Người Việt Khắp Nơi

Hiệp Hội Ngành Móng Tay Việt Mỹ chính thức hoạt động trong cộng đồng

Băng Huyền/Viễn Đông Saturday, 03/03/2012 - 11:28:51

Theo Luật Sư Mike Võ cho phóng viên Viễn Đông biết, sau thời gian khoảng 13 tháng thực hiện các thủ tục xin giấy phép, nay Hiệp Hội Ngành Móng Tay Việt Mỹ đã chính thức ra đời.

Băng Huyền/Viễn Đông


Ông Đàm Phước, chủ nhân của công ty Queen Nail, là phát ngôn viên của hiệp hội ngành
nail Việt Mỹ VANA - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

WESTMINSTER - Tối Thứ Năm, ngày 1-3-2012 vừa qua, tại nhà hàng Royal thành phố Westminster, đã diễn ra buổi ra mắt của Hiệp Hội Ngành Móng Tay Việt Mỹ VANA (Vietnamese American Nail Association), với sự tham dự của nhiều quan khách như Thượng Nghị Sĩ Lou Correa (California), Phó Thị Trưởng Tạ Đức Trí (thành phố Westminter), Ủy Viên Hội Đồng Giáo Dục Westminster Sergio Contreras… cùng các chuyên viên trong ngành móng tay, những nhà sản xuất các sản phẩm trong ngành móng tay, nhà cung cấp sản phẩm, chủ tiệm móng tay...
Mở đầu chương trình, Luật Sư Mike Võ, chủ tịch của Hiệp Hội Ngành Móng Tay Việt Mỹ VANA, đã gửi lời cảm tạ quan khách tham dự và cho biết tầm quan trọng của sự ra đời một hiệp hội ngành móng tay.
Theo Luật Sư Mike Võ cho phóng viên Viễn Đông biết, sau thời gian khoảng 13 tháng thực hiện các thủ tục xin giấy phép, nay Hiệp Hội Ngành Móng Tay Việt Mỹ đã chính thức ra đời. Đây là một tổ chức bất vụ lợi với mục tiêu phục vụ kỹ nghệ ngành nail trên toàn quốc Hoa Kỳ. Văn phòng chính tọa lạc tại Quận Cam, là nơi hội tụ đông nhất của những người hành nghề nail chuyên nghiệp gốc Việt. Tôn chỉ của hiệp hội là cung cấp thông tin bằng song ngữ Mỹ-Việt, tập trung những vấn đề chính yếu như học hỏi về ngành nail, cách sử dụng sản phẩm, những luật lệ hiện hành, những thủ tục pháp lý về ngành nail, cũng như những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe trong nghề nail.
Hiệp hội VANA có những chủ trương hoạt động như thiết lập mạng lưới thông tin liên lạc giữa các thành viên của hội và các cơ quan liên quan của chính phủ Hoa Kỳ, ủy ban thanh tra giám sát trong ngành thẩm mỹ (State Board), Bộ Lao Động, ủy ban an toàn lao động và sức khỏe, ủy ban kiểm tra thực phẩm và hóa chất, ủy ban bảo vệ môi trường.


Ông Kevin Phạm chủ trì chương trình Việt Nail TV 
ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Ngoài ra, VANA còn đề xướng những chương trình hướng dẫn giáo dục về nail, đề ra những phương cách an toàn phù hợp với luật lệ của tiểu bang và liên bang; phổ biến những tin tức liên quan đến vấn đề hướng dẫn giáo dục như là những nghiên cứu khoa học, xã hội, luật pháp, cũng như những dự án có ảnh hưởng đến ngành thẩm mỹ nói chung và ngành nail nói riêng trên toàn quốc Hoa Kỳ; phổ biến rộng rãi những chương trình phòng ngừa và chữa trị những căn bệnh nghề nghiệp của ngành nail cho hội viên. Bên cạnh đó, hiệp hội VANA còn giúp đỡ và cố vấn cho hội viên những vấn đề liên quan đến luật pháp hiện hành, chống lại những vụ kiện cáo không có bằng chứng hữu hiệu qua những phương cách pháp lý cho phép của luật pháp.
Thẻ hội viên của VANA được mở rộng cho những công ty sản xuất sản phẩm ngành nail, các công ty cung cấp và các tiệm nail, các trường dạy nghề nail và các thợ nail, học viên ngành nail… với thủ tục ghi danh đơn giản, điền đơn có sẵn trên trang nhà của VANA www.vnana.org. Lệ phí 1 năm dành cho thợ là 25 Mỹ kim, công ty về mỹ phẩm… cao nhất là 500 Mỹ kim.
Có mặt tại buổi ra mắt này, TNS. Lou Correa đã gửi lời chúc mừng và tặng bằng tưởng lục cho hiệp hội. Ủy Viên Hội Đồng Giáo Dục Sergio Contreras cũng gửi lời chúc cho sự ra đời của hiệp hội VANA.
Phó Thị Trưởng Tạ Đức Trí, với cương vị là tổng thư ký trong 6 năm qua của Việt Salon Magazine, một tạp chí chuyên ngành móng tay viết bằng song ngữ Mỹ-Việt, cho biết ông hiểu được khá nhiều những thử thách cũng như quan tâm của những người làm trong ngành móng tay, và tầm quan trọng của hiệp hội móng tay đối với cộng đồng làm móng tay, ông hy vọng hiệp hội móng tay sẽ được sự đón nhận và ủng hộ của tất cả mọi người.
Nói với phóng viên Viễn Đông, Phó Thị Trưởng Tạ Đức Trí cho rằng: “Tại California theo tôi biết, có khoảng 80 phần trăm số lượng người làm móng tay là người gốc Việt. Còn theo con số cách nay vài năm trên toàn nước Mỹ, có hơn 40 phần trăm thợ nail là người Việt Nam. Vai trò của tôi là trong ban cố vấn cho hiệp hội, nên cũng muốn giúp và hỗ trợ cho chuyên viên trong ngành móng tay hiểu thêm những luật lệ cần thiết từ huấn nghệ cho tới học hỏi những kỹ thuật mới, cũng như những luật lệ mới trong ngành, để có thể tránh đi những sự phiền phức trong tương lai. Tôi tin rằng ban lãnh đạo và ban điều hành hiệp hội móng tay sẽ có chương trình kêu gọi mọi người tham dự bằng cách vào thành viên, từ đó họ sẽ chia sẻ những tin tức trong ngành móng tay với nhau.


Bà Trần Mai, chủ nhân của hãng Nail 2000, thành viên cũ của hiệp hội các nhà sản xuất ngành
nail thành lập cách nay 13 năm đã không còn hoạt động, nay là thành viên của hiệp hội VANA 
ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

“Tôi tin tưởng hiệp hội móng tay sẽ có những buổi hội thảo, hoặc những chương trình huấn nghệ để giải thích cho các chuyên viên trong ngành hiểu được những độc hại của hóa chất, làm cách nào để bảo vệ sức khỏe các chuyên viên trong ngành móng và sức khỏe khách hàng qua những việc làm theo đúng luật lệ của tiểu bang California”.
Trong buổi ra mắt của hiệp hội, bà Thuần Lê, chủ nhân của tiệm móng tay Brentwood West (tại Santa Monica) đã kể lại câu chuyện về lịch sử ngành dịch vụ làm đẹp và nghề làm móng của người Mỹ gốc Việt bắt đầu từ năm 1975. Khi đó, nữ diễn viên Tippi Hedren, nổi tiếng qua vai diễn trong phim “The Birds” của Alfred Hitchcock, đã sắp xếp cho 20 người Việt tị nạn được học và đào tạo để trở thành những thợ làm móng, để họ trở thành nhân tố cốt lõi của ngành công nghiệp trên khắp cả nước Mỹ, ngành giờ đây đã phát triển thành hàng chục ngàn tiệm làm móng do các chủ tiệm là người Mỹ gốc Việt điều hành. Bà là một trong 20 người đó, mà nhật báo Viễn Đông đã đăng một loạt bài phóng sự về sự ra đời của ngành nail trên xứ Mỹ, trong đó có bài phỏng vấn bà.


Phó Thị Trưởng Tạ Đức Trí của thành phố Westminster tặng bằng tưởng lục cho Luật Sư Võ
Mike, chủ tịch hiệp hội VANA - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Bảy thành viên trong ban điều hành của hiệp hội VANA cũng đã lên chào quan khách và các hội viên và chia sẻ những cố gắng của bản thân giúp hiệp hội phát triển trong tương lai.
Ông Đàm Phước, chủ nhân của công ty Queen Nail, là phát ngôn viên của hiệp hội VANA và thành viên của chương trình Việt Nail TV chia sẻ thêm với phóng viên Viễn Đông: “Chúng tôi rất phấn khởi trong ngày hôm nay dù buổi này chỉ để giới thiệu ban chấp hành, mà đã đông đủ như thế này. Chúng tôi nghĩ đây là con đường tốt đẹp cho VANA đi tiếp trong tương lai. Chúng tôi thiết tha kêu gọi mọi người hãy cùng góp tay, để hiệp hội có tiếng nói mạnh mẽ hơn. VANA sẽ như một gạch nối cần thiết giữa các chủ tiệm nail, người thợ nail với người bán sản phẩm nail, công ty sản xuất sản phẩm nail… Nếu không có người này, thì không có người kia, và làm sao để mình ngồi chung lại với nhau, để cho ngành nail sống lâu dài, và tránh những rắc rối với State Board…
“Song song với VANA, chúng tôi có chương trình Việt Nail TV do anh Kevin Phạm là người đưa ra ý tưởng và mời một số người chuyên trách một số nhiệm vụ như truyền đạt kinh nghiệm đã có cho những người đi sau. Có 6 người tham gia trong chương trình này, tập trung về giáo dục nhiều hơn.
“Chương trình này dài 30 phút, sẽ chiếu trên đài Little Saigon TV 57.7 dự kiến ban đầu sẽ là hai tuần 1 lần. Chương trình sẽ giới thiệu về những luật lệ của State Board do tôi chịu trách nhiệm, tôi sẽ nói về 10 vi phạm mà tất cả chủ tiệm nail và thợ nail sẽ tránh được.
“Ngoài ra trong chương trình còn có phần giới thiệu các sản phẩm trong ngành nail và những hóa chất độc hại cần tránh. Với tình hình kinh tế Hoa Kỳ và thế giới vẫn còn trì trệ và suy thoái trầm trọng, các tiệm nail cũng bị ảnh huởng chung. Do đó chương trình còn hướng dẫn phương thức thật hiệu quả để gia tăng lợi tức cho chủ nhân và người thợ…
“Ngoài ra các hội viên gia nhập hiệp hội có thắc mắc gì về luật thì LS. Mike Võ sẽ giải đáp. Chương trình Việt Nail TV sẽ phổ biến toàn nước Mỹ và Canada. Trong tương lai, Việt Nail TV sẽ hỗ trợ cho VANA để có nhiều thành viên thì VANA mới bành trướng được. Đó là đường đi của VANA và Việt Nail TV, đi song song”.


Thượng Nghị Sĩ Lou Correa tặng bằng tưởng lục cho đại diện hiệp hội VANA 
ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Hiệp hội ngành nail ra đời, muộn còn hơn không
Bà Tina Lê, chủ nhân của tiệm Arttopnails và Tina Salon & Supply cho biết: “Đối với đa số những người có tiệm nail, những kinh nghiệm của họ với các thanh tra của ngành này được diễn tả là rất sợ hãi. Tôi làm chủ tiệm khoảng 25 năm rồi, có lần bị State Board xuống kiểm tra tiệm, ghi phạt, rất vô lý, do bồn spa tôi mới nhận về tối hôm trước, vẫn chưa dùng, sáng hôm sau đã bị họ đến kiểm tra và phạt do dơ, dù tôi đưa giấy cho họ xem là mới nhận hàng… Những thanh tra thường đến kiểm soát một cách bất thình lình, họ đến vào khoảng 9 hay 10 giờ sáng và sẽ kiểm tra tất cả mọi chi tiết trong tiệm nail bất kể giờ giấc, bất kể khách hàng, đôi khi ngay trong lúc các nhân viên đang làm việc, tạo sự căng thẳng và bất an cho những người trong tiệm. Nếu có hiệp hội bảo vệ cho mình thì rất tốt. Tôi có kêu gọi bạn bè gia nhập làm hội viên của VANA”.
Bà Trần Mai, chủ nhân của hãng Nail 2000 có tại Hoa Kỳ từ đầu năm 1976, cho biết cách nay 13 năm, bà là một trong những thành viên của hiệp hội do các chủ nhân sản xuất sản phẩm ngành nail thành lập, khi đó ông Võ Tùng (cha của LS. Võ Mike) làm chủ tịch, nhưng hoạt động không hiệu quả, nay ông Tùng đã mất, LS. Võ Mike đã gánh trách nhiệm cao quý này. Bà rất hoan nghênh, vì theo bà muộn vẫn còn hơn là không, bởi vì “người Việt Nam chúng ta trong ngành này rất lớn, chiếm khoảng 80 phần trăm trong cả cộng đồng Việt, vậy thì sao chúng ta lại không có hiệp hội. Thật ra hiệp hội rất cần thiết vì có nhiều lý do, thứ nhất là nói lên tinh thần đoàn kết của người Việt Nam tại hải ngoại này. Đoàn kết về tinh thần của một dân tộc, và cũng là sự đoàn kết tinh thần của một nghề nghiệp, từ các ngành nghề trong ngành nail. Hiện nay người Việt Nam chúng ta hầu như có mặt đủ hết trong các ngành nghề nail, từ sản xuất, cung cấp, tiệm, thợ, trường dạy nghề…
“Trong tình thế hiện tại thì có quá nhiều chuyện xảy ra vì mình là người Việt Nam vi phạm luật, vì mình không phải không biết luật, do có nhiều chuyện mình cần phải lên tiếng... Cũng có phạm luật, nhưng cũng có trường hợp bị oan ức, cũng có thể là bị kỳ thị...
“Dĩ nhiên cá nhân sẽ không bao giờ mạnh bằng khi có một hiệp hội ngành của mình. Có tiếng nói danh chánh ngôn thuận thì dù sao đi nữa sẽ bảo vệ mình với luật pháp. Bên cạnh sự bùng nổ khi đăng trên báo chí truyền thông của Mỹ về người Việt Nam có quá nhiều vấn đề vi phạm. Không ai bênh vực cho nhau hết và cũng không ai giải thích được chuyện làm của mình và pháp lý của Mỹ trong State Board (hội đồng giám sát ngành nghề của tiểu bang) trong ngành nail này”.
Vì vậy, bà cho biết bà sẽ tiếp tục làm thành viên ủng hộ cho hiệp hội mới thành lập này.
Để biết thêm chi tiết và gia nhập vào hiệp hội VANA, quý độc giả có thể vào trang nhà www.vnana.org hoặc gửi email info@vnana.org. Địa chỉ liên lạc: 14082 Magnolia St, Suite 212, Westminster, CA 92683. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT