Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Hành trình về nguồi cội Việt Nam và hào khí con cháu Lạc Hồng

Băng Huyền/Viễn Đông Friday, 12/08/2011 - 08:15:56

Chương trình có sự tham gia của hơn 100 “diễn viên” không chuyên nghiệp, vốn là những Hoa hậu, Á hậu của một số chương trình Hoa Hậu Áo Dài tại hải ngoại, các bạn trẻ sinh viên, học sinh và thân nhân,

 

Đêm diễn “Hành Trình về Đất Mẹ qua Y Phục Phụ Nữ sắc lụa”

Băng Huyền/Viễn Đông



Hoạt cảnh “Tiếng Trống Mê Linh” thời Hai Bà Trưng trong đêm “Hành Trình về Đất Mẹ qua Y Phục Phụ Nữ sắc lụa” ngày 6-8-2011 - ảnh do Viện Việt Học cung cấp.


Tối Thứ Bảy, ngày 6 tháng 8, năm 2011 tuần qua, rất đông đồng hương Việt Nam, với đủ ba thế hệ và vài người bạn ngoại quốc, đã có mặt tại rạp hát Saigon Performing Arts Center, thành phố Fountain Valley, cùng thưởng thức show trình diễn độc đáo “Hành Trình về Đất Mẹ qua Y Phục Phụ Nữ sắc lụa”, do nhà vẽ kiểu, nhà văn-thơ, nhà giáo Trần Thị Lai Hồng, dàn dựng, hướng dẫn thực hiện, biên soạn, kết hợp cùng Viện Việt Học tổ chức. Với sự hỗ trợ của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, ban Thanh Nhạc Lê Hồng Quang…

Chương trình có sự tham gia của hơn 100 “diễn viên” không chuyên nghiệp, vốn là những Hoa hậu, Á hậu của một số chương trình Hoa Hậu Áo Dài tại hải ngoại, các bạn trẻ sinh viên, học sinh và thân nhân, các võ sinh, các cộng tác viên, thiện nguyện viên, nghệ sĩ thân hữu… của Viện Việt Học. Có người nói tiếng Việt thành thạo, có người chỉ nói được chút ít và cũng có người chỉ nói được vỏn vẹn vài tiếng bập bẹ, ngọng líu ngọng lịu, nhưng trong ánh mắt, trong giọng nói, trong nụ cười và trong trái tim của họ, quê hương Việt Nam, nguồn cội dân tộc vẫn mãi thiêng liêng, gần gũi...


Đó chính là sợi dây kết nối mọi người lại bên nhau, cùng góp sức trong mỗi vai diễn, để tái hiện lại các giai đoạn lịch sử của quê hương Việt Nam, bằng các hoạt cảnh, hợp xướng, trình diễn thời trang qua các y phục của nhiều giai đoạn lịch sử…


Trong khoảng 3 giờ đồng hồ, ban tổ chức, các nghệ sĩ, diễn viên và người xem đã có những giờ phút khá dễ chịu, mọi người cùng ngồi xuống bên nhau, cùng bái vọng về chốn linh thiêng, nơi bắt đầu cho sự mở mang một quốc gia tương truyền có bốn ngàn năm văn hiến...

Dẫu rằng chương trình còn rất nhiều lỗi, nhưng vượt lên hết, tinh thần của đêm diễn, khí phách hào hùng một Việt Nam dựng nước và giữ nước của ông cha thưở xưa, của những người con “ly hương” cùng nhau tìm về nguồn cội, để thấy mọi người trong mình và mình được bao bọc trong tình ruột thịt đồng bào - con cháu Lạc Hồng, đã đủ sức níu giữ khán giả ngồi kín rạp hát, ở lại đến tận phút cuối.

* Vẫn còn những điểm chưa hoàn hảo


Ngay từ phút mở màn, sau ca khúc Tình Ca (nhạc sĩ Phạm Duy) do ca sĩ Lê Hồng Quang trình diễn, câu chuyện Con Rồng Cháu Tiên với cảnh chuyện trò của ba bà cháu, đẹp như tranh vẽ, bà kể cháu nghe huyền sử Văn Lang tự ngàn xưa lung linh huyền ảo. Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ sinh ra trăm trứng nở trăm con. Bà nhắc lại thời đại các vua Hùng và nước Văn Lang, dấu thiêng huyền sử với chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt.


Nhưng tiếc thay, câu chuyện đã gây không ít bối rối cho chính ba “diễn viên” và người thưởng thức, bởi phần nhép miệng của ba diễn viên theo câu chuyện đã được thâu sẵn, đã không khớp với nhau.


Điều này cũng xảy ra nhiều lần với các hoạt cảnh sau đó.

Có lúc, màn sân khấu phải được khép lại để xin lỗi khán giả, hoạt cảnh Hội Nghị Diên Hồng được diễn lại, vì phần thu sẵn đã phát ra, mà diễn viên vẫn chưa kịp xuất hiện, để diễn.

Nhiều “diễn viên” khoác lên mình y phục truyền thống Việt Nam, y phục cung đình Huế, y phục Nam Phương Hoàng Hậu, áo dài... nhưng lại có những bước đi như các “người mẫu” trên sàn diễn thời trang ngoại quốc, khiến cảm xúc người xem ít nhiều bị vơi đi theo những bước chân quá “hiện đại”...


Tuy “Hành Trình về Đất Mẹ qua Y Phục Phụ Nữ sắc lụa” còn nhiều khiếm khuyết, nhưng sau mỗi màn diễn, những tiếng vỗ tay của khán giả vẫn luôn luôn vang lên ngân dài, để khích lệ tinh thần các nghệ sĩ, diễn viên.


Bởi ai cũng hiểu rằng, đây không phải là chương trình của những nghệ sĩ chuyên nghiệp, họ đều bận bịu với gia đình, việc làm, nhưng vẫn dành thời gian hiếm hoi của mình để cùng luyện tập suốt nhiều tháng qua. Tất cả tâm sức của ban tổ chức và diễn viên cùng hợp lại, chỉ với ước mong góp phần tạo một môi trường có nhiều thế hệ Việt Nam ngồi lại bên nhau, tạo nên sinh hoạt, để bắt nhịp cầu cho người trẻ sanh ra nơi hải ngoại, hiểu và gìn giữ nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Để các em sẽ dùng nó làm hành trang, tiếp tục đem tài năng của mình đóng góp xây dựng cho cộng đồng và cho đất nước (trong tương lai).


* Chương trình với nhiều sắc màu văn hóa, tôn vinh hồn thiêng dân tộc qua y phục phụ nữ


27 tiết mục, với Hoạt Cảnh Trống Đồng Ngọc Lũ, Phụ nữ Mường, sắc tộc nói tiếng Việt xưa, Phụ nữ Thái Thượng du Bắc Việt, Phụ nữ Bahnar Cao nguyên miền Trung, Hội Hoa Đăng và áo dài cài bên trái, Mẹ Gánh Tình Quê, Tát Nước Đầu Đình, Đám Cưới Thời Xưa, Dạ Cổ Hoài Lang, Đêm Gành Hào Nhớ Điệu Hoài Lang, Nụ Tầm Xuân trẩy hội… Nhà vẽ kiểu, nhà văn-thơ, nhà giáo Trần Thị Lai Hồng, đã dàn dựng, biên soạn, khi thì đưa khán giả về với lịch sử và huyền thoại thời đại Hùng Vương đan dệt, hòa quyện, mơ mà thực, thực mà mơ. Với những bài sử cổ – những truyền thuyết xa xưa đầy thổn thức, đồng vọng trong ký ức nhiều người.


Lúc lại dẫn mọi người đến với núi rừng Tây Nguyên, với các lễ hội, sinh hoạt của đồng bào dân tộc, nơi cội nguồn của những nhạc cụ độc đáo ngân vang giữa đại ngàn.


Chương trình còn nhắc đến những vị nữ lưu trong văn học xưa như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Thị Lộ, Bà Huyện Thanh Quan, bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Những nhà văn, nhà báo nữ cận đại với kiến thức và lòng dũng cảm, tôn vinh cái đẹp: Nữ sử Đạm Phương, Sương Nguyệt Anh, Phan Thị Bạch Vân...


Những vị anh thư nước Việt trong quá trình giữ nước và dựng nước: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, nữ đô đốc Bùi Thị Xuân…


Khán giả được thưởng thức những lời ca, điệu múa, những trang phục rất đặc trưng của ba miền Bắc – Trung – Nam, những cô gái Kinh Bắc trong chiếc áo tứ thân mớ ba mớ bảy, tay cầm quai thao, cất tiếng hát ngọt ngào, vấn vương níu giữ lòng người, những người mẹ quê miền Trung tảo tần quang gánh; những y phục cung đình Huế của Hoàng Hậu Nam Phương. Hay giây phút lắng sâu cảm xúc trong Dạ Cổ Hoài Lang, Đêm Gành Hào Nhớ Điệu Hoài Lang đậm sắc màu miền Nam.

Chương trình cũng không quên nhắn nhủ mọi người gia đình - tổ ấm bình dị thân thương ấy là bến bờ hạnh phúc, là nơi trú ngụ bình yên nhất cho mỗi chúng ta trước sóng gió cuộc đời. Qua hoạt cảnh Đám Cưới Ngày Xưa duyên dáng, truyền thống, với hai họ đàng trai, đàng gái. Hay Đám Cưới Hiện Đại tươi vui.


Những bài hát sử ca, những khúc hát dân ca… được trình bày bởi những giọng hát live nhiều cảm xúc của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, các nhóm ca Sóng Xanh, Cát Trắng, song ca Như An-Vương Lan, ca sĩ Lê Hồng Quang…


Chương trình còn tôn vinh chiếc áo dài Le Mur vang danh của họa sĩ Cát Tường, được tái tạo theo mẫu vẽ đăng trên báo Phong Hóa, cách đây gần cả trăm năm. Người họa sĩ không chỉ vẽ kiểu áo làm đẹp cho phụ nữ mà ông còn viết bài đăng trên báo Ngày Nay, Đẹp, xuất bản tại Hà Nội đầu thập niên 1930, hướng dẫn các bà các cô cách ăn mặc, cách cư xử, thể dục, mở mang kiến thức... sao cho xứng danh người phụ nữ thời thế.


Khi giới thiệu đến khán giả thời trang áo dài thời Đông Dương, áo dài thời Cộng Hòa, áo dài tay Raglan… nhà vẽ kiểu, nhà văn thơ, nhà giáo Trần Thị Lai Hồng không nằm ngoài mục đích: “Dù màu sắc đậm chói hay dịu mát, ngay bằng hàng vải thô sơ, hay tơ gấm lụa là, vạt áo có ngắn cũn hay dài thượt, thân áo nhỏ hẹp hay rộng rãi, cổ áo có cao kín hay để hở, bộ áo dài Việt Nam vẫn là sự kết hợp của chân thiện mỹ, không những nói lên nhân sinh quan Việt Nam, mà còn gói kín tinh thần Việt Nam: dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng chỉ tiếp nhận tinh hoa mà gạn lọc cặn bã, tô bồi thêm nét đẹp mà vẫn giữ cá tính độc lập.


Áo dài Việt Nam là niềm kiêu hãnh của người Việt Nam. Chính vì vậy mà người Việt vẫn yêu quý tà áo Việt, nhất là thế hệ trẻ lưu vong trong sứ mạng gìn vàng giữ ngọc”.


Và bà đã thiết tha kêu gọi: “Chúng ta ra đi, mang theo quê hương trong tâm hồn và trái tim, chúng ta xa quê hương mang theo chiếc áo dài, chiếc áo dài tôi mặc và một số áo dài quý vị thấy ở phần sau cùng trong chương trình, đều cài bên trái, không cài bên phải. Chúng ta phải gột bỏ dấu vết nô lệ Tàu trên chiếc áo dài, tôi xin kêu gọi chị em phụ nữ hãy mặc áo dài cài bên trái, chúng ta phải gột bỏ sự đồng hóa của Tàu khỏi chiếc áo dài của chúng ta”.

Những tràng vỗ tay hưởng ứng, đồng tình của khán giả đã vang lên không ngớt.

* Thắp nén hương lòng tưởng vọng ân đức người xưa…


Tùng, tùng, tùng, tùng… những hồi trống dân tộc vang vọng gọi về. Cả rạp hát như mênh mông dồn vang theo từng hồi trống. Thời gian như chùng lại, trang trọng và linh thiêng.


Tiếng Trống Việt Nam dồn dập. Tiếng Trống giục vang từng hồi. Những tay trống của các bạn trẻ Việt Nam trong kịch thơ Tiếng Trống Mê Linh như vọng về tự ngàn xưa, như thúc giục mọi người về lại với hào khí của những bản hùng ca vang dậy non sông.


Tiếng trống làm cho lòng người càng thêm rộn rã, qua hình tượng hai nữ anh hùng dân tộc - Hai Bà Trưng.


Hai bà đã viết nên trang sử vẻ vang trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt. Hai phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của toàn dân Âu Lạc chống lại thế lực phong kiến phương Bắc vào năm 40 sau công nguyên.

Các diễn viên trong vai Trưng Trắc, Trưng Nhị, những võ sinh của võ đường Bát Nhã… với màn múa kiếm, múa gậy, múa cờ, các động tác theo nhịp trống thúc giục liên hồi, tùng tùng tùng… như hơi thở của hồn thiêng sông núi, chạm đến tận sâu trái tim người nghe, lâng lâng, lan tỏa.


Hoạt cảnh “Hội Nghị Diên Hồng” thời nhà Trần trong đêm “Hành Trình về Đất Mẹ qua Y Phục Phụ Nữ sắc lụa” ngày 6-8-2011 - ảnh do Viện Việt Học cung cấp.

Với hoạt nhạc kịch Hội Nghị Diên Hồng - chương trình đã tái hiện không khí của hội nghị được tổ chức trước thềm điện Diên Hồng vào tháng Chạp năm Giáp Thân 1284.


Là hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các phụ lão trong cả nước, để trưng cầu ý dân: nên đánh hay nên hòa.


Ca khúc hùng tráng Hội Nghị Diên Hồng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lay động lòng người, thúc giục:

 
 
Toàn dân nghe chăng! Sơn hà nguy biến
 
Hận thù đằng đằng! Biên thùy rung chuyển
 
Tuôn dày non sông rền vang tiếng vó câu
 
Gây oán nghìn thu
 
.......
 
Trông quân Nguyên tàn phá non sông nhà
 
Đoạt thành trì toan xéo dày lăng miếu
 
Nhìn bao quân thoát lấn xâm tràn nước ta
 
Ôi núi sông nhà rền tiếng muôn dân kêu la
 
Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến
 
Quyết chiến!
 
Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến

Quyết chiến!


Tổ quốc lâm nguy, sơn hà nguy biến, hiểm họa mất nước dường như chắc chắn. Tại Hội Nghị Diên Hồng, các bô lão quyết định: quyết chiến.


Hội nghị đã kết nối được hàng trăm anh hùng hào kiệt khắp trong thiên hạ, cùng toàn dân một lòng hun đúc, khẳng khái đứng lên vì nghĩa lớn! Nhiệt huyết của họ phải chăng đã thấu tận trời xanh?


Và không phải một, mà là ba lần, cha ông ta đã đánh thắng đoàn quân chưa từng nếm mùi thất bại - Vó ngựa viễn chinh quân Mông Cổ bị chặn đứng, ngay tại biên giới Đại Việt!
 
Quyết chiến luôn
 
Cứu nước nhà
 
Nối chí dân hùng anh
 
Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
 
Hy sinh!
 
Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
 
Hy sinh!
……


Những trái tim Việt Nam cảm nhận được thân phận người dân của “thế nước yếu” và ý nghĩa cao cả của hai chữ “hy sinh”, khi hai tiếng ấy vang lên như một.
 

Khí thế năm xưa đã lan rộng đến bao trái tim Việt Nam “ly hương”, để thêm tự hào với hào khí của cha ông và càng nhức nhối với hiện thực ngày nay, trước họa xâm lăng của Trung Cộng, cùng sự bạt nhược của nhà cầm quyền Việt Nam.
 

* Không chỉ là hoài niệm về quê hương
 

Những người thực hiện “Hành Trình về Đất Mẹ qua Y Phục Phụ Nữ sắc lụa” và người thưởng thức, không chỉ trao gửi nhau một hành trình thương nhớ quê nhà và hào khí của cha ông.
 

Hành trình thương nhớ không chỉ là hoài niệm, mà còn đang ở phía trước.


Chương trình chỉ là cái cớ, là một nhịp cầu liên kết những trái tim, những người con Việt Nam nơi hải ngoại, với ba thế hệ nối tiếp trong âm vang của huyền sử Văn Lang, của hào khí dân tộc Đại Việt và ước mong sẽ về dựng xây quê hương khi cộng sản không còn.


Tất cả đồng ca “Việt Nam Việt Nam” cùng khán giả trong đêm “Hành Trình về Đất Mẹ qua Y Phục Phụ Nữ sắc lụa” ngày 6-8-2011 - ảnh do Viện Việt Học cung cấp.

Hai bản nhạc Việt Nam Minh Châu Trời Đông của nhạc sĩ Hùng Lân và Việt Nam Việt Nam (nhạc sĩ Phạm Duy) đã khép lại đêm diễn, như một lời nhắn gửi hẹn hò, những người con Việt sẽ cùng về quê hương thân yêu trong thanh bình, độc lập, tự do. - (BH)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT