịp Tết Nguyên Đán của người Việt Nam vào mùa Đông, và năm nào cộng đồng này cũng tổ chức kị giỗ tưởng nhớ những người thân yêu đã khuất bóng. Bà nói với Viễn Đông: “Đó chính là những cơ chế ứng phó”.
TS. Xuyến Đông nói thêm rằng những truyền thống như thế khẳng định và chứng minh cho nền văn hóa Việt Nam, tự bản chất chứa đựng được một giá trị nào đó về trị liệu. Bà nói tiếp rằng sự hỗ trợ vô điều kiện của gia đình cũng được nối kết với nền văn hóa Việt Nam, và có tính cách hữu ích trong những khi người ta gặp phải khổ đau hoặc trầm cảm. TS. Xuyến Đông nói thêm rằng các gia đình người Việt thường nâng đỡ về mặt tài chánh và cảm xúc cho những thân nhân trong nhà, vào những lúc họ gặp phải gian nan khốn khó.
Tuy nhiên, bà cũng nói thêm rằng những thế hệ người Mỹ gốc Việt trẻ hơn, đang lớn lên tại Hoa Kỳ, thường có xu hướng vạch ra những đường ranh giới rạch ròi giữa chính mình và gia đình, và tới mức độ nào đó thì những người trẻ này thậm chí cố gắng tìm cách tự tách ra khỏi nền văn hóa của tổ tiên. Bà nói: “Cộng đồng này đã trải qua muôn nghìn nỗi. Điều ấy có thể gây thiệt thòi tổn hại cho họ”. - (VW)

Đây là bài thứ tư do ký giả Vanessa White viết, trong một loạt bài liên tiếp về nguồn gốc của chứng trầm cảm trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Loạt bài này là một phần trong chương trình MetLife Foundation Journalists in Aging Fellowship, một dự án của New America Media và Gerontological Society of America.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT