Điện Ảnh, Nghệ Thuật

“Hành Trình Viễn Xứ”

Băng Huyền/Viễn Đông Friday, 13/01/2012 - 08:52:30

Tôi không muốn cào xé lại vết thương đó để mọi người thêm đau lòng.

Băng Huyền/Viễn Đông

Bìa của DVD “Hành Trình Viễn Xứ”

Không phải ngẫu nhiên, mà sau 36 năm, kể từ ngày chiến tranh Việt Nam chấm dứt, Sài Gòn bị thất thủ, những ca khúc về sự hy sinh của người lính Việt Nam Cộng Hòa, về tình yêu của người lính, nỗi nhớ về hậu phương, khát khao hòa bình... vẫn có một sức sống bền bỉ và một chỗ đứng vững chắc trong lòng người yêu nhạc. Bởi mỗi ca khúc là một lời tâm tình làm nao lòng người nghe, không giáo huấn, không hô hào cứng nhắc, mà là sự tái hiện chân thực, giàu cảm xúc về những người lính VNCH, người yêu, người vợ, người con của lính, nỗi niềm của những người dân… của những nghệ sĩ, nhạc sĩ trước năm 1975.
Một chương trình vừa ra DVD đã góp vào việc vinh danh và tri ân sự hy sinh của những người lính VNCH, và để những thế hệ của ngày hôm nay nơi hải ngoại có thể cảm nhận được phần nào những trang sử của dân tộc được thấm bằng mồ hôi, máu xương và nước mắt của các thế hệ cha anh, để họ ý thức được cái giá của cuộc sống bình yên, hạnh phúc mà mỗi người đang thụ hưởng nơi xứ tự do này.

Thông điệp chương trình và nội dung thể hiện
Nghệ sĩ Đỗ Thanh, chủ nhân của Đỗ Thanh Entertaiment, đã thực hiện chương trình “Hành Trình Viễn Xứ” trực tiếp thu hình cách nay hơn 3 tháng và đã phát hành DVD phổ biến rộng khắp các tiểu bang tại Hoa Kỳ, Úc, Canada… vào thời gian vừa qua.
Nghệ sĩ Đỗ Thanh nói với người viết: “Giá trị hai tiếng tự do trong Hành Trình Viễn Xứ là thông điệp lớn nhất mà tôi muốn gửi gắm. Nếu thế hệ trẻ thấy được giá trị hai tiếng tự do thì chắc chắn Việt Nam sẽ phồn thịnh trong tương lai”.
Đỗ Thanh Entertaiment đã không chọn biến cố 30 tháng 4 năm 1975 để khởi đầu cho “hành trình viễn xứ” của người Việt ly hương, mà mở đầu chính là chuyến đi vào năm 1306 của Huyền Trân - nàng công chúa quốc sắc thiên hương đời Trần - đã dâng hiến tình yêu cho giang sơn gấm vóc, tới chốn xa xôi tháp cổ nắng gió làm hoàng hậu Chiêm Thành. Và Huyền Trân cũng là người con gái đầu tiên của nước Đại Việt đã qua cửa ải ngăn cách giữa hai nước để theo chồng, để đổi lấy sính lễ từ Vua Chế Mân hai châu Ô, Lý, khiến đất đai của Đại Việt lên được tới đỉnh Hải Vân Sơn cao ngất sát Biển Đông. Miền đất Ô, Lý này được Vua Trần Anh Tôn sai tướng Đoàn Nhữ Hài tới tiếp nhận và đổi tên là Thuận-Hóa năm 1307.
Ca khúc “Huyền Trân Công Chúa” (sáng tác Nguyễn Hiền) do ca sĩ Thúy Hằng trong vai Huyền Trân thể hiện, cùng màn múa minh họa nhiều màu sắc do vũ đoàn Việt Cầm đảm nhận, là một hoạt cảnh mở đầu cho DVD “Hành Trình Viễn Xứ”. Khúc ca ai oán của nàng công chúa nơi cung cấm, giũ bỏ hết để bước chân vào cuộc hành trình viễn xứ mà đền nợ nước non. Ca khúc này là dịp những người thực hiện “Hành Trình Viễn Xứ” tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam, những người phụ nữ luôn luôn vì nước vì non, tiếc chi thân mình, mà công chúa Huyền Trân là một điểm son buồn trong lịch sử của dân tộc Việt. Từ những câu hát mang âm điệu trầm buồn và da diếc, “Huyền Trân Công chúa” như gieo vào lòng người nghe những thổn thức của nỗi nhớ miên man vẫn như vang vọng từ ngàn xưa đến tận ngày nay.
Phần dàn dựng trong “Hành Trình Viễn Xứ” không được qui mô với những tài liệu cũ. Người xem sẽ không tìm thấy các đoạn phim tài liệu về biến cố lịch sử, về những làn sóng di tản, vượt biên tìm tự do, những người Việt tỵ nạn ngơ ngác bước chân ra khỏi quê hương điêu tàn, túa ra sống trên bao nhiêu đất nước xa lạ… Hoặc những công cuộc định cư lập nghiệp vượt qua bao trở ngại khó khăn trên xứ người; những đại diện cho thế hệ thứ hai gốc Việt đã thành nhân và thành danh nơi hải ngoại, những sinh hoạt của các cộng đồng người Việt tại hải ngoại… như những trung tâm khác đã thực hiện.
“Hành Trình Viễn Xứ” chỉ được kể lại bằng những ca khúc và những màn múa minh họa của các diễn viên vũ đoàn Việt Cầm, vũ đoàn Đỗ Thanh Entertainment trong những trang phục theo từng bối cảnh của ca khúc, như những hình ảnh minh họa cho nhạc cảnh. Hoặc một số hình ảnh con thuyền ba lá, cảnh sắc Việt Nam trên phông của sân khấu. Giải thích điều này, nghệ sĩ Đỗ Thanh nói với người viết: “Tôi không muốn khơi lại những vết thương đã lành, dù nó đã thành sẹo. Tôi không muốn cào xé lại vết thương đó để mọi người thêm đau lòng. Để minh họa cho các ca khúc, tôi chỉ gợi lại một chút phơn phớt nào đó, như trong bài Chiều Trên Phá Tam Giang, phía sau có hình con thuyền nhỏ bị sóng đánh lật. Đây chỉ là những hình ảnh nhè nhẹ, man mác thôi”.
Dù phần hình ảnh tài liệu, lời dẫn trong chương trình của một số MC chỉ đưa được một chút nhè nhẹ cảm xúc cho người xem vào “Hành Trình Viễn Xứ”, nhưng thành công của DVD này chính là một số ca khúc trước 1975 được chọn đưa vào trong số 38 bài hát của toàn bộ chương trình dài hơn 3 tiếng đồng hồ, đã nhắc nhớ nhiều điều cho người xem. Những nỗi đau rất thật của dân tộc tưởng đã chôn vùi với thời gian, nhưng nó vẫn còn nhức nhối trong trái tim nhiều người Việt lưu vong, qua những giai điệu ballad và boléro ngọt ngào, qua những giai điệu quê hương ca ngợi người lính VNCH, ghi dấu một thời binh lửa trước năm 1975.
Cũng như các sử gia viết nên những trang quân sử, các nhạc sĩ đã dùng khuông nhạc ghi lại hành trình cuộc chiến, những mất mát hy sinh của những người mẹ, người vợ Việt Nam, của những người trai Việt Nam. Những ca khúc ấy là những chứng nhân qua âm nhạc. Nếu sách sử được lưu trữ trong kho tàng văn khố quốc gia, thì những bản nhạc “Chuyện một chiếc cầu đã gãy” (Trầm Tử Thiêng), “Trên bốn vùng chiến thuật” (Trúc Phương), “Những đốm mắt hỏa châu” (Hàn Châu), “Chiều trên phá Tam Giang” (Sáng tác Trần Thiện Thanh, lời Tô Thùy Yên), “Vết đạn thù trên tường vôi trắng” (Trần Thiện Thanh), “Cánh buồm chuyển biến” (Hoài Linh), “Thuyền viễn xứ” (Phạm Duy), “Có bao giờ em hỏi” (Phạm Duy), “Biết bao giờ trở lại” (Ngô Thụy Miên), “Lá thư miền Trung” (Sáng tác Lam Phương, lời Hồ Đình Phương)… đi vào kho tàng nhạc Việt về một phần lịch sử đã qua của miền Nam Việt Nam, dẫu những chiến binh VNCH vì thời cuộc đã thất bại, nhưng lý tưởng mà họ đeo đuổi vẫn bất diệt với thời gian... Và chính tính phổ thông của âm nhạc, dễ ghi sâu vào lòng người, loan truyền mau lẹ và mạnh mẽ hơn cả sử sách.
Bằng nhiều cung bậc cảm xúc, những ám ảnh, những trăn trở, những nỗi đau chia cắt của những mối tình mong manh trong thời chiến, những giọt nước mắt của người mẹ già, người vợ trẻ khóc người tử sĩ, hay sự cảm thông với nỗi xót xa của người dân xứ Huế, cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã sáng tác "Chuyện một chiếc cầu đã gẫy", đâu chỉ nuối tiếc cho một nhịp cầu vô tri, mà đã chia sẻ niềm đau, với hơn bốn ngàn gia đình Huế trong những nấm mồ tập thể. Hàng chục ngàn đồng bào cả nước, bị bức tử tức tưởi ngay trong giờ phút linh thiêng nhất của mùa xuân Mậu Thân 1968…

Vài nét cần ghi nhận
Một chút lắng sâu hoài niệm, một chút sôi động, một chút trẻ trung, một chút nồng nàn. Mỗi một chút đó trong từng tiếng hát đã đong đầy cảm xúc cho người xem những phút giây lắng lòng lắng nghe chuyện kể “Hành Trình Viễn Xứ” của người Việt ly hương.
Ngoài hai giọng ca vang danh một thời đã đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả là Lê Uyên (Chiều trên phá Tam Giang, Khi xa Sài Gòn) và Trang Thanh Lan (Cánh buồm chuyển bến), còn có sự góp mặt của tiếng hát Mạnh Quỳnh, Diệp Thanh Thanh, Mai Vy, Đỗ Thanh, các ca sĩ trẻ như Hồng Loan - Bảo Lộc, Thảo Ly, Dương Bửu Trung, Vi Vi Ngọc Yến, Hoàng Thanh - Thảo Sương, Minh Hiếu, Xuân Lan, Đỗ Khải An, Phan Duy Thành, Đan Phương, Duy Linh, Hà Ngọc Nhung, Hoàng Tuấn Việt… Dẫu những giọng hát trẻ này vẫn chưa đủ bản lĩnh và tài năng để thay thế những ca sĩ đàn anh đàn chị như Duy Khánh, Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Nhật Trường, Thanh Lan… từng thể hiện những ca khúc này trước đây, nhưng họ vẫn ít nhiều tạo được cảm xúc cho người thưởng thức. Mỗi khúc hát vang lên chính là một phần tình yêu thương những ca sĩ trẻ gửi đến khán giả tri âm. Với sức trẻ, luôn luôn chịu khó học hỏi, cùng chất giọng đã có, tiếng hát của những giọng ca trẻ như Đỗ Thanh, Phan Duy Thành, Đỗ Khải An, Bảo Phương, Dương Bửu Trung… sẽ còn tiến xa, vì họ còn rất nhiều thời gian và cơ hội để nuôi dưỡng và để đạt được những ước mơ!
Đỗ Thanh chia sẻ: “Rất mong khán giả hãy ủng hộ đĩa gốc của DVD này, chính tấm lòng của khán giả dành cho DVD và Đỗ Thanh Entertainment là một khích lệ quý giá cho những anh em nghệ sĩ trẻ tại hải ngoại tiếp tục gìn giữ tiếng Việt, tâm hồn Việt, văn hóa Việt qua những nhạc phẩm Việt Nam, gửi đến quý khán giả thân thương của mình”.
DVD “Hành Trình Viễn Xứ” giá 20 Mỹ kim, hiện đã có bán tại các đại lý băng đĩa nhạc, hoặc liên lạc tại địa chỉ 9361 Bolsa Ave #107, Westminster, CA 92683. Điện thoại: 949-233-8621. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT